Dân có quyền buộc cán bộ giải trình

Dân có quyền buộc cán bộ giải trình

Thứ 6, 16/08/2013 | 08:27
0
Đây là công cụ hữu hiệu để người dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước một cách minh bạch.

Ngày 15-8, trao đổi với phóng viên xung quanh Nghị định 90/2013 về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước vừa được Chính phủ ban hành, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, người tham gia soạn thảo văn bản này, cho biết:

Chưa điều chỉnh cơ quan tố tụng

+ Chúng ta đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về trách nhiệm công khai minh bạch. Theo đó, các cơ quan nhà nước vẫn có các hình thức khác nhau để công khai minh bạch hoạt động của mình, các chính sách, pháp luật liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Nhưng đấy là hoạt động mang tính chủ động. Còn giải trình là một hình thức công khai bị động, theo yêu cầu của người dân, đâu đó vẫn diễn ra nhưng còn thiếu quy định hướng dẫn cụ thể. Nghị định 90/2013 được ban hành nhằm khắc phục hạn chế ấy. Đây là công cụ để người dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Trình tự, thủ tục rõ rồi, không ai né tránh được nữa.

. Nghị định 90 ghi là áp dụng cho các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Vậy có áp dụng cho các cơ quan tư pháp, chẳng hạn khi người dân hỏi về các vấn đề liên quan đến tố tụng không? Báo chí có thể sử dụng để yêu cầu các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin không?

+ Theo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi thì đối tượng giải trình rất rộng, gồm tất cả cơ quan nhà nước. Nhưng khi xây dựng nghị định này, chúng tôi xác định đây là vấn đề mới, cần làm quen dần. Vì vậy, trước hết áp dụng với các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Với lại, quyền lợi của người dân thì liên quan nhiều nhất là các cơ quan hành chính. Khu vực này mà trách nhiệm giải trình làm tốt, thành nề nếp thì cũng đỡ lắm rồi. Ít nhất tình hình khiếu nại sẽ bớt căng thẳng.

Còn trách nhiệm giải trình của các cơ quan tố tụng thì có lẽ sẽ phải có văn bản riêng, phù hợp với đặc thù của hoạt động này. Cung cấp thông tin cho báo chí cũng vậy, là lĩnh vực liên quan đến Luật Báo chí, nghị định này không điều chỉnh.

. Theo Nghị định 90, phải năm ngày sau khi người dân tới đưa ra yêu cầu giải trình, cơ quan nhà nước mới thông báo có tiếp nhận hay từ chối. Tại sao phải quy định như vậy?

+ Đấy là thời gian để xác định xem yêu cầu mà người dân đưa ra có đúng không. Chẳng hạn, có thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan đó không; có đúng là liên quan đến quyền, lợi ích của người đưa yêu cầu không... Nhưng đây là thời hạn tối đa, còn về nguyên tắc, bộ phận tiếp nhận yêu cầu nếu xác minh được ngay thì cũng phải trả lời sớm cho người dân biết là yêu cầu của họ có được tiếp nhận hay không.

Ngoài ra, nghị định cũng đưa ra thời hạn 15 ngày (tối đa 30 ngày với vấn đề phức tạp) để cơ quan nhà nước nghiên cứu, giải trình yêu cầu của người dân. Tinh thần là mọi yêu cầu của dân đều phải được giải quyết ngay, sớm nhất có thể. Còn nếu anh có thể giải thích ngay mà ngâm cho đến hết hạn mới trả lời thì là thiếu trách nhiệm công vụ rồi.

Luật sư - Dân có quyền buộc cán bộ giải trình

Cơ quan hành chính nhà nước là nơi có trách nhiệm giải trình nhất do gắn thường xuyên với quyền lợi thiết thực của người dân. Ảnh minh họa: HTD

Không để quả bóng trách nhiệm lăn vô định

. Nghị định cũng đưa ra thời hạn 90 ngày, để quá mức đó thì người dân mất quyền yêu cầu giải trình. Vậy căn cứ vào đâu để ra mức hạn chế đó?

+ Thực tế là không ai có thể giải trình tất cả hoạt động, chức trách của cơ quan mình, nhất là với những việc đã diễn ra từ quá lâu rồi. Vì vậy, phải đặt ra ngưỡng là trong vòng 90 ngày kể từ khi anh biết hành vi của cơ quan nhà nước tác động tới quyền, lợi ích của mình thì anh có quyền yêu cầu cơ quan đó giải trình.

Còn tại sao 90 ngày thì vì đó là thời hạn của khiếu nại hành chính. Trong thời gian đó, anh có quyền khiếu nại quyết định/hành vi hành chính được cho là xâm hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, chúng tôi lấy thời gian đó áp dụng cho yêu cầu giải trình.

. Nếu một việc của người dân lại liên quan tới nhiều cơ quan giải quyết, thì người dân biết tới đâu để gửi yêu cầu giải trình? Làm thế nào để người dân khỏi phải đi đến nhiều nơi và không để quả bóng trách nhiệm lăn vô định?

+ Về cơ bản, các quy định hiện nay đã được xây dựng theo nguyên tắc mỗi việc của dân chỉ có một đầu mối cơ quan tiếp nhận, giải quyết. Vì vậy, người dân nên nghiên cứu kỹ các quy định hiện hành, xem cơ quan nào là đầu mối giải quyết công việc của mình, thì đó cũng là địa chỉ mình đưa ra yêu cầu để họ giải trình. Giải quyết yêu cầu của dân, đầu mối đó sẽ phải tự làm việc với các cơ quan liên quan đển tổng hợp, trả lời chính thức.

Bạn thấy đấy, nghị định về kê khai tài sản, từ Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 đến nay chúng ta đã mấy lần sửa đổi, bổ sung, ban đầu là làm quen, sau siết chặt dần. Trách nhiệm giải trình cũng vậy, là vấn đề mới, khi đi vào triển khai không tránh khỏi vướng mắc. Chúng tôi sẽ bám sát tình hình để có đánh giá, điều chỉnh.

. Xin cảm ơn ông.

Giải trình là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Người yêu cầu giải trình là cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải trình về những nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Người giải trình là người đứng đầu cơ quan nhà nước hoặc người được người đứng đầu cơ quan nhà nước ủy quyền thực hiện việc giải trình.

Nội dung yêu cầu giải trình phải liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải trình…

(Theo Nghị định 90/2013, có hiệu lực từ 30-9-2013)

Theo Nghĩa Nhân (Pháp luật TP HCM)

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến 'giải trình' về vắc-xin Quinvaxem

Thứ 5, 06/06/2013 | 17:11
Bộ Y tế vừa có Công văn số 3327/BYT-DP cung cấp thông tin và giải trình việc tạm ngừng sử dụng vắc-xin Quinvaxem sử dụng trong tiêm chủng mở rộng với đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng chưa có căn cứ khẳng định vắc-xin này gây tử vong cho trẻ.

Ông Nguyễn Bá Thanh: 'Cần bình tĩnh giải trình'

Thứ 4, 23/01/2013 | 13:49
Trong buổi gặp mặt và mừng thọ cán bộ lão thành Câu lạc bộ Thái Phiên, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, cho rằng cần bình tĩnh giải trình với cấp trên về kết luận thất thoát đất đai hơn 3.400 tỉ đồng.

“Bộ Công Thương phải có trách nhiệm giải trình”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Đó là khẳng định của TS. Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trong cuộc trao đổi nhanh với PV Nguoiduatin.vn xoay quanh câu chuyện "lỗ lãi" của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Tài chính công bố...

Động cơ khiến luật sư uy tín gây thảm án rúng động xứ Lạng?

Thứ 4, 14/08/2013 | 16:34
Trước khi trở thành luật sư rất có uy tín tại địa phương, ông Vi Khắc Vọng (SN 1959, trú tại khu đô thị Phú Lộc 4 - TP. Lạng Sơn - tỉnh Lạng Sơn) đã có gần 30 năm công tác trong quân đội ở vị trí điều tra viên hình sự và về hưu với quân hàm trung tá.

Thiếu 'chuẩn' nên luật sư thành… 'vô lễ' trước Tòa?

Thứ 4, 14/08/2013 | 09:06
Luật sư (LS) là một chủ thể quan trọng trong quá trình tố tụng, nhất là khi chủ trương cải cách Tư pháp đang muốn "cải thiện" qui trình xét xử của toà án với việc nhấn mạnh đến vai trò của luật sư.

Các luật sư 'cãi nhau' vì Bà Tưng

Thứ 3, 13/08/2013 | 13:41
Quyết định "tạm thời chưa cho phép" của Cục biểu diễn nghệ thuật đối với Bà Tưng khiến cô gái trẻ thất vọng đóng cửa facebook về quê, còn giới luật sư thì đưa ra những quan điểm trái chiều.