Đau đáu cảnh '5 không' bên dòng sông Vu Gia

Đau đáu cảnh '5 không' bên dòng sông Vu Gia

Thứ 4, 05/06/2013 | 11:51
0
Nằm bên dòng sông Vu Gia, bao đời nay, người dân các thôn Đồng Chàm, Tam Hiệp, Đầu Gò thuộc khu 2 (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) phải sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nước, thiếu đường, thiếu trường học và thiếu cả mạng lưới thông tin liên lạc với bên ngoài.

Bộn bề thiếu thốn

Men theo quốc lộ 14B từ TP.Đà Nẵng, chúng tôi tìm về xã miền núi Đại Sơn bạt ngàn nắng gió. Dòng sông Vu Gia vốn dĩ là tạo hóa của thiên nhiên mang lại sự màu mỡ cho đất đai nơi đây, thế nhưng nó cũng lại là vật cản chia cắt khu 2 với sự phồn vinh bên ngoài. Để có thể tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con nơi đây, chúng tôi không còn cách nào khác là phải nhờ đò đưa qua sông. Đoạn sông ngăn cách ấy có nơi rộng gần 300m, nhưng cũng có nơi chỉ có chưa đầy 100m. Thế nhưng, nơi đây vẫn không thể có được một cây cầu bắc qua sông. Mỗi lần đi làm hay có việc cần phải ra ngoài, người dân đều phải qua sông trên những chuyến đò may rủi.

Xã hội - Đau đáu cảnh '5 không' bên dòng sông Vu Gia

Anh Ngô Đông bên đường ống dẫn nước từ khe suối về

Khi đến, thật bất ngờ khi được biết ở đây có tới hơn 300 hộ dân sinh sống nhưng khung cảnh nhìn rất hoang sơ và vắng vẻ. Hoá ra, mọi người trong thôn thường xuyên tập trung tại các giếng nước, khe suối để tránh nóng và lấy nước về dùng. Theo sự chỉ dẫn của anh lái đò, chúng tôi vượt hơn một km đường bộ gồ ghề để đến với các giếng nước ở thôn Đồng Chàm. Cô Nguyễn Thị Thu (49 tuổi) cho biết: "Để có nước sử dụng, người dân ở đây phải tốn nhiều tiền của để đào giếng, thế nhưng những lúc nắng nóng kéo dài thì giếng cũng trơ đáy. Những hộ nào đào giếng sâu hơn thì cũng cầm cự được mươi bữa là nhiều…".

Nhìn xuống giếng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, khi dưới cái nắng như thiêu như đốt của ngày hè, đất dưới đáy giếng đã khô và rạn nứt thành từng mảng. "Những ngày giếng không thể "vắt" ra thêm nước, không còn cách nào khác, chúng tôi phải rồng rắn xếp hàng thi nhau xuống sông gánh nước về dùng. Mặc dù nước đục như vậy nhưng chịu khó để lắng xuống thì còn có nước mà dùng, chứ không thì chỉ còn cách ở bẩn mà thôi...", cô Thu than thở. Cùng chung cảnh ngộ với thôn Đồng Chàm, còn có thôn Tam Hiệp và thôn Đầu Gò. Tuy nhiên, hai thôn này may mắn hơn khi nằm gần khe suối trên núi. Nhờ đó nên bà con ở đây đã cùng nhau đặt ống dẫn nước về từng hộ gia đình.

Anh Ngô Đông (35 tuổi, thôn Tam Hiệp) cho biết: "Mặc dù đây được xem là nguồn nước chính trong thôn nhưng khi trời mưa thì nguồn nước cũng trở nên đục ngầu, không thể sử dụng. Khi nắng nóng kéo dài thì bà con trong thôn phải cùng nhau tiết kiệm, nếu không nguồn nước cũng sẽ tiêu hao dần". Dẫn chúng tôi đi sâu vào các hộ dân trong "3 thôn 5 không", ông Phạm Thành Trung, trưởng thôn Tam Hiệp cứ cách vài bước chân lại kể lể những cái thiếu, cái khổ mà người dân khu 2 ngày ngày phải đối mặt: "Các chú thấy đó, từ nhà này qua nhà kia cách có vài chục mét mà đầy rẫy thùng, vũng, đường sá thì manh mún, không có lấy một đoạn đường bằng phẳng. Không chỉ dừng lại ở đó, nước thiếu đã đành, nay người dân phải thêm trăm bề khó khăn với nỗi lo thiếu điện".

Xã hội - Đau đáu cảnh '5 không' bên dòng sông Vu Gia (Hình 2).

Muốn qua khu 2 chỉ có cách là nhờ đò đưa qua sông

Theo ông Trung, bao nhiêu năm nay, lưới điện quốc gia vẫn chưa đến được "vùng đất khó" này. Ánh đèn dầu và đèn cầy là nguồn sáng chính của phần nhiều các hộ dân nơi đây mỗi khi đêm về. Những hộ khá giả hơn thì gom góp tiền mua máy nổ về để phát điện, thế nhưng cũng chẳng dám cho chạy nhiều. Chỉ tay vào chiếc ti vi cũ kỹ mua từ nhiều năm trước, anh Đông nói: "Nó nằm nguyên như thế cũng đã mấy tháng nay rồi, bởi giá xăng dầu tăng cao quá, chỉ khi thật sự cần thì mới chạy máy nổ để có điện mà dùng". Để tiết kiệm người dân ở đây thường chỉ chạy máy nổ từ 19h - 21h để sinh hoạt trong gia đình. Có lẽ vì vậy mà mọi người vẫn thường nói vui rằng, người dân khu 2 chỉ "sống" được 2 tiếng!...

Khát vọng miền quê "thay áo mới"

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Ba (60 tuổi) cho biết: "Thôn Tam Hiệp này là thôn tái định cư được sáp nhập bởi thôn Ba Tớt và thôn Thác Cạn. Trước đây năm nào cũng bị lũ lụt càn quét, gây thiệt hại nên được xã hỗ trợ cấp đất xây dựng khu tái định cư hiện nay. Tuy nhìn có vẻ khang trang hơn cũ đôi chút, nhưng "cái bệnh 5 không" ấy vẫn còn tiếp diễn. Thương nhất vẫn là các em học sinh cấp 1, hằng ngày cắëp sách đi học đều phải vượt sông trên những chuyến ghe đầy rủi ro, sau đó phải tiếp tục đi bộ hàng cây số mới đến được "trường học". Nói là trường chứ thật sự nơi mà các em tìm kiếm con chữ là Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Tam Hiệp với vài ba bộ bàn ghế cũ kỹ. Nhiều đứa mới học đến cấp 2 đã nghỉ do nhà không có điều kiện cho con theo học. Còn các cháu muốn theo học phổ thông hoặc cao hơn nữa thì chỉ có cách gói ghém sách vở, gạo muối lên phố mà học. Bởi vậy, chính vì thiếu cái chữ mà cái đói, cái nghèo cứ bám riết mãi nơi đây...".

Xã hội - Đau đáu cảnh '5 không' bên dòng sông Vu Gia (Hình 3).

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Tam Hiệp chính là "trường học" của các em nhỏ

Cô Nguyễn Thị Thu (49 tuổi, thôn Đồng Chàm) chia sẻ: "Tôi sống từ nhỏ đến từng tuổi này ở đây nên cái cảnh này cũng quen rồi, nhưng thời tiết năm nay khắc nghiệt quá, tôi cũng phải "đua" với bọn trẻ đi gánh nước về mà tắm. Mình đã già rồi còn đỡ chứ bọn trẻ giờ sống thiếu thốn thế này thì tội nghiệp chúng nó, ra đời thua hẳn người khác. Hi vọng bọn trẻ sẽ không như chúng tôi bám gót mãi nơi này!".

Cụ bà Thái Thị Giàu (73 tuổi), người duy nhất trong thôn mang họ Thái, miệng móm mém nhai trầu tâm sự: "Cháu bà đi làm ngoài huyện, nhiều khi nhớ con nhớ cháu mà không có cách gì liên lạc, bởi mạng điện thoại ở đây chỗ có chỗ không. Nhiều khi muốn điện thoại phải đi quanh thôn tìm chỗ cao cao mới có sóng, nhưng cũng chập chờn không thể nói chuyện được. Nhiều khi mất hàng tháng trời mới được gặp chúng nó".

Một ngày ở cùng với bà con nơi đây, cùng ra giếng gánh nước, cùng níu bám với các em trên các chuyến đò mới thấu hiểu hết khát vọng được đổi thay trong con người nơi đây như thế nào. Hoàng hôn dần buông xuống, chúng tôi lại men theo quốc lộ 14B trở ra TP. Đà Nẵng mà trong lòng cứ nghĩ: Điện, nước là hai thứ dường như không thể thiếu đối với cuộc sống của chúng ta, thế mà nơi đây đã sống trong điều kiện thiếu thốn như thế từ đời này sang đời khác. Lại thoang thoáng đâu đó trong đầu nỗi trăn trở của cụ Giàu, người đã sống gần cả cuộc đời ở nơi này: Bao giờ người dân nơi đây mới thoát khỏi cảnh "5 không"?    

Sẽ chung tay xoá "5 không"

Trao đổi với PV, ông Dương Tài Liệu, chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết: "Trước đây, ba thôn này năm nào cũng bị lũ quét gây thiệt hại lớn, nhiều nhà cửa bị lũ cuốn trôi. UBND xã đã có nhiều cố gắng trong việc quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội ở đây, nhưng kết quả chưa đạt được như mong muốn. Nhìn chung, người dân ở khu 2 vẫn đang nằm trong diện "5 không" và đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Sau khi xã gửi kiến nghị, huyện đã đồng ý hỗ trợ mỗi hộ dân 22 triệu đồng và cho vay thêm 8 triệu đồng để cất nhà ở khu đất tái định cư. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu như thế người dân cũng mừng. Chính quyền và người dân sẽ cùng chung tay khắc phục dần trong thời gian tới".

Du Ngoạn - Sơn Phú

Sét đánh tang thương bản nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Vào lúc 16h ngày 6/5, nhiều người dân trong làng đang trú mưa ở một cái lán trên đỉnh núi thì mây đen ùn ùn kéo đến. Một luồng sét sáng lóa xé nát bầu trời âm u kèm theo tiếng nổ đinh tai. Sét đánh bay cả tám người ra khỏi cái lán khiến bốn người chết cùng hai con chó. Dân bản bảo rằng, những người đến đưa tang người chết ấy cũng lũ lượt về chầu diêm vương.

Tang thương bao phủ bản nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Cứ mỗi khi có âm thanh phát ra từ phía đội cứu hộ, người thân các nạn nhân lại ùa lên hy vọng, dù rất đau đớn.