Đời thường của 'Người đàn bà thép' Lê Phong Lan

Đời thường của 'Người đàn bà thép' Lê Phong Lan

Thứ 5, 26/09/2013 | 12:39
0
Với một người làm phim tài liệu đề tài chiến tranh như chị, mỗi phút giây trôi qua là một đi không trở lại, phải nắm bắt, thậm chí "giật" lấy. Nếu chỉ chậm một ngày, một giờ, có khi chuyện đã khác đi nhiều, những nhân chứng sống không còn, những bộ phim cũng sẽ thành dang dở...

“Tham” chạy đua với lịch sử

Đến với phim tài liệu chiến tranh cũng chỉ mới 15 năm, gia tài lớn nhất mà chị có là những bộ phim để đời như "Huyền thoại về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn" (12 tập- 2006), "Đi giữa kẻ thù" (7 tập- 2009), "Con đường bí ẩn" (10 tập- 2009), "Đồng khởi Bến Tre" (5 tập- 2010), "Hiệp định Paris 1973" (5 tập- 2012), Mậu Thân 1968 (13 tập- 2012), "Biệt động Sài Gòn" (10 tập- 2013).

Nhân vật - Đời thường của 'Người đàn bà thép' Lê Phong Lan

Đạo diễn Lê Phong Lan.

Trước đó, đạo diễn Lê Phong La từng trải qua rất nhiều công việc mới lựa chọn được cho mình con đường mà bấy lâu chị vẫn tìm kiếm. Tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh, chị thổ lộ, việc đi đến với phim ảnh của mình cũng khá "dị". Ban đầu, học là theo trào lưu, cứ thế đi học, rồi dần dà trong quá trình học lại "mê" làm phim truyện. Ngày ấy thấy phim truyện vĩ đại quá, những bộ phim kinh điển của điện ảnh Xô Viết như "Khi đàn sếu đi qua", "Chiến hạm Pa Trôn Kin",... khiến chị mê mẩn, nhưng những năm mới ra trường là thời kỳ đất nước đổi mới, thời kỳ của những bộ phim truyền hình chi phí lên tới bạc tỷ rất tốn kém. Để làm được một phim thì đạo diễn phải "xếp hàng" không biết bao lâu. Thứ nữa, xem một số phim thuộc dạng "mì ăn liền" đang rất "hốt" khách, chị thấy gượng, không thể nào làm theo được. Phim tài liệu đến với chị cũng chỉ như một cách để vá đỡ, để khỏi quên nghề. "Chẳng nhẽ học đạo diễn ra lại không làm phim thì học làm phim tài liệu cho vui", chị nhiều lần nói đùa với ông xã như vậy.

Hồi đầu, chị làm những chương trình nghệ thuật bình thường, những chương trình dù lớn, nhỏ vẫn phải đặt chất lượng lên đầu. Rồi tới phim tài liệu, khó hơn, vất vả hơn, nhưng càng làm thì càng mê. Nhiều lúc muốn dãn ra để làm phim nghệ thuật nhưng dự án này chưa xong, dự án khác đã dồn đến. Phim chiến tranh cứ như một cái duyên nợ, đã bám vào là không sao dứt nổi, đề tài này chưa đóng lại thì một đề tài khác nảy ra. Có những đề tài, cho đến giờ đã quay tới 4-5 năm mà vẫn chưa đóng máy. Cái "tham" của người đàn bà này như chị tự nhận là  tham công, tiếc việc, tham chạy đua với lịch sử.

Còn nhớ để khởi động cho phim về Tết Mậu Thân, chị phải chuẩn bị trong vòng 10 năm. Trong quá trình làm phim khác, phỏng vấn một nhân vật lịch sử của phim này, không ngờ lại có liên quan tới Mậu Thân, lại nảy ra một tứ mới, rồi lại phải trăn trở làm sao để bám vào chi tiết, lựa chọn thế nào để không quá tham. Làm phim tài liệu không giàu được, vì mỗi phim cứ triền miên từ năm này qua năm khác, chỉ tính chi phí đi lại thôi cũng không biết đâu mà lần, mà tính. Trong lúc làm những phim lớn thì vẫn phải nhận những phim nho nhỏ,  lấy ngắn nuôi dài. Tất cả cũng bởi lẽ "đến một lúc nào đó, đất nước cũng phải có lời nói cho cuộc chiến tranh lớn của dân tộc,... nếu không làm gì, chúng ta sẽ có lỗi với những người đã ngã xuống", chị chia sẻ.

Nhân vật - Đời thường của 'Người đàn bà thép' Lê Phong Lan (Hình 2).

Đạo diễn Lê Phong Lan phỏng vấn tại nhà riêng đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), nguyên Tư lệnh Biệt động Sài Gòn.

Nuối tiếc những “câu hỏi” còn dang dở!

 Khi nhìn vào lịch sử, buộc phải có cái nhìn khách quan và trung thực, không thể phiến diện và áp đặt. Ví dụ, phim về Tết Mậu Thân 1968, đạo diễn Lê Phong Lan phải lục tìm hàng tháng trời trong kho tư liệu, đối chiếu nhân chứng lịch sử  đến mấy trăm người, đặt ra hàng loạt các câu hỏi tại sao về thời điểm, nguyên nhân, diễn biến,... Tiếp đến là đưa ra những phản biện, đối chất cả ở phía ta và phía Mỹ. Về phía ta, bao gồm những người tham gia từ các mặt trận, những nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, những người tham gia từ các cánh quân,... những người tham gia từ các mặt trận lớn để đối chất lại tạo nên một bức tranh toàn cảnh,... Sự kiện ở Huế là một sự kiện gây nhiều tranh cãi, cho nên để đưa vào kịch bản, chị phải bay hàng chục lần sang Mỹ đến gặp lại những cố vấn, chỉ huy từ phía họ, ăn dầm ở dề tại đó cốt để tìm ra đúng những người đóng vai trò nòng cốt để phỏng vấn.

Hay như làm phim về trùm biệt động Sài Gòn Tư Chu chẳng hạn, mới gặp ông trong  bệnh viện được mấy hôm, thấy ông kể chuyện rành mạch, rõ ràng không ngờ mấy hôm sau lại nhận được  tin ông qua đời. Tiếc hơn cả là phim về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, phim làm chưa xong thì ông mất. Chị bàng hoàng, vẫn còn rất nhiều câu hỏi mà ông hứa trước đó là sau khi đi viện về sẽ trả lời. Kịch bản còn dang dở, nhiều vấn đề vẫn còn lờ mờ, tới mức "những sư đoàn kỵ binh bay" là thế nào, Đồng Dù đóng ở đâu,... vẫn chỉ là những câu hỏi.

Khó khăn là vậy, nhưng niềm vui nhận lại sau mỗi bộ phim đóng máy là sự ủng hộ, tin yêu của khán giả. Chị khẳng định, phim tài liệu nhất là phim tài liệu về chiến tranh thì không bao giờ bị khán giả quay lưng lại: "Khán giả Việt Nam là những người yêu nước cực kỳ nồng nhiệt, yêu nước và yêu lịch sử Việt Nam. Phim tài liệu hay, hấp dẫn, đúng và có cảm xúc thì hấp dẫn cả người già đến người trẻ". Còn nhớ, khi làm phim về hiệp định Paris năm 1973, sau khi phim lên sóng khán giả gọi điện, nhắn tin cho chị tới "cháy máy". Mỗi một tin nhắn của khán giả vừa là lời động viên, vừa là thách thức vượt lên chính bản thân mình của nữ đạo diễn này.

Cuộc đời có những lương duyên

Cho dù được mệnh danh là "người đàn bà thép", đi kiếm tìm những huyền thoại của một thời lửa đạn, nhưng trong cuộc sống đời thường, chị vẫn chỉ nhận cho mình những phần nhỏ nhẹ. Trên phim trường, chị "rắn" bao nhiêu, cương quyết bao nhiêu, thì khi gác lại những thước phim, những kịch bản ấy, chị lại trở về đúng với thiên chức của một người mẹ, người vợ trong gia đình. Chị gọi tất cả những điều ấy là những mối lương duyên: "Phim tài liệu cũng vậy, tình cảm vợ chồng cũng vậy, cơ duyên đẩy mình về với phim chiến tranh, mình cứ lún dần vào. Đến khi lấy chồng, không ngờ anh cũng là một người yêu lịch sử, rồi quay trở lại phục vụ cho chính công việc của vợ. Em trai mình cũng học quay phim để giúp chị".

Công việc thường xuyên phải di chuyển, thời gian trên máy bay thậm chí còn nhiều hơn thời gian được ở nhà với chồng con, nhiều khi chị nghĩ cũng tủi thân. Có những đêm khuya, việc xong, 10h đêm di chuyển ra sân bay ngồi chờ, về đến Hà Nội là 1h sáng hay những khi xong việc, về đến Sài Gòn là 12h đêm, cứ hễ nghe thấy nhân vật sống nào là lập tức tìm đến để thu lại cho mình thêm "vốn". Chỉ sợ nếu không đi thì ngày mai họ đã không còn nữa. Đi nhiều, thời gian dành cho con cái cũng hạn chế nhưng bởi "mình là phụ nữ" nên chị cũng tranh thủ hết sức khi có thể để dành cho các con. Trong gia đình, sự chu đáo chị tự nhận cho mình 6-7 điểm. Trước mỗi chuyến đi, chị đều cẩn thận chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho các con cả tuần, rồi căn dặn cụ thể nấu thế nào, xử lý ra sao. Nhiều khi, ở cách xa hàng nghìn cây số mà việc "điều binh khiển tướng" ở nhà vẫn phải đảm bảo. "Phụ nữ mà, phụ nữ thì vẫn là phụ nữ. Phụ nữ đâu có thoát ra khỏi chuyện cơm áo gạo tiền được", chị trầm ngâm.

"Cũng may các cháu đều rất ngoan, học giỏi, biết thân biết phận, không có bạn nào làm phiền bạn lớn này cả", chị cười khi nói về các con mình. Những năm làm phim về tướng Phạm Xuân Ẩn là thời gian ông xã chị đi học tiến sỹ ở Nga 4 năm, chỉ có chị với hai đứa con nhỏ ở nhà. Đứa lớn mới học lớp 5- lớp 6, hàng ngày tự bắt xe bus đi học, chị đi làm cũng phải cố gắng căn giờ, có bữa 6-7h tối mới đi đón đứa nhỏ được, nghĩ cũng thương các con lắm. Làm phim là công việc phải theo ê-kíp, không thể muốn nghỉ sớm là nghỉ, là đạo diễn thì càng không thể bỏ về trước được.              

Để khán giả hiểu điều mình muốn nói...

Cũng bởi "vì mình là phụ nữ" nên khi nói về công việc, nói về những bộ phim ngồn ngộn dữ liệu lịch sử, chị khiêm tốn "mình là phụ nữ" thì mình làm cái gì nhẹ nhàng thôi. Đừng tham quá, tham cái gì cũng khổ cả, tham hình ảnh, tham tiền đều không ổn. Phải lựa chọn, nói ra những vấn đề nho nhỏ, miễn là khán giả hiểu được điều mình muốn nói".      

Đỗ Huệ

Những đạo diễn nổi danh mà không học điện ảnh

Thứ 2, 23/09/2013 | 20:09
James Cameron, Quentin Tarantino hay Christopher Nolan có điểm chung là không theo học trường lớp bài bản nào về nghệ thuật thứ bảy trước khi làm tác phẩm đầu tay.

Đạo diễn đồng tính mặc váy cưới lộng lẫy trong hôn lễ

Chủ nhật, 08/09/2013 | 21:25
Đám cưới của Kim Jo Kwang Soo diễn ra tưng bừng và lãng mạn tại Seoul chiều 7/9.

Mức thù lao 'khủng' của các đạo diễn hàng đầu Trung Quốc

Thứ 7, 07/09/2013 | 14:06
Đạo diễn Lý An xếp đầu bảng trong khi đó Trương Nghệ Mưu chỉ khiêm tốn đứng ở vị trí thứ 3.

Gặp đạo diễn bị 'tố' 'lạm dụng hot girl, ngực khủng'

Thứ 4, 28/08/2013 | 15:24
Người ta nói Đắc Ngọc lạm dụng hot girl, ngực khủng, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của Việt Nam để PR tên tuổi.

Đạo diễn Đài bị khởi tố vì tội cưỡng dâm

Thứ 2, 26/08/2013 | 21:01
Trương Tác Ký bị buộc tội xâm hại tình dục phụ nữ khi nạn nhân trong trạng thái mất kiểm soát bản thân.

Phạm Băng Băng thản nhiên hôn ngực nữ đạo diễn

Thứ 4, 07/08/2013 | 21:05
Từng gây sốc khi hôn môi nữ đạo diễn Lý Ngọc trong buổi ra mắt phim Quan Âm Sơn năm 2010, hôm qua 5/8, người đẹp Trung Quốc Phạm Băng Băng lại tiếp tục gây ồn ào khi có những hành động tình tứ quá mức bên nữ đạo diễn "Nhất dạ kinh hỷ" (Đêm vui bất ngờ) Kim Y Manh.