Danh cầm khiến thiên hạ khóc mỗi khi so dây

Danh cầm khiến thiên hạ khóc mỗi khi so dây

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Đến thăm "Đệ nhất danh cầm đương đại" Văn Giỏi, tôi bật cho ông nghe mấy bài vọng cổ do các danh ca một thời trình bày. Chỉ nghe qua một đoạn nhưng ông có thể biết những ai ca, ca bản gì, ai đờn và đờn gì. Ông nổi tiếng khi đờn các bản oán, mỗi khi ông so dây nhả âm là khiến cho nhiều người rơi nước mắt.

Ngón đờn thuyết phục lạ thường

Không bị khiếm thị từ bé như "tiền nhân" Văn Vĩ, nhưng năm 29 tuổi (1976), đôi mắt của Văn Giỏi (tên thật là Trần Văn Giỏi, quê xã Long Trung, Cay Lậy, Tiền Giang) bị nhậm, sau đó kéo "mây cườm" và mờ dần, đến năm 1983 thì không thấy gì nữa.

Xã hội - Danh cầm khiến thiên hạ khóc mỗi khi so dây

"Đệ nhất Danh cầm" đương đại Văn Giỏi

Ông kể:"Nội ngoại toàn là dân chơi đờn ca tài tử - cải lương, có người đi đờn chính cho những gánh hát vào thập niên 50-60 của thế kỷ trước".

Ngay từ nhỏ, Văn Giỏi đã lần lượt được "thọ giáo" từ những bậc "cao tay" ghi-ta phím lõm. Anh Tư Vĩ (con người cô ruột), dạy làm quen với dây, phím và bài bản vọng cổ, cải lương. Thấy cháu còn nhỏ nhưng quá mê đờn và có tố chất nghệ sĩ nên cậu Ba Kiệm và cậu Tám Kiềm lần lượt dạy ba Nam - sáu Bắc - bảy Lễ (bảy bản Hạ - đờn cò). Sau đó thấy ông sáu Oanh (làm nghề hớt tóc) có ngón đờn oán hay quá bèn xin "thụ ngón". Vậy là không bao lâu, chàng "thư sinh 18" vốn thuộc dòng trung lưu đã sành sõi 20 bài bản đờn tổ.

Đã mang nghiệp "cầm ca số kiếp con tằm...", chàng thanh niên Văn Giỏi quyết chí lên Sài Gòn tìm đường "nhả tơ trả nợ dâu xanh". Và từ đây, sự nghiệp của Văn Giỏi cứ "bay cao bay xa". Những ngày đờn cho ban Thành Công, Hương Thanh Bình, Trâm Hoa Miền Nam... Văn Giỏi "hân hạnh" được thể hiện "bản lĩnh" đồng thời cũng được "lĩnh hội" ngón đờn của "Đệ nhất danh cầm ghi-ta phím lõm" Văn Vĩ, đàn kìm của Năm Cơ, đàn tranh của Bảy Bá, đàn cò của Ngọc Sá...

Nhạc sĩ Nhị Tấn cho biết: "Phải nói Văn Giỏi là một "biệt tài" xưa nay hiếm có. Ghi-ta phím lõm, tranh, kìm, cò, sến, violon loại nào chơi cũng hay. Nhưng không biết Văn Giỏi thể hiện như thế nào mà lại được gia nhập nhóm Văn Vĩ sớm vậy! Trong khi ngày trước, Văn Vĩ "chê" ngón đờn Duy Trì (cũng là một người đàn kìm hay nổi tiếng) nên không cho gia nhập nhóm.

Tiếng tăm vang dội

Bước đầu vào nghề đã sớm được "rạng danh". Năm 1969, Văn Giỏi được hai hãng băng, đĩa lớn nhất lúc bấy giờ là Việt Nam và Continantal ký hợp đồng dài hạn. Bộ độc tấu và hòa tấu cùng những danh cầm Văn Vĩ, Năm Cơ, Bảy Bá, Ngọc Sáu, Hai Thơm, Chính Trích... trong băng từ cassete "Nhạc cổ điển Việt Nam" từ đó đến nay người trong giới luôn yêu quý và tìm nghe. Đây được xem là những "bước nhảy" vang dội trong giới chơi Cổ nhạc khắp trong và ngoài nước. Nhưng từ sau giải phóng (1975-1990), khi cùng Thanh Hải (đờn tranh) đờn chánh cho Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM mới là thời gian rực rỡ nhất của Văn Giỏi. Cùng thời gian này Văn Giỏi còn cộng tác đờn "chầu" cho các đoàn Cải lương: Thanh Nga, Trần Hữu Trang, Kiên Giang... Với những tuồng "để đời": Đường gươm Nguyên Bá, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Lan và Điệp, Lưu Bình Dương Lễ, Đời cô Lựu, Gánh cỏ sông Hàn...

Xã hội - Danh cầm khiến thiên hạ khóc mỗi khi so dây (Hình 2).

"Đệ nhất danh cầm" đương đại trong vườn nhà

Với tất cả những gì đã học về nghề và vui buồn với đời, Văn Giỏi đã "ngẫu hứng" sáng tác nên hai bài đờn "đỉnh cao" sự nghiệp vào năm 1978 là: "Cửu khúc Lam giang" và "Phi vân điệp khúc". Nhạc sĩ Nhị Tấn bình luận: "Hai bài đờn là sự thể hiện trình độ cảm thụ "rành rọt" nền âm nhạc tài tử, cải lương "thang âm ngũ cung", biết kết hợp với làn điệu ca nhạc Huế với dân ca Nam Bộ. Hai bài có tiết tấu khoan nhặt, lả lướt, âm điệu sâu lắng, trữ tình, chữ đờn mới lạ, vừa bùi vừa thơm nên rất được công chúng và giới chơi nhạc đón nhận. Sau đó hai bản này rất thường xuyên được ứng dụng vào trong bản vọng cổ và cải lương".

Rồi năm 1983, chính cái năm đôi mắt Văn Giỏi mờ hẳn cũng là lúc ông cùng tri kỷ Thanh Hải dựa theo làn điệu dân ca Liên khu 5 cho ra đời "Vọng kim lang". Một bản nhạc nức nở, thổn thức, khắc khoải như tiếng lòng người cô phụ thương nhớ chồng đang chốn xa xăm. Có người khen: "Xem Văn Giỏi đờn, ta thấy như tâm và tay là một. Không thấy được vạn vật, tâm hồn mặc nhiên "nhả" vào đường tơ, tiếng tơ lảnh lót trên những ngón tay búng bẩy, lăn tròn đều trên cung phím".

Còn nhạc sĩ Nhị Tấn nhận xét: "Văn Giỏi có lối đờn chặn dây trên một cách vô cùng độc đáo, nhất là bản oán. Thường người ta đờn 5 dây, Văn Giỏi đờn 6 dây. Ba dây 4, 5, 6 bị "chặn âm" tạo ra tiếng bass trầm ấm. Giữa Văn Vĩ và Văn Giỏi có lối nhấn nhá chữ "xang" cũng khác. Văn Vĩ nhấn chìm sâu, mùi mẫn, thấm thía, Văn Giỏi lại nhấn lả lướt, bay bướm, rung bật. Vì vậy ai ai cũng công nhận: Văn Vĩ ra đi Văn Giỏi còn đó".

Tài năng mà khiêm tốn

Mặc dù rất giỏi nhưng Văn Giỏi không bao giờ tự phụ và sống rất chừng mực. Nhạc sĩ Nhị Tấn kể lại: "Hồi tôi cùng Năm Cơ, Văn Giỏi, Đoàn Quy... còn đờn cho quán Ngọc Sơn (bến Tôn Thất Thuyết, Q.4), khi đến tiết mục cổ nhạc của ban thì vì "món tiền thưởng" của khách "sộp" mà người dẫn chương trình hôm đó bỏ qua tiết mục và giới thiệu đến tân nhạc. Tôi bực bọn khinh rẻ anh em, coi trọng đồng tiền nên đá phăng cái bảng đăng ký chương trình xuống sông. Mọi người trong ban nhạc cổ ai cũng tỏ ra hoang mang, riêng Văn Giỏi chỉ cười hòa ý vị...

Văn Giỏi là thế, không nói nặng lời với ai, không để dạ thù hằn ai bao giờ". "Năm 1980, nhà ở dưới Đa Phước, Q.8. Hôm má tôi mất, anh em trong ban văn nghệ hay tin, dù trời tối nhưng nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Tư Thiên, Sáu Thoàn, Văn Vĩ, Văn Giỏi... không quản đường xa, mang dàn nhạc tới. Đêm tối, đường đồng, bờ đê nhỏ, người sáng mắt đi không khó thì Văn Vĩ, Văn Giỏi "té lên té xuống".

Được ngồi nói chuyện với danh cầm Văn Giỏi mới thấy ông từ tốn, khiêm nhường và hào sảng đến nhường nào. Ông bảo: "Mình sống theo thuyết nhà Phật nên bây giờ không màng đến chuyện danh tiếng". Mỗi tháng ít nhất Văn Giỏi ăn chay hai ngày rằm và mùng một. Có tiền là ông cứ "tuôn" hết cho mấy người bán vé số. "Họ than nghèo, bán ế thì mua giúp thôi", ông cho biết.

Tuy giờ đây tuổi đã qua lục tuần nhưng mỗi khi nghe có chương trình từ thiện mời đi đờn gây quỹ là Văn Giỏi sẵn sàng "có mặt". Vì vậy mấy chục năm đi đờn làm từ thiện, ông đã góp rất nhiều tâm, sức và vật chất để xây rất nhiều nhà tình nghĩa, tình thương cho dân nghèo... Với những cống hiến cho âm nhạc dân tộc, Văn Giỏi đã được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú năm 2007.

Đã mấy chục năm sống với biết bao sự hưng vong của thế sự, của đờn ca tài tử - cải lương, ông tâm sự: "Giờ đây không còn gì luyến tiếc mà thấy lòng mình thanh thản". Ông có một người vợ rất mực thương yêu chồng, bốn người con chăm ngoan, có công ăn việc làm ổn định. Có một điều là trong các con không ai theo nghiệp bố. Về chuyện này ông bảo: "Nghề của mình vốn dĩ thiên hạ gọi "xướng ca vô loài". Bản thân đã trót vương mang rồi cũng không muốn con mình nối theo. Ai cũng có cái "duyên nghiệp" riêng nên mình không ép được".

Nguyên Pháp

Đón đọc kỳ tới: Người có ngón phá cách đệ nhất thiên hạ


Tag: so dây