Đá

Đá "khủng" đè người: Những tiếng kêu xé trời nơi xóm nhỏ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Tiếng khóc đau thương của đàn con nhỏ nhà anh Nhẹ khiến cả làng nghẹn ngào. Bé Tấn Phát ôm di ảnh anh Lèo đòi cha làm người mẹ ngất lên ngất xuống.

Cách đó không xa, cô nữ sinh Thiên Ngân nức nở bên quan tài cha... Những ngày qua, cả xã Bàn Long chìm trong tang thương, ai cũng xót xa cho những nạn nhân xấu số trong vụ đá lở thảm khốc ở núi Cấm (An Giang).

Xã hội - Đá 'khủng' đè người: Những tiếng kêu xé trời nơi xóm nhỏChị Hằng (vợ anh Lèo) ôm con trai khóc nức nở.

Ngày định mệnh

"Sau tiếng cây rừng gãy ầm ầm, bỗng tôi nghe có tiếng "rầm rập", rồi "đùng" một cái..." - Anh Phạm Minh Tâm (ngụ ấp Long Hòa, xã Bàn Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), người sống sót sau vụ lở đá bàng hoàng kể lại.

"Thoạt đầu, tôi nghĩ xe của chúng tôi đang lao thẳng vào một chiếc xe nào đó chạy ngược chiều. Khi tỉnh lại, tôi thấy người ươn ướt, chân tay cứng đơ như tê liệt.

Trong lúc choáng váng, tôi nghe có tiếng người xôn xao: "Xe xẹp lép thế này thì chết hết rồi còn gì, gọi công an giao thông đi". Lúc ấy, tôi mới nhận ra thứ ươn ướt trên người là máu của anh Võ Văn Lý (một nạn nhân trong vụ lở đá -PV).

Lấy hết sức tàn, tôi hét lớn: "Cứu tui với" rồi một lúc lịm đi. Khi tỉnh dậy, tôi mới nhận ra chiếc xe vừa bị tai nạn, máu của anh Lý thấm đẫm trên người tôi. Giờ tôi mới nhớ ra là mẹ mình không đi cùng xe.

Trong chốc lát, tôi hết lo. Bấy giờ cảm giác đã trở lại với tôi nhưng người đau ê ẩm, chân tay không sao cử động được. Nghe mọi người nói, cả xe chỉ còn 3 người chúng tôi được đưa đi bệnh viện, tức là có cơ hội sống. Tôi nhận ra anh Đủ và anh Lý đang nằm cùng mình. Chính tôi là người tận mắt nhìn anh Lý trút hơi thở cuối cùng" - anh Tâm nhớ lại.

"Ai ngờ bữa đó lại là ngày anh em tôi xa nhau mãi mãi", anh Tâm chua xót nói.

Những cánh chim đau thương

Theo chỉ dẫn của anh Tâm, chúng tôi men theo con đường mòn quanh co được lát bằng bê tông để tới nhà anh Võ Hoài Phương - một trong những nạn nhân tử vong trong vụ lở đá.

Chị Nga (vợ anh Phương) cho biết: Khoảng 8h30' ngày 5/5, chị cùng một số người nhìn lên hướng núi Cấm thì thấy đá lở, gọi điện thoại thì không liên lạc được. Thấy bất an, chị kêu mọi người lên núi. Trên đường đi, có người dân cho biết: trên đường lên núi Cấm đang xảy ra tai nạn vì đá lở, một xe du lịch bị đè bẹp, rồi tôi chứng kiến những cái chết thương tâm của người thân".

Ghì mặt vào quan tài chồng, chị Nga khóc thảm thiết. Cạnh đó, cô bé Võ Thị Thiên Ngân (con gái anh chị) đang học lớp 11 ôm mẹ khóc vùi.

Anh Trần Văn Lèo (31 tuổi) ra đi cũng để lại người vợ trẻ cùng một đứa con thơ chưa đầy 3 tuổi và người mẹ già ốm đau bệnh tật. Chị Lê Thị Thúy Hằng (vợ anh Lèo) nức nở nói trong nước mắt: "Khi nhận được điện thoại của người nhà báo chồng tôi đã qua đời vì tai nạn giao thông, tôi như chết lặng.

Trước đó hai vợ chồng chị Hằng tính đi lễ chung, nhưng do không gửi được con nhỏ nên thôi. "Mới hôm rồi anh ấy hứa, đi chơi về sẽ mua quà cho vợ con. Vậy mà... Anh ấy "đi" bất ngờ quá! Khi thằng Tấn Phát (con anh Lèo) luôn miệng hỏi mẹ cha đâu, tôi đành ngậm ngùi nói với con rằng cha đang ngủ..." - Chị Hằng nức nở chỉ tay về phía quan tài của anh Lèo.

Hai hôm nay, bà nội Phát phải túc trực dỗ dành cháu để chị Hằng lo ma chay cho chồng. Tin dữ đổ sập xuống xóm nhỏ nghèo nàn cùng một lúc khiến con người và cây cỏ nơi đây như càng tiều tụy, xác xơ hơn...

"Cha đi bán muối rồi, ai đưa anh em con đi học đây cha?"

Sáng 5/5, đang dỗ dành đứa con út thì chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (vợ anh Võ Văn Nhẹ) được tin chồng mình gặp tai nạn và đã tử vong trên đường đi lễ. Chị ôm đàn con thơ vào lòng, khóc thảm thiết: "Ba các con chết rồi, từ nay mẹ con mình biết nương tựa vào ai đây?".

Vợ chồng anh Nhẹ thuộc diện nghèo nhất ấp Long Hòa. Lấy nhau được gần 10 năm, anh chị đã có 3 con, đứa lớn nhất mới 8 tuổi, một bé gái 6 tuổi và đứa út chưa đầy 7 tháng tuổi.

Khi chúng tôi tìm đến thì được biết tang lễ đang được cử hành tại nhà mẹ đẻ của anh Nhẹ vì túp lều lụp xụp của vợ chồng anh không đủ chỗ cho một chiếc quan tài. Anh Nhẹ mồ côi cha từ nhỏ, mẹ con đùm bọc nhau sống với nhau. Sau khi lấy vợ, anh xin mẹ ra ở riêng với túp lều lụp xụp trên diện tích chưa đầy 20m2, mái lợp lá dừa nước và bốn vách liếp (tường nhà) mục làm bằng gỗ cây trong vườn.

Chị Trúc nức nở nói: "Bây giờ đến tiền mai táng cũng không có chứ dám đâu nghĩ đến tiền mua sữa cho con, rồi đây ba đứa nó sẽ ra sao? ". Mấy hôm trước, anh Nhẹ nói với chị rằng anh mua thiếu người ta bộ xoong nồi mới, mai mốt thôi nôi con làm vài mâm cơm mời bà con lối xóm tới dự cho vui, tháng sau kiếm được tiền sẽ trả. Anh cũng hứa với chị, đi lễ về sẽ sửa ngay cho chị cái cầu ao. "Bây giờ anh "đi" rồi, còn ai mà làm tiệc, ai sửa cầu cho mẹ con tôi giặt giũ?", chị Trúc nghẹn ngào.

Khi mẹ nói là cha đã đi bán muối ở nơi xa, từ nay chỉ còn bốn mẹ con mình thôi, đứa con lớn lên 8 của anh chị ngây thơ nói: "Cha đi bán muối rồi, bây giờ ai đưa anh em con đi học đây cha? "

Vụ tai nạn dưới chân núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang khiến 6 nạn nhân chết thảm, trong đó có 5 nạn nhân cùng là họ hàng thân thiết bao gồm: Võ Hoàng Phương (SN 1971), Trần Văn Lèo (SN 1980), Võ Văn Nhẹ (SN 1980), Nguyễn Văn Ngà (SN 1952) và Võ Văn Lý (SN 1982). Tất cả đều ở xã Bàn Long, huyện Châu Thành, An Giang.

Đăng Văn - Hương Sen


Tag: An Giang