Đào tạo MC kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”

Đào tạo MC kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Từ phong trào “người người MC, nhà nhà MC” dễ dàng nhận thấy các trung tâm đào tạo MC khá ăn nên làm ra, dù “treo đầu dê, bán thịt chó”...

Dạo quanh một vòng các lớp đào tạo MC (người dẫn chương trình) chuyên nghiệp tại Hà Nội, chúng tôi nhận thấy các lớp này thu hút khá đông bạn trẻ. Khởi nguồn từ các khóa học nhỏ lẻ mang tính phong trào, đến nay, việc mở các lớp đào tạo diễn ra một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Mức chi phí dao động từ 1,2 triệu đến gần 3 triệu đồng/khóa, tùy vào thương hiệu và những thông tin liên quan đến các đối tác có thể góp phần hỗ trợ học viên trong việc cấp bằng, liên hệ thực tập, cộng tác sau khi kết thúc khóa học. Tại Hà Nội, các trung tâm đào tạo có uy tín như Cung hữu nghị Việt-Xô, Trường sân khấu điện ảnh, Trung tâm đào tạo Tầm nhìn mới…, được nhiều bạn trẻ tìm đến đăng ký.

Xã hội - Đào tạo MC kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”

Một lớp đào tạo MC tại trung tâm Vietskill

Ưu điểm của các trung tâm này là thường mời các MC có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy. Phương pháp rèn luyện chủ yếu tập trung vào kỹ thuật phát âm, giọng nói, sử dụng từ ngữ, nói diễn cảm, tương tác với người nghe.

Anh T.Sơn – một MC có tiếng tại Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) hiện đang trực tiếp giảng dạy tại trung tâm đào tạo MC của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh, chia sẻ: “Việc cho các học viên cho lớp học xem các video clip chủ đề bất kỳ được phát đi phát lại khoảng từ 2 – 3 lần rồi lần lượt cho các học viên chọn một đề tài, tự biện dẫn về đề tài mà mình đã chọn xoay quanh clip vừa xem. Một quy định khá ngặt nghèo trong buổi học này là tất cả học viên đều không được từ chối bình luận về các video clip, dù với bất cứ lý do gì. Phương pháp này rèn học viên kỹ năng, lắng nghe, quan sát và hùng biện rất có hiệu quả”.

Tuy nhiên, trên thực tế, những trung tâm đào tạo bài bản như thế này không nhiều. Lượng học viên đăng ký theo học lại đông nên chất lượng vì thế cũng bị hạn chế. Để đáp ứng nhu cầu, rất nhiều trung tâm tư nhân được mở ra nhưng chỉ đào tạo trong thời gian ngắn, khoảng 2 - 3 tuần, nhiều nhất khoảng một tháng. Với thời gian đào tạo ngắn ngủi như thế, các học viên khó mà nắm bắt được những kiến thức cơ bản của nghề.

Người dẫn chương trình Quỳnh Hoa - Trưởng phòng Quan hệ quốc tế Nhà văn hóa Thanh niên (TP.HCM) - một trong những giảng viên tham gia đứng lớp cho biết: “Do số lượng học viên tham gia một lớp khá đông nên cơ hội thực hành là rất ít, đa phần những học viên bạo dạn, hoạt bát thường xung phong để được thực hành, còn những bạn rụt rè thì ít cơ hội thể hiện”.

Chưa kể đến một số trung tâm tư nhân kinh doanh theo lối chụp giật, “treo đầu dê, bán thịt chó”. Thu Hương hiện đang là sinh viên năm cuối trường Luật. Vốn có hình thức ưa nhìn, tài ăn nói lưu loát cùng phong thái tự tin trước đám đông nên cô ghi tên vào một lớp học MC của trung tâm đào tạo do một công ty tổ chức sự kiện trên đường Láng Hạ (Hà Nội) mở.

Tại đây, cô được hứa hẹn một khóa học đào tạo cơ bản kéo dài 5 tuần với sự tham gia giảng dạy của các MC nổi tiếng của Đài truyền hình Việt Nam. Đến khi bước vào lớp học, giáo viên đứng lớp chính thức là một ông thầy lạ hoắc tự giới thiệu là MC của Đoàn ca múa nhạc Trung ương. Khi thắc mắc, Hương nhận được câu trả lời “các MC nổi tiếng sẽ tham gia vào những buổi cuối của khóa học để giảng dạy các bài “nâng cao trình độ”.

Thế nhưng, chờ đến cuối kỳ mà bóng dáng người nổi tiếng vẫn bặt vô âm tín, chưa kể đến đoạn cả lớp bất ngờ phát hiện ra chân dung thầy giáo giảng dạy chính thức kia kỳ thực chả có kinh nghiệm hay nghề ngỗng gì, chỉ chuyên đi dẫn cho đám cưới ở các nhà hàng.

Tuy nhiên, thực tế khó khăn của việc đào tạo MC và những người yêu thích bộ môn này chính là không có giáo trình chuẩn. Các kỹ năng mà giáo viên đứng lớp truyền thụ lại chủ yếu nhờ vào kinh nghiệm nhiều năm điều khiển, dẫn chương trình thực tế chứ không được đào tạo bài bản. Tài liệu tham khảo dành cho nghề MC cũng cực kỳ hiếm (một vài cuốn sách có giá trị tham khảo bổ ích của học giả Hoàng Xuân Việt, Larry King… về phương pháp giao tiếp, nghệ thuật nói trước công chúng và dẫn chương trình).

Bản thân anh T.Minh - Giám đốc Trung tâm Sức sống mới (Hà Nội) cũng thừa nhận: “Việc mở lớp đào tạo kỹ năng dẫn chương trình, CLB MC trẻ xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng của giới trẻ. Việc đào tạo MC một cách bài bản vẫn còn là hạn chế lớn ở Việt Nam. Vì thế, các bạn trẻ muốn làm MC phải tự thân cố gắng là chính”.

Linh Nhi