Đầu năm học, phụ huynh nghiến răng móc hầu bao

Đầu năm học, phụ huynh nghiến răng móc hầu bao

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Các trường có 1001 lý do để thu các khoản đóng góp đầu năm từ tăng cường cơ sở vật chất, đồng phục, trang thiết bị giảng dạy... dưới “chiêu” xã hội hóa giáo dục và phụ huynh đóng góp là tự nguyện.

Những khoản thu trên trời

Những khoản thu nghe có vẻ hợp lý nhất vẫn là tiền xây dựng trường, xã hội hóa giáo dục, mua vật phẩm cá nhân… nhưng khi phân tích ra mới thấy sự biến ảo khôn lường của các khoản thu này. Nhiều trường điểm trên địa bàn Hà Nội được trang bị điều hòa bằng nguồn đóng góp xây dựng trường.

Trường Mầm non T (quận Thanh Xuân- Hà Nội) với một lớp hơn học 50 học sinh, mỗi em sẽ phải đóng 1 triệu đồng để được trang bị hai điều hòa. Thực tế, chỉ một năm đóng góp nhà trường đã phủ kín phòng học điều hòa. Và lẽ đương nhiên, tuổi thọ của điều hòa sử dụng tốt trong vòng 10-15 năm mới phải thay.

Vô lý ở chỗ, năm nào trường này cũng thu tiền mua điều hòa của các học sinh lớp mới nhập trường. Như thế, chiếc điều hòa cứ được bán đi bán lại nhiều năm với giá cao cho nhiều lớp học sinh, rõ ràng có một khoản tiền không nhỏ không được hạch toán đúng.

Xã hội - Đầu năm học, phụ huynh nghiến răng móc hầu bao

Cấm dạy thêm, học thêm chỉ là hình thức (Ảnh chỉ có giá trị minh họa)

Phụ huynh giấu tên của trường Tiểu học Minh Khai A “tố” trường này lạm thu rất nhiều khoản trong việc đóng nộp đầu năm học 2012 – 2013. Vị phụ huynh này cho biết, trong buổi họp giữa phụ huynh và nhà trường ngày 31/7/2012, lãnh đạo nhà trường đã công bố nhiều khoản đóng nộp của học sinh rất phi lý và với giá trên trời.

Cụ thể, theo thông báo mà trường này đưa ra thì giá mỗi bộ máy chiếu là 32 triệu đồng và nếu chia đầu học sinh thì mỗi em phải đóng 454.000 đồng tiền mua máy chiếu. Không những thế, mỗi học sinh còn phải đóng nộp 598.000 đồng để mua điều hòa.

Theo chia sẻ của vị phụ huynh này thì điều buồn cười nhất là việc mặc dù hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Việc đóng góp này trên tinh thần tự nguyện”, nghĩa là không bắt buộc.

Tuy nhiên, vị hiệu trưởng cũng nhấn mạnh: “Cha mẹ học sinh nào không đồng ý tự nguyện đóng góp để mua điều hòa, máy tính và máy chiếu thì các con sẽ học ở phòng riêng không có điều hòa, máy tính, máy chiếu”!?

“Việc cho con đi học thì nộp tiền để con được học trong điều kiện tốt là điều đương nhiên, tôi tin phụ huynh nào cũng nghĩ vậy. Tuy nhiên, cái gì cũng có mức độ của nó. Hiện chúng tôi không muốn đóng tiền vì những khoản thu bất hợp lý đó, làm gì có chuyện 32 triệu đồng một bộ máy chiếu?

Một điều bức xúc nữa là nhiều cháu đến học trường Minh Khai từ năm lớp 3, 4, tuy nhiên nhà trường lại bắt nộp tiền cho cả 5 năm học và nhà trường chỉ giảm cho được một ít. Còn trường hợp nếu cháu đóng cả 5 năm nhưng nếu học đến lớp 3 mà chẳng may chuyển trường thì nhà trường cũng ỉm luôn, chả nói gì đến việc trích lại phần trăm cho học sinh đó” - vị phụ huynh bức xúc cho biết.

Ngay chuyện quần áo đồng phục cho học sinh cũng là điều khiến phụ huynh bất bình. Chị Nguyễn Mai Hằng, có con học tại một trường tiểu học quận Hoàng Mai cho biết: “Việc liên kết với cơ sở may đồng phục, tự quyết định trong việc chọn mẫu mã là quyền của nhà trường mà phụ huynh học sinh phải tuân thủ.

Nhưng trong một năm học mà phải mua 4 kiểu đồng phục (mùa thu, mùa đông, mùa hè và thể thao) là quá lãng phí. Nhà trường cứ “vẽ ra” số lượng đặt may đồng phục nhiều thì phần trăm hoa hồng nhà may trả cho trường càng lớn, thậm chí tiền chênh cũng cao. Đúng là lợi nhuận về trường, còn phụ huynh thì lãnh đủ”.

Chia sẻ “nỗi lòng” này, một phụ huynh gọi đến đường dây nóng báo ĐS&PL phản ánh, trường tiểu học NT (quận Đống Đa- Hà Nội) thu tiền may đồng phục cho học sinh cao bất thường với giá 1,5 triệu đồng. Nhiều phụ huynh học sinh trong trường cũng phản ứng vì cái giá “chặt chém” của nhà trường đưa ra.

Ngoài những khoản loạn thu đầu năm học, trong niên khóa 2012- 2013 này nhiều phụ huynh còn ngao ngán vì nạn… loạn học thêm ngay từ khi năm học mới chưa bắt đầu.

Chị Nguyễn Thu Thủy có con học lớp 4 trường tiểu học T.H (quận Cầu Giấy) cho biết: “Mới đi học hè tuần 3 buổi, nhưng cô giáo chủ nhiệm cháu đã tổ chức học thêm. Việc học thêm cũng chỉ là ôn luyện kiến thức của năm học lớp 3. Vậy tại sao 3 buổi học cả ngày không đủ thời gian cho các cô củng cố kiến thức cho học trò mà phải kéo dài thêm 2 buổi học thêm tại nhà cô? Mà học phí học thêm, các cô cũng thu tùy hứng lắm, ít nhất là 70 ngàn đồng/buổi, còn mức phổ biến là 100 ngàn đồng/buổi học”.

Nhìn chung, những “chiêu thức” nhà trường, giáo viên tung ra phụ huynh học sinh đều phải miễn cưỡng “móc hầu bao”. Bởi các cụ xưa bảo “muốn con yêu chữ phải yêu lấy thầy”, nhưng xem ra chữ “yêu” bây giờ nó thị trường và tốn kém quá.

Nhiều lần chấn chỉnh nhưng đâu lại vào đó

Loạn học thêm, loạn các khoản thu đầu năm là chuyện cố hữu của ngành giáo dục. Nhìn nhận điều này, ông Nguyễn Tiến Đạt (sở GD&ĐT TP.HCM) cho rằng: “Hiện nay kinh phí rót về các địa phương là tương đương nhau chính vì thế để có thể phát triển thì cần sự góp sức của các phụ huynh. Bởi vì với phương thức như hiện nay thì nếu không có sự hỗ trợ từ phía phụ huynh thì một bóng đèn trong phòng học bị cháy thì có khi mất cả tháng trời mới thu được.

Vấn đề thu có gây bức xúc hay không vẫn phụ thuộc vào cách thức thực hiện của ban giám hiệu các trường. Nếu làm minh bạch, công khai thu chi một cách rõ ràng, chắc chắn phụ huynh sẽ không phản đối”.

Liên quan đến vấn đề lạm thu, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cũng thẳng thắn đánh giá: “Hiện nay vấn đề thu chi đầu năm học được xã hội đặc biệt quan tâm. Chính vì thế khi phát hiện sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm khắc tránh tình trạng một số nơi vẫn còn buông lỏng.

Nếu không xử lý mạnh mẽ thì chắc chắn khó xóa bỏ được tình trạng này. Đây là một căn bệnh nếu chúng ta còn ôm ấp hoặc ưu ái thì chắc chắn sẽ còn nặng hơn”.

Quán triệt tư tưởng chống lạm thu của các trường trên cả nước, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Việc bộ GD&ĐT đưa ra các khoản Hội phụ huynh không được phép thu nhằm chấn chỉnh một số nơi núp sau lưng của Hội này để làm những điều chưa đúng.

Bộ không cấm các địa phương nhận đóng góp tự nguyện từ các đơn vị, cá nhân thậm chí từ phía phụ huynh. Tuy nhiên, những khoản đóng góp tự nguyện này Hiệu trưởng phải đứng ra tiếp nhận và có hoạch toán thu chi rõ ràng”.

Trước thực tế loạn học thêm, TS. Nguyễn Văn Thắng, người từng tham gia khảo sát về tham nhũng trong ngành giáo dục cho rằng: “Có thể khẳng định, thời lượng chương trình chính khóa bộ GD&ĐT quy định đã phù hợp với mục tiêu giáo dục cho từng cấp học. Nhiều học sinh không học thêm vẫn trở thành học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, đỗ thủ khoa ở các kỳ thi”.

Việc học thêm chủ yếu là do tâm lý của phụ huynh quá kỳ vọng vào con hoặc đi học để…ngoại giao với cô. Nếu như phụ huynh thấy rằng, con học trên lớp là đủ rồi, muốn dành thời gian cho con nghỉ ngơi, không gây áp lực và quá kỳ vọng thì nạn học thêm mới được dẹp.

Mặc dù những người có trách nhiệm của ngành giáo dục đã hô quyết tâm, song thực tế tình trạng loạn thu, loạn học thêm vẫn như “căn bệnh nhờn thuốc”…

Minh Khánh- Quốc Triều