Dạo chơi mạng ảo, trẻ tổn thương thật

Dạo chơi mạng ảo, trẻ tổn thương thật

Thứ 6, 05/04/2013 | 11:29
0
Nghiên cứu về vấn đề bạo hành mạng trên gần 200 học sinh cấp hai Hà Nội cho thấy, gần 96% học sinh nam và gần 97% học sinh nữ sử dụng mạng Internet tại nhà không vì mục đích học tập.

Cô đơn trên mạng

Nhóm các bác sỹ bệnh viện Nhi Trung ương đã công bố kết quả nghiên cứu khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình: Có tới gần 96% học sinh nam và gần 97% học sinh nữ sử dụng mạng Internet tại nhà. Một nửa số học sinh trên được hỏi cho biết sử dụng mạng Internet từ hai đến sáu ngày trong một tuần. Điều đáng lưu ý là có tới 71% số học sinh dùng mạng từ 2-5 giờ/ngày. Mục đích sử dụng mạng của các em chủ yếu là nghe và tải nhạc (98%), tán gẫu (94%), chơi game (87%), thư điện tử (59%), nhắn tin (39%).

Tuy nhiên, nghiên cứu của các bác sỹ bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, có 11% trẻ ở lứa tuổi vị thành niên trong ba tháng gần đây bị bạo hành mạng, trong đó có 6,4% các em được hỏi nhận được nội dung đe dọa phổ biến qua thư điện tử, tin nhắn tán ngẫu. Hầu hết các em nam nhận tin nhắn đe dọa qua hình thức thư điện tử, chơi game, từ các trang “web đen”.

Còn các học sinh nữ đa phần nhận được tin nhắn đe dọa qua chatroom (phòng tán ngẫu), thư điện tử và mạng xã hội. Hầu hết các em sau khi nhận được tin nhắn đe dọa bản thân có những hành động đáp trả như xóa tin nhắn đe dọa, tránh xa kẻ đó, chặn thông tin.

Tỷ lệ các em nhờ sự giúp đỡ của người thân còn thấp. Theo bản báo cáo Norton online Family Report 2010 (báo cáo toàn cầu về hiện trạng bảo mật trực tuyến trong các gia đình) thì có tới 41% trẻ em trên thế giới nhận được lời mời kết bạn từ người lạ trên các trang mạng xã hội và 10% trẻ em toàn cầu đã từng gặp gỡ trực tiếp với người lạ kết bạn với mình.

Xã hội - Dạo chơi mạng ảo, trẻ tổn thương thật

Nếu không được quan tâm chia sẻ thì trẻ dễ lạc lối. Ảnh minh họa

Thạc sỹ Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu môi trường và Các vấn đề xã hội cho biết: Hiện nay học sinh, đặc biệt là các em ở lứa tuổi cấp hai đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Các em đang ở lứa tuổi phát triển về tâm sinh lý và có rất nhiều điều muốn tìm hiểu, muốn được giải đáp, tâm sự nhưng không biết hỏi ai nên thường lên mạng tìm bạn hoặc gặp công cụ tìm kiếm google để được giải đáp. Thế nhưng, thế giới mạng lại đầy rẫy những trang web bạo lực, sex, tệ nạn xã hội. Khi các em tiếp xúc mạng nhiều, xem trang web đen dễ bị kích dục, nảy sinh ham muốn và muốn thỏa mãn, thậm chí còn tung clip sex, hiếp dâm.

Lứa tuổi này dù các em đã có thể xác của người lớn nhưng lại không phải là người lớn với những khủng hoảng tâm sinh lý trong quá trình hoàn thiện nhân cách, nên khi tiếp xúc với thông tin xấu đầy rẫy, trái chiều các em sẽ khó phân biệt được đúng sai, thật giả. Tuy mới xuất hiện nhưng loại bạo hành mạng này lại có mức độ lây lan rất nhanh. Nhưng bà Hải cho rằng, trong thế giới ngày nay, vấn đề cấm trẻ tiếp xúc với mạng là không thể. Vì thế, cơ quan chức năng phải quản lý thông tin mạng, kiểm soát những trang web độc hại, ngăn chặn xử lý những đối tượng lừa đảo.

Mải làm ăn,đẩy con vào cạm bẫy

Nhiều phụ huynh do mải mê những thương vụ làm ăn, thường về nhà khi con đã đi ngủ và sáng ra chỉ gặp nhau thoáng chốc rồi mỗi người mỗi ngả. Nhiều phụ huynh còn đẩy con em tới những lớp học thêm để tránh xa các tệ nạn. Tuy nhiên, với các cô cậu cấp hai, không phải hôm nào các em cũng đến lớp học thêm như lịch. Bữa nào chán thì tụ tập đi chơi, có em vào quán net miễn sao trước 21 - 22h khuya có mặt ở nhà, bởi bố mẹ không hề hay biết.

Nói đến việc đi học thêm của học trò, nhiều giáo viên bày tỏ rằng ngoài nhu cầu mong con tiếp thu kiến thức thì nhiều gia đình mục đích chính để giải quyết vấn đề không có người trông con sau giờ học. Hoặc họ đẩy con đến các lớp học năng khiếu, các khóa học kỹ năng, nâng cao này nọ chỉ vì lý do để... gửi con. Họ sẵn sàng bỏ những khoản đầu tư lớn cho tương lai của con. Có em được học ở những khóa học đắt tiền, ăn mặc hàng hiệu, đồ chơi cao cấp, nhiều gia đình có bác sĩ, gia sư, người chăm sóc riêng. Hay đơn giản hơn là họ cho con thật nhiều tiền mong con không cảm thấy bị thiếu thốn.

Và đây là tâm sự của một nữ sinh lớp 8, được giáo viên cho biết học giỏi, gia đình rất khá giả, thường ngày có tài xế đưa đón đi học bằng ô tô: "Bố mẹ bắt em phải học thật giỏi, phải đạt thành tích này nọ nhưng có bao giờ hỏi han việc học, chuyện trường lớp của em chưa? Hết giờ học em không muốn về nhà vì buồn chán kinh khủng, chẳng có ai bên mình. Nghỉ hè nào cũng vậy, vì bận việc mà bố mẹ đẩy em sang nhà dì ở Singapore để học ngoại ngữ. Lần đó em đã dùng dao lam rạch vào đùi đến chảy máu, cách mà nhiều bạn mách nhau để tránh nỗi buồn nếu không em sẽ tự tử mất. Cả năm nay em vẫn thường hay làm như vậy, trên người em chi chít là sẹo mà họ cũng đâu hay biết".

Theo bà Đỗ Thị Hải thì cha mẹ cần hiểu con, phải theo sát con từng ngày từng giờ khi trẻ ở tuổi trưởng thành để phát hiện kịp thời những vấn đề khúc mắc. Nhiều gia đình cha mẹ mải mê làm ăn, suốt ngày để con vùi đầu vào mạng hoặc không quản lý được thời gian của các em, không quan tâm chia sẻ và cho đó là an toàn là sai lầm. Cha mẹ phải kiểm soát con lên mạng học gì, làm gì, giao lưu với ai và đặc biệt là dạy con biết tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy, hướng con vào hoạt động văn hoá, thể thao, kỹ năng sống.

Thêm nữa, khi cha mẹ mải mê kiếm tiền, ly hôn hay gặp áp lực trong cuộc sống khiến cho trẻ dễ hụt hẫng, chán chường đi tìm niềm vui trong khi trong thế giới ảo với đầy rẫy những cám dỗ, nhiều bạn bè xấu lôi kéo. Khi đã mắc sai lầm, trẻ có thể sẽ ngựa quen đường cũ, không còn đường quay về nữa thì trẻ bị rơi vào tình trạng cô đơn, bế tắc trầm cảm, bệnh tật, thậm chí có xu hướng tự sát.

Có thể nói, không chỉ là vẻ trẻ con bên ngoài, những cô cậu học trò dù là cậu ấm cô chiêu tưởng như không thiếu gì nhưng cái các em không có lại chính là tình cảm, các em mất lòng tin ngay trong gia đình, tới xã hội, học đường và cô đơn ngay trong chính tổ ấm của mình. Thế nên có những tâm sự của các em dù tuổi cấp một thôi nhưng đã buồn thê thảm:  "Ba mẹ ơi, giàu để làm gì khi cả tháng nhà ta không có một bữa cơm nào bên nhau và rất nhiều điều cùng nhau khác trong những yêu thương, chia sẻ để mỗi đứa trẻ được lớn lên ấm áp và hồn hậu".                        

Khó kiểm soát bạo hành mạng

Theo các chuyên gia y tế, nếu bạo hành về thể chất dễ phát hiện khi thăm khám bệnh thì bạo hành mạng (một loại bạo hành về mặt tinh thần) dễ lan rộng và khó kiểm soát. Ông Nguyễn Minh Đức, GĐ trung tâm An ninh mạng Bkav chia sẻ: "Khi gặp các yêu cầu lạ (như hỏi mượn tiền, mượn mật khẩu,…), trẻ em nên tham khảo ý kiến cha, mẹ. Phụ huynh cũng nên hướng dẫn con trẻ dùng nhiều biện pháp khác nhau để xác nhận bạn bè của trẻ trước khi chat, chẳng hạn gọi điện, gặp trực tiếp…".                          

Uyên Na

Căn bệnh thật trong thế giới ảo của giới trẻ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Cư dân mạng đang trải qua một cuộc khủng hoảng về mối liên hệ giữa con người trong đời thực và hình ảnh bản thân trên thế giới ảo.

Nguy cơ nếm “trái cấm” sớm từ thế giới ảo

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Dưới vỏ bọc giáo dục giới tính, tư vấn tâm lý… không ít trang web dành cho tuổi teen đã phơi bày mặt trái bằng những truyện sex, phim người lớn, thậm chí cả hoạt hình sex. Điều đó đánh vào sự tò mò, muốn khám phá của tuổi mới lớn và dẫn dụ các em đến với tình dục sớm.

Trắng đêm thác loạn trong thế giới ảo

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
Càng về khuya room “đèn đỏ” càng đông thành viên. Trên cửa sổ chat chính những dòng chữ khiêu dâm, thiếu văn hóa nhiều vô kể.