'Đặc nhiệm' ở Trường Sa

'Đặc nhiệm' ở Trường Sa

Thứ 2, 01/04/2013 | 13:12
0
Ai từng ra các đảo ở Trường Sa, một trong những ấn tượng đặc biệt là hình ảnh những chú chó, mèo, lợn, gà, bò, vịt tung tăng, nhởn nhơ khắp các xó xỉnh. Điều lạ và thú vị ở chỗ chúng sống theo nếp sống nhà binh nên cũng rất kỷ luật và... nguyên tắc.
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa
'Nhà của chúng ta là đảo Thuyền Chài'

 Chẳng thế mà khách ra đảo (đặc biệt là thuộc khối dân sự, không mặc quân phục) lớ xớ rời Hội trường, phòng ở, bếp ăn trên đảo mà mò ra ngoài ụ pháo, công sự... thế nào cũng có vài chú chó lừ lừ bám theo, quẩn chân ve vãn và sủa nhặng xị như cảnh báo: "Chỗ này không được ngắm nghía, chụp hình - quay phim", đánh động cho chiến sĩ vệ binh gác khu vực đó tiến đến nhã nhặn nhắc nhở "theo quy định".

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 2).
Hôm nay nhà nhiều khách quá nhỉ?

Những khách khoái chụp hình, ra tận kè đá, bờ sóng mong chớp những "giây phút đẹp", không chỉ các chú chó mà cả vịt gà cũng lạch bạch chạy trước ngăn cản, dùng mỏ kéo ống quần như nhắc nhở: "Đừng ra chỗ ấy, nguy hiểm lắm".

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 3).
Nấp trốn các thủ trưởng kiểm tra. Ngượng quá đi mất!

Nhiều người cứ nghĩ giản đơn: Nuôi gia súc, gia cầm ở Trường Sa là để bộ đội có chất tươi cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ít người biết những con vật thân thuộc này lại là một phần cuộc sống ở đảo, chúng là những người bạn giúp lính ta nguôi nỗi nhớ nhà, nhớ quê nên rất hiếm khi bị đè ra làm thịt.

Đặc biệt, gia súc - gia cầm ngoài đảo còn được đánh giá như những chiến sĩ cảnh vệ cực kỳ mẫn cán, tinh thông và hiệu quả. Trong trường hợp người lạ, tàu thuyền lạ tiến lại gần đảo, có khả năng đột nhập, các "cảnh vệ" phát hiện ngay tức thì và sủa, gáy, kêu rầm rĩ báo động cho bộ đội.

Sau một thời gian nghiên cứu, thực hiện kế hoạch số 336/Tg1-QC (10-2-2010) của Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN về "Tổ chức nghiên cứu, khảo sát đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu tại quần đảo Trường Sa và nhà dàn DK năm 2010", ngày 13-3- 2010, Trường Trung cấp Huấn luyện Chó nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã đưa 5 cán bộ, chiến sĩ cùng 3 chó nghiệp vụ ra Trường Sa, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cán bộ chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra bảo vệ biển đảo, phát hiện người đột nhập lên đảo và sẵn sàng chiến đấu.

Lâu nay, lính đảo vẫn gọi âu yếm những "cảnh vệ" chó, vịt, gà là "đặc nhiệm Trường Sa" cũng làm nhiệm vụ giữ đảo. Bây giờ, lính ta tách bạch thành 2 "lực lượng": "Đặc nhiệm chính quy" (Chó nghiệp vụ Biên phòng) và "Đặc nhiệm địa phương" (gia súc - gia cầm được các phân đội tự nuôi). Cho dù thuộc "lực lượng" nào chăng nữa thì các "đặc nhiệm" vẫn cùng sát cánh cùng bộ đội bảo vệ đảo đêm ngày.

Xin giới thiệu về "lực lượng đặc nhiệm" tại Trường Sa và những khoảnh khắc đáng yêu của một số "gương mặt" trên các đảo: Sinh Tồn, Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa Lớn, Đá Tây A, Núi Le, An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông... trong một số chuyến ra Trường Sa.

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 4).
"Đặc nhiệm chính quy" trong đội hình tuần tra ở Trường Sa.

 3 chú chó nghiệp vụ Biên phòng ra làm nhiệm vụ tại Trường Sa bao gồm Mika, Kakốp, Manlơ đã lập nhiều chiến công trên đất liền (nhất là trong các vụ án ma túy ở các tỉnh miền núi phía Bắc). Khi nhận nhiệm vụ, 3 chú chó di chuyển từ Sơn La vào Cam Ranh (Khánh Hòa) nhiều ngày đêm trên xe Zil 130, sau đó mới xuống tàu, vượt rất nhiều sóng gió ra đảo.

Do phải thay đổi cả môi trường sống lẫn đặc thù địa bàn tác chiến, huấn luyện viên phải cho các "chiến sĩ" thích nghi dần dần. Ban đầu, Mika, Kakốp, Manlơ được huấn luyện để chịu được những cơn gió biển mạnh, làm quen với sóng lớn để có thể vừa bơi vừa chiến đấu được. Điều các huấn luyện viên không ngờ là Mika, Kakốp, Manlơ thích nghi rất nhanh. Trong những con sóng lớn, 3 chú bơi rất tốt. Khi huấn luyện trên bãi cát, tốc độ của 3 'lính đặc nhiệm' này nhanh gấp 4 lần bước chạy rút của chiến sĩ.

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 5).
Trong giờ huấn luyện.

Hiện tại, Mika, Kakốp, Manlơ đã trở thành những chiến sĩ hải quân đặc biệt. Ngoài việc "rèn luyện" nâng cao thể lực, cả 3 còn thực hiện tốt các phương án diễn tập chống người nhái, biệt kích. Phương án đánh chặn từ ngoài bờ kè và đánh bắt khi địch đã xâm nhập đều được hoàn thành xuất sắc.

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 6).
Hai mẹ con đi dạo trong trận địa.

Ở quần đảo Trường Sa, chỉ duy nhất đảo Song Tử Tây nuôi được bò. Do đảo thiếu cỏ tươi, đàn bò đành tập ăn bìa các tông. Dần dần, thứ bìa giấy cứng đó cũng bị xơi hết. Bò lại chuyển sang chén thùng gỗ. Nhưng khi thùng gỗ bị giấu đi, bò ăn cả gạch khiến cho anh em công binh mấy phen toát mồ hôi. Rồi khi hết những món “khoái khẩu”, bò “đột nhập” vào doanh trại chén cả quần áo, giày dép của bộ đội... “Bần cùng” như vậy nhưng đàn bò trên đảo Song Tử Tây vẫn sinh con đẻ cái ngày càng đông.

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 7).
Ra cầu cảng vừa trông cho "khách" không ra biển, vừa đứng vừa nằm nghe xem bọn họ nói gì, làm gì.

Lợn được nuôi đại trà tại các đảo. Lợn thả rông, chạy trên đảo kiếm ăn. Không cần chuồng trại gì nhưng chẳng bao giờ sợ mất lợn cả vì bốn bề có biển bao bọc. Lợn cứ thế “tuỳ nghi di tản”, ngủ ở bụi cây, góc công sự hay dưới gầm giường của lính, nói chung là tuỳ thích. Tuy vậy, nhưng lợn được các chiến sỹ huấn luyện để sống có nền nếp, biết “phục tùng tổ chức”. Chỉ cần một hồi kẻng, tất cả các chú lợn ở khắp nơi trên đảo lại lũ lượt kéo về nơi “tập trung”. Đó thực sự là một cảnh tượng sinh động, vui mắt.

Ở Trường Sa, lợn không đơn thuần là loài vật nuôi lấy thịt, mà chúng trở thành bạn của lính đảo và được chiều chuộng. Có những lúc lợn ốm, lính nhường cả thuốc của mình. Lợn được ăn thịt hộp, được ưu tiên tắm nước ngọt, có bác sỹ khám bệnh và làm bà đỡ. Nhiều chú lợn đáng yêu đã được lính đặt cho những cái tên rất kêu như: Hoàng Oanh, Quỳnh Mai...

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 8).
Chiều chiều, kéo cả 'đại gia đình' ra hóng mát trước bia chủ quyền .
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 9).
Chung sống hòa thuận.
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 10).
Đủ loại, đủ màu, đủ cỡ...
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 11).
Vừa canh gác, vừa... gãi đầu.
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 12).
Bắt tay anh bạn cái nào.

Chó được nuôi rất nhiều ở các đảo chìm và đây cũng là những điểm rất cần sự canh gác, cảnh giới của các chú cẩu vốn rất thính tai, tinh mắt. Ngay tại đảo chìm Cô Lin, có tới mấy chục con chó, mật độ khá đông nhưng vừa đem lại niềm vui cho lính đảo, vừa đảm nhiệm rất tốt việc canh gác, phát hiện

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 13).
Cảnh giới ven bờ đá không chút lơi lỏng, xao lãng
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 14).
Vừa nằm thư giãn vừa... làm nhiệm vụ.

Lính đảo chìm kể: Những đêm bồng súng đứng gác, luôn có một vài chú chó quẩn quanh thức cùng. Đêm khuya gió lạnh thổi rét tê tái, chú chó đứng cạnh, liếm cái lưỡi ấm áp vào bàn tay run vì lạnh của người lính đứng gác, tự dưng thấy ấm áp, cảm thấy được chia sẻ rất nhiều. Chó ở đảo đã rèn luyện được nhiều khả năng đặc biệt như bắt cá, bơi trên sóng, đứng hai chân để “bắt tay” hay “tạm biệt” khách. Chó ở đây được quý đến mức các chiến sỹ lấy tên những ca sỹ mình hâm mộ để đặt tên cho chó.

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 15).
Tò mò ngắm... khách.
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 16).
Phóng viên Anh Hoa - Tạp chí Thế giới Ảnh ra Trường Sa đang bầu bạn cùng với một 'cảnh vệ bốn chân' đáng yêu (Anh Hoa cung cấp một số hình cho bài viết này) .
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 17).
"Hầm trực chiến" của "lực lượng đặc nhiệm.
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 18).
"Ra tập ngay! Không được lười".
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 19).
Nhớ đất liền.

Chó ở Trường Sa bơi và bắt cá tài như hải cẩu. Nhưng ở đảo Đá Tây A, những chú chó còn kiêm thêm nhiệm vụ "tổng quản" trông coi lũ vịt cứ hơi tý là lao xuống nước vẫy vùng. 

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 20).
Đàn vịt đi đâu cũng có vị 'quản gia' này kèm sát.
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 21).
Kiếm ăn ở đâu cũng được hướng dẫn và giám sát.
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 22).
Chú chó vừa quay ra chỗ khác, cả đàn vịt ù té xuống biển và lập tức bị...cảnh cáo, nhắc nhở, đuổi lên ngay .

 Việc nuôi dưỡng gia súc ở Trường Sa cũng là kỳ công. Một số đảo chìm nuôi vịt, ngan không thành công vì vịt sợ nước mặn, không dám bơi. Rút kinh nghiệm, khi đưa vịt ra đảo, anh em phải vẩy nước mặn vào lông, cho vịt bơi trong chậu đựng nước mặn, dần dà chúng mới dám xuống biển bơi ầm ầm.

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 23).
Biển của ta là ao của nhà ta.
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 24).
Vừa cục tác kiếm ăn, vừa trông coi công sự.
Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 25).
Xếp hàng ra bãi tập.

Gà trên đảo không có rau xanh nên con nào cũng thiếu vitamin. Gà thường chân to nhưng yếu, nhiều con bị liệt. Khi nào thấy gà có hiện tượng đi cà nhắc, chân giơ cao là bộ đội phải nghiền viên thuốc vitamin tổng hợp cho uống. Cả ngan và gà đều thiếu rau, nên khi đẻ trứng, gà con khó tự mổ vỏ chui ra như ở đất liền nên anh em chiến sĩ phải để ý, có khi phải canh hàng giờ để tách vỏ cho gà con.

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 26).
Nhớ lắm nhưng phải chia tay rồi, mèo nhé!

Người và gia súc trên đảo như những người bạn. Khi chiến sĩ trên đảo hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền, rất nhiều người đã chạy đến ôm chú cún yêu, dụi đầu lên cổ thay lời tạm biệt. Trên bờ kè đá, cả đàn chó hơn chục con xếp hàng dõi ra biển. Có chú giơ chân kêu ư ử trong tiếng sóng... Ở đảo chìm, chiến sĩ với chiến sĩ là anh em một nhà, chiến sĩ với những chú chó, mèo, gà, vịt như những người tri kỷ. Có khi anh em phải lo cho từng con gà đẻ trứng, phải nhường rau cho một chú cún mới sinh.

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 27).
Quen thân từ những tiếng chim gù trên sóng.

Đối với các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, những vật nuôi đó như một loại biệt dược chữa bệnh nhớ nhà, nhớ quê hương. Nếu Trường Sa chỉ có sắt thép, những hầm hào công sự mà vắng đi tiếng gà gáy, chó sủa…thì chắc sẽ đơn điệu biết nhường nào.

Xã hội - 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa (Hình 28).
Tranh thủ đánh giấc trong phòng ở của lính đảo chìm.

Những ngày ở Trường Sa, nhìn đàn bò thủng thẳng đi lại, đàn lợn ủi đất bên gốc cây bàng vuông, vài chú chó chạy dọc bờ biển, nghe tiếng gà gáy ran trên đảo... tất cả tạo thành quê hương nơi đầu sóng ngọn gió và âm hưởng đó cũng là tấm bia chủ quyền sống động nhất trên đảo Trường Sa.

Theo Tiền phong

Tàu chiến Trung Quốc vẫn 'lởn vởn' ở Trường Sa

Thứ 5, 28/03/2013 | 09:55
Tưởng Vĩ Liệt, Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, chỉ huy cuộc tập trận hôm qua cũng có buổi làm việc với chỉ huy tàu Ngư chính 45.001 đang hoạt động trái phép tại Đá Vành Khăn, Trường Sa.

Những bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ không Hoàng Sa, Trường Sa

Thứ 5, 28/03/2013 | 07:21
Trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng phát hành, một loạt các bản đồ cổ của Trung Quốc, do chính người Trung Quốc vẽ năm 1909 trở về trước đều chứng minh Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) không thuộc về Trung Quốc.

Tàu chiến Trung Quốc 'diễu võ dương oai' ở Trường Sa

Thứ 4, 27/03/2013 | 08:21
Nhóm tàu đổ bộ Jinggangshan và tàu khu trục tên lửa Yulin, thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tới vùng biển Trường Sa của Việt Nam từ ngày 23/3.