Danh xưng người mẫu đang bị lạm dụng vì thiếu quản lý

Danh xưng người mẫu đang bị lạm dụng vì thiếu quản lý

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Các người mẫu chuyên nghiệp mong muốn được cấp giấy phép hành nghề, để tránh tình trạng vàng thau lẫn lộn.

Những câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” đang khiến nghề người mẫu bị định kiến trong con mắt của mọi người. Khó ai có thể đồng cảm hay dung túng chuyện người mẫu bán dâm. Mới đây câu chuyện của “người mẫu” Hồng Hà khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi: Phải chăng danh xưng người mẫu đang được gọi quá dễ dàng?

Sự kiện - Danh xưng người mẫu đang bị lạm dụng vì thiếu quản lý

Vì đồng tiền, nhiều người mẫu đã tự tay đánh mất nhân phẩm, đạo đức của mình

Tự xưng, tự phế

Chỉ cần mất vài triệu đồng để chụp mấy tấm ảnh mát mẻ, nhạy cảm, nhiều cô gái đã nghiễm nhiên được xưng danh người mẫu. Mặc dù ngoại hình của họ chỉ ở mức “tàm tạm” và chiều cao mới chạm đến ngưỡng 1m60. Dù nhan sắc này còn lâu mới mơ tới ngôi vị hoa hậu, người mẫu chính thống nhưng lại dư sức để trở thành gái gọi cao cấp. Vậy là, danh xưng người mẫu (dù chỉ là tự xưng) cũng đủ để nâng giá cát xê lên gấp hàng trăm lần cho các cô gái mỗi khi “đi khách”.

Khó có một con số thống kê cụ thể về người mẫu Việt Nam hiện nay. Năm 2006, Hiệp hội người mẫu Việt Nam được thành lập. Tuy vậy, những hoạt động sau đó của hiệp hội này không mang lại nhiều hiệu quả. Không ít người mẫu kỳ cựu tỏ ra e ngại và mơ hồ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi gia nhập hiệp hội này. Theo siêu mẫu Xuân Lan, người mẫu chuyên nghiệp ở Việt Nam rất ít nhưng bán chuyên nghiệp hoặc làm việc thời vụ lại rất nhiều. Vì vậy, các cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát được.

Đem câu hỏi: Đến bao giờ người mẫu mới được cấp phép để hành nghề, người viết chỉ nhận được những cái lắc đầu ngao ngán của người trong cuộc. Theo Thúy Hằng, cựu người mẫu, giám đốc miền Bắc của Công ty người mẫu Elite, người mẫu đã được công nhận là một nghề từ cách đây vài năm nhưng đó chỉ là trên lý thuyết. Còn thực tế, mọi hoạt động quản lý của người mẫu vẫn không có gì thay đổi so với trước đây. Ngay sau khi có quyết định công nhận người mẫu là một nghề, Nhà nước đã lên kế hoạch ban hành giấy phép hành nghề cho các người mẫu chuyên nghiệp. Nhưng cho đến nay, chuyện này vẫn chưa được thực hiện. Hiệp hội người mẫu Việt Nam, dù tiêu chí là bảo vệ quyền lợi cho người mẫu nhưng thực chất không có một hoạt động nào thực sự hiệu quả. Nói thẳng ra, các người mẫu vẫn phải “tự bơi”.

“Hiện nay, công việc của Hiệp hội người mẫu Việt Nam là quản lý các công ty người mẫu. Nhưng nếu không có họ, chúng tôi vẫn hoàn thành tốt công việc của mình”, Thúy Hằng chia sẻ.

Cựu người mẫu Thúy Hằng bức xúc: “Các người mẫu bây giờ hoạt động tự do rất nhiều và họ không chịu bất kì một sự quản lí nào. Đó chính là lí do khiến danh xưng người mẫu đang bị lạm dụng thái quá. Sự việc Hồng Hà tự xưng là người mẫu của công ty chúng tôi (công ty người mẫu Elite-PV) là một ví dụ. Đến nay, mọi thứ đã được làm sáng tỏ nhưng nó cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Elite. Theo tôi, với những trường hợp trá danh thế này, cần có những hình phạt nặng hơn, nếu chỉ phạt hành chính vài triệu đồng thì không thể răn đe được”.

Danh xưng bị lợi dụng

Theo Trang Trần, việc cấp phép giấy hành nghề cho các người mẫu là rất cần thiết. Bản thân cô, dù là một người mẫu hoạt động tự do nhưng luôn mong muốn có được sự quản lí và bảo trợ từ phía các cơ quan chức năng như Hiệp hội người mẫu Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi mong muốn vẫn chỉ là mong muốn. Thậm chí, hoạt động duy nhất mà cô tham gia là lễ ra mắt cách đây 6 năm của hội. Tờ giấy cấp phép hành nghề người mẫu giống như một tấm bằng tốt nghiệp đối với mỗi người mẫu. Đó cũng là căn cứ để phân biệt giữa người mẫu chuyện nghiệp và không chuyên nghiệp.

Bên cạnh việc quản lí lỏng lẻo thì tính phức tạp của nghề người mẫu cũng là một trong lý do khiến nghề này bị kẻ xấu lạm dụng. Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Nghiệp chia sẻ: “Vì sao nhiều gái bán dâm dám tự xưng mình là người mẫu?. Tất cả đều có lí do của nó. Là một người quen biết và thường xuyên làm việc với giới này, tôi hiểu, chuyện người mẫu đi bán dâm là có thật. Công chúng vốn đã có cái nhìn thiếu thiện chí với nghề người mẫu. Bởi vậy, câu chuyện các chân dài “đi khách”, “bán trôn nuôi miệng” càng bị xã hội lên án quyết liệt.

Người thực hiện bộ ảnh “nude” (về nam siêu mẫu Ngọc Tình) từng gây tranh cãi phân tích thêm: “Trong môi trường nhiều cạm bẫy này, đôi lúc phạm vi đạo đức bị lung lay và ảnh hưởng. Hơn nữa, nghề người mẫu không kiếm được nhiều tiền như xã hội vẫn tưởng. Các chân dài lại có lối sống phù phiếm, quen “ăn trắng mặc trơn” cho nên việc bán thân là chuyện không quá khó hiểu. Không ít các cô gái ăn theo danh hiệu người mẫu bằng cách tham gia các cuộc thi vô danh tiểu tốt rồi cũng tự gắn cho mình cái mác danh giá.

Tuy nhiên, danh hiệu người mẫu được sử dụng tùy tiện một phần do báo chí. Những cụm từ như siêu mẫu, siêu mẫu đồ lót, người mẫu hàng đầu đều không chính xác ở Việt Nam, đó là do giới truyền thông vì quá ưu ái mà tự phong cho người mẫu. Những hoạt động của thời trang Việt Nam hiện nay chưa đủ tầm để gọi ai đó là siêu mẫu”.

Với kinh nghiệm hoạt động nhiều năm ở nước ngoài, người mẫu Hà Anh cho biết, chỉ có thời trang chuyên nghiệp mới có thể sinh ra những người mẫu chuyên nghiệp. Những năm gần đây, ngành này ở Việt Nam mới bắt đầu phát triển. Vì vậy, danh xưng người mẫu vẫn còn là khái niệm gây nhiều tranh cãi.

Như vậy, tiêu chí nào để một người mẫu được công nhận chuyên nghiệp đang trở thành vấn đề được rất nhiều người hoạt động trong giới người mẫu quan tâm. Liệu trong tương lai, người mẫu có được phong tặng danh hiệu tương tự các lĩnh vực khác như nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời xung quanh câu chuyện này.

Kiếm tiền bẩn quá dễ

Nhiều trinh sát từng tham gia triệt phá nhiều đường dây gái gọi cao cấp cho biết, với "mác" người mẫu, diễn viên... gái bán dâm dễ dàng được khách trả nhiều tiền hơn những người khác.

Năm 2005, diễn viên kiêm người mẫu Đinh Thoai Yến Vy bị bắt quả tang khi tham gia một đường dây gái gọi cao cấp do Trần Thị Phố cầm đầu. Theo lời khai của Yến Vy, cô đã bán dâm nhiều lần với giá từ 700 đến 1.000 USD. Cũng năm 2005, diễn viên Kim Tính, cũng bi bắt khi tham gia đường dây bán dâm do "má mì" Trần Thị Phố cầm đầu và cô cũng phải vào trại phục hồi nhân phẩm để làm lại cuộc đời. Và chuyện nữ diễn viên, người mẫu Hồng Hà bị bắt vì bán dâm ngày 24/5 mới đây được đánh giá laầ phần nổi của “tảng băng chìm”, một góc nhỏ bị phanh phui từ khoảng tối khá lớn trong giới showbiz.

Một ca sĩ tiết lộ những thông tin nghe giật mình: Với danh xưng người mẫu, các “chân dài” này sẽ có cát xê cao ngất ngưỡng. Khách có nhu cầu đi với họ phải trả 400-600 USD một đêm. Đi theo tour thì có giá 1.000-1.500 USD. Không chỉ Hồng Hà, mà còn có nhiều mẫu nổi tiếng khác cũng từng “đi khách” như thế. Đó là lúc họ mới chập chững vào nghề, còn đang bươn chải, chìm nổi với những đồng tiền thu nhập quá bèo bọt.

Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Nghiệp chia sẻ: “Việt Nam chưa có một tiêu chí nào rõ ràng về người mẫu. Đa số các người mẫu chỉ được công nhận qua một số cuộc thi, nhưng đơn vị đứng ra tổ chức những cuộc thi này là các doanh nghiệp, công ty tư nhân. Vậy thì danh hiệu họ đạt được liệu có chính thống?. Không ít các cô gái ăn theo danh hiệu người mẫu bằng cách tham gia các cuộc thi vô danh tiểu tốt rồi cũng tự gắn cho mình cái mác danh giá. Những người này đa số là làm theo thời vụ. Một năm chỉ nhận được 1 vài show diễn nhỏ lẻ. Thời gian còn lại họ chuyển sang nghề khác nhưng mác người mẫu thì vẫn thường xuyên được sử dụng như một chiêu thức để nâng giá cát xê”.

Người mẫu Hà Anh nhận định: “Việc xưng danh người mẫu hay siêu mẫu một cách tùy tiện là do giới Truyền thông. Người ta không thể biết cô này là siêu mẫu, cô kia là người mẫu nếu các phương tiện báo chí không đăng tải. Theo logic thông thường thì người ta mặc nhiên nghĩ là báo chí đã kiểm chứng khi đưa các thông tin về người mẫu, nên họ tin và gọi theo danh xưng ấy. Nếu một người tự xưng là người mẫu mà không có đóng góp gì cho nghề, cũng như không tham gia các show diễn, không chụp hình thì cái danh xưng ấy không có ý nghĩa. Vì thế, khi đưa bất kỳ thông tin gì về người mẫu, báo chí cần xác thực thông tin, như ý kiến của các chuyên gia, các người mẫu đã thành danh để thông tin xác thực hơn”.

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Thành Nhân, trưởng phòng cấp phép Cục nghệ thuật Biểu diễn khẳng định: “Hiệp hội người mẫu do Chính phủ quản lí. Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ quản lý người mẫu khi họ tham gia những hoạt động nghệ thuật. Việc cấp phép hành nghề cho các người mẫu cần được cân nhắc kĩ lưỡng, tuy nhiên tính thực thi của nó không cao bởi những vướng mắc xung quanh vấn đề pháp luật. Để nhận giấy cấp phép hành nghề người đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, nghề người mẫu hiện nay còn quá phức tạp. Trước mắt, các người mẫu cần phải có trách nhiệm và đạo đức với nghề chứ không nên chờ đợi sự quản lí của người khác”.

Cựu người mẫu Xuân Lan, giám khảo cuộc thi Tìm kiếm người mẫu Việt Nam chia sẻ: “Khó có thể quản lý được hoạt động của các người mẫu, bởi ở Việt Nam, các người mẫu hoạt động theo kiểu không chuyên và thời vụ là rất nhiều. Hoặc người ta chỉ làm người mẫu, khi đi dự các sự kiện, rồi sau đó về làm các công việc riêng, nên việc quản lý hoạt động người mẫu dường như là khó kiểm soát. Việc xưng danh người mẫu hiện nay là khá dễ dãi do có nhiều người tung hứng mà không quản lý được. Thậm chí có cô người mẫu chỉ 14 tuổi, còn đang học phổ thông, nhưng đi làm người mẫu”.

Bà Thúy Hằng, giám đốc miền Bắc Công ty người mẫu Elite cho biết: “Chưa bao giờ Việt Nam lại nhiều người mẫu như bây giờ. Đến các sự kiện nào, cũng có người tự xưng là người mẫu, mặc dù chưa lên sàn diễn lần nào. Cần có một chề tài đủ mạnh để răn đe những tự xưng là người mẫu, làm tổn hại đến các Công ty người mẫu chuyên nghiệp. Đồng thời, đó cũng là cách để nghề người mẫu được nhìn nhận một cách nghiêm túc và hoạt động hiệu quả hơn”.

Người mẫu Trang Trần: “Cũng giống như các nghề khác, nghề người mẫu cũng cần cấp phép để chuyên nghiệp hơn. Hiệp hội Người mẫu cũng nên phát huy vai trò “cầm cân nảy mực” của mình để các người mẫu yên tâm hoạt động mà không lo quyền lợi của mình bị ảnh hưởng. Tờ giấy chứng nhận nghề, cũng chính là căn cứ để phân biệt người mẫu chuyên nghiệp và nghiệp dư. Tôi biết, không thiếu các cô gái trẻ bước chân vào nghề người mẫu chỉ với lý do duy nhất là để được mặc đồ đẹp, được đi xe đẹp mà không xác định cho mình một hướng đi đúng đắn và cầu tiến”.

Đào Bích - Lạc Thành


Tag: nude