“Đại gia” trẻ đua nhau trò chơi trượt ván

“Đại gia” trẻ đua nhau trò chơi trượt ván

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Nhào lộn trên không, lướt nhẹ nhàng trước con mắt thán phục của nhiều người. Trượt ván (skateboard) đang làm không ít teen mê mẩn. Tuy nhiên để đầu tư cho thú chơi mạo hiểm này không ít teen đã bị gẫy tay gẫy chân vì sử dụng ván trượt rởm và không có phương pháp trượt đúng.

Thú chơi theo phong trào

Địa điểm mà dân trượt ván tại Hà Thành thường hay chọn là các công viên, vườn hoa bởi khoảng không rộng rãi và không gian có nhiều người cổ vũ là một trong yếu tố kích thích tính thích thể hiện của giới trẻ. Một trong những địa điểm đó là công viên Vầng Trăng (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội). Hàng ngày, tầm từ 5h chiều, bất cứ ai đến tập thể dục ở đây đều có thể được chứng kiến những cú nhảy, xoay người, lật ván trên không đầy ngẫu hứng của các skater (người chơi trượt ván).

Đinh Văn Bằng, một dân mê trượt ván chia sẻ: "Có lẽ trò chơi này cuốn hút giới trẻ chính là ở tính phóng khoáng, mạo hiểm và tính cá nhân khi tham gia trò chơi. Mọi kỹ thuật như đập đuôi ván, trượt bằng đuôi ván, dùng chân bắt ván, xoay người cùng xoay vòng, lật ván trên không. Tất cả những điều đó các skater đều phải tự học, tự thực hiện bằng việc quan sát học hỏi lẫn nhau. Không ai có thể hỗ trợ hay giúp bạn làm những điều đó. Tuy nhiên số tiền để đầu tư cho niềm đam mê này là không hề rẻ".

Ảnh minh họa

Một chiếc ván trượt xịn, đủ an toàn để thực hiện các kỹ thuật khó là loại được nhập về từ Mỹ, Canada có giá không dưới 5 triệu đồng. Chưa kể đến chi phí trang phục như giày thể thao, áo, quần đồng bộ cho những người trong các nhóm trượt ván thường xuyên.

Nhiều "lính mới" mới tập tành trượt ván thường chọn mua các loại ván trượt rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc với giá khoảng 100 - 300.000 đồng. Tuy nhiên theo dân trong nghề chia sẻ thì loại ván này chất lượng không tốt dễ bị rạn ván, không có độ cân bằng tốt khi tiếp đất. Những loại ván rẻ tiền kiểu này có thể làm cho dân mới chơi với sự hạn chế về kỹ thuật sẽ làm tăng khả năng tai nạn.

Và tai nạn ...

Cảnh tượng những tốp bạn trẻ từ 5 đến hàng chục người sắp hàng dài, rồng rắn đua nhau trên đoạn đường Phạm Hùng không phải là hình ảnh lạ với những ai thường xuyên lưu thông trên đoạn đường này. Đặc biệt là vào những ngày thứ 7, chủ nhật.

Anh Nguyễn Hoàng Tân, làng Phú Đô, Mỹ Đình, Hà Nội cho biết: "Mới đầu nhìn các bạn trẻ lướt ván trượt đi dưới lòng đường tôi cũng rất ngưỡng mộ. Tuy nhiên với các tuyến đường ở Việt Nam vỉa hè thì bị lấn chiếm, các xe vào giờ tan tầm thì lấn làn lung tung. Nhiều bạn thậm chí chỉ mới khoảng hơn chục tuổi, trông hình ảnh họ bon chen giữa những làn xe cơ giới là cực kỳ nguy hiểm".

Vũ Thị Hà, sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội ngậm ngùi chia sẻ về cú ngã làm cho cô gẫy tay phải nghỉ học và cũng là cú ngã đánh dấu việc chia tay với trò chơi mạo hiểm này của cô. "Bọn mình chủ yếu là tự dạy và học theo nhau. Không có huấn luyện viên hay người hướng dẫn chuyên nghiệp nên trong một lần tập bật cao vượt qua 3 bậc thềm đến khi tiếp đất thì mình bị ngã làm gẫy tay. Sau lần đó bố mẹ cấm không cho chơi nữa", Hà cho biết.

Anh Nguyễn Văn Tình, du học sinh tại Úc chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ tập theo kiểu tự học, không bảo vệ cận thận cổ, chân, tay nên tai nạn là điều khó tránh”.

Đỗ Thơm

Tag: Skateboard