Đề xuất đổi mạng được giữ số khiến kẻ mừng, người lo

Đề xuất đổi mạng được giữ số khiến kẻ mừng, người lo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
“Phương án này ít được các doanh nghiệp viễn thông ủng hộ vì họ ngại sự phiền phức về công nghệ và kinh phí khi chuyển dịch. Tuy nhiên, đây lại là giải pháp có lợi cho kho tài nguyên số quốc gia nói chung và người tiêu dùng nói riêng”.

Cục viễn thông vừa đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho phép các thuê bao di động chuyển mạng nhưng vẫn được giữ nguyên số. Lý do mà Cục này đưa ra là hiện tại Việt Nam đã có đủ một số điều kiện để thực hiện việc chuyển đổi trên.

Công nghệ - Đề xuất đổi mạng được giữ số khiến kẻ mừng, người lo

Khách hàng sẽ được thoải mái lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ mà không lo bị đổi số

Cả nước hiện có 6 doanh nghiệp kinh doanh viễn thông di động với khoảng gần 134 triệu thuê bao, tính trung bình 1,5 thuê bao/người. Trong khi đó, cước dịch vụ điện thoại di động ở mức tương đối thấp, số lượng sim rác rất nhiều và ngày càng gia tăng. Cục Viễn thông cũng cho rằng, việc chuyển mạng giữ nguyên số sẽ góp phần mang lại nhiều quyền lợi cho khách hàng như: thoải mái lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Không những thế, hoạt động chuyển đổi này còn giúp cơ quan quản lý Nhà nước có thêm công cụ để theo dõi và phát triển lĩnh vực thương mại điện tử.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia viễn thông, trở ngại đầu tiên khi các thuê bao thực hiện hoạt động chuyển đổi gặp phải đó chính là công nghệ. Những mạng sử dụng công nghệ khác nhau chắc chắn sẽ gặp phải không ít vấn đề phức tạp.

Ngoài ra, giới chuyên môn cũng cho rằng, trên lý thuyết, áp dụng chính sách này, được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là các mạng di động vì các mạng này vốn dĩ không có năng lực cạnh tranh về mặt công nghệ nên chủ yếu tập trung đầu tư vào khâu chăm sóc khách hàng. Niềm mong ước thu hút được những thuê bao đã chán ngán cách phục vụ một chăng hai chớ của các mạng di động lớn sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian với các đơn vị này. Như vậy, để níu chân được khách hàng quen thuộc và lôi kéo được thuê bao mới, các nhà mạng chắc chắn sẽ phải tung ra rất nhiều chiến lược kinh doanh và cùng nhau bước vào một cục diện cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng triển khai chính sách này và phần lớn các dữ liệu di động được quản lý theo mô hình tập trung: nhà mạng kết nối với trung tâm chuyển mạng quốc gia. Theo dự kiến, các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone, MobiFone sẽ là đơn vị đi tiên phong. Theo đề xuất của Cục Viễn thông, đề xuất này sẽ chính thức được thực hiện vào tháng 10/2014.

Tuy vậy, theo Bộ Bưu chính Viễn thông, để đề án này được thực thi cũng phải mất một vài năm. Hiện tại, Bộ TT&TT đang tiến hành nghiên cứu và xây dựng đề án chuyển mạng di động trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới. Sau đó, các phương án chuyển đổi, quyền lợi của các thuê bao, trách nhiệm của nhà mạng... cũng sẽ được lấy ý kiến công khai để hoàn thiện đề án.

Trao đổi với báo chí, bà Elizabete Fong, tổng Điều hành của Vietnamobile cho rằng: “Chúng tôi rất chờ đón và hoan nghênh những chính sách này. Nó sẽ giúp cho những nhà cung cấp mạng mới có nhiều cơ hội hơn khi đã đầu tư rất nhiều nguồn lực về tài chính để xây dựng mạng của mình. Chính sách này sẽ giúp thị trường tăng trưởng, và đặc biệt là làm tăng chất lượng dịch vụ của các các nhà mạng. Tuy nhiên, các đơn vị sẽ gặp khó khăn và không cạnh tranh được về giá nếu người dùng liên tục nhảy mạng vì lý do cước phí chênh lệch. Họ chuyển từ mạng nọ sang mạng kia để tranh thủ thời gian giảm giá rồi lại tiếp tục chuyển. Việc làm như vậy vừa gây lãng phí SIM vừa không mang lợi cho ai cả”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc Viettel cho biết: “Việc chuyển mạng giữ nguyên số là một đề xuất rất hay, song nó sẽ hay hơn khi được thực hiện đúng thời điểm. Hiện, Việt Nam đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và đang trong giai đoạn phát triển thuê bao mới. Đây chưa phải là thời điểm triển khai chính sách chuyển mạng giữ nguyên số. Nếu chính sách này triển khai sớm quá sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải đưa ra những chính sách ngắn hạn nhằm hạn chế sự di chuyển thuê bao. Các chính sánh dài hạn sẽ không được chú trọng đầu tư. Có thể, thiệt hại sẽ ảnh hưởng trước tiên đến cách doanh nghiệp, sau đó mới đến khách hàng. Để triển khai chính sách này không nên nhìn vào doanh thu bình quân trên thuê bao, mà nhìn vào hạ tầng và mật độ người sử dụng. Khi các mạng di động triển khai xong hạ tầng, chuẩn bị tốt mọi điều kiện về công nghệ thì mới nên triển khai chính sách này”.

Khách hàng là người trực tiếp hưởng lợi

Anh Trần Anh Tú (Cầu Giấy, Hà Nội) đưa ra ý kiến bình luận: “Việc cho phép chuyển đổi qua lại giữa các nhà mạng mà vẫn giữ số sẽ giúp người dùng được chăm sóc tốt hơn và được sử dụng dịch vụ đảm bảo hơn. Có rất nhiều người đã sử dụng một mạng từ rất lâu, họ muốn chuyển mạng nhưng vì không muốn thông tin liên lạc của mình bị xáo trộn nên đành ngậm ngùi bỏ qua các nhà mạng khác dù dịch vụ của họ khá tốt. Đề xuất này được triển khai sẽ tạo cơ hội cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Mạng nào tốt hơn, chất lượng hơn, tính cước minh bạch hơn chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người”.

Anh Lê Thịnh, cửa hàng kinh doanh điện thoại và dịch vụ di động Thịnh Mai (Vinh, Nghệ An) cho biết: “Hiện nay, trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia tiến hành triển khai dịch vụ này. Có thị trường miễn phí chuyển đổi nhưng cũng có những thị trường phải trả một khoản phí nhất định. Ngoài ra, thủ tục lại hết sức đơn giản nên rất được nhiều khách hàng hưởng ứng. Tôi đang sử dụng hai nhà mạng Viettel và Vietnammobile, song đôi khi lại không hài lòng về dịch vụ của Viettel như: hay nghẽn mạng giờ cao điểm, phải nhận nhiều tin nhắn rác. Vì thế tôi dùng thêm Vietnammobile để được hưởng các chế độ ưu đãi và dịch vụ chăm sóc tiện ích. Sau đề xuất này, tôi tin chắc thị trường viễn thông sẽ thêm sôi động với những chiến lược cạnh tranh rầm rộ. Mặt khác, thị trường này sẽ không tránh khỏi tình trạng bão hòa và mất đi bản sắc doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Trung Kiên, chuyên gia viễn thông cho biết: “Sẽ có hai chiều hướng xảy ra. Một là các khách hàng lâu năm của nhà mạng lớn sẽ đổ xô sang các nhà mạng nhỏ để hưởng dịch vụ chăm sóc tận tình và cước thuê bao rẻ. Hai là, thuê bao từ mạng nhỏ đang phải chịu những hạn chế về hạ tầng, công nghệ sẽ muốn chuyển sang dùng các nhà mạng đẳng cấp hơn. Hiện nay, ba mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone dù đang chiếm đến 90% thị phần thuê bao cả nước nhưng cũng bị đánh giá là ba mạng có chính sách chưa thật sự linh hoạt. Đề án triển khai, sẽ khiến các nhà mạng luôn phải chủ động dành lấy khách hàng cho mình. Cơ hội của các nhà mạng là ngang nhau. Đây là một cách làm tốt để phá thế độc quyền của các nhà mạng lớn và khuyến kích đầu tư phát triển viễn thông”.

Giải pháp quản lý tài nguyên kho số

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Ngọc Diệp, cựu tổng giám đốc Qualcom Đông Dương, chuyên gia phân tích thị trường viễn thông cho rằng, đây là giải pháp chung quản lý tài nguyên kho số, người tiêu dùng được phép chọn số và chọn mạng, khi không thích thì chuyển sang mạng khác theo nhu cầu và nhằm đảm bảo quyền lợi tối ưu. Áp dụng giải pháp này sẽ đụng tới các vấn đề về kỹ thuật như phải lập trình lại hệ thống, đầu tư thêm thiết bị. Chính vì thế, phương án này ít được các doanh nghiệp viễn thông ủng hộ vì họ ngại sự phiền phức khi chuyển dịch. Tuy nhiên đây lại là giải pháp có lợi cho kho tài nguyên số quốc gia nói chung và người tiêu dùng nói riêng.

Bảo Hằng