Để khi khác!

Để khi khác!

Thứ 7, 18/05/2013 | 11:18
0
Mấy hôm nay, mình hay ngồi nghĩ lan man. Có cô bạn thân vì không về quê dự đám cưới anh bạn, vì trót mua vé bay giá rẻ đi Đà Nẵng chơi, không thể đì-lây được.

Mình bảo nếu thực sự muốn về dự ngày vui của anh bạn thì huỷ chuyến đi cũng đâu có tiếc gì, nhưng cô nàng bảo: "Em book phòng mất rồi!"...

Ai cũng bảo mình hạnh phúc vì có nhiều bạn bè, rời công việc cơ quan ra là đến việc bạn bè, đôi khi không trọn vẹn được việc nhà. Vì thế mà có đôi lần vợ mình giận, giận chả phải vì mình dành nhiều quan tâm cho bạn bè quá, mà vì vợ thấy tủi thân. Mình có cái điện thoại của Tàu hai sim hai sóng, có thể lưu được tất cả cỡ 1.000 số điện thoại. Thế mà nó đầy lúc nào không hay. Mình tham gia với bạn bè trong nhiều chuyện vui buồn, trong đó có không ít cuộc nhậu, với đầy lời tâm tình, sẻ chia, hứa hẹn…

Mình lại nghĩ đến hồi bố mất cách đây vài năm. Hôm đó, mình không báo tin nhiều, chỉ nhắn cho vài người mà mình cho là bạn thân. Làm việc ở Thủ đô, nhà lại ở quê, cách xa tới 200km nên mình cũng dặn nếu bận quá thì để khi khác cũng được. Thực lòng, lúc đó, mình nghĩ vậy!

Xã hội - Để khi khác!

Ảnh minh họa

 

Thế rồi, tin đi thư lại, mình nhận được mấy cái tin nhắn chia buồn. Nhiều người đã không quản xa xôi, lặn lội về quê, thắp cho bố mình nén hương, uống với mình chén nước, rồi lại lao đi trong đêm để về Hà Nội kịp giờ làm sáng mai. Có người bạn sau giờ trực đêm, rủ thêm người nữa đi cùng cho an toàn, chạy xe một mạch về khi đã khuya khoắt. Có người mới quen, cũng tìm cách về với mình. Có đứa ở xa, không về kịp, gọi điện rồi oà khóc…

Thế nhưng, cũng kỳ lạ, có người bạn chơi với nhau cả chục năm rồi, biết tin, nhưng cho đến nay, khi bố mình đã đoạn tang, vẫn chưa một lần mò mặt về, dù trước đó vẫn gọi phụ mẫu của nhau là "bố, mẹ"! Rồi có nhiều người, ở với nhau, còn nhiều hơn thời gian bên cạnh vợ con, nhưng không được một lời sẻ chia…

Có lần, mình hỏi thằng bạn thân: "Ông có biết vì sao mọi người thường nhường đường cho đám ma, bất kể lúc đó là đèn đỏ hay không?". Thằng bạn mình bảo: "Vì đó là lần cuối cùng người ta đi trên đường!". Ừ, đúng là lần cuối cùng người ấy được đi trên đường này.

Thế nhưng, không hiểu sao, mình vẫn thường xuyên nhìn cảnh bất chấp dòng xe đưa tang đang nối đuôi nhau, nhiều người bấm còi xe inh ỏi, vượt đường cắt ngang đám tang. Không phải ngẫu nhiên mà trong Luật Giao thông đường bộ, đoàn xe tang là một trong bảy loại phương tiện được ưu tiên nhường đường. Điều đó vừa xuất phát từ văn hoá tâm linh của người Việt, vừa thể hiện văn hoá của người sống đối với người đã khuất trong lần cuối cùng đi trên con đường của cõi dương thế…

Thế nên, mình có bảo với cô bạn đã kể ở trên rằng: "Việc hỷ có thể không đến nhưng việc hiếu thì cố gắng có mặt". Chắc cô bạn không hiểu hết ý của mình. Còn bản thân mình, mỗi khi nhận được tin của ai đó cáo phó về việc một người thân đã ra đi, mình cố thu xếp thời gian để đến trong lần cuối cùng đó.

Giờ lại nhớ lại điều mình dặn một số người khi bố mình mất: "Nếu bận quá không về được thì để khi khác", cái "khi khác" đó làm gì có nữa…                                                

Đức Kế

Vết sẹo yêu thương

Thứ 6, 17/05/2013 | 13:29
Năm tôi mười sáu tuổi, học lớp 10 được nhà trường phổ biến, mình đã đến tuổi được làm chứng minh thư thì háo hức lắm. Tôi cùng lũ bạn xếp hàng dài chờ đến lượt mình chụp ảnh, lấy vân tay và xét đặc điểm nhận dạng.

Cảm xúc của ba khi con trai lớp 1 biết yêu

Thứ 6, 17/05/2013 | 14:02
"Con yêu rồi ba ạ", vừa đi học về, chàng vừa nói vừa nhảy chân sáo. Mình im lặng, mỉm cười. Mình hỏi thế bạn gái con tên là gì, có xinh không, trắng không, có học giỏi không con, con giai bảo ba hỏi mẹ ấy. Chàng có vẻ thẹn.

Người bạn đặc biệt

Thứ 5, 16/05/2013 | 06:11
Tôi chơi với chị từ năm thứ hai đại học. Chị tính tình cởi mở, hay cười lại là đồng hương nên tôi quý chị lắm.