Ngồi vệ đường, xe máy, lan can cầu để... giải hạn

Ngồi vệ đường, xe máy, lan can cầu để... giải hạn

Chủ nhật, 24/02/2013 | 11:22
0
Người đến chùa quá đông, phải ngồi la liệt ngoài đường để vái vọng. Có gia đình còn bày cả đồ lễ ngay vệ đường, trên cầu vượt và đứng ngồi lổm nhổm trên xe máy cúng vọng vào chùa.

Năm nào cũng vậy, ra Tết, nhu cầu cúng dâng sao giải hạn của các gia đình tăng đáng kể. Tính riêng ở Hà Nội, tất cả các chùa đều có số người đến dâng sao giải hạn lớn nhưng quy tụ số người đến đông nhất là chùa Phúc Khánh (còn có tên chùa Sở, số 382 phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) và chùa Quán Sứ (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội). Người ta thường bảo "Phú quý sinh lễ nghĩa", thế nhưng, việc dâng sao giải hạn được tiến hành tùy vào lòng thành tâm, cách nghĩ của mỗi cá nhân. Có nhiều người điều kiện gia đình khó khăn nhưng năm nào cũng chắt bóp một khoản tiền không nhỏ để sắm lễ giải hạn. Lại có những gia đình lỡ không kịp mời thầy đến làm lễ giải hạn đúng ngày thì nơm nớp lo sợ sẽ bị xui xẻo, bị quả báo.

Xã hội - Ngồi vệ đường, xe máy, lan can cầu để... giải hạn

Dâng sao giải hạn chật kín đường

 

Ngồi vệ đường, xe máy, lan can cầu để... giải hạn

Cúng sao giải hạn đầu năm là một tập tục tín ngưỡng dân gian của người Việt từ xưa.  Người nào cũng có sao chiếu mệnh trong năm. Có 9 ngôi sao cả tốt, lẫn xấu, theo đó, cứ sau 9 năm lại luân phiên ứng với một cá nhân. Khi đến sao xấu người ta phải làm lễ để hóa giải vận hạn trong năm. Không chỉ vậy, những người có sao tốt cũng làm lễ nghênh đón sao tốt để mong làm ăn phát đạt, gặp nhiều điều tốt lành cho một năm mới.

Thế nhưng, liên tục nhiều năm nay, người dân quanh khu vực chùa Phúc Khánh cũng như người dân cả nước đều chứng kiến cảnh chen chúc chật kín, tắc nghẽn cả đoạn đường dài để dâng sao giải hạn.  Năm nay, tối 17/2 (mùng 8 Tết), hàng nghìn người dân đã ngồi tràn ra đường, trước cổng tổ đình Phúc Khánh để làm lễ cúng sao giải hạn đầu năm. Do số người đến chùa quá đông, người ta ngồi la liệt ngoài đường để vái vọng. Có gia đình còn bày cả đồ lễ ngay vệ đường, trên cầu vượt và đứng ngồi lổm nhổm trên xe máy cúng vọng vào chùa. Tất cả tạo nên một cảnh tượng vô cùng xấu, ảnh hưởng an ninh trật tự và an toàn giao thông. Khi ra về, cả đoạn đường ngập rác, vỏ bánh kẹo... trông rất phản cảm.

Từ một việc làm, suy nghĩ tốt đẹp là giải hạn cho bản thân và gia đình thì việc cúng sao giải hạn ấy vô tình bị bóp méo, bị nhuốm màu mê tín dị đoan. Nếu cứ phải chen chân cho bằng được để ngồi la liệt cạnh chùa, vái vọng mà giải được hạn, mà ăn nên làm ra, của nả đầy nhà thì người ta chẳng cần cố gắng làm gì. Mỗi năm chỉ cần đầu tư tiền làm lễ cúng sao giải hạn thật chỉn chu  hoặc lễ nghênh đón sao tốt thì yên tâm cả năm.

Đã xin đăng ký giải hạn sao Thái Bạch cho mình vào tối 15/1  âm lịch  tại chùa Phúc Khánh, anh Nguyễn Văn Hùng (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Hạn sao nào thì người bị sao ấy chiếu mệnh phải trực tiếp đi giải. Đúng tối ngày rằm tôi sẽ đến chùa lúc 7h  tối. Vì đã đăng ký trước, tất cả những người có sao Thái Bạch chiếu sẽ được làm lễ cúng một loạt. Khi đến, ai có lễ thêm gì thì mang, còn lại ngồi chắp tay nghe sư thầy đọc kinh chừng hơn một tiếng. Tôi thấy năm nay số người bị sao Thái Bạch chiếu mệnh cực đông, sao này ở nam sẽ nặng hơn nữ. Năm bị sao này sẽ bị mất mát, ảnh hưởng cả đến sinh mạng". Tuy nhiên, khi được hỏi rằng việc cúng sao giải hạn có thật sự tránh hạn không, anh Hùng chần chừ: "Tôi đi cúng giải hạn để thấy yên tâm rồi tập trung vào công việc thôi, còn có hóa giải được hạn không tôi không chắc. Cách đây 9 năm, đúng năm mà sao Thái Bạch chiếu thì tôi lại gặp may, được thăng quan tiến chức". Anh Hùng cũng cho biết, chùa Phúc Khánh được mọi người đổ xô đến để xin giải hạn vì đây là một trong hai ngôi chùa của Việt Nam có Đại Tạng kinh (chùa còn lại trong miền Nam). Nhiều người làm ăn thành đạt ủng hộ vài triệu để xây vọng, có người từ nước ngoài gửi về vài trăm triệu để ủng hộ vì có nghe đến sự linh thiêng nơi đây.

Là người đến với chùa Phúc Khánh từ rất lâu, anh Hùng bảo: "Từ những năm 1995 - 1996, chùa Phúc Khánh rất vắng vẻ, mỗi khi đến cầu an có thể ngồi thoải mái và vào khu Tam Bảo. Thế nhưng, chục năm trở lại đây, vào ngày cầu an giải hạn, dù tôi có cố chen chân từ chiều cũng khó mà vào chùa được. Số người đến quá đông đến mức công an được huy động để dẹp đường, đảm bảo an ninh trật tự. Vô hình trung, từ chuyện đến nơi được coi là thanh thản trong tâm hồn thì mọi người phải gồng mình chen chúc trong cả biển người.

Sao càng nặng, lễ càng lớn

Trò chuyện đầu năm với PV Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Lan (ngõ 175, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Năm nào cả nhà tôi cũng đi cũng giải hạn, tuy nhiên càng ngày càng thấy việc giải hạn ấy được tiến hành qua loa, làm gộp, mang tính chất thương mại. Lễ để giải hạn thì cũng tùy sao chiếu mệnh năm đó. Sao nhẹ thì chỉ cúng giải hạn bằng mũ mão, tiền vàng, chả đáng bao nhiêu. Tuy nhiên, những sao xấu như Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch thì lễ từ vài trăm ngàn đồng, người có tiền thì sắm lễ vài triệu đồng. Có thờ có thiêng, năm nay tôi bị đúng sao Thái Bạch chiếu nên phải làm lễ hóa giải tại chùa Quán Thánh (Q. Ba Đình, Hà Nội), nếu không dễ bị "quét sạch cửa nhà" ấy chứ". Theo đó, hình nhân chiếu mệnh của sao đó thường có giá 50 - 70 nghìn đồng. Chuẩn bị riêng tiền lễ cho riêng mình, bà Lan cũng mất ngót nghét hai triệu bạc. Trong đó, tiền lễ cúng hết 300.000 đồng.

Bà Lan còn kể lại trường hợp khi ông chú ruột qua đời được 35 ngày, gia đình cho lên chùa Quán Sứ để cúng nhưng ở đây làm chung chừng chục nhà trong một đàn cúng, chục mâm lễ mà chỉ có một thầy nên không thiêng.

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, số tiền dành cúng sao giải hạn đầu năm của các gia đình dao động từ 1,5 - 5 triệu đồng, tùy điều kiện từng người. Những nhà có chồng làm quan to, lễ dâng sao giải hạn không bao giờ dưới 5 triệu đồng. Mỗi gia đình khi đến chùa đăng ký giải hạn thường phải đóng khoảng 100 - 500.000 đồng để giải hạn cho một lễ. Theo đó, trong gia đình có ai bị sao nặng phải đốt hình nhân thì sẽ đóng riêng. Những khoản phí, lễ phát sinh cho những sao xấu đó mới đáng kể.

Tại chùa Phúc Khánh, chi phí cho một lần giải hạn là 100.00đồng/người, cầu an là 200.000đồng/người, đồ lễ được người đến giải hạn chuẩn bị riêng. Có lẽ, tâm lý đám đông vẫn còn nặng nề trong mỗi cá nhân. Đúng ngày mùng 8 Tết, đi đến đoạn chùa Phúc Khánh, mới 5h chiều nhưng dòng người đã chật cứng. Không nhích nổi xe, tôi toan quay đầu để tìm chỗ gửi thì đụng ngay một chị phốp pháp đang khệ nệ tay lễ, tay hương hoa, tiền vàng, hình nhân. Dường như quan tâm tới việc giải hạn là trên hết, chị liến thoắng: "Nhanh nhanh tránh đường giúp để tôi còn chen vào trong chùa".

Tôi hỏi: "Cúng sao như vậy có giải được hạn không". Chị nhanh nhảu: "Cô nhìn chật kín người đến thì biết rồi đấy, không thiêng, không giải được hạn thì người ta ở nhà cho xong". Tưởng tôi cũng đến cúng giải hạn, chị quay lại bảo: "Theo lịch được niêm yết công khai ở chùa Phúc Khánh thì ngày mồng 8 tết sẽ làm lễ khóa sao La Hầu, ngày rằm tháng Giêng sẽ làm lễ khóa sao Thái Bạch, ngày 18 tháng Giêng khóa sao Kế Đô. Cô xem mà đến cho đỡ nhầm ngày". Vừa dứt câu thì cả dáng người của chị đã lẩn vào dòng người chật cứng.

Nhiều chị em mới lập gia đình còn lên mạng lập cả topic để trao đổi với nhau xem nên cúng sao giải hạn ở đâu. Tại trang webtretho.com, thành viên có tên Babyloveno1 viết: "Ở chùa nào cũng có cúng sao giải hạn, các chùa lớn thì đông hơn phải đăng ký sớm vào nếu không sẽ đợi lâu, có khi hết tháng giêng vẫn chưa đến lượt. Nhà mình toàn đăng ký ở chùa Hòe Nhai".

Tục lệ nào đã thành tín ngưỡng thì đều trở thành nét đẹp trong văn hóa. Thế nhưng, khi việc cúng bái từ trong tâm đã bị nhuốm màu vật chất, được tiến hành công phu, tốn kém, lại ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mỹ quan đường phố thì không nên. Trao đổi với PV Người Đưa Tin, Đại đức Thích Thanh Tuấn (chùa Quán Sứ - Hà Nội) từng nói: "Khi dâng lên Phật, dù chỉ là một hạt cát nhỏ li ti nhưng nếu thành tâm sẽ được đức Phật chứng giám chứ không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy".                                                

Yến Dương

Ngồi giữa đường dâng sao giải hạn

Thứ 2, 18/02/2013 | 09:32
Tối 17/2 (mùng 8 Tết), hàng nghìn người dân ngồi tràn ra đường trước cổng tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội) để làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm. Kết thúc buổi lễ, cả nghìn người chen lấn xin lộc và xả đầy rác ra đường.

Bi hài với độc chiêu "giải hạn" cho sim điện thoại

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Thời gian qua, thú chơi sim theo "số mệnh" khi mua sim, người mua xem bói có hợp tuổi, hợp mệnh hay không được không ít người... mê muội. Thậm chí, với những người "sính" chơi sim "số mệnh" đến mức u mê thì khi gặp vận hạn, họ sẵn sàng thuê "thầy" về nhà làm lễ giải hạn cho sim...

Bữa tiệc giải hạn thành đại tang

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Gần nửa đêm ngày 22/5, đoàn xe tang chở 7 nạn nhân xấu số tử nạn trong vụ đắm tàu nhà hàng Dìn Ký (Bình Dương) đã về đến nghĩa trang họ Trần ở núi Đòn Gánh, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).