Đại biểu “biện luận” cho câu hỏi Thủ tướng

Đại biểu “biện luận” cho câu hỏi Thủ tướng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
– ĐBQH Đặng Thành Tâm nêu lên hàng loạt các con số đáng lưu tâm về tình hình lạm phát, về thực trạng kinh doanh thua lỗ phá sản của hàng nghìn doanh nghiệp và một số giải phát triển kinh tế đất nước… để biện luận cho câu hỏi ông gửi Thủ tướng trong kỳ họp QH.

PV Nguoiduatin.vn đã phỏng vấn ĐB Đặng Thành Tâm (TP HCM) về những vấn đề mà ông quan tâm mà ông đã gửi tới Thủ tướng trong kỳ họp vừa qua.

Xã hội - Đại biểu “biện luận” cho câu hỏi Thủ tướng

- Thưa ông, kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa XIII vừa kết thúc, cũng có dư luận trái chiều nhau về chất lượng của các phiên chất vấn của Quốc hội. Ông có đánh giá và suy nghĩ như thế nào về các phiên chất vấn của Quốc hội ở kỳ họp này?.

Tôi đánh giá cao chất lượng và nội dung của các phiên chất vấn vừa qua, người chất vấn và được chất vấn đều đi thẳng vào vấn đề, rõ ràng, rành mạch. Chắc chắn chúng ta không thể mong đợi sẽ thỏa mãn với 100% câu hỏi chất vấn và câu trả lời chất vấn do nhiều nguyên nhân, cũng như thời lượng chất vấn Quốc hội quy định chỉ được 1 phút, nên có nhiều dẫn chứng của các đại biểu quốc hội đã buộc phải cắt đi.

Câu hỏi chất vấn của tôi gửi tới Thủ tướng cũng nằm trong quy định này, nhưng người được chất vấn cũng hiểu rất rõ nội dung câu hỏi, cũng như các cử tri là những người dân và cử tri thuộc khối doanh nghiệp có thể trao đổi truyền tải nguyện vọng đến Thủ tướng để qua đó mong rằng sẽ nhận được câu trả lời rõ ràng định hướng cho năm 2012 và 5 năm tới.

- Kết thúc kỳ họp, dư luận đã rất quan tâm về nội dung chất vấn của ông với Thủ tướng, ông có thể nói thêm cho bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung ông chất vấn hay không?

Câu hỏi của tôi đặt ra cho Thủ tướng là: “Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện rất tốt chống lạm phát và duy trì tăng trưởng. Không ai ngờ Việt Nam có thể giữ được lạm phát 18% mà tăng trưởng gần 6%; 6 tháng cuối năm lạm phát chỉ 3%. Vậy Thủ tướng có thông điệp quan trọng gì cần đưa ra cho cử tri cả nước, và Thủ tướng có định hướng hay lời khuyên nào cho doanh nghiệp nên tập trung vào ngành nào trong thời gian tới?”.

Thực tế cho thấy năm 2011 vô cùng sóng gió đối với nền kinh tế của đất nước ta. Vừa qua chính sách thắt chặt tiền tệ có thể đánh giá là quá liều. Vào đầu năm Ngân hàng Nhà nước công bố dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2011 là 20% cho nền kinh tế. Vậy mà 11 tháng qua, tổng dư nợ tín dụng gia tăng khoảng 9,1%, song lạm phát 11 tháng vẫn khoảng 18%.

Điều đó cho thấy, nếu thực chất Ngân hàng Nhà nước không đưa một đồng tín dụng nào ra nền kinh tế thì lạm phát vẫn cao. Vấn đề lạm phát của năm 2011 nguyên nhân chính là do thiếu hụt ngoại tệ trong cán cân thanh toán 5 tỷ USD, do đó đã gây ra trượt giá tiền Việt lên tới 9,3%. Điều này kéo theo hệ lụy dây chuyền làm cho hàng nhập tăng giá, chi phí tăng, giá thành sản phẩm tăng….

Một nguyên nhân nữa là do chúng ta chưa chú trọng đến ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ khiến cho giá trị hàng công nghiệp, hàng điện tử xuất khẩu tăng rất thấp vì phải nhập linh, phụ kiện đến 70-80%.

Ngoài ra việc đầu tư tràn lan, kém hiệu quả hệ số Icor lên đến 7, đầu tư trái ngành, quản lý không tốt, hiệu quả đồng vốn thu hồi thấp…Các yếu tố này cộng hưởng như thủy triều lên vào giữa mưa rào đã làm cho lạm phát cao là tất yếu, hoàn toàn không phải chỉ vì nguyên nhân tiền tệ như nó đang bị gán ghép.

Nhìn lại năm 2009, tổng tăng trưởng tín dụng là hơn 40%, năm 2010 hơn 30% thì thấy 11 tháng qua mà tăng trưởng tín dụng chỉ có hơn 9% là quá nhỏ đã dẫn đến triệt tiêu sản xuất, kinh doanh, đẩy nền kinh tế đến tình trạng khá nhiều bất cập.

Cụ thể, một là doanh nghiệp tin theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước là tăng trưởng tín dụng 20% nên đã xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh theo mức tăng trưởng tín dụng 20%. Rồi đùng một cái tăng trưởng tín dụng chỉ còn một nửa và ngân hàng hiện nay không giải ngân nữa làm công trình dở dang vừa lãng phí vừa gây hậu quả cho doanh nghiệp.

Hai là, chính vì sự thiếu hụt trầm trọng đồng tiền dẫn đến việc đua lãi suất. Tiền cũng là hàng hóa nên càng thiếu thì vốn của tiền là lãi suất càng cao, thậm trí cá biệt có lúc lên đến 25-30%/năm, vượt xa khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khi lãi suất lên cao, kể cả doanh nghiệp không vay thêm cũng bị ảnh hưởng nặng vì toàn bộ vốn vay trước đây của họ cũng bị chuyển qua áp dụng mức lãi suất mới rất cao này. Nếu doanh nghiệp lợi nhuận được 15% thì trả lãi 25% vẫn bị lỗ 10% và không có tiền để trả lãi này dẫn đến nợ xấu ngân hàng, gây ra đổ bể tín dụng gia tăng nếu Ngân hàng không đáo nợ cho họ.

Hậu quả dẫn tới là gần 50.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, khoảng 50.000 doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng cửa trong thời gian tới nếu không có chính sách nhất quán về tiền tệ. Doanh nghiệp niêm yết được đánh giá là khá minh bạch nhưng cũng trên 50% doanh nghiệp thua lỗ..

Thống kê 9 tháng đầu năm so với năm 2010 cho thấy nạn thất nghiệp và tội phạm tăng cao. Vậy điều gì sẽ xảy ra, nếu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không được báo trước ở tầm vĩ mô trong năm 2012? Chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không đủ sức để chịu đựng việc tiếp tục thắt chặt tiền tệ liều lượng mạnh như hiện nay. Điều không tránh khỏi là hàng trăm hàng ngàn doanh nghiệp có thể sẽ đổ vỡ với tốc độ nhanh hơn năm 2011 do sức chịu đựng của doanh nghiệp dường như đã cạn kiệt.

Điểm lại 11 tháng vừa qua, nước ta cũng đạt được những thành tựu đáng mừng. Theo báo cáo của Chính Phủ, nhờ chính sách quyết liệt cắt giảm đầu tư công, hiệu quả hóa nguồn vốn đầu tư, vốn nhà nước nên nhập siêu từ 40% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2008 đã giảm xuống còn 10,2%. Đất nước đã bắt đầu có dư ngoại hối, tuy không nhiều song đã giúp ổn định được tỷ giá. Tháng 10 lạm phát đã kiềm chế ở mức trên 3%.

Đây là thắng lợi to lớn mà quốc tế không tin Việt Nam có thể làm nổi, và là dẫn chứng hùng hồn rằng lạm phát cơ bản đã được kiểm soát làm cho người dân có thêm niềm tin vào Chính phủ. Song chúng ta vẫn nhận thấy thông điệp tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, khi mà ngân hàng nhà nước đã thắt chặt gấp 2 lần so với thông báo. Như vậy rất cần một sự minh bạch rõ ràng để doanh nghiệp họ biết mà điều chỉnh kế hoạch hoạt động của mình.

Hiện nay, có khoảng 1 triệu doanh nghiệp (nếu tính các cơ sở sản xuất nhỏ và siêu nhỏ nữa thì có đến vài triệu) tạo ra gần 50 triệu việc làm. Như vậy, từ người chủ doanh nghiệp đến hàng triệu triệu người lao động, cũng đang thật sự lo ngại, băn khoăn không rõ việc điều hành chính sách tiền tệ sắp tới thế nào, các chính sách vĩ mô liên quan ra sao cho năm 2012 thế nào? Việc hàng chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa trong thời gian qua đã thật sự đã đến mức báo động và là mối quan tâm lớn nhất không phải của riêng doanh nghiệp, mà là của toàn dân đặc biệt lực lượng lao động trụ cột của gia đình, cũng như các bậc hưu trí, các đối tượng phụ thuộc ….

Sở dĩ tôi nói như vậy vì đơn giản là nếu hàng loạt doanh nghiệp sụp đổ thì hậu quả sẽ kéo theo là hàng triệu con người mất việc, tệ nạn xã hội gia tăng….. Trên cơ sở hiểu rõ mối quan tâm của cử tri cả nước như vậy mà tôi đã đặt ra câu hỏi: “Thủ tướng có thông điệp quan trọng gì cần gửi đến cử tri cả nước?” để qua thông điệp của Thủ tướng sẽ đem lại niềm tin cho cử tri cả nước vào năm 2012.

- Thưa ông, nhiệm vụ của người ĐBQH là đặt ra các câu hỏi chất vấn nhằm nêu lên những khó khăn, bức xúc của đại biểu để từ đó cùng tìm phương án giải quyết, đưa đất nước phát triển. Là một đại biểu QH, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng, cả nước đang mong chờ những thông điệp cụ thể, rõ ràng, nhất quán để yên tâm đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp cho năm 2012, tránh được những rủi ro lớn đã gặp phải như năm 2011: Các doanh nghiệp xây dựng Kế hoạch của mình trên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 20% theo thông báo của Ngân hàng nhà nước, song Ngân hàng đã đột ngột cắt giảm chỉ còn ½ đã làm cho nhiều công trình dở dang vì không tiếp cận được nguồn vốn, doanh nghiệp thật sự điêu đứng.

Do vậy mà thông điệp của Thủ tướng được đưa ra sớm là vô cùng quan trọng, chúng ta hy vọng Thủ tướng sẽ sớm có câu trả lời ở Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để định hướng trước cho toàn thể nền kinh tế của cả nước. Nếu để doanh nghiệp chết sẽ gây hệ lụy xã hội; có thể thời gian tới nghành nghề nào đó không năm trong định hướng phát triển của chính phủ sẽ không được cho vay. Nếu doanh nghiệp được cảnh báo trước về điều này sẽ giúp họ chuyển hướng để không bị tổn thất như thời gian qua chứng khoán và bất động sản chưa được cảnh báo thì ngừng cho vay bất ngờ làm 90% doanh nghiệp loại này đang khốn đốn.

Với trách nhiệm của đại biểu nói chung và là đại biểu doanh nhân nói riêng, việc thực hiện truyền tải câu hỏi của cử tri nói chung và của doanh nhân nói riêng đến Quốc hội cũng là nhiệm vụ của người đại biểu đối với cử tri là doanh nghiệp như chúng tôi.

- Trong tình hình kinh tế hiện nay, với vai trò là 1 doanh nhân ông có những đề xuất gì để thu hút đầu tư, phát triển phát triển kinh tế đất nước?

Trước đó, trong cuộc gặp của Thủ tướng và các bộ trưởng, bản thân tôi cũng đã đưa ra một số đề xuất. Chẳng hạn như, Chính phủ cần tập trung phát triển nông nghiệp và nông thôn mới và có chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm, hàng nông lâm, thủy hải sản, nâng cao giá trị gia tăng để phục vụ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường cao cấp.

Tôi nghĩ chỉ có làm tốt chính sách ưu đãi cho công nghiệp chế biến hàng nông, lâm thủy, hải sản xuất khẩu mới có thể tạo chuỗi giá trị gia tăng. Việc đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực này mới giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Chỉ có như vậy mới giải quyết cơ bản cuộc sống của hơn 70% dân số Việt Nam trong nông nghiệp.

Điều chúng ta dễ dàng thấy là hễ 1 USD xuất khẩu thì 99% là giá trị gia tăng trong nước. Như vậy, tại thời điểm hiện nay, giai đoạn này rất cần sự hiệu triệu của người đứng đầu Chính phủ để doanh nghiệp cả nước tập trung nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế để dẫn dắt nền kinh tế nước ta và nâng vai trò của Việt Nam trên thế giới.

Trên thế giới có khoảng 3 tỷ người dân đang ăn cơm hàng ngày và cần tới 1,4 tỷ tấn gạo, song cả thế giới cũng mới chỉ đáp ứng được 1 tỷ tấn, khoảng 1 tỷ người đang bị đói như thống kê của FAO (Tổ chức lương thự thế giới).

Tôi là đại biểu của HĐND TP. HCM từ năm 2000, với tâm huyết và kinh nghiệm của một doanh nhân, tôi vẫn luôn cầu thị lắng nghe ý kiến góp và cố gắng đáp ứng tốt nhất lòng mong mỏi của cử tri đã bầu cho tôi.

Xin cảm ơn ông.

Hà Thanh (thực hiện)