Đạo diễn trẻ “thắp lửa” cho phim tài liệu

Đạo diễn trẻ “thắp lửa” cho phim tài liệu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
“Trao cờ vào tay” những đạo diễn trẻ trung, nhiệt huyết sẽ là con đường sáng cho phim tài liệu Việt Nam.

Không cầu kỳ, không làm màu hay bị phù phép bởi những yếu tố bên ngoài, 14 bộ phim ngắn của những đạo diễn trẻ là 14 góc nhìn lạ, mới mẻ về muôn hình vạn trạng của đời sống. Mỗi một người trẻ lại tự tìm cho mình một hướng tiếp cận, khai thác khác nhau nhưng rõ ràng họ đã biết cách sáng tạo và làm phong phú thêm dáng vẻ của tài liệu Việt Nam đương đại.

Sự kiện - Đạo diễn trẻ “thắp lửa” cho phim tài liệu

Những đạo diễn tuổi đôi mươi tài năng là hy vọng phục hưng phim tài liệu Việt

Những dấu hiệu lạc quan đầu tiên

Năm 2012, lần đầu tiên trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam, các đạo diễn trẻ đã có dịp được "khoe tài”. Có lẽ, chưa bao giờ người ta đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, thế hệ tiếp nối thành công của những Trần Văn Thủy, Bùi Đình Hạc, Lương Đức như thời điểm này.

Sự hoài nghi về một nền tài liệu vắng bóng những tài năng đã tồn tại suốt hai, ba thập kỷ vừa qua đã có những dấu hiệu lạc quan, đang bắt đầu hồi sinh khi có sự xuất hiện của rất nhiều những người trẻ quyết tâm theo đuổi dòng phim tài liệu đến tận cùng.

Trong bộn bề ngược xuôi của cảm xúc, đạo diễn NSND Trần Văn Thủy, tác giả của Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai vang bóng một thời đã hồ hởi chạy lên sân khấu nói lời cảm ơn đầy hào hứng: “Xin cảm ơn những đồng nghiệp trẻ”.

Thực tế, đó mới chỉ là những bộ phim được lựa chọn từ những khóa học làm phim của dự án Varan, Doclab (Trung tâm Thử nghiệm về phim tài liệu và nghệ thuật video), TPD (Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh) kiên trì thực hiện trong 4-5 năm qua. 12/14 phim có thời lượng ngắn (7-15 phút), mà như thầy Thierry Michel thường lo lắng trong mỗi khóa học là không đủ sâu sắc, gần với truyền hình hơn điện ảnh (so với chuẩn quốc tế từ 52-100 phút).

Nhưng nhìn chung, tất cả các tác phẩm được trình chiếu đều rất gần gũi, chân thật, phản ánh được tất cả những góc nhìn đa diện của cuộc sống, những điều muốn chia sẻ, muốn nói qua từng thước phim. Trong đó có khá nhiều tác phẩm gây được sự chú ý ngay từ những phút ban đầu công chiếu.

Dù được hưởng ứng ngay từ những phút đầu, có những khán giả đã ra về vì việc xem quá nhiều phim một lúc trở nên quá tải. Song so với những lấn cấn đó, người ta vẫn ngồi xem lại và cảm thấy… có lãi vì cảm giác tự ti từ những buổi chiếu song song một phim Âu - một phim Việt dần dần tan biến. Không phải là những hình ảnh chỉn chu, được hỗ trợ bởi kỹ thuật tân tiến và chẳng hề có lời bình, sợi dây xuyên suốt trong những bộ phim ngắn này là nhân vật thật, lời tâm sự thật, đời thường...

Làm bằng nhiệt huyết, tình yêu

Khi tôi bước đến nói chuyện với Nguyễn Hương Trà - cô gái nhỏ bé, cá tính là tác giả của bộ phim Cầu duyên cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ khán giả đã nói bằng một giọng điệu đầy lạc quan và ánh mắt rực rỡ những tia sáng của hi vọng: “Biết là phim tài liệu vẫn còn bị phân biệt ở thị trường điện ảnh Việt Nam, biết là nó cũng còn đang gặp rất nhiều khó khăn và việc thực hiện một bộ phim tài liệu tử tế cũng chẳng hề dễ dàng. Thế nhưng, mình vẫn yêu thích, đam mê và muốn đi trọn con đường này. Tài liệu đương đại Việt Nam rồi sẽ khác, mình tin như thế”.

Bên lề liên hoan, nhiều người đã bảo Trà hơi bốc đồng. Nhưng, nếu tiếp xúc với các tác giả trẻ trong đêm công chiếu ngày 11/6, người ta sẽ hiểu vì sao niềm tin ấy lại được khẳng định tự tin đến vậy. Thu Hằng - tác giả của nhịp thứ 8 mạnh mẽ lên tiếng: “Tôi nghĩ tài liệu sẽ là vũ khí lợi hại đưa điện ảnh Việt Nam bước ra khỏi biên giới đất nước. Chúng tôi đến với nó bằng một tình yêu thực sự, dù khó khăn, vất vả đến mấy tôi cũng muốn đi theo”.

Khi tôi ngỏ ý hơi e dè về lời phát biểu như đinh đóng cột này, Hằng khẳng khái: “Có nhiều con đường để thành công trong nghệ thuật, đi theo phim truyện, làm phim truyền hình và nắn nót, chiêm nghiệm, cháy hết mình với tài liệu cũng là một con đường”.

“Điện ảnh là con thuyền đạo tặc, đã bước lên rồi thì không thể xuống được”. Câu nói nổi tiếng của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu dường như rất thích hợp để kết nối với câu chuyện người trẻ dấn thân làm phim tài liệu tại Việt Nam.

“Quan trọng là được nói cái mà mình muốn nói”, Lê Mỹ Cường đã không ngần ngại thổ lộ như vậy khi đứng trước hàng trăm con mắt khán giả. Chúng ta có quyền hy vọng vào một thế hệ mới những người làm tài liệu bằng tình yêu và đi vọc phá cuộc đời bằng những triết lý rất khác thường và đôi khi kỳ lạ.

Đạo diễn nổi tiếng Trần Văn Thủy chia sẻ khi đứng trước những người trẻ đầy nhiệt huyết: "Bấy lâu nay khán giả cứ chê phim Việt Nam giả. Phim truyện giả đã đành vì có hư cấu, có kịch bản nhưng phim tài liệu ghi lại những câu chuyện có thật trong đời mà lại giả là tại ai? Tội của người làm phim tài liệu, trong đó có tôi, bấy lâu nay là như thế. Cách làm của chúng tôi cũ lắm rồi, vẫn làm phim theo kiểu quay cho đủ hình, quay để phục vụ một số đề tài nhất định. Vừa cũ, vừa dễ làm, ai cũng làm được nhưng xem xong thì xấu hổ lắm. Trong khi phim tài liệu rất quan trọng cho dân trí, tình cảm, trách nhiệm của công dân với đất nước. Cũng hiếm có xứ sở nào lại có nhiều chuyện hay như quê hương mình!"

Hương Giang