Dạy con bằng hàng trăm lá thư qua song sắt

Dạy con bằng hàng trăm lá thư qua song sắt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Là người dám mạnh bạo vận dụng kinh tế thị trường, song do một số sai lầm, ông Nguyễn Doãn Cường đã phải trả giá bằng bản án chung thân về tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Sau 19 năm ngồi sau song sắt, ông được đặc xá, trở về gia đình và trở thành người làm kinh tế giỏi.

Trong gần 20 năm ấy, những người con của mình đều được ông dạy dỗ chu đáo bằng hàng trăm lá thư tay. Không phụ lòng cha, các con ông nay đều đã phương trưởng, thành đạt...

Doanh nhân mang án chung thân

Cách Hà Nội khoảng 30km, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Doãn Cường (SN 1960) ở thôn Bái, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Cường vẫn còn dáng vẻ của một người lính lẫn vẻ rạn rĩ của một người từng "ăn cơm tù" nhiều năm. Thi thoảng ông lại pha mấy câu thơ khiến buổi trò chuyện của chúng tôi rất rôm rả. Rót nước mời chúng tôi ông Cường thổ lộ: "Dẫu có đắng cay mới hiểu hết được ý nghĩa của cuộc đời / Mỗi lần vấp là một lần biết dại/ Hiểu đời hơn và hiểu mình hơn..."

Xã hội - Dạy con bằng hàng trăm lá thư qua song sắt

Ông Nguyễn Doãn Cường và những lá thư gửi cho vợ con từ trong trại giam.

"Sau khi tốt nghiệp 10/10, năm 1979 tôi đi nhập ngũ. Năm 1980, tôi được cử đi học sĩ quan và phục vụ trong quân đội đến năm 1989, tôi được phục viên. Từ người lính tôi trở về quê hương, bắt đầu một suy nghĩ mới: Không thể mãi con trâu đi trước, cái cày theo sau. Tôi không dám cho mình là một người giỏi, nhưng tôi tự nhận mình là một trong những người tiên phong trong nền kinh tế thị trường.

Năm 1989, tôi thành lập Công ty sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu và dịch vụ công nghiệp. Doanh nghiệp của tôi lúc đó là doanh nghiệp đầu tiên của huyện Thanh Oai, (Hà Đông, Hà Nội) chuyên sản xuất các loại ô mai xuất sang thị trường Trung Quốc và Đài Loan. Bước đầu khá khó khăn, nhưng tên tuổi về sản phẩm đã có mặt trên thị trường nước bạn. Đặc biệt là ô mai làm bằng quả trám trắng được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa thích.

Để phát triển, mở rộng kinh doanh nên tôi đã vay của ngân hàng 2,2 tỷ đồng. Những đồng vốn này tôi đổ vào kinh doanh sắt thép, xi măng và đầu tư cho một số hộ nông dân sản xuất pháo (lúc đó chưa có lệnh cấm làm pháo). Năm 1990, có 4 đại gia lớn nhất ở Việt Nam làm ăn thua lỗ đổ bể là Nguyễn Văn Mười Hai, Kim Tước, Anh Đào và Hương "Vĩnh Phú". Trước tình hình này các ngân hàng tạm dừng cho vay, rà soát các khoản nợ để chấn chỉnh lại những thiếu sót trong quản lý. Khi bị ngân hàng thúc nợ, do không chi trả được tôi bị khởi tố, bắt giam. Tháng 7/1991, tôi bị TAND Hà Nội kết án chung thân về tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" - ông Cường chia sẻ.

Dạy con bằng thư

Hơn 20 năm trôi qua những lá thư, những trang viết của ông từ trong trại giam vẫn được ông và gia đình lưu giữ cẩn thận. Cầm xấp thư hàng trăm lá thư trong tay chứa đựng những lời tâm sự, động viên, răn dạy vợ con của ông khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Trong một lá thư, ông Cường viết: "Cha phương xa gửi vợ và các con yêu! Các con muốn sau này bưng bát cơm ăn không phải chan nước mắt, xem một bộ phim hiểu được nội dung bộ phim đó, am hiểu được một hiện tượng xã hội và phân biệt được đúng sai, các con phải có tư duy cuộc sống. Nền tảng của sự hiểu biết đó phải thông qua con đường học vấn. Chính vì thế các con phải ra sức học tập. Bố có lỗi với các con, trong kinh doanh bố có sai lầm do làm ăn thua lỗ bố phải đi tù, không ở bên các con để động viên, dạy bảo các con học. Nhưng các con không được tự ti vì không phải ai đi tù cũng là người xấu, các con hãy ngẩng cao đầu mà bước vào đời, bố không phải là kẻ lừa đảo vì kinh doanh bố gặp rủi ro...". Đọc những dòng thư của ông gửi các con mới thấy hết được bản chất, nghị lực trong con người ông. Ông trầm ngâm: "Là người làm kinh doanh giữa thời chuyển giao bao cấp và kinh tế thị trường, những may rủi luôn rình rập là điều tất yếu".

Đưa điếu thuốc lên hút một hơi dài, như có điều gì khiến ông Cường day dứt, ông tiếp: "Thời gian trong trại, tôi buồn nhất là khi nhận được thư của con gái đầu lòng gửi bố lúc cháu thi trượt đại học. Khi đọc xong thư của con tôi đã bật khóc vì cảm thấy mình có lỗi với con nhiều quá. Sau đó tôi đã viết ngay một lá thư gửi về để động viên con: "Con ạ, bố tin rằng sẽ có một ngày, một ngày không xa, con gái bố sẽ làm nên điều kỳ diệu. Dù ở nơi xa nhưng bố như đang ôm con vào lòng ấp ủ, nín đi con, bố luôn tin tưởng ở con mà. Ai thành công mà không hề thất bại".

Chúng tôi đang lắng nghe từng lời ông kể, bỗng ngoài sân có một phụ nữ dáng người mảnh dẻ bước vào. Ông Cường cười lớn: "Đây là người yêu tôi vừa đi làm cỏ về đấy!". Sau khi nghe ông giới thiệu, bà Nguyễn Thị Dự (vợ ông Cường) nói với chúng tôi: "Chuyện đã xảy ra lâu rồi, tôi không muốn nhắc lại". Bà cười, nhưng trên đôi mắt những giọt lệ đang chảy dàn quanh mắt...

Ông Cường chia sẻ: "Là người chấp hành, cải tạo tốt, hễ có đợt giảm án do Nhà nước ân xá là tôi đều được hưởng. Ngày 29/1/2011, (sau 19 năm, 1 tháng thụ hình - PV) tôi được đặc xá ra tù. Trở về nhà, tôi cùng vợ con bắt tay ngay vào làm kinh tế để không bị lỡ bước thời đại. Và quan trọng là tôi không muốn chứng minh cho con cái thấy rằng: Bố không bao giờ nhụt chí! Bằng những lá thư dạy dỗ ân cần của người cha sau song sắt và sự nuôi dưỡng của người mẹ tần tảo, 5 người con của ông Cường có 3 con đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định. Cũng từ hàng trăm trang thư tay của mình mà vợ con của ông Cường luôn cảm thấy như có một người trụ cột ở bên để cùng nâng đỡ, khuyên nhủ, động viên vợ con vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất. Đúng như lời nói của ông: "Tôi là một ánh đèn le lói cuối đường hầm, nhưng đủ để soi rọi cho vợ và các con trên đường đời đầy trông gai, trắc trở...".

Lương Liễu


Tag: sống