'Hoãn thi hành án tử hình đang tạo áp lực cho ngành công an'

'Hoãn thi hành án tử hình đang tạo áp lực cho ngành công an'

Thứ 5, 23/05/2013 | 16:18
0
Quy định chuyển thi hành án tử hình từ hình thức bắn sang tiêm thuốc độc song vì chưa có thuốc độc nên các tử tù đã được kéo dài sự sống bất đắc dĩ thêm gần 2 năm.

Điều này đã tạo áp lực cho ngành công an khi số lượng tử tù mới tăng lên. ĐBQH Vũ Chí Thực, giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ như vậy, khi bàn về chuyện 27/6 tới đây sẽ thi hành án tử hình bằng thuốc độc.

Hình thức khác nhau nhưng nỗi ám ảnh vẫn nặng nề

Thưa ông, sau 2 năm hoãn thi hành án, tới đây tử tù không phải ra pháp trường mà "được" vào phòng tiêm thuốc độc, ông nói gì về việc thay đổi này?

Thay vì sử dụng nhóm công tác xử bắn thì chúng ta sẽ sử dụng nhóm công tác có chuyên môn về y khoa. Hình thức có khác đi nhưng mục đích cuối cùng vẫn là trừng phạt kẻ vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội.

Nhưng áp lực đối với lực lượng thi hành án tử hình sẽ bớt đi phần nào vì không phải bắn trực tiếp tử tù?

Áp lực vẫn vậy thôi. Thay vì bắn tử tù trên pháp trường thì vẫn phải có người lấy ven, chuẩn bị cho việc tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, nói về mức độ quyết liệt thì việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc có lẽ sẽ bớt đi đôi chút so với bắn tại pháp trường.

Luật sư - 'Hoãn thi hành án tử hình đang tạo áp lực cho ngành công an'

ĐBQH Vũ Chí Thực.

Nghĩa là sử dụng hình thức tiêm thuốc độc sẽ giảm bớt tâm lý cho lực lượng thi hành án?

Người thi hành án bằng thuốc độc vẫn có áp lực tâm lý chứ. Cho dù thực hiện tiêm bằng máy móc, nhưng vẫn phải có người vào lấy ven, cắm mũi tiêm. Rõ ràng, vẫn cần có con người cụ thể, sau đó mới đến máy móc thực hiện. Thêm vào đó, những người làm nhiệm vụ tổ chức, giám sát thi hành án vẫn phải thực hiện theo quy trình trước đây.

Như vậy, chắc chắn việc thi hành án tử hình vẫn có những ám ảnh. Tôi cho rằng gánh nặng tâm lý ở hình thức nào cũng có. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh của nhóm người dùng súng để bắn vào tử tù thì có tính quyết liệt hơn, trừng trị một cách thẳng thừng trước bàn dân thiên hạ còn việc tiêm thuốc độc thì khuất mắt đi, khiến cho người ta không cảm thấy sự ghê rợn. Nhưng nỗi ám ảnh trong vấn đề tâm linh, con người với nhau thì vẫn còn đó. Đây là nhiệm vụ mà người thi hành án phải làm thôi, bởi vậy phải động viên cán bộ, chiến sỹ khi thực thi công tác này.

Không có áp lực đè nặng lên người sản xuất thuốc

Một thời gian dài việc thi hành án tử hình phải hoãn lại vì chúng ta không nhập được thuốc. Lý do là việc kê tên thuốc chi tiết khiến các công ty dược nước ngoài từ chối bán vì 3 loại thuốc ấy vẫn là để chữa bệnh, còn sử dụng quá liều lượng mới thành thuốc độc. Vậy chuyện, thuốc độc sẽ do ngành y tế sản xuất trong nước để cung cấp liệu có gây khó cho ngành này không, thưa ông?

Tôi cho rằng việc này cũng bình thường thôi vì không có nước nào công khai  bán thuốc cho mình để dùng cho thi hành án tử hình. Vì vậy, để thực hiện chủ trương của Nhà nước thì các nhà khoa học của Việt Nam phải khắc phục vấn đề này. Luật đã quy định rồi và hình thức này có vẻ đỡ gánh nặng tâm lý hơn nên chúng ta phải thực hiện thôi.

Nhưng đỡ gánh nặng tâm lý cho người này, thì lại dồn áp lực cho đội ngũ có trình độ y khoa, người sản xuất thuốc vốn được đào tạo để cứu người?

Không hẳn như thế. Việc đào tạo tổ thi hành án lấy ven của tội phạm, điều khiển quá trình tiêm không nhất thiết phải có trình độ y khoa.  Còn với ngành y, không phải những loại thuốc chỉ sản xuất dành cho thi hành án tử hình. Trong ngành sản xuất thuốc bình thường vẫn có những loại thuốc ấy. Trong dân gian, một loại thuốc cũng có thể lấy đi sự sống của con người, nhưng trong thi hành án tử hình thì cần đến nhiều loại thuốc. Vấn đề mục đích sử dụng thuốc ấy để làm gì. Trong y học thuốc để cứu người, nhưng sử dụng quá liều lượng có thể lại thành thuốc giết người. Bởi vậy, gánh nặng tâm lý chỉ có đối với những người trực tiếp thực hiện thi hành án tử hình chứ không thuộc về những người sản xuất ra một trong số những thành phần thuốc dành cho tử hình.

Gần 2 năm không thi hành án tử hình, nhưng số tử tù vẫn gia tăng do tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, cần phải loại khỏi xã hội. Thực tế này sẽ tạo áp lực cho ngành công an như thế nào, thưa ông?

Rõ ràng là số lượng tử tù sẽ tăng lên vì chúng ta đã dừng thi hành án 2 năm rồi. Trong khi đó, tội phạm lại có tâm lý phức tạp, khi hình phạt đưa ra rồi nhưng chưa xử lý khiến án tử treo lơ lửng, hơn nữa việc tồn đọng cũng gây áp lực với ngành công an, đội ngũ quản lý tử tù. Số phạm nhân này, họ đã biết không còn cơ hội để được ân xá nữa nên họ có nhiều hành vi, thái độ gây khó khăn cho những người quản giáo. Vì thế, hoãn thi hành án tử hình ngày nào là tạo thêm gánh nặng cho ngành công an ngày đó.

Vậy thưa ông, khi có thuốc độc để thi hành án trong thời gian tới đây, liệu ngành công an có tính đến chuyện "đi trước" những tử tù phạm tội ác mà dư luận đặc biệt quan tâm như Nguyễn Đức Nghĩa giết người yêu hay phạm nhân Đặng Trần Hoài hiếp dâm, giết trẻ vị thành niên hay không?

Tất cả những người bị tuyên án tử hình đều là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, việc thi hành án tử hình cũng phải làm đúng quy trình. Khi tử tù viết đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước và bị bác thì việc thi hành án sẽ được thực hiện. Nguyễn Đức Nghĩa cũng đã bị bác đơn ân xá nên việc thi hành án sớm muộn cũng được thực hiện. Việc này, tuỳ thuộc vào sự sắp xếp của lực lượng thi hành án nơi tử tù bị biệt giam.

Xin cảm ơn ông!                                

Minh Khánh (thực hiện)

Vẫn chưa nhập được thuốc độc, tử tù 'ngóng' được chết

Thứ 5, 23/05/2013 | 13:53
Theo Nghị định mới ban hành, từ ngày 27/6/2013, sẽ áp dụng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc với liều tổng hợp gồm 3 loại thuốc.

Liều thuốc "3 trong 1" để thi hành án tử hình từ 27/6 tới

Thứ 4, 15/05/2013 | 08:18
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2011/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.