Đạo đức và chuyện 'làm kinh tế' của nhà báo

Đạo đức và chuyện 'làm kinh tế' của nhà báo

Chủ nhật, 23/06/2013 | 10:48
0
Người làm báo vẫn được ví như những thư ký của thời đại. Ở đó, sự trung thực là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng sự trung thực này đôi khi phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt, khiến không ít người từ bỏ con đường chông gai ấy, và dần đánh mất mình. Trong cuộc sống gấp gáp của thời hiện đại này, nhiều người ngờ vực rằng, đạo đức nghề báo đang có phần xuống cấp.

Bức tranh với những mảng màu đối nghịch

Ngày 9/8/2012, tin nhà báo Võ Bá Dũng (bút danh Võ Bá, SN 1981, phóng viên báo Pháp luật TP.HCM) qua đời do tai nạn giao thông khiến không ít người biết anh bàng hoàng, đau xót. Theo thông tin từ cơ quan CSĐT Công an thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), khoảng 3h sáng ngày 9/8, khi chạy xe máy trên quốc lộ 1A, đoạn giáp ranh giữa Bình Dương và TP.HCM, phóng viên Võ Bá bị xe container đi cùng chiều tông từ phía sau dẫn đến tử vong. Cơ quan và đồng nghiệp của anh xác định, anh đang trên đường đi công tác thì tử nạn.

Bất động sản - Đạo đức và chuyện 'làm kinh tế' của nhà báo

Phóng viên báo chí tác nghiệp khi đón các thuyền viên trở về sau vụ đắm tàu Sài Gòn Queen.

Phóng viên Võ Bá được biết đến là một trong những nhà báo từng dấn thân vào nhiều đề tài gai góc. Anh một cây bút nổi bật với các đề tài điều tra về băng nhóm giang hồ vùng giáp ranh Bình Dương, TP.HCM. Trước thời điểm qua đời, anh có một số loạt bài mang dấu ấn như: "Bán gái quê vào tổ quỷ", "Giang hồ vùng giáp ranh", "Hẹn nhau huyết chiến tại Bình Dương"... Từ những loạt bài điều tra của anh, không ít nạn nhân đã được giải cứu, nhiều băng nhóm tội phạm tan rã. Sự ra đi của anh là một mất mát cho làng báo chí TP.HCM. Mọi người mất đi một người luôn dấn thân đấu tranh cho lẽ phải.

Cũng trong năm 2012, hai nhà báo VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã bị đánh trong vụ cưỡng chế tại xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Theo đó, sáng 24/4, nhà báo Ngọc Năm và Hán Phi Long được Ban biên tập VOV cử đến hiện trường nắm bắt thông tin, tuyên truyền đúng định hướng. Trong khi Hán Phi Long đang đứng trên nền móng Nhà văn hóa thôn chụp ảnh, thì nhóm cưỡng chế bất ngờ xuất hiện, giật máy ảnh, lao vào đánh hội đồng cho đến khi anh Long ôm bụng gục xuống. Khi nhà báo Ngọc Năm chạy lại phản ứng, cũng bị nhóm người này đánh đập, rồi áp giải về trụ sở công an huyện Văn Giang. Ngày 24/4/2013, công an tỉnh Hưng Yên đã chính thức xin lỗi hai nhà báo, bồi thường vật chất cho những tổn thất đã gây ra.

Ngày 6/1/2010, nhà báo Trần Thế Dũng (phóng viên (PV) báo Người lao động) tác nghiệp tại làng Kéo Kham (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), nơi được coi là "điểm nóng" của gia cầm nhập lậu xuyên biên giới. Sau khi chụp ảnh những chiếc xe chuyên dùng chở gia cầm nhập lậu ở đây, anh ngồi nghỉ ở một quán nước ven đường. Bất ngờ một thanh niên khoảng 22 tuổi nói: "Có người hỏi chiếc xe máy của anh" (xe máy anh thuê của một người xe ôm). Khi anh Dũng theo lên đến nơi để xe trên đường quốc lộ, bất ngờ người thanh niên này cùng một người khác nhảy vào tấn công. Anh chưa kịp định thần thì có khoảng 7 - 8 người nữa lao vào đánh hội đồng, đa số bọn họ là cửu vạn đang đợi chuyển hàng.

Cố gắng vùng dậy, anh bỏ chạy ra đường kêu cứu, có một chiếc xe ô tô 7 chỗ phóng tới. Tên tài xế đẩy anh lên xe, tiếp tục đánh đập, dọa nạt. Sau một thời gian chạy lòng vòng quanh thị trấn Đồng Đăng, gã chở thẳng anh tới trụ sở công an thị trấn với lời thách thức: "Tao chở thẳng vào công an xem mày làm gì được tao". Tại đây, tên này khai gặp anh bị đánh trên đường nên chở tới, rồi bỏ đi. Vậy nhưng công an huyện Cao Lộc đã không khởi tố vụ án, và chỉ làm rõ được một đối tượng Phan Bình An là người dùng chân, tay đánh PV Trần Thế Dũng. Dư luận nghi ngờ trong vụ này đã có một "bàn tay che cả bầu trời", nên công lý đã không được thực thi!?.

Trong khi không ít nhà báo đang ngày đêm chiến đấu, dấn thân để mỗi sự thật được phơi bày ra ánh sáng, thì cũng có không ít nhà báo đã "bán linh hồn cho quỷ". Ngày 17/9/2006, lực lượng nghiệp vụ của Cục Bảo vệ an ninh kinh tế (bộ Công an) đã bắt quả tang PV Nguyễn Hùng S., lúc đó là PV báo DĐDN đang nhận tiền từ công ty Vận tải Hải Âu (có trụ sở ở tỉnh Hải Dương). Trước đó, xuất phát từ công việc được ban biên tập giao, PV Sơn phát hiện một số hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty này có dấu hiệu bất thường, nên có hành vi vòi vĩnh tống tiền. Đêm 17/9, khi S. đang nhận số tiền 10.000 USD từ Tổng giám đốc công ty Vận tải Hải Âu tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) thì bị lực lượng công an ập vào bắt quả tang.

Bất động sản - Đạo đức và chuyện 'làm kinh tế' của nhà báo (Hình 2).

TS. Huỳnh Văn Thông, trưởng khoa Báo chí & Truyền Thông, trường đại học KHXH&NV TP.HCM.

Nhà báo trục lợi sẽ dễ dàng bị đào thải

Đạo đức chính ở trong tâm mỗi nhà báo

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bày tỏ: "Thương mại hóa báo chí là không xấu nhưng một số phóng viên, nhà báo đi ngược lại tôn chỉ mục đích của nền báo chí và tờ báo là điều không nên làm. Để làm được điều này, đội ngũ quản lý các cấp, nhất là Tổng biên tập, Ban Biên tập phải kiên quyết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, vai trò của từng cá nhân phóng viên đối với đạo đức nghề nghiệp cũng rất quan trọng. Trong quá trình tác nghiệp, mỗi phóng viên phải tự đặt ra chuẩn mực, tự rà soát hành vi của mình trước cám dỗ của xã hội, lời mời mọc của kẻ xấu thì mới có thể giữ được liêm khiết đối với nghề báo".

TS. Huỳnh Văn Thông, trưởng khoa Báo chí & Truyền Thông, trường đại học KHXH&NV TP.HCM bày tỏ quan điểm: "Sứ mệnh của người làm báo là đưa tin, là người kết nối trung gian giữa Nhà nước và nhân dân, đấu tranh cho các lợi ích của xã hội. Đứng ở cương vị nhà báo, phóng viên mà vòi vĩnh tiền của doanh nghiệp, của nhân dân là chuyện rất đáng xấu hổ. Nói về vấn đề đạo đức nhà báo trước tiên phải nói đến đạo đức của cả nền báo chí và các tòa soạn báo. Nếu một tòa soạn báo tồi tệ, quản lý lỏng lẻo sẽ góp phần dung dưỡng cho các mầm mống xấu phát triển. Nhà báo cũng có người này người kia. Những nhà báo có xu hướng suy đồi về mặt đạo đức sẽ tìm cách lợi dụng kẽ hở của tòa soạn để trục lợi cho bản thân. Trong môi trường báo chí lành mạnh, những con người như thế sẽ dễ dàng bị đào thải".

PGS.TS Phan An, Viện KHXH vùng Nam Bộ cho biết: "Nhà báo cũng như người viết sử, đã viết ra điều gì thì không được viết sai sự thật. Tính trung thực là tố chất quan trọng làm nên đạo đức của nhà báo. Tuy nhiên, nhà báo cũng cần cả lòng dũng cảm, tính kiên nhẫn mới hoàn thành sứ mệnh đưa tin của mình. Bất cứ người nào khi đã dấn thân vào nghề làm báo, cũng đều mang trong mình nhiều lý tưởng. Nhưng để thực hiện được nó thì thật không dễ. Nhiều người cho rằng hiện nay đạo đức nghề báo đang xuống cấp. Nhưng chuyện sai sót là không tránh khỏi, quan trọng là sau đó mỗi người có tự rút kinh nghiệm và sửa sai hay không. Còn với những người lợi dụng chức danh nhà báo của mình để kiếm tiền, trục lợi cá nhân là điều đáng lên án. Họ đang đánh mất đi lòng tự trọng nghề nghiệp của mình".

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cho biết: "Từ khi báo chí ra đời, đạo đức báo chí luôn là một vấn đề được dư luận cả thế giới quan tâm. Trong thời kỳ làm báo thị trường như hiện nay, một số cơ quan báo chí xuất hiện những vấn đề tiêu cực trong đội ngũ nhà báo, hình thành kiểu làm báo vụ lợi như dọa dân, "đánh hội đồng", viết bài theo đơn đặt hàng, hoặc ý muốn của ai đó, đưa tin không chính xác, đưa tin một chiều... Hiện nay, cả nước có trên 19.000 hội viên Hội Nhà báo, mỗi năm có hơn 20 vụ phóng viên, nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Với con số này, nhiều người sẽ cho là nhỏ, nhưng xét trên khía cạnh đạo đức nghề báo đây là con số rất báo động".

Lời nhắn gửi từ một nguyên nhà báo “ngã ngựa”

Ngày 28/5/2013, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Phan Hà B. (42 tuổi, nguyên Phó Tổng Thư kí tòa soạn phía Nam báo TP) 7 năm tù về tội "cưỡng đoạt tài sản".  Theo đó, tháng 9/2010, ông B. thu thập thông tin viết bài về các dự án kinh tế của Tập đoàn đầu tư Sài Gòn. Nắm được một số thông tin chậm triển khai dự án, ông Bình liên hệ với lãnh đạo tập đoàn đề nghị đưa tiền, nếu không sẽ viết bài gây ảnh hưởng xấu cho doanh nghiệp. Đứng sau vành móng ngựa, với hàng chục máy ảnh của các đồng nghiệp đang chĩa vào mình, ông Bình nhắn gửi lời sau cùng đến các đồng nghiệp rằng, hãy nhìn vào sai lầm của ông mà lấy làm bài học kinh nghiệm cho mình...

 Hương Lam - Quyên Triệu

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cuộc đời những nhà báo lừng danh thế giới (2)

Thứ 6, 21/06/2013 | 13:16
"Tôi biết tôi đang chọn lựa cách nguy hiểm nhất mà một người nghệ sĩ có thể chọn trong việc đánh giá cuộc sống qua đôi mắt nhìn của nghệ thuật", James Agee (1909 – 1955)

Nhà báo kể chuyện cùng lính hình sự đi 'đánh án'

Thứ 6, 21/06/2013 | 11:30
Hồi mới được tòa soạn phân công viết bài mảng pháp luật, tôi rất háo hức muốn tìm hiểu công việc vất vả của các chiến sĩ công an, đặc biệt là những người lính hình sự. Bởi phần "hậu trường" vụ án thì không phải ai cũng biết và ở đó có rất nhiều câu chuyện cảm động, gay cấn, hồi hộp, đầy thú vị...

Trải lòng của các nữ nhà báo trẻ

Thứ 6, 21/06/2013 | 11:31
Năng động, thông minh và xinh đẹp nhưng dường như các nữ nhà báo trẻ rất khó để tìm được một người đàn ông đủ yêu thương để cảm thông và chia sẻ với công việc của mình.

Cuộc đời những nhà báo lừng danh thế giới

Thứ 5, 20/06/2013 | 14:02
Khi dấn thân vào nghề báo, nhiều nhà báo trên thế giới này đối mặt với hiểm nguy, cả với cuộc sống và tính mạng của mình. Tuy nhiên, mặc dầu vậy, những vinh quang từ nghề báo - vinh quang được nói lên tiếng nói của sự thật, lương tri và lẽ phải, được đứng cạnh công lý - đã làm nhiều nhà báo vượt qua các khó khăn, thậm chí với cả cái chết.
Cùng chuyên mục

Điểm sáng bất động sản công nghiệp và những triển vọng

Thứ 6, 29/03/2024 | 08:00
Bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng thời gian tới khi Việt Nam hưởng lợi lớn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tp.HCM: Vướng mắc pháp lý ảnh hưởng nguồn cung dự án bất động sản

Thứ 5, 28/03/2024 | 22:05
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Hải Phòng: Xót xa dự án nhà ở xã hội 320 tỷ bỏ hoang suốt hơn 12 năm

Thứ 5, 28/03/2024 | 19:02
Đó là dự án nhà ở dành cho cán bộ, công nhân Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam ở phường Đông Hải 2, quận Hải An, Tp.Hải Phòng, bị bỏ hoang từ năm 2012 đến nay.

Bất động sản nghỉ dưỡng nỗ lực lấy đà phục hồi

Thứ 5, 28/03/2024 | 07:00
Những dự án giao thông cả ở khu vực phía Bắc và phía Nam đang được đẩy mạnh triển khai và tạo đà phục hồi cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Tín hiệu tốt từ thị trường văn phòng cho thuê và những triển vọng

Thứ 4, 27/03/2024 | 14:00
Thị trường văn phòng Việt Nam đang đi ngược lại xu hướng sụt giảm của ngành toàn cầu và duy trì tỷ lệ lấp đầy cao với mức tăng trưởng giá thuê ổn định.
     
Nổi bật trong ngày

Hải Phòng: Xót xa dự án nhà ở xã hội 320 tỷ bỏ hoang suốt hơn 12 năm

Thứ 5, 28/03/2024 | 19:02
Đó là dự án nhà ở dành cho cán bộ, công nhân Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam ở phường Đông Hải 2, quận Hải An, Tp.Hải Phòng, bị bỏ hoang từ năm 2012 đến nay.

Trung Quốc chi 270 triệu USD mua sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam

Thứ 6, 29/03/2024 | 07:00
2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 599,93 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, với trị giá 269,71 triệu USD.

Điểm sáng bất động sản công nghiệp và những triển vọng

Thứ 6, 29/03/2024 | 08:00
Bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng thời gian tới khi Việt Nam hưởng lợi lớn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bất động sản nghỉ dưỡng nỗ lực lấy đà phục hồi

Thứ 5, 28/03/2024 | 07:00
Những dự án giao thông cả ở khu vực phía Bắc và phía Nam đang được đẩy mạnh triển khai và tạo đà phục hồi cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Giá vàng 28/3: Vàng SJC vượt mốc 81 triệu đồng/lượng

Thứ 5, 28/03/2024 | 09:50
Giá vàng SJC tiếp tục đi lên phiên sáng nay, nhiều nơi đã vượt qua mốc 81 triệu đồng mỗi lượng.