Đặc sản rêu đá nức tiếng vùng Tây Bắc

Đặc sản rêu đá nức tiếng vùng Tây Bắc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Dòng suối Thia chảy dưới chân núi Trạm Tấu và vòng quanh huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã gắn bó với đồng bào dân tộc nơi đây từ những ngày đầu khai sơn lập địa.

Xung quanh sự hình thành con suối này, người ta truyền tai nhau câu chuyện tình đẫm nước mắt mang đầy màu sắc cổ tích của một đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Câu chuyện ấy cũng là sự lý giải đầy huyễn hoặc cho nguồn gốc của một loại rau suối đã trở thành đặc sản vùng Tây Bắc - rêu đá.

Nước mắt chảy thành suối

Để tìm hiểu về sự tích dòng suối Thia, chúng tôi tìm đến nhà ông Lường Văn Tướng (bản Noong Phai, xã Phúc Sơn), người được dân bản cho là già làng biết đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Bên chén nước thơm mùi rễ cây rừng, chúng tôi được nghe ông kể về một câu chuyện tình bi ai như là một truyền thuyết của đồng bào vùng cao lý giải về sự hình thành suối Thia.

Xã hội - Đặc sản rêu đá nức tiếng vùng Tây Bắc

Ông Lường Văn Tướng đang say sưa kể lại truyền thuyết suối Thia.

Chuyện kể rằng xa xưa, từ những ngày đầu người dân tộc Thái tới khai phá vùng đất rộng lớn Mường Lò, có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Họ sống trong cùng một bản Thái dưới chân núi Trạm Tấu (nay thuộc xã Phúc Sơn, Văn Chấn). Chàng trai to khỏe, vạm vỡ, có tài săn bắn và thổi khèn rất hay. Cô gái thì nổi tiếng xinh đẹp nhất vùng lại hát hay múa giỏi, dệt vải vô cùng tinh xảo. Nàng còn làm xiêu lòng bao chàng trai bản bởi mái tóc dài óng mượt, lúc nào cũng tỏa hương thơm của rừng núi. Ngày ấy, mỗi đêm trăng thanh vắng chàng trai thổi khèn, cô gái cất tiếng hát, dân bản lại được chìm đắm vào thứ âm thanh đầy mê hoặc của một tình yêu trong sáng, mặn nồng.

Tuy nhiên, cuộc tình duyên của chàng trai và cô gái ấy không đến được đoạn kết có hậu. Tên Chúa đất lúc bấy giờ đã ra sức ngăn cản họ. Cậy quyền thế, hắn bắt cô gái về làm người hầu và đuổi chàng trai đi nơi khác, không được quay về bản. Dân bản thương tình đôi bạn trẻ nên đã giúp cô gái trốn thoát và tìm được người yêu. Nhưng họ phải chạy trốn khỏi sự truy tìm của tên Chúa đất, họ nắm tay nhau chạy miết vào rừng, chạy tới khi kiệt sức cũng là lúc lên tới đỉnh núi cao nhất. Họ mệt, đói lả không biết phải đi đâu và chỉ còn biết dựa vào nhau khóc.

Cô gái khóc thảm thiết, đến nỗi nước mắt cô ướt bảy cánh rừng rộng, chín đỉnh núi cao, nước mắt biến thành dòng nước to đổ xuống chân núi thành dòng suối lớn. Cuối cùng đôi trai gái si tình quyết định trẫm mình xuống chính dòng suối ấy để mãi được bên nhau. Thân thể chàng trai vừa chạm vào dòng nước đã hóa thành trăm ngàn mảnh đá nằm sâu trong lòng nước. Còn cô gái khi trẫm mình xuống thì mái tóc dài bung ra thành một thứ rêu óng ả, mỗi sợi gắn vào một hòn đá. Từ đó người ta gọi tên dòng suối chảy qua vùng Thung lũng Mường Lò là Nậm Xia với ý nghĩa nước mắt đôi bạn tình (lâu dần đọc chệch là Nậm Thia) và thứ rêu mọc trên đá trở thành một loại rau xanh đặc sản của vùng Tây Bắc rêu đá, loại rau mang hương vị ngọt ngào của tình yêu say đắm.

Tuy nhiên, theo ông Tướng thì đó chỉ là truyền thuyết truyền miệng của đồng bào dân tộc nơi đây, giống như một chuyện cổ tích lý giải về sự có mặt của dòng suối đã gắn liền với mỗi người từ khi mới sinh ra, còn thực tế thì người ta gọi suối Thia là vì sự dữ dằn của nó. Ông lý giải: “Thia là đọc chệch của Xia, trong tiếng Thái có nghĩa là mất. Theo trí nhớ của tôi thì năm nào mùa nước lũ suối Thia cũng cuốn trôi khá nhiều người. Do suối bắt nguồn từ trên cao, mưa lũ từ trên tràn xuống mà ở dưới này mọi người không biết nên không kịp đối phó. Năm nào nhiều cũng có tới hơn 10 người bị cuốn trôi.

Cách đây mấy năm đã có cả một xe ô tô rơi xuống suối không cứu được. Những năm chưa có đập tràn mùa lũ là nỗi ám ảnh đối với dân bản chúng tôi. Đã có những trận lũ lịch sử vào những năm 1945, 1986, 1996 cuốn trôi không biết bao nhiêu người. Năm 1945 lũ đã cuốn trôi cả nửa bản Noong Phai. Mặc dù dữ dằn là vậy nhưng đối với các đồng bào dân tộc đang sinh sống hai bên bờ suối Thia thì dòng suối này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thung lũng Mường Lò quanh năm phù sa màu mỡ, lúa tốt, cây xanh chính là nhờ sự bồi đắp của dòng Nậm Thia; nước canh tác cho đồng ruộng cũng là từ suối”.

Xã hội - Đặc sản rêu đá nức tiếng vùng Tây Bắc (Hình 2).

Dòng suối Thia khi yên bình, khi dữ dằn đã gắn bó với đồng bào các dân tộc ở Mường Lò từ bao đời nay.

Rêu đá - món ăn nặng tình của dân tộc Thái

Ngoài nguồn cá phong phú ấy, trong dòng suối Thia trong mát lượn quanh Thung lũng Mường Lò còn có một loại đặc sản đặc trưng của người Thái Tây Bắc với cái tên rất lạ: Rêu đá. Sự xuất hiện của rêu đá cũng rất kì lạ, giống như là nó sinh ra từ truyền thuyết về suối Thia vậy. Rêu đá mọc theo mùa, bắt đầu có từ tháng 9, 10 âm lịch và đến tháng 5 thì hết. Rêu tự mọc lên từ tất cả các hòn đá trong suối, không có hoa quả gì hết, khi dài tới một mức độ nào đó thì tự rụng xuống và bị nước cuốn đi. Vậy nhưng năm nào rêu cũng mọc đúng mùa như một quy luật tự nhiên.

Vào những ngày nắng ấm, đàn bà con gái sống trong vùng lòng chảo Mường Lò dọc hai bên bờ suối Thia lại rủ nhau ra suối lấy rêu về chế biến thành món ăn dùng bữa ngay hoặc phơi khô để ăn dần hay dành cho các dịp lễ tết, cưới hỏi, làm nhà. Bà Hà Thị Mến, vợ ông Lường Văn Tướng chia sẻ kinh nghiệm đi lấy rêu đá: “Mùa nước cạn cuối năm hoặc đầu xuân là mùa đàn bà con gái chúng tôi đi lấy rêu.

Rêu lấy vào mùa xuân là ngon nhất. Muốn ăn rêu sạch, non phải chọn nơi nước suối chảy xiết, có nhiều tảng đá to. Tuy nhiên lấy rêu cũng không phải là việc đơn giản đâu nhé. Vì rêu suối thường nằm sâu dưới nước lên phải ngồi xuống, nhiều khi nước lớn phải vén váy lên tận đỉnh đầu chỉ còn mỗi đầu hở trên mặt nước mới lấy được rêu. Bây giờ ngòi Thia nước đục, ô nhiễm rồi nên rêu cũng bẩn. Muốn tìm được rêu sạch phải vào những con suối nhỏ nhập mình vào suối Thia hoặc chuyển sang suối Cửa Nhì nước trong leo lẻo”.

Theo kinh nghiệm dân gian thì thường xuyên ăn món rêu nướng sẽ giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và có tác dụng trị nhiều chứng bệnh mãn tính khác. Bà con người Thái, người Tày, người Mông ở Mường Lò còn có món rêu rán nhắm rượu rất thú vị. Vị rêu rán béo ngậy cùng vị rượu cay nồng hâm nóng không khí của những cuộc vui.

Vừa lúi húi lấy túm rêu khô trên gác bếp xuống để làm bữa tối, chị Hoàng Thị Mây, con dâu ông Tướng vừa luôn miệng: “Rêu suối thì nhiều nhưng rêu ngon thì thì ít. Bà con chúng tôi quý rêu như là một tài sản vô giá của quê hương mình vậy. Các cô là khách quý nên mới được đãi rêu khô trên gác bếp đấy nhé. Thường thì gia đình tôi nấu rêu vào bữa tối lúc cả đại gia đình đông đủ.

Các cô con dâu Thái thường dành túm rêu nướng cho mẹ chồng để thể hiện cái đạo làm dâu. Dùng bữa tối với món rêu nướng cùng gia đình ông Tướng chúng tôi mới cảm nhận được đầy đủ hơn cái hương vị thơm ngon, hấp dẫn của món ăn đặc sản này. Vị ngon ngọt tan dần nơi đầu lưỡi để lại một chút thơm ngậy dư âm mà ai một lần nếm thử đều không thể nào quên. Có lẽ chính vì cái hương vị đặc trưng ấy mà rêu đá trở thành món ăn ý nghĩa trong tiệc cưới của các đôi trai gái Thái. Bên hương vị ngọt ngào của bát canh rêu đá, họ hẹn thề nhau đời đời kiếp kiếp chung thủy như đôi trai gái trong truyền thuyết ngàn xưa còn lưu lại.

Sản vật của đất trời

Rêu đá có rất nhiều cách chế biến xào, luộc, nấu canh, nộm, đặc biệt là nướng. Rêu nướng là món ăn ngon nhất và hợp khẩu vị nhiều người nhất. Rêu lấy từ suối về để trên thớt dùng chày gỗ đập nhiều lần cho sạch cát sạn, sau đó băm nhỏ và ướp gia vị muối, mì chính, gừng, sả, rau mùi, hành. Dùng lá chuối hoặc lá dong to lấy trên rừng hơ trên than hồng cho lá mềm rồi gói rêu lại để nướng. Nếu dùng ống nứa non để nướng sẽ giữ được chất ngọt của rêu trong ống. Món rêu nướng mềm mềm, có hương vị ngầy ngậy tựa như tảo biển rất hợp để ăn cùng cơm nếp.

Nhung Đinh