Đại lộ nghìn tỷ “đắp chiếu” sau gần 5 năm thi công, dân khốn khổ vì nhà sắp sập nhưng không dám sửa

KHÁNH NGỌC

Mặc dù, gần đến thời hạn hoàn thành công trình, nhưng đến nay đại lộ gần 1.000 tỷ vẫn “đắp chiếu” vì mặt bằng hai điểm đầu và cuối của tuyến đường chưa được giải phóng. Thực tế này khiến nhiều người dân có đất nằm trong dự án gặp rất nhiều khó khăn khi nhà hư hỏng, xuống cấp, thậm chí xiêu vẹo nhiều năm nhưng không dám sửa chữa hay xây mới.

Ì ạch vì chậm giải phóng mặt bằng

Sau gần 5 năm thi công, dự án đường Đông - Tây (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) có vốn đầu tư gần 998 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” chờ giải phóng mặt bằng.

Trước đó, ngày 30/12/2014, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường Đông - Tây do UBND TP.Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng 515 (TP.Hồ Chí Minh). Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư hơn 998 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ Trung ương 90% và 10% từ ngân sách địa phương.

Được biết, ngày 7/11/2018, chủ đầu tư gia hạn dự kiến thời gian hoàn thành đến đến hết 31/12/2020. Tuy nhiên, đến nay sau 5 năm thi công và chỉ còn hơn 4 tháng nữa là đến thời hạn hoàn thành công trình nhưng việc thi công vẫn ì ạch, giẫm chân tại chỗ.

Đại diện công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng 515 cho biết, khối lượng mặt bằng còn rất lớn, đặc biệt vị trí đầu và cuối tuyến giá trị đền bù rất lớn, việc đền bù, hỗ trợ sẽ rất khó bởi số lượng các công trình kiên cố nhiều, đất nằm ở khu vực trung tâm nên giá cao. Một số khu vực như khu nghĩa trang xã Hòa Thắng chưa có phương án di dời để bàn giao mặt bằng, các công trình cột điện trong phạm vi mặt bằng rất mất an toàn khi xe lưu thông... cũng khó thực hiện việc di dời.

Khu vực điểm đầu của dự án đường Đông - Tây chưa được thi công vì không có mặt bằng.

Chưa kể đến biến động đơn giá thay đổi hằng năm, các phương án giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết triệt để qua từng thời kỳ dẫn đến dự án bị đội vốn lên vượt tổng mức đầu tư… là những nguyên nhân chính dẫn đến công trình kéo dài nhiều năm. “Hiện nay, đơn vị luôn sẵn sàng nhân công, thiết bị, đã tập kết nguồn vật tư, vật liệu, huy động nguồn vốn và các điều kiện cần thiết để thi công, đẩy nhanh tiến độ công trình khi được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng” - đại diện đơn vị thi công cho hay.

Nhiều hạng mục công trình "đắp chiếu" chờ giải phóng mặt bằng.

Dân khốn khổ vì sống trong căn nhà xiêu vẹo nhiều năm

Nhiều người dân tại xã Hòa Thắng đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhanh nhất theo giá của năm 2020 để người dân yên tâm ổn định cuộc sống. Nếu trường hợp, không tiếp tục triển khai dự án nữa thì các ngành chức năng cần thông báo để dân có hướng đầu tư lại nhằm có kinh phí trang trải cuộc sống.

Nhiều vị trí đường xuống cấp sau một thời gian thi công.

Tại điểm đầu của dự án đường Đông - Tây, bà Lâm Thị Tâm (SN 1957, trú tại phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột) cho biết, gia đình bà có căn nhà diện tích hơn 170 m2 nằm trong dự án. Thế nhưng, do giá đền bù quá thấp nên đến nay gia đình bà chưa chấp nhận bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, căn nhà xây từ năm 2001 ngày càng xuống cấp, dột nhiều nơi nhưng không dám sửa chữa.

Công trình gần nghìn tỷ ì ạch vì không có đủ nguồn vốn để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đồng bộ cùng một lúc.

Đáng nói, sau nhiều năm chờ đền bù, giải phóng mặt bằng, căn nhà gỗ của gia đình bà Đinh Thị Phương (SN 1957, trú tại thôn 2, xã Hòa Thắng) bị xiêu vẹo, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy nhưng cũng không dám sửa chữa hay xây dựng lại.

Bà Phương lo lắng vì phải sống tạm bợ trong căn nhà gỗ xiêu vẹo nhiều năm nay.

Theo bà Phương, gia đình bà có hơn 600 m2 nằm trong đất dự án, trong đó có một căn nhà gỗ là nơi sinh sống của cả gia đình. Theo thông báo ban đầu, vào tháng 5/2018 thì tuyến đường Đông - Tây được giao để đưa vào hoạt động. Thế nhưng, đến nay không chỉ đường không thể hoàn thành mà cuộc sống của người dân có đất nằm trong dự án rơi vào tình trạng bế tắc, đi không được, ở cũng không xong.

Căn nhà gỗ xiêu vẹo nhiều năm nay nhưng gia đình bà Phương không dám sửa hay xây dựng lại.

Chậm do không có nguồn vốn đồng bộ

Người dân đưa bò vào khu vực dự án đường Đông - Tây để chăn thả.

Liên quan đến nguyên nhân chậm đền bù, giải phóng mặt bằng để thực dự án đường Đông – Tây gây bức xúc cho người dân, trả lời PV ĐSPL ngày 19/8 ông Trương Văn Chính - Giám đốc trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột - cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do không có đủ nguồn vốn để thực hiện đồng bộ cùng một lúc.

Ông Chính lý giải: “Tổng mức vốn đầu tư được duyệt là hơn 998,1 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được xác định là hơn 220,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án được phê duyệt từ năm 2014 và triển khai đến đầu năm 2016 thì bị tạm dừng do không có kinh phí để thực hiện. Đến nay, dự án tiếp tục được Trung ương bố trí vốn để thực hiện. Qua nhiều năm dừng hoãn, giãn tiến độ, các chính sách bồi thường, hỗ trợ có sự thay đổi, giá đất trên thị trường có sự biến động lớn nên kinh phí bồi thường tăng, vượt tổng mức so với quyết định đã được phê duyệt. Cụ thể, nhu cầu thực tế kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án là hơn 565,2 tỷ đồng, tăng so với tổng mức đã phê duyệt là hơn 344,9 tỷ đồng”.

Trước tình hình trên, để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình đường Đông Tây, ngày 22/5/2020 trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột đã có tờ trình gửi UBND thành phố và các cơ quan chức năng liên quan xem xét điều chỉnh tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ hơn 220,3 tỷ đồng thành hơn 565,2 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư ban đầu của dự án. Tuy nhiên, đến nay chưa được phê duyệt.

“Để đẩy nhanh tiến độ công trình thì vấn đề quan trọng nhất là phải bố trí vốn đủ để thực hiện công tác bồi thường” – ông Chính chia sẻ.

Dự án vẫn đang tạm dừng để chờ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Hoạt động thi công tại điểm cuối của dự án giậm chân tại chỗ.

Theo báo cáo của trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột, dự án đường Đông - Tây sẽ ảnh hưởng đến 653 hộ dân và 14 tổ chức. Tổng diện tích bị thu hồi toàn tuyến trong dự án là 467.990m2. Hiện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 416 hộ và 7 tổ chức, với tổng kinh phí hơn 195,7 tỷ đồng.

K.N