Dầu khí cũng bí vốn

Dầu khí cũng bí vốn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Nhiều dự án của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang vô cùng khát vốn, khi mà việc kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV, ông Phùng Đình Thực, chủ tịch Hội đồng thành viên PVN đã xác nhận điều này. Theo ông Thực, do kinh tế thế giới khó khăn, khủng hoảng nợ công châu Âu tiếp tục nghiêm trọng nên việc kêu gọi vốn của các dự án lớn của PVN gặp rất nhiều cản trở.

Còn nhớ, trong năm 2011, PVN đã mang khoảng 30 dự án trong lĩnh vực hạ nguồn dầu khí, điện, cơ sở hạ tầng tới Hoa Kỳ để kêu gọi đầu tư theo hình thức liên doanh hoặc bán cổ phần.

Trước đó, bản danh sách kêu gọi đầu tư cảu tập đoàn này được mang tới thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản mời chào nhưng cũng chưa khả quan.

Thậm chí, kết thúc năm 2011, không có dự án lớn nào tìm thấy nhà đầu tư chiến lược, kể cả tham gia góp vốn hay mua cổ phần.

Xã hội - Dầu khí cũng bí vốn

Ở lĩnh vực khí, việc tìm kiếm nhà đầu tư để phát triển phần hạ nguồn cũng không đơn giản. Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), một thành viên "khủng" của PVN khi chưa tiến hành cổ phần hóa đã gạt ra không hết các đối tác nước ngoài mong muốn trở thành cổ đông chiến lược.

Tuy nhiên, việc bị nợ tiền điện tại các nhà máy điện chạy từ khí của PVN với số tiền lên tới chục nghìn tỷ đồng đã khiến không ít đối tác nước ngoài giờ đây e ngại được lợi nhuận khi bỏ tiền mua cổ phần của nhà bán khí duy nhất này.

Đối với lĩnh vực hóa dầu, việc tìm vốn đầu tư cũng không dễ như mong muốn của PVN.

Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn được khởi công san lấp mặt bằng vào tháng 5/2008 sau khi ký hợp đồng liên doanh với các đối tác Nhật Bản và Cô-oét vào tháng 4/2008. Được kỳ vọng khởi công xây dựng nhà máy chính trong đầu năm 2011 nhưng đại dự án này tới nay vẫn im hơi lặng tiếng và tiếp tục chờ nhận được thêm bảo lãnh của Chính phủ về ngoại tệ so với mức cam kết 30% hiện nay.

Dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 9,5 triệu tấn/năm, gấp rưỡi quy mô hiện nay, dù chưa có con số chính xác nhưng ước tính có thể cần tới 2 tỷ USD.

PVN cũng có kế hoạch bán tới 49% cổ phần tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất sau khi mở rộng.

Hiện PVN đã hoàn tất đề nghị của mình về cơ chế tài chính cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong đó đáng chú ý là việc xin một loạt các ưu đãi về thuế nhập khẩu và phần để lại cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tương tự cơ chế mà dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn được hưởng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc kêu gọi nhà đầu tư càng ngày càng khó, nhất là khi tính khả thi chưa được hấp dẫn.

Đức Kế