Đẩy lùi “thảm họa ăn mặc” cần biện pháp mạnh tay

Đẩy lùi “thảm họa ăn mặc” cần biện pháp mạnh tay

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Các đài truyền hình cần nghiêm túc thực hiện công văn của Bộ VHTT&DL để việc chấn chỉnh văn hóa biểu diễn phát huy hiệu quả.

Kiến nghị “cấm các nghệ sĩ từng bị xử phạt về ăn măc phản cảm xuất hiện trên sóng truyền hình” của Bộ VHTT&DL nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận. Nhưng vào lúc này, sự chú ý lại hướng về Đài truyền hình Việt Nam, nơi hàng loạt nghệ sỹ đang và đã bị xử phạt lại tham gia xuất hiện ở nhiều quảng cáo lẫn chương trình lớn.

Sự kiện - Đẩy lùi “thảm họa ăn mặc” cần biện pháp mạnh tay

Minh Hằng là nữ nghệ sĩ có mật độ xuất hiện dày đặc trên VTV hiện nay

Giải pháp đẩy lùi “thảm họa ăn mặc”

Nhận định về những phản ứng của các nghệ sĩ, ông Nguyễn Thành Nhân - trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: “Đây là giải pháp để nhằm giải quyết triệt để thảm họa ăn mặc phản cảm của một số nghệ sĩ trong thời gian gần đây. Bộ cần có sự mạnh tay đối với những người thiếu tôn trọng và chậm tiến bộ trong việc chấp hành các quy định về biểu diễn nghệ thuật. Đây cũng là bài học đắt giá cho các nghệ sĩ coi nhẹ những giá trị thuần phong mỹ tục dân tộc. Họ cần có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề trang phục trên sân khấu".

"Công văn cũng nhằm mục đích chấn chỉnh mạnh mẽ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật gây lộn xộn khiến dư luận bức xúc trong thời gian gần đây. Khuyến cáo và yêu cầu các đài truyền hình, các đơn vị tổ chức chương trình không mời các nghệ sĩ đã và đang vi phạm các quy định về biểu diễn nghệ thuật là một cách để thanh lọc những hình ảnh xấu trong đời sống văn hóa chúng ta hiện nay”, ông Nhân khẳng định.

Ở góc độ của một nhà thiết kế, bà Anh Thư (giám đốc công ty Áo dài Ngân An) cho biết: “Nghệ sĩ vốn là người của công chúng cho nên cần phải cân nhắc việc ăn mặc thật kĩ càng trước khi xuất hiện. Bởi lẽ, ranh giới giữa sự gợi cảm và phản cảm rất mong manh. Người tinh tế sẽ biết “hở” đúng chỗ, đúng lúc để tạo hiệu ứng về vẻ đẹp sexy. Còn với những người không có thẩm mỹ về thời trang mà vẫn cố đua đòi, ăn theo thì hiệu quả sẽ hoàn toàn ngược lại".

"Theo tôi, động thái mạnh tay của bộ VHTT&L khi treo diễn nghệ sĩ ăn mặc phản cảm trên truyền hình là hoàn toàn hợp lý. Đã đến lúc, người của công chúng phải ý thức được vai trò, trách nhiệm và những ảnh hưởng mạnh mẽ của mình đối với những người xung quanh, đặc biệt là giới trẻ”, bà Anh Thư cho biết.

“Riêng đối với người mẫu, đôi khi việc xử phạt họ về vấn đề ăn mặc hở hang cũng là một điều cần cân nhắc”, nhà thiết kế Anh Thư nói thêm. “Trong các show thời trang, người mẫu không được quyết định việc mình mặc cái gì mà đó hoàn toàn là quyền của nhà thiết kế hoặc nhà tổ chức. Nếu người mẫu từ chối trình diễn thì sẽ bị quy vào tội chảnh, nhưng thú thực, không ít người mẫu phải hứng chịu scandal từ trên trời rơi xuống bởi những trang phục gợi cảm quá mức của nhà thiết kê. Trường hợp của người mẫu BB Phạm là một ví dụ”, bà Anh Thư nói.

Trả lời câu hỏi về việc: Liệu chiếc áo dài Việt Nam ngày càng vắng bóng nhiều hơn trên các sân khấu trình diễn, bà Anh Thư giải thích: “Tôi cho rằng áo dài dân tộc không vắng bóng như người ta vẫn tưởng. Có thể công chúng cảm thấy hiện nay có quá nhiều show diễn thời trang nhưng số show của áo dài lại rất ít. Điều đó đúng một phần. Áo dài không thể xuất hiện một cách tùy tiện. Bản thân tôi từng từ chối lời mời của nhiều nhà tổ chức bởi tôi cảm thấy chương trình của họ không phù hợp để hình ảnh áo dài xuất hiện. Đối với nhà thiết kế áo dài, cần có trách nhiệm giữ gìn sự sang trọng, tôn kính cho loại trang phục đẹp đẽ này”.

Cần nghiêm túc thực hiện

Trao đổi với PV Người đưa tin, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Bộ phải có động thái mạnh mẽ để chấn chỉnh tốt nhất tình trạng lộn xộn của nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật gần đây. Báo chí cũng cần có cái nhìn đồng tình, chia sẻ và ủng hộ để giúp các cơ quan chức năng hoàn thành vai trò của mình. Những phản ứng của nghệ sĩ về vấn đề này là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải mạnh tay để thanh lọc và trả lại sự văn minh trong đời sống văn hóa, xã hội”.

Chưa bao giờ, bộ VHTT&DL tỏ ra quyết liệt đến vậy trong việc chấn chỉnh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Sau công văn này, sự chú ý của dư luận đang hướng về Minh Hằng - người vừa đăng quang trong đêm chung kết Bước nhảy hoàn vũ diễn ra tối qua 17/6 tại Hà Nội. Lí do là nữ ca sĩ này từng bị dư luận lên án vì trang phục phản cảm trong chương trình “Đêm Mỹ Nhân” và đơn vị tổ chức chương trình này đã bị sở VHTT&DL Quảng Bình xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng.

Ngoài ra, Minh Hằng còn là gương mặt quảng cáo quen thuộc của nhiều sản phẩm đang đều đặn xuất hiện trên các kênh sóng, việc hủy hợp đồng quảng cáo sẽ gây nhiều tổn thất cho đài truyền hình Việt Nam.

Chưa hết, ca sĩ Thu Minh, người được nhắc đến nhiều trong các thảm họa ăn mặc của nghệ sĩ lại đang đảm nhận vai trò là ban giám khảo của gameshow The Voice (Giọng hát Việt) – chương trình truyền hình thực tế Việt hóa lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta và đang nhận được sự quan tâm của khán giả. Như vậy, trong khi Bộ VHTT&DL tỏ ra mạnh tay và quyết liệt, thì hiệu quả mang lại từ việc chấn chỉnh này sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc thực hiện của các nhà đài.

Một chuyên gia truyền thông cho rằng, nạn “hát nhép” là do đài truyền hình khơi mào với lí do: Các chương trình có quy mô lớn được truyền hình trực tiếp ở sân khấu lớn nên hệ thống âm thanh, kĩ thuật không đủ đảm bảo thu âm trực tiếp. Bởi vậy, nếu giao cho nhà đài trách nhiệm tiên phong trong việc chấn chỉnh vấn đề này xem ra còn nhiều bất cập.

Đào Bích