"Để trẻ em không còn bị chết đuối"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Trước thực trạng hàng năm ở nước ta có khoảng 6.000 trẻ nhỏ, học sinh bị chết đuối, phóng viên Nguoiduatin.vn có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn – giám đốc Trung tâm EBơi (Hà Nội) về vấn nạn này.

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, trong mấy tháng qua, trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ chết đuối thương tâm. Nạn nhân chủ yếu là trẻ nhỏ và học sinh. Đặc biệt, có gia đình 3 trong số 5 anh chị em bị chết đuối cùng lúc như ở Kỳ Hải, Kỳ Anh, Hà Tĩnh gần đây. Mặc dù đã cố gắng, nhưng dường như những gì chúng ta làm là chưa đủ. Có vẻ như trẻ chết đuối ngày một nhiều hơn. Có phải chúng ta đang bất lực nhìn trẻ chết đuối? Xin ông cho biết ý kiến của mình.

Ông Phạm Anh Tuấn (PAT): Tình hình có lẽ là như vậy. Dù chúng ta đang cố gắng đưa bơi lội vào trường học; dù chúng ta đã tích cực vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phòng chống chết đuối cho học sinh, trẻ nhỏ… thì tình hình vẫn chưa được cải thiện.Những gì chúng ta đang làm dường như là chưa phù hợp…

NĐT: Xin Ông cho biết cụ thể.

PAT: Xin đơn cử việc dạy bơi cho học sinh. Dù chỉ thí điểm với học sinh lớp 4, việc này cũng khó khả thi do chúng ta thiếu bể bơi, thiếu giáo viên dạy bơi… Ngay cả khi các em được học bơi, biết bơi, thì cũng không đảm bảo là đã an toàn. Đã có nhiều người lớn, bơi giỏi vẫn chết đuối; đã có những em nhỏ chết đuối ở chỗ nước rất nông, không bơi được; đã có những em biết bơi vẫn thiệt mạng vì cứu các em không biết bơi… Đối với trẻ nhỏ và học sinh tiểu học, bơi lội chỉ là biện pháp phòng chống chết đuối cuối cùng.

Xã hội - 'Để trẻ em không còn bị chết đuối'

Các em nhỏ đang tập động tác tay tại tiểu học Dream House

NĐT: Nhưng thưa Ông, nếu không học bơi thì phải làm gì để trẻ em không còn bị chết đuối?

PAT: Đối với học sinh trẻ nhỏ, sức yếu thì sự quan tâm, bảo vệ của người lớn là quan trọng nhất. Khi ở nhà, bố mẹ phải để mắt tới trẻ; phải lưu tâm che chắn, rào dậu, đậy điệm các mặt nước hở nguy hiểm (ao, chuôm, chum, vại, xô, chậu chứa nước…); phải luôn dạy trẻ nhận biết và tránh xa sông nước nguy hiểm. Khi các em tới trường, ngoài việc học cách nhận diện môi trường sông nước nguy hiểm, các em sẽ được học những gì nên làm và không nên làm qua tìm hiểu những tai nạn điển hình. Nếu mỗi năm, các em được học 5-7 tiết về phòng chống chết đuối, tình hình sẽ khác đi rất nhiều.

NĐT: Liệu điều này có khả thi khi bố mẹ bận mưu sinh, còn ở trường thì chưa biết nên dạy thế nào?

PAT: Con cái là vốn quý nhất mà Tạo hóa ban tặng cho mỗi gia đình. Chỉ khi chúng mất đi vì những nguyên nhân không đáng có, bố mẹ lúc đó mới cảm thấy đau xót, ân hận khôn nguôi. Vì vậy, dù bận mưu sinh đến mấy, cũng phải tìm cách để trẻ được trông nom, để trẻ được nhắc nhở phòng tránh nguy hiểm có thể có như điện, nước, cháy nổ… Dù thế nào, gia đình không thể bỏ mặc con cái. Việc nhắc nhở, dặn dò thường xuyên chắc cũng không phải là quá khó, quá mất thời gian, quá tốn tiền bạc. Chỉ cần các gia đình chú tâm làm là được.

NĐT: Vậy còn ở trường?

PAT: Có thể thấy, dạy bơi ở trường là khó khả thi, cố mãi cũng không được. Nhưng nếu nghĩ khác, thay vì học bơi, chúng ta dạy các em nhận diện, phòng tránh, ứng phó với nguy hiểm sông nước. Việc này vừa không tốn kém, vừa rất đơn giản, có thể làm ngay hôm nay, ngày mai. Chỉ cần có 5-7 tiết học như thế lồng ghép vào môn Giáo dục thể đã là rất tốt. Các em được học rằng chết đuối là một tai nạn nguy hiểm, khó lường, xảy ra thầm lặng ở một mặt nước hở tưởng như hiền hòa, vô hại. Các em được học cách nhận diện để tránh xa những nơi nguy hiểm này; các em được học cách ứng xử hợp lý khi tai nạn sông nước xảy ra…

Tất nhiên, trong khi chờ Bộ Giáo dục – Đào tạo xem xét, quyết định một nội dung dụng thống nhất áp dụng cho cả nước, bất cứ trường nào cũng có thể tự soạn thảo và triển khai giảng dạy cho học sinh của mình với đội ngũ giáo viên và các giờ ngoại khóa hiện có. Việc trẻ em được nhà trường nhắc nhở thường xuyên, từ năm này qua năm khác về cách phòng chống chết đuối là một thế mạnh của trường học mà gia đình và xã hội không thể có. Với kinh nghiệm của mình, E-Bơi sẵn sàng tư vấn giúp các trường có nhu cầu xây dựng nội dung giảng dạy và tổ chức thực hiện việc phòng chống chết đuối này.

NĐT: Ông đã đề cập tới vai trò của gia đình và nhà trường, vậy còn vai trò của xã hội?

PAT: Vai trò của xã hội trong phòng chống chết đuối có thể được thể hiện qua công việc của các nhà quản lý và của các tổ chức xã hội liên quan. Cụ thể là:

- Các nhà quản lý có trách nhiệm xây dựng khung pháp lý, tổ chức bộ máy thực hiện, định hướng hành động của toàn bộ xã hội phù hợp. Khi không đủ kinh phí xây bể bơi, mà lại muốn đưa bơi lội vào trường học, thì như vậy là khó. Vấn đề cốt lõi là định hướng đúng và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.

- Các tổ chức xã hội như hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, đội thiếu niên, tổ dân phố,… có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ hoạt động theo định hướng đã có. Hiện có nhiều cách làm hiệu quả liên quan đến bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội (nghiện hút, ma túy, HIV, đốt pháo dịp Tết, đua xe…), bảo vệ an ninh trật tự xã hội,… Nếu cũng làm như thế trong phòng chống chết đuối cho học sinh trẻ nhỏ, chắc chắn kết quả sẽ rất tốt.

NĐT: Như vậy là phòng chống chết đuối không cần học bơi, không cần bể bơi. Liệu như vậy có hiệu quả?

PAT: Chúng ta có thể kiểm chứng được ngay. Mùa hè 2012 đang đến. Chỉ riêng việc các em được học 5-7 tiết phòng chống chết đuối ở trường, ngay trong tháng 4, tháng 5 tới này thì chắc chắn số trẻ bị chết đuối hè tới sẽ giảm đáng kể. Nếu các em được học liên tục trong các năm tiếp theo, thì chỉ vài ba năm, số trẻ bị chết đuối sẽ giảm được 70 - 90% so với hiện tại. Đơn giản là, khi trẻ không làm những điều không nên làm, tai nạn chết đuối không thể xảy ra. Phòng tránh quan trọng hơn học bơi.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Minh Đức thực hiện