Đầu xuân đau đầu với nạn 'phí tặc' hoành hành

Đầu xuân đau đầu với nạn 'phí tặc' hoành hành

Thứ 5, 21/02/2013 | 08:59
0
Theo thông lệ, mỗi dịp vào các ngày lễ, tết người dân ở nhiều địa phương, nhất là Hà Nội phải chịu cảnh trả tiền quá mức quy định về giá phí trông giữ xe công cộng. Điều đáng nói, mặc dù tình trạng này đã tồn tại rất lâu nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài đủ mạnh, nhằm xử lý triệt để những hành vi vi phạm đó.

Kinh hoàng "phí tặc"

Có mặt tại điểm trông giữ xe trên phố Nguyễn Xí, (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào ngày sát Tết Nguyên đán chúng tôi không khỏi giật mình bởi cảnh hỗn độn ở đây. Cả một đoạn phố ngắn ước chừng 200m san sát, ngổn ngang các loại xe trên vỉa hè lẫn lòng đường, khiến các phương tiện lưu thông trên phố này gặp khó khăn. Đáng chú ý, điểm trông giữ xe này nằm sát cạnh UBND phường Tràng Tiền (cơ quan quản lý trực tiếp) nhưng những người trông giữ xe ở đây vẫn thản nhiên thu tiền của khách với giá từ 5.000  10.000đồng/lượt đối với xe máy.

Nhập cuộc gửi xe, hỏi tiền trông, biết được mức giá phí quá cao, tôi thắc mắc, một chủ điểm trông giữ xe nói giọng nhát gừng: "Thu đúng quy định để chết đói à? Muốn được cắm dây, trông giữ xe ở địa điểm này còn rất nhiều thứ khác phải đầu tư. Mà không nói nhiều, cậu đồng ý thì gửi, không thì đi chỗ khác?!". Tôi vừa quay xe, người này nói tiếp: "Đi đâu gửi cũng vậy thôi, người gì mà lớ ngớ hơn cả quê, vài nghìn bạc cũng so đo, mặc cả". Tiếp tục đảo qua một vài điểm trông giữ xe ở xung quanh, tôi đều nhận được mức giá chênh so với quy định từ 2,5 đến 5 lần.

Không chỉ các điểm trông giữ xe ở vườn hoa, công viên, các khu trung tâm thương mại mà ngay tại một số điểm trông giữ xe tại các bệnh viện như: Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Xanh Pôn... tình trạng "phí tặc" trong trông giữ xe cũng khiến quá nhiều người dân bức xúc. Đa phần, tại các bệnh viện này đều thực hiện treo bảng, niêm yết giá phí tiền gửi xe để người dân biết thực hiện. Tuy nhiên, khi khách vào lấy xe, ra đưa vé thì người thu tiền lại nói mức giá ở trên trời, không đúng như những gì đã niêm yết rõ ràng, công khai. Khi khách thắc mắc về mức giá chênh lệch đã bị quát tháo, chửi bới, thậm chí còn bị một số nhân viên trông giữ xe doạ nạt, hành hung.

Chị Nguyễn Thanh Hồng, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Do có việc ở bệnh viện nên tôi gửi chiếc xe máy ở đó 2 ngày. Đến khi lấy xe, nhân viên trông giữ xe của bệnh viện yêu cầu trả 40.000 đồng. Tôi thắc mắc, thu thế là quá cao, không đúng với bảng niêm yết giá công khai, nhân viên ở đây quay ra chửi với những lời rất vô văn hoá. Họ lấy lý do ngày tết, ở đâu cũng thu vậy. Họ còn nói mày thấy cao sao không hỏi trước khi gửi, mà lúc đó muốn gửi chắc gì ông mày đã nhận trông. Tôi nghĩ bệnh viện là nơi cần phải làm những việc thiện, những việc có ích để giúp đỡ người bệnh và người nhà bệnh nhân đến chăm, nuôi nhưng đằng này họ lại làm ngược lại bằng cách "chặt chém" người dân với mức giá trên trời, vậy chữa bệnh hay hành người bệnh?".

Xã hội - Đầu xuân đau đầu với nạn 'phí tặc' hoành hành

Việc thu phí vượt quá quy định vẫn thường diễn ra tại các điểm trông giữ xe.

Anh Trần Tuấn Hưng, trú tại Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội thì bức xúc kiểu khác: "Không hiểu các cơ quan Nhà nước quản lý hoạt động trông giữ xe ra sao mà mỗi nơi thu một kiểu. Ngay tại điểm trông giữ xe ở trước cổng bệnh viện Việt Đức (mặt đường Phủ Doãn), ngày thường, họ vẫn ngang nhiên thu phí cao hơn quy định 2.000 đồng/lượt xe máy. Những ngày lễ, ngày tết, họ thu cao hơn từ 5.000 đến 7.000 đồng/lượt xe máy. Đó còn chưa kể tới việc họ tự in, ghi vé trông giữ xe theo kiểu riêng của họ mà không thực hiện bất kì các quy định nào của chính quyền. Điều khá lạ ở chỗ, tình trạng này đã tồn tại gần chục năm nay nhưng vẫn không thấy ai kiểm tra, xử lý vi phạm".

Là người bị nạn "phí tặc" trông giữ xe "hành", ông Trần Mạnh Cường, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội bộc bạch: "Việc các điểm trông giữ xe tự ý tăng giá phí nhằm "chặt chém" người gửi vào các dịp lễ, tết chẳng có gì lạ lẫm, nhưng điều tôi ngạc nhiên là mức giá chênh tăng quá cao. Họ thường vin vào những lý do này, nọ mà "chặt chém" người gửi có khi gấp tới 15 - 20 lần so với mức giá quy định của ngành tài chính.

Tôi đi lễ ở Bia Bà (quận Hà Đông, Hà Nội), gửi xe ô tô trong bãi, ngày thường, nhân viên ở đây thu tới 30.000 đồng/lượt, trong khi đó giá vé phát hành chỉ có 10.000đồng/lượt. Đó còn chưa kể tới vào một số dịp lễ hội có  đông người tham dự thì giá vé lên tới 100.000 - 200.000 đồng/lượt/xe ô tô cũng đã xảy ra. Nếu các cơ quan quản lý không có biện pháp xử lý nghiêm các điểm trông giữ xe vi phạm về giá phí thì chỉ khổ những người dân khi họ phải trả mức phí quá cao so với quy định mà tiền cao đó người trông giữ xe không hề nộp thuế cho Nhà nước, họ chiếm đoạt làm tiền riêng".

"Bó tay" trước nạn "phí tặc"

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, quy định của TP. Hà Nội về các điểm trông giữ xe là phải đủ các thủ tục: Có giấy phép kinh doanh; sử dụng hè đường đúng theo giấy phép được cấp; chấp hành đúng quy định về phí và lệ phí; thực hiện niêm yết giá công khai và đảm bảo công tác về phòng chống cháy nổ. Quy định là thế, tuy nhiên, tại thời điểm chúng tôi có mặt tại phố Nguyễn Xí, các điểm trông giữ xe tại khu vực này, hầu hết đều vi phạm các quy định trên. Các biển hiệu thông báo về thời gian, mức giá, vạch sơn kẻ chỉ phạm vi trông giữ đều không có hoặc không rõ ràng. Cả đoạn phố trên chỉ có một, hai biển báo được đặt ở góc khuất khiến người gửi rất khó nhận thấy.

Tiếp đến, diện tích bãi giữ xe đã được những người trông xe tha hồ bành trướng ra vỉa hè, lòng đường. Việc thu phí vượt quá quy định, lấn chiếm vỉa hè không chỉ xảy ra ở phố Nguyễn Xí mà theo khảo sát của chúng tôi, hàng loạt các tuyến phố khác như Phủ Doãn, Triệu Quốc Đạt, Hai Bà Trưng, Hàng Ngang, Hàng Đào, Phủ Tây Hồ, khu vực Bia Bà... đều thu vượt quá quy định rất nhiều lần. Đặc biệt, nhiều điểm trông giữ xe còn sử dụng tờ tích kê ghi biển kiểm soát chỉ là một tờ giấy nhỏ và được bôi mực đỏ loè loẹt, khiến người gửi rất khó phân biệt được bãi giữ xe này do tổ chức, đơn vị  nào quản lý.

Theo quy định của UBND TP. Hà Nội, giá trông giữ xe đạp chỉ được thu 1.000 đồng vào ban ngày; 2.000 đồng vào ban đêm và 2.000 đồng/1 xe máy ban ngày; 3.000 đồng vào ban đêm và 30.000 đồng/lượt/1 ô tô với thời gian trông giữ từ 120 phút trở xuống, nhưng hiện nay, "tìm mỏi mắt" không thấy bãi trông giữ xe nào ở Hà Nội thực hiện đúng quy định trên. Tình trạng, chủ các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô thu các mức giá chênh so với quy định khác nhau, đã diễn ra nhiều năm nay và không còn xa lạ với người dân Thủ đô nhưng các cơ quan quản lý thì hình như "bó tay". Việc nhân viên các bãi trông giữ xe mặc sức "hét" giá tại mỗi điểm, kiểu sáng một mức, tối một mức giá đã khiến nhiều người dân bức xúc nhưng do công tác thanh, kiểm tra không được thực hiện thường xuyên nên tình trạng trên không hề giảm.

Trên thực tế, việc trông giữ xe được thành phố giao cho 5 ngành: Giao thông vận tải, sở Tài chính, chi Cục thuế, các đơn vị xã, phường và các công ty quản lý bãi trông giữ xe. Tuy nhiên, người dân hàng ngày, hàng giờ vẫn bị "chặt chém" mà 5 ngành trên vẫn chẳng hề "động lòng", chẳng hề có động thái khắc phục gì. Theo một cán bộ thanh tra giao thông Hà Nội (xin được ẩn tên) thì: "Các điểm trông giữ xe máy, xe đạp thu giá cao tập trung nhiều nhất ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Trong khi đó, thanh tra giao thông chỉ có chức năng xử phạt những trường hợp trông giữ xe không đúng diện tích, không phép, quá phép, còn việc thu giá cao, "chặt chém" phải do thanh tra sở Tài chính xử lý. Hay nói theo cách của một giám đốc công ty trông giữ xe tại Hà Nội thì, sở dĩ các bãi trông giữ xe phải thu vượt giá quy định là vì hàng tháng, họ phải đóng rất nhiều khoản tiền như tiền an ninh, trật tự, tiền thuê đất, tiền quan hệ cho một điểm trông giữ xe nên... không thể không "chặt chém" được.     

Yêu cầu xử lý vi phạm theo thẩm quyền

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành công văn số 685/UBND-KT, yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai một số nhiệm vụ quản lý và xây dựng đề án phí, lệ phí năm 2013. Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra các đơn vị, cá nhân thu phí, lệ phí đảm bảo theo đúng quy định về niêm yết mức thu phí, lệ phí; về sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí; về việc thực hiện mức thu phí, lệ phí. Đồng thời, xác định chính xác các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được thu phí, lệ phí theo phân cấp để hướng dẫn tổ chức thu phí, lệ phí và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

Quỳnh Chi

Lễ, tết ở Hà Nội: Căng dây là tha hồ "chặt, chém"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
Theo thông lệ, cứ mỗi dịp vào các ngày lễ, Tết, người dân Hà Nội luôn phải trả tiền trên quy định khi gửi xe nơi công cộng. Điều đáng nói, mặc dù tình trạng này đã tồn tại từ lâu nhưng các cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp xử lý hữu hiệu.

Dịch vụ ăn theo mùa thi ra sức "chặt, chém"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Vào mùa thi Đại học, cao đẳng các loại dịch vụ như xe ôm, cơm nước... đều tranh thủ "chặt, chém", tăng giá chóng mặt.

Chèo kéo, chặt chém khách du lịch phải bị xử lý hình sự

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Một số ý kiến cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính đối với hành vi "bắt chẹt" khách du lịch sẽ khiến các đối tượng này bị "nhờn thuốc"

Kiếm tiền tỷ nhờ... "chặt chém"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Chỉ cần ngồi trước barie, trong phút chốc, chủ của các điểm trông giữ ô tô, xe máy trên địa bàn Hà Nội "biến" thành "đại gia" với doanh thu hàng tháng có thể chạm ngưỡng hàng tỷ đồng.