Danh hài Cát Phượng: Quá khứ nghèo khổ, phải bán máu để mua mì gói ăn qua ngày

Hà Linh

Để có được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả như hôm nay, Cát Phượng đã phải đi qua một quãng đường dài đầy chông gai, đá sỏi. Sau 30 năm bươn trải, “Cô Cát” vẫn khóc ngon lành khi nhớ về những đắng cay ngọt bùi đã từng kinh qua…

Ăn mì gói chờ đợi từng vai diễn nhỏ nhất

Chào nghệ sĩ Cát Phượng! 30 năm về trước chị đã bén duyên nghiệp diễn thế nào?

Như một cái duyên, đọc được một tờ báo tuyển diễn viên điện ảnh hệ B, nghĩa là hệ đóng tiền học, tôi xin cha tiền và đóng học phí. Nhưng học được 2 tháng lớp tan rã vì không ai có tiền đóng tiếp. Lớp diễn viên điện ảnh hệ B lúc đó có Việt Trinh. Lớp nghỉ và Việt Trinh nổi tiếng. Còn tôi nhảy qua trường Sân khấu 2 học (hiện nay là trường Sân khấu Điện ảnh).

Rồi như một cái nghiệp, năm 1990 tôi thi vào và đậu chính quy hệ A, với điểm thi cao ngất ngưỡng. Lúc đó, tôi nhận được 70 nghìn tiền học của nhà trường vì đậu hệ A. Một số tiền không nhỏ vào thời điểm ấy. Học được 3 tháng, tôi vẫn chưa biết mặt thầy chủ nhiệm lớp – thầy Trần Ngọc Giàu. Vì lúc đó thầy bận nhiều việc phải đi suốt. Đến lúc thầy lên lớp thì tôi lại không có ở lớp vì bận đi show.

Cuối cùng khi tôi biết mặt thầy cũng là lúc nhà trường không cho học tiếp với lý do tôi chạy show quá nhiều. Mà thời đó sinh viên trường nghệ thuật sân khấu đi học không ai được đi show. Muốn học tiếp, tôi phải đóng 400 nghìn học phí cho một năm. Số tiền đó đối với tôi lúc ấy quá xa vời. Nên tôi quyết định nghỉ học.

Tôi tiếp tục nhận show quay karaoke, quay phim, rồi những vai quần chúng nho nhỏ có khi chỉ được 1-2 câu thoại. Nhưng, tôi vui vì được quay, và mừng vì có tiền mua mì gói để trữ. Một điều làm tôi vui nữa là, khi đi quay như vậy tôi học được nhiều hơn từ các cô, chú, anh chị trong đoàn phim. Tôi nhìn mọi người diễn và học hỏi. Rồi tôi lớn lên với nghề từng phút, từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm.

Vậy bước ngoặt nào đã làm xoay chuyển cuộc đời cô Cát?

Nhớ lại thời điểm không có vai quần chúng để đi, không ai mời làm bất cứ việc gì, tôi đói quá nên phải đi bán máu để có tiền mua 1-2 thùng mì gói, trữ đó để ăn qua ngày. Tôi ăn để sống, để chờ vai diễn dù lớn dù nhỏ. Thậm chí chỉ là vai chỉ trỏ bị bắn cái đùng giãy đành chết tôi cũng chờ.

Giờ đây, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn có thể khóc ngon lành. Tôi chợt nghĩ “Trời ơi! Sao mình giỏi quá vậy! Sao mình không chết lúc đó, mà có thể tồn tại và sống tốt tới hôm nay”. Không chỉ có một lần, mà nhiều lần tôi phải đi bán máu. Đã có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện buông nghề để về quê. Nhưng, đúng lúc tôi đang soạn sửa đồ về quê thì lại nhận được show. Ngẫm lại, tôi thấy may mắn khi được Tổ nghiệp thương, không muốn mình đoạn tuyệt vời nghề.

Tôi vẫn nhớ như in lời cha từng dặn dò: “Nghề là con chọn, nghiệp là Tổ chọn con! Cho nên, con phải cưu mang và trả nợ “kiếp con tằm nhả tơ”. Tôi lấy đó làm động lực, tự thân phấn đấu theo đuổi nghề đến cùng.

Những khó khăn, vất vả trong quá khứ ảnh hưởng thế nào đến tính cách và cuộc sống sau này của chị?

Tôi nghĩ, tính cách, con người mình thế nào một phần cũng chịu ảnh hưởng từ môi trường sống. Nếu bạn rơi xuống nước nhưng không biết bơi, lúc đó buộc lòng bạn phải đạp, phải quẫy để vào được bờ. Cuộc sống cũng vậy, nó như một dòng chảy, và mình lúc nào cũng phải quẫy đạp. Tôi lại rất thích đạp ngược dòng, chứ không muốn thả xuôi theo dòng nước. Tôi thích quẫy đạp, bươn chải trong cuộc sống. Thế nên, ngay cả với những vai diễn, tôi thích những vai có cá tính, số phận thay vì những vai diễn bình bình. Cũng chính nhờ “ngược dòng” đó mới có Cát Phượng mạnh mẽ, can trường của hôm nay. Cho đến tận bây giờ, tôi thấy mình vẫn rất gan và lì.

Một dẫn chứng điển hình cho sự “gan và lì” đó, thưa chị?

Suốt chừng ấy năm làm nghề, tôi cũng đã trải qua không ít sóng gió, thị phi. Năm ngoái tôi cũng vướng phải những ồn ào không hay. Mọi thứ lúc ấy rần rần, dữ dội lắm, nhưng tôi vẫn mạnh mẽ đương đầu. Thay vì um sùm lên tiếng, thì tôi chọn cách bình tĩnh để nhìn nhận và giải quyết mọi vấn đề. Tôi im lặng không phải vì sợ hay có lỗi, mà tôi không muốn “đổ thêm dầu vào lửa”. Khi đã đứng trong “tâm bão”, thì buộc tôi phải đứng như thế nào “cơn bão” đó qua đi mà không cuốn tôi đi cùng. Nhờ hồi xưa tôi mạnh mẽ, kiên cường bám trụ với nghề, nên mới có bản lĩnh để đối đầu với những sóng gió sau này.

Tôi đã hết thời diễn

30 năm bươn chải, sống chết vì nghề, nhưng tại sao cô Cát của bây giờ lại nhận mình “hết thời”?

Hết thời ở đây là tôi tự cho mình hết với thời diễn. 30 năm sống chết với nghiệp diễn, tới thời điểm này tôi thấy đã đủ và muốn dừng lại. Nhưng, nếu có vai diễn nào thật ưng, thật thích thì tôi vẫn sẽ nhận lời xuất hiện. Hiện tại, tôi sẽ chuyển qua làm đạo diễn, viết kịch bản, nhà sản xuất với quy mô nhỏ.

Chị muốn nhắn nhủ điều gì về các thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này?

So với thời nghệ sĩ chúng tôi trước đây, các thế hệ trẻ sau này có nhiều cơ hội để tiếp cận và phát triển với nghệ thuật. Sự bùng nổ của nhiều chương trình, game show giúp các em đến gần hơn với khán giả. Ai có tài và thực lực sẽ bám trụ với nghề, còn không sẽ bị đào thải. Đó là quy luật rồi. Cũng có những em kêu than với tôi “làm nghề khổ quá”. Tôi chỉ muốn chia sẻ đôi chút những cay đắng ngọt bùi mà tôi nếm trải để theo và sống được với nghề để giúp các em có thêm động lực phấn đấu, đừng vội nản chí.

Trải qua bao hỉ nộ ái ố của cuộc đời, đến thời điểm này cô Cát đã thấy hài lòng với cuộc sống của mình?

Dù cho cuộc sống lúc này có vất vả hay sung sướng, tôi vẫn rất hài lòng. Nhưng, nhìn lại quá khứ mấy chục năm về trước, tôi lại thấy vui và hãnh diện với chính bản thân mình nhất. Đó mới là điều khiến tôi hài lòng nhất trong cuộc đời mình. Bởi chính những khổ ải cùng cực đó giúp tôi có thể tồn tại mạnh mẽ tới hôm nay, giúp tôi đứng vững trước những cám dỗ, sóng gió cuộc đời..

Cảm ơn nghệ sĩ Cát Phượng về cuộc trò chuyện!

H.L