Đặc sản nghề… “la làng” ở miền quê Việt

Đặc sản nghề… “la làng” ở miền quê Việt

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Từ bao đời, nghề hàng xáo ở Thanh Hóa quê tôi vẫn là một nghề có đặc trưng, bản sắc riêng của từng vùng, từng miền. Tôi Gã chuyên "mua chuyện" của thiên hạ thì càng lấy làm thấm thía về nỗi khổ của chị em trong nghề mua thóc, bán gạo ở quê.

Té ra, đằng sau bài toán cân - đo - đong - đếm... ấy, làm sao kiếm được bát cám để nuôi con lợn què đã khó lại còn lo được cân gạo lời để nuôi con, nuôi chồng, chăm lo cho cái sự "tề gia" thì "nghề cổ" này lại càng khó nhọc hơn rất nhiều. Cũng vì thế, có bao nhiêu mệt nhọc, rủi ro mang tính dây chuyền trong nghề hàng xáo...

Hàng sáo - Nghề cổ của làng quê Việt

Lặn lội thân cò

Chị Xuân, là người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, cho biết: "Dân hàng xáo phải dậy sớm hơn con gà, cái đồng hồ báo thức. Phải đi sớm hơn thiên hạ may ra mới có được miếng ăn".

Chị Xuân cơm nước để cho chồng con đâu vào đấy. Rồi chị dắt chiếc xe đạp tòng tọc, hoen gỉ ra. Chị lôi trong góc nhà ra đống bao bì xác rắn, dây chun, nai nịt y như đi thồ hàng cho bộ đội hồi đánh giặc.

Theo chân chị Xuân, ra đến đầu làng. Tôi bắt đầu ngấm sự mệt mỏi, một nhóm chị em nai nịt gọn gàng đã đợi sẵn. Thế là chúng tôi đạp xe xuyên màn đêm theo lối mòn nối làng này đến làng kia. Đi đến đâu, chị em trong nghề buôn lúa bán gạo "buôn" chuyện thiên hạ đến đó. Một tiếng trôi qua, rồi hơn...

Một số chị tách đoàn, tạt vào những làng, những vùng đất do mình "cai lúa" để thực hiện công việc. Có lẽ, chị Xuân là người tham công tiếc việc nên chọn địa bàn xa hơn cả. Đạp xe đến hơn hai chục cây số, vượt vài ngọn đồi, con sông, trời hưng hửng sáng mà chưa đến "thị trường" quen thuộc. Cái xe đạp kêu la tòng tọc như muốn rơi ra mỗi nơi mỗi mảnh. Còn tôi cũng có thua kém gì nó, đau nhừ, rã rời tưởng chừng như đang ở thế bị tháo khớp ra để lắp ráp lại. Trời, chả trách các chị giỏi chịu đựng.

Chúng tôi lên đến địa phận xã Các Sơn, một xã vùng sâu thì trời vừa kịp sáng. Tôi nhẩm tính, té ra, mình đã đạp xe hơn 30 cây số. Chị Xuân bắt đầu rao:

- ơ... ơ... làng... ớ... Có ai bán lúa đê...!

Chị Xuân, ngó nghiêng khắp các ngõ xóm như người bắt trộm. Rồi lại rao, giọng điệu lanh lảnh. Mặt trời mới nhú. Người dân bắt đầu xôn xao. Chị Xuân, lưng thấm ướt mồ hôi, quay sang tôi quát "thằng em" là tôi:

- Sao chú không rao? Không rao, ma nào nó bán cho chú.

- Rao! Em không biết...

- ô hay, rao theo tui nì?

Chị Xuân tròn xe cái miệng:

- ơ làng...!

Tôi luống cuống và tập "hô":

- ... V...ơ... làng?

Chị cười và nói, cái tướng của tôi có mà mua với chả bán. Chỉ có đổ thóc giống vào mà ăn, buôn cái gì miệng lưỡi cứ ngọng líu ngọng lô. Để tỏ vẻ bản lĩnh đàn ông học làm nghề của chị em. Tôi hô đươc đến câu: "Ai bán lúa không". Tôi cười, kể ra cũng ra ngô ra khoai. Nhưng khổ nỗi, từ đầu làng đến cuối làng, người nào bê thúng lúa ra cũng không thèm để ý đến tôi. Ai cũng ơi ới bán cho chị Xuân. Tôi thì đứng nghệt mặt ra nhìn. Hỏi ra mới biết, đều là mối quen của chị, "thị trường" truyền thống mà.

Của khó, người khôn

Những người ở các vùng quê không có đất để làm nông nghiệp, hay những ai thất nghiệp mới theo đuổi nghề buôn cỏn con này. Vốn để vào nghề chỉ vẻn vẹn mấy trăm ngàn đồng, tậu con "ngựa sắt" đảm đang là có thể trèo đèo lội suối, bôn tẩu khắp miền xuôi đến miền ngược.

Cân đo đong đếm thôi cũng đủ mệt

Chỉ tính riêng các xã miền xuôi Tĩnh Gia đã có tới cả ngàn chị em ở độ tuổi lao động theo nghề hàng xáo. Ngoài khả năng "dẻo mỏ" (cách nói của người trong nghề) thì cái cân được chỉnh lại, làm sao cho cân-đo-đong-đếm được lời. Lúa mua được về xay ra gạo lấy cám cho chồng con ở nhà nuôi lợn, gạo thì đem bán. Như vậy, một vốn sẽ được bốn lời. Nhà chị em nào cũng nuôi đàn lợn trên chục con. Nói chung là thu nhập ổn định.

Thế nhưng, gần đây sinh ra một lực lượng cạnh tranh gay gắt với họ. Đó là hàng xáo "thổ địa". Số này dựa vào sự quen biết, ràng buộc theo kiểu bà con lối xóm để tranh khách với dân hàng xáo miền xuôi lên. Hơn nữa, dân hàng xáo bản địa đã bỏ tiền ra "mua lúa non", tức là khi một số bà con nông dân thiếu tiền trong kỳ giáp hạt hàng xáo thổ địa ứng tiền trước. Rồi đến mùa, khi lúa vừa gặt về hàng xáo thổ địa chỉ việc đến nhà chở lúa về cất vào kho dự trữ.

Hàng xáo thổ địa rất biết quy luật cung cầu. Cứ chờ trái mùa, giá lúa, giá gạo đội lên họ mới cho xay xát và chở ra thị trấn hoặc thành phố bán cho các đại lý. Thậm chí, có người còn xua con cái, người nhà đi chợ xa bán lẻ với giá đội lên vài giá. Đi chợ xa, giá gạo, giá cám lại tăng lời, chả mấy chốc mà giàu to. Sinh ra "cai" hàng xáo là thế. Đây được coi như một hình thức kinh doanh độc đáo ở quê mà không lo bị thua lỗ cao.

Còn dân hàng xáo "xa nhà" như cánh chị Xuân thì phải căng mình lên để chịu đựng. Đôi khi rủi ro trong nghề còn nghiêm trọng, như bị dân hàng xáo thổ địa đe dọa, gây sự, đánh đập. Nhưng tai họa chưa dừng lại ở đó. Đôi khi nó đến quá bất thình lình.

Ví dụ như tai họa gần đây làm xôn xao cả vùng quê. Số là, giữa một đêm mưa nhóm hàng xáo nhà chị Vân cắp gói ra đi. Ba người trò chuyện rôm rả dọc quốc lộ thì chợt chiếc xe tải rà tới đè lên ba con người bé nhỏ ấy. Ba cái chết bất đắc kỳ tử.

Ba đám tang thảm khốc ở một xóm nghèo ven QL 1A. Ba ông chồng mất vợ. Ba đàn con thơ mất mẹ. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì một sáng cách đó không lâu, chị Hòa cùng xóm lại trở thành hồn ma trôi sông khi lên Làng Bài (Anh Sơn, Nghệ An) mua lúa bị lũ cuốn mất xác... Sau những cái chết đó một số chị em đã bỏ nghề được ít lâu. Nhưng rồi miếng cơm manh áo, học hành cho con cái buộc họ phải quay lại cái nghiệp cũ.

Chuyện trong nghề hàng xáo thì nhiều và không kém phần đa đoan, khắc nghiệt. Tôi nghe một chủ đại lý gạo ở thị trấn Tĩnh Gia nói đang lên kế hoạch thành lập công ty thu mua lúa và gạo tại địa phương. Lúc đó sẽ mời những chị em có kinh nghiệm trong nghề hàng xáo về làm. Mô hình đó rất hợp với vùng này. Nếu được như thế sẽ tạo cho các chị công ăn việc làm, thu nhập ổn định, sẽ tốt biết bao nhiêu.

Buổi sáng ấy tôi cũng rao mua lúa như các chị em khác. Tôi cứ ám ảnh bởi lời rao "ơi làng, ai bán lúa đê...". Và hình ảnh các chị hàng xáo cứ ám ảnh tôi như một hiện tượng văn hóa vùng miền mang tính truyền thống vậy. Đúng rồi, tiếng rao của các chị lúc binh mình vừa hé lên, nghe ấm áp hơi thở của cuộc sống...

Thanh Dung