"Đất Phương Nam đã cho tôi hình tượng ông già Nam Bộ”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Công chúng còn nhớ tới nghệ sĩ Mạnh Dung qua hình ảnh ông Ba bắt rắn trong bộ phim Đất phương Nam nổi tiếng một thời. Cùng với đó, hình ảnh ông vào vai ba của thằng Cò trở thành biểu tượng của một ông già Nam Bộ đặc sệt.

Từ giọng nói, điệu bộ, cử chỉ và dáng dấp con người của ông đều toát lên cái vẻ rất riêng và điển hình của người nông dân chân lấm tay bùn miền sông nước phương Nam. Ông tự nhận mình là đã trót mang dòng máu Nam Bộ rồi, giờ nói mình người Bắc thì người ta bảo ông nói... xạo.

Sự kiện - 'Đất Phương Nam đã cho tôi hình tượng ông già Nam Bộ”

Vợ chồng nghệ sĩ NSƯT: Mạnh Dung - Thanh Dậu

"Ông già Nam Bộ" mang dòng máu Bắc Kỳ

Nghệ sĩ Mạnh Dung có một tuổi thơ không giống với bất kì ai. Cha ông là nhân viên kiểm vé trên tàu chạy dọc Bắc- Nam. Các anh em của ông đều được sinh ra trên tàu, sinh ở ga nào thì đặt tên ga đó. Mạnh Dung sinh tại ga Vinh (Nghệ An) nhưng nói lái đi là Dung. Vừa lọt lòng mẹ thì tàu chuyển bánh, chưa kịp làm giấy khai sinh, mẹ lại bồng bế ông “lênh đênh” theo những chuyến hành trình của con tàu. Ba tuổi, ông đặt chân đến ga Sài Gòn, nơi đô hội bậc nhất cả nước. Cả tuổi thơ của Mạnh Dung gắn liền khoảng không gian bó hẹp trong những toa tàu. Ông ít được đặt chân xuống đất, không được trải qua cảm giác chạy nhảy cùng chúng bạn chơi trò ô quan, đánh đáo tuổi lên năm.

Năm 1947, Nhật, Pháp đảo chính. Cha ông dắt cả nhà chạy loạn về Ninh Bình, sống trong rừng lánh nạn rồi làm đủ thứ nghề, đi kiếm bất cứ thứ gì có thể ăn được. Mới 7 tuổi, cậu bé Mạnh Dung đã phải cùng cha vào rừng đốn củi. Cái lưng nhỏ bé, yếu đuối của cậu bé Mạnh Dung còng xuống vác củi, gùi đồ. Tiếng hát át tiếng bom, trong khu rừng lánh nạn, nhiều người vừa làm vừa hát nghêu ngao, thanh âm lúc trầm lúc bổng giội vào không trung nghe thích thú. Đứng trên mỏm đồi cao, cậu bé Dung nghe thấy khoái cũng tập tành hát theo. Vừa cõng củi vừa hát cảm giác không mệt mỏi, không nặng nhọc, bước chân cứ bon bon về nhà. Suốt hai năm ẩn dật trong rừng, rồi cũng đến ngày giặc Pháp lùng sục tới. Dân làng phải bỏ chạy về tận Hà Nội.

Tại Hà Nội, Mạnh Dung tiếp tục là một cánh tay đắc lực giúp gia đình mưu sinh. Dung làm đủ thứ nghề khi thì bán hàng, khi lại làm thợ hàn, thợ điện. Vẫn thói quen trong rừng ngày nào, vừa làm cậu vừa hát, hát lâu dần thành thuộc lời, thuộc nhịp điệu. Một hôm, có người đàn ông đi ngang qua, nghe được tiếng hát át tiếng thở của mấy anh thợ tán đinh đồng liền ghé vào xem. Ông ngỏ lời muốn đưa Mạnh Dung về tham gia học nhạc ở đoàn nghệ thuật của ông. Về được thời gian thì có thầy về dạy một cách bài bản và công phu hơn. Ông bắt đầu có dấu hiệu của một tài năng có thiên bẩm nghệ thuật.

Mạnh Dung chính thức tham gia vào đoàn nghệ thuật Chuông Vàng, nay đây mai đó đi hát cho đồng bào nghe. Cải lương là môn nghệ thuật đang rất thịnh hành thời đó. Đoàn nghệ thuật Chuông Vàng nổi tiếng với những giọng ca trời phú. Mạnh Dung là một giọng ca trẻ, khỏe đã gây được tiếng vang lớn trong lòng khán giả. Năm 1959, Trường Sân khấu Việt Nam thành lập, Mạnh Dung chính thức học khóa đầu tiên. Những bậc thầy nổi tiếng của miền Nam tập kết ra Bắc đã đứng trên giảng đường, truyền lửa cho các thế hệ học trò đầu tiên của trường. Mạnh Dung may mắn học được những tinh túy của một nền nghệ thuật cải lương sơ khai nhưng đã chắt lọc, tôi luyện từ những người đi ra từ cái nôi của nghệ thuật cải lương Nam Bộ.

Năm 1969, Mạnh Dung đã có bước đột phá bằng việc về đầu quân cho đoàn cải lương Nam Bộ. Tại đây, ông phải tập nói giọng Nam, học cách sống người Nam và tìm hiểu bản chất của vùng đất hoàn toàn mới lạ này. Một thời gian ngắn khổ luyện giọng nói, ông trở thành một ông nông dân nói giọng Nam Bộ chính hiệu.

Khi diễn, tôi không là chính tôi

Sau khi Nam tiến, từ một chàng trai gốc Bắc, Mạnh Dung thoát xác thành người nông dân Nam bộ chính hiệu trong các vai diễn. Hình ảnh một ông già vận áo bà ba đen, bộ râu bạc phếch kèm theo nụ cười đôn hậu, có duyên, tóc xoăn tít buộc chỏm phía sau cùng đôi tay dài ngoằng, nhanh nhẹn luôn chiếm được tình cảm yêu mến của bà con vùng sông nước.

Sự kiện - 'Đất Phương Nam đã cho tôi hình tượng ông già Nam Bộ” (Hình 2).

Vẻ mặt đôn hậu của “ông già Nam Bộ” Mạnh Dung

Nghệ sĩ Mạnh Dung tâm sự: "Tôi nổi tiếng từ hình ảnh ông già Nam Bộ trong phim Đất phương Nam nhưng khi về Bình Thuận đóng phim, tôi nhận vai diễn người làm nước mắm. Tôi phải học cách làm, học tất tần tật mọi thứ và xắn tay vào làm. Người dân ở đó nhìn thấy tôi xì xầm bàn tán. Người thì bảo tôi giống với ông nghệ sĩ nào hay đóng phim trên truyền hình, người lại bảo tôi đích thị là một lão nông làm nước mắm. Tôi nghe được những cuộc tranh luận nảy lửa về mình như vậy thì vui lắm. Tôi vui vì ít ra mình cũng đã hóa thân thành công vào nhân vật".

Nghệ sĩ Mạnh Dung là nhân vật thường được các đạo diễn ngắm đến trong các vai ông lão nông dân chính hiệu miền Tây. Dáng người dong dỏng, cách diễn hài hước tự nhiên và rất chân thật của ông luôn là điểm tựa về tinh thần cho cả êkip diễn. Với kinh nghiệm dày dạn qua mấy chục năm ông tích lũy và tôi rèn từ các vai diễn, ông trở thành thầy giáo trên giảng đường trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. HCM. Ông đã tham gia đào tạo cho hàng trăm lớp sinh viên. Ông thường dạy những học trò của mình rằng, tố chất quan trọng nhất của một người diễn viên là phải có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, sau đó mới là sự tôi rèn của bản thân.

Mạnh Dung bảo, ông ít được mời đóng các vai phản diện cũng là vì tố chất con người luôn mang vẻ chính diện của mình. Ông chia sẻ : "Đã là diễn viên thì vai gì mình cũng diễn được không kể là chính hay phụ, phản diện hay chính diện. Các đạo diễn chưa khai thác hết được tiềm năng của tôi, thật ra đóng vai phản diện rất khó. Trên cương vị là một đạo diễn, tôi có thể nói, một người thật tốt thì họ đóng vai xấu rất thành công. Chính vì cái thật, cái trong sáng và ngay thẳng mà khi vào vai người xấu, họ thể hiện hết mình, lột tả bản chất cái xấu một cách chân thực nhất".

"Lão nông" Mạnh Dung mỗi khi vào vai là diễn hết mình, thể hiện hết mình. Ông cho biết, một con người thật khi diễn cũng rất thật. Điều quan trọng là phải biết nhập thân, hóa mình vào vai diễn. Diễn viên phải đau cái đau của nhân vật, buồn cái buồn của nhân vật và có thể khóc bất cứ lúc nào khi nhân vật mình khóc. Đó mới thật sự là người diễn viên sống thật và lao động nghệ thuật đúng với ý nghĩa của nghề diễn.

Nghệ sĩ Mạnh Dung sinh năm 1940 trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Ngoài công việc đi diễn, NSƯT Mạnh Dung còn là giảng viên của Trường Sân khấu điện ảnh TP.HCM nhiều năm liền. Ông vừa là đạo diễn sân khấu cải lương vừa dàn dựng nhiều vở kịch cho các lớp hậu bối sau diễn xuất. Sau hơn 20 năm gắn bó với cái nghiệp dạy và diễn, ông xin nghỉ hưu và chỉ tham gia đóng những bộ phim nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe, sở thích của mình. Hơn nửa đời người cống hiến cho nghệ thuật, cái được lớn nhất ông có là tình yêu thương, mến mộ của nhân dân Nam Bộ dành cho mình. Ngoài ra, cái tài đáng ghi nhận ở nghệ sĩ Mạnh Dung là ông có thể nói được nhiều giọng khác nhau. Ông nói giọng Bắc cũng chuẩn, giọng Nam càng chuẩn và giọng miền Trung nghe cũng khó phân biệt được ông là người miền khác. Những ngày này, ông hay cùng vợ là NSƯT Thanh Dậu đi đây đi đó, đi cho thỏa mãn cái chí tang bồng, phiêu lưu của máu nghệ sĩ. Người con gái duy nhất của họ hiện đang làm nghề giáo nối nghiệp cha.

Hoa Nguyên