Đệ nhất bánh mì Sài thành của người Hà thành

Đệ nhất bánh mì Sài thành của người Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
(Nguoiduartin.vn) Tiếng rao lanh lảnh trên những chiếc xe đạp, bánh mì Sài Gòn trở thành món ăn quen thuộc với mọi người dân, tạo nên đặc trưng ẩm thực đường phố Sài thành xưa và nay.

Sài Gòn từ trước năm 1958 (của thế kỷ trước) đã có những cửa hiệu bánh của người Pháp. Họ bán bánh ngọt, bánh mì theo gu Pháp để phục vụ dân Tây. Bánh mì Tây là loại đặc ruột, tùy hình dáng mà được gọi tên (ví dụ như bánh mì gối là do tròn lớn như cái gối...). Và, thịt nguội được bán riêng theo nhu cầu của người mua.

Xã hội - Đệ nhất bánh mì Sài thành của người Hà thành

Tiệm bánh mỳ Hòa Mã xưa của Sài thành

Cửa hàng bánh mỳ Hòa Mã nằm gần ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 tồn tại trên đất Sài Gòn gần 60 năm, được cho là hiệu bán bánh mỳ thịt đầu tiên kiểu Sài Gòn. Đó là quán bánh mỳ của vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh. Trước đó, bà Tịnh làm việc ở hãng thịt nguội, chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Năm 1954, khi di cư vào Nam, ông bà có ý tưởng lập một hiệu bán bánh mỳ, thịt nguội cho người Sài Gòn. Vậy là năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hòa Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) đã khai trương và tồn tại cho đến ngày nay.

Lúc đó, cửa hàng bánh mỳ Hòa Mã gọi một ổ bánh mì thịt của mình là cát cút, có lẽ dùng theo từ Pháp casse - crote, tức bữa ăn lót dạ, bữa ăn qua loa (mà tên phương Tây gọi bánh mì kẹp thịt là sandwich). Ban đầu, cửa hàng cũng bán bánh mì riêng, thịt nguội riêng, ăn tại chỗ hoặc mang về. Nhưng người mua thường là công chức, thợ thuyền, sinh viên, học sinh không có nhiều thời gian vào buổi sáng để nhẩn nha ngồi ăn ở cửa hàng. Thế là Hòa Mã làm ổ bánh mì vừa đủ cho suất ăn sáng dài hơn gang tay, nhét thịt, chả lụa, patê vào giữa để người mua tiện mang theo vào nơi làm việc, lớp học. Từ đó bánh mỳ kẹp thịt ra đời và trở thành món ăn ưa thích không chỉ của người dân Sài Gòn mấy thập niên qua.

Khoảng thập niên 50, nổi tiếng khắp Sài Gòn là cửa hàng bánh mì cạnh rạp hát Vĩnh Lợi trên đường Lê Lợi (sau này là nhà hàng Cao Sơn Thanh Bạch, quận 1). Nhưng cũng vẫn là bánh mì đặc ruột có cho thịt nguội cùng bơ. Thời ấy, chỉ có dân ký giả, giới học thức mới có tiền ghé cửa hàng bánh mì thịt Vĩnh Lợi dùng bữa sáng mà thôi. Bởi thời đó, nó là món ăn xa xỉ với dân lao động nghèo. Họ chỉ dám ăn những ổ bánh mỳ không để tiết kiệm tiền.

Sau chiến tranh, bánh mì càng trở nên quen thuộc, bình dân hóa và thân quen với mọi tầng lớp người Sài Gòn. Những năm 70 - 80, người quê lên Sài Gòn về trong giỏ xách lủng liểng vài ba ổ bánh mì làm quà. Ngay cả bây giờ, ở các bến xe, ga tàu chúng ta vẫn bắt gặp những tiếng rao bánh mỳ và những bịch bánh mỳ trên tay người rời Sài Gòn. Bởi bánh mỳ Sài Gòn đa dạng, với những ổ bánh mì giòn, bóng dầu bơ, đặc ruột, thơm nức mũi. Khác xa với loại bánh mỳ xốp và rỗng ruột ở các vùng quê.

Bánh mỳ bây giờ không chỉ còn là món ăn lót dạ buổi sáng, mà nó trở thành món ăn trưa, tối, xuất hiện trong các quán ăn, nhà hàng sang trọng, ra đến quốc tế. Nhưng trước khi được như vậy, bánh mì đã đi một chặng đường dài của lịch sử. Từ tiếng rao vang bánh mỳ trên những chiếc xe đạp, bánh mì Sài Gòn trở thành món ăn quen thuộc với mọi người dân thành phố, tạo nên hình ảnh một đặc trưng của ẩm thực đường phố đi khắp nơi trên thế giới.

Ngày nay, ở giữa TP.HCM hiện đại này, không chỉ có bánh mỳ kẹp thịt Sài Gòn; mà những chiếc bánh mì tròn kẹp thịt bò nướng, thịt bò chiên của các nhãn hiệu có tiếng trên thế giới, bắt đầu có mặt trong các nhà hàng bán thức ăn nhanh. Nhưng với những người dân Sài Gòn, tiếng rao bánh mỳ trong đêm vẫn còn là tiếng rao đợi chờ của nhiều người. Những ổ bánh mỳ đặc ruột, bánh mỳ kẹp thịt vẫn còn nguyên hương vị khó quên của bất kỳ ai từng sống tại Sài Gòn này. Như Lonely Planet chia sẻ khi viết về bánh mỳ Sài Gòn hãy nhắm mắt lại, cắn một miếng và thả hồn về những ngày xưa cũ của Sài Gòn một thời.

Hương Lam