Đại gia sưa giống ”khóc” vì giá rớt thê thảm

Đại gia sưa giống ”khóc” vì giá rớt thê thảm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Có thời, khách hàng ở cả Bắc – Trung – Nam đặt hàng cả tháng mới được cái gật đầu.

Chuyện của “thời hoàng kim"

Trong một lần về xã Tam Quan, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) công tác, tình cờ tôi phát hiện thấy một số biệt thự có trồng những luống cây sưa giống. Được biết, người dân trong xã đã tổ chức ươm trồng sưa từ đầu những năm 2000. Thời điểm ấy sưa giống đã từng là “cứu cánh” thoát nghèo cho nhiều hộ dân. Khách ở các tỉnh miền núi, vùng trung du, cả miền Nam về đặt cây sưa giống phải xếp hàng, chờ vài tháng mới nhận được cái gật đầu đồng ý của chủ vườn.

Bác Nguyễn Quang Tiến, một người dân trong xã đi cùng tôi, chép miệng: “Thời hoàng kim của sưa giống, của người dân Tam Quan đã qua rồi. Ngày ấy, nhiều người kiếm được bạc tỷ từ bán sưa giống, còn số hộ lãi được vài trăm triệu là chuyện thường. Theo ước tính của ông Tiến, sưa giống đã “tặng” cho dân Tam Quan hàng chục biệt thự, vài chục nhà cao tầng kiên cố và rất nhiều xe hơi, xe máy đắt tiền…

Xã hội - Đại gia sưa giống ”khóc” vì giá rớt thê thảm

Vườn ươm sưa giống bây giờ chỉ thưa thớt như thế này.

Theo sự chỉ dẫn của một cựu cán bộ huyện Tam Đảo, tôi tìm vào nhà anh Lương Văn Bắc. Anh được dân làng ghi nhận là người đầu tiên tiếp xúc với cây gỗ sưa và cũng là người đầu tiên biết khai thác giá trị kinh tế của sưa giống. Anh Bắc đã thành lập một công ty, chuyên về cây sưa các loại.

“Ô tô, nhà lầu tôi có được là từ cây sưa giống. Từ năm 2008 trở lại đây, sưa giống bắt đầu xuống dốc. Cơn lốc đua nhau trồng sưa đã lỗi thời. Bây giờ, người ta nghĩ đến hiện tại chứ mấy ai nghĩ đến chuyện xa xôi của vài chục, hàng trăm năm sau. Điều đó đã làm người ươm sưa giống thất thảm hại”, anh Bắc chia sẻ.

Rớt giá thảm hại

Anh Bắc cho biết: “Tôi biết cây sưa rất tình cờ trong một lần lên rừng Tam Đảo kiếm củi vào năm 1995. Dù là người hay đi rừng, tôi vẫn không phát hiện ra đó là cây sưa, có giá trị kinh tế lớn. Sau một thời gian ngắn, có một nhóm người là dân lái gỗ chuyên nghiệp nhờ tôi đưa vào rừng Tam Đảo. Họ nói, vào rừng để tìm cây thuốc nam. Đến nơi, họ chẳng để ý tới cây thuốc mà cứ nhìn, tìm kiếm xung quanh. Thế rồi, họ dừng lại trước một cây gỗ thẳng, bán kính vừa phải và nói với nhau đó là sưa đỏ, tuổi khoảng 50 năm… Tôi lờ mờ hiểu ra mục đích của họ. Về nhà, tôi tìm hiểu về gỗ sưa đỏ và biết được, đó là cây gỗ quý đang rất có giá trị trên thị trường".

Sau đó, anh vào rừng, nhặt hạt sưa mang về nhà gieo trồng. Những cây sưa giống trong vườn nhà hiện được hơn 15 năm. Lúc giống sưa đang được giá, nó mới hơn 10 tuổi nhưng đã cho gia đình anh nhiều “hạt vàng”. Khi biết giá trị của cây gỗ sưa, anh Bắc đã đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng ước mơ làm giàu từ cây gỗ này. Đến năm 2005, anh Bắc thực hiện ươm giống sưa đại trà.

"Khi cơn sốt gỗ sưa lên cao, khách hàng của tôi dọc từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng có. Khách từ các tỉnh Trung Nam Bộ, miền núi Bắc Bộ... đặt hàng nhiều đến mức không có mà bán, không kịp ươm" - anh Bắc nớ lại "thời hoàng kim" của mình.

Tôi hỏi: “Còn bây giờ thì sao?". Anh Bắc trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Trước đây,1 kg quả sưa là 12 triệu đồng, 1 kg hạt sưa là 30 triệu đồng. Cây giống cũng có nhiều loại. Cây cao từ 30 - 40cm bán với giá 10.000 đồng /cây; trung bình là 6.000 – 8.000 đồng/cây. Nhưng bây giờ, giá chỉ bằng 1/3 ngày xưa mà vẫn không có đơn đặt hàng nào lớn. Phần lớn hiện tại gia đình tôi và những gia đình ươm sưa “lâu đời” ở xã chỉ bán lẻ.

Cho đến nay, chưa có một kết luận cụ thể nào về công dụng của gỗ sưa và các sản phẩm từ cây sưa. Cơ quan chức năng hiện chỉ xử lý việc buôn bán, vận chuyển và chặt phá gỗ sưa, vì nó ở nhóm gỗ 1A. Khác với những loại gỗ quý khác cũng thuộc nhóm 1A, gỗ sưa và các sản phẩm của cây sưa được giới buôn gỗ “đồn thổi” rằng nó được xuất sang Trung Quốc, được chế biến thành một vị thuốc. Thế nhưng thuốc chữa bệnh gì thì cũng chẳng ai biết.

Lê Anh