Đến 40% người dân còn ‘ngại tiếp xúc’ với tòa án khi có tranh chấp

Đến 40% người dân còn ‘ngại tiếp xúc’ với tòa án khi có tranh chấp

Chủ nhật, 30/07/2017 | 07:16
1
Có 40% người dân được hỏi quan ngại về thủ tục giải quyết tại tòa còn phức tạp, mất nhiều thời gian. 34% quan ngại về sự công tâm của thẩm phán và cán bộ tòa án.
Văn bản - Chính sách - Đến 40% người dân còn ‘ngại tiếp xúc’ với tòa án khi có tranh chấp

Ảnh minh họa.

Mới đây, Hội Luật gia Việt Nam (VLA), Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) công bố Chỉ số công lý 2015.

Trước đó, chỉ số công lý 2012 đã được công bố lần đầu năm 2013. Nối tiếp thành công, Hội Luật gia Việt Nam vừa chính thức công bố Chỉ số công lý 2015. Đây là một trong những sáng kiến nhằm xây dựng một công cụ đo lường hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp trong đảm bảo tiếp cận công lý, bình đẳng và bảo vệ quyền dựa trên phản hồi của người dân từ trải nghiệm và quan sát thực tiễn hoạt động của hệ thống công quyền.

Thực tế tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần nhưng chưa đủ cho xây dựng và kiện toàn một xã hội phát triển và thịnh vượng. Xây dựng pháp luật và cải cách hệ thống tư pháp đã được xem là một trong những trọng tâm cải cách và xây dựng thể chế ở Việt Nam, thể hiện việc ban hành Nghị quyết về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai các Nghị quyết, hoạt động của các cơ quan tư pháp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền và đảm bảo công lý cho người dân.

Văn bản - Chính sách - Đến 40% người dân còn ‘ngại tiếp xúc’ với tòa án khi có tranh chấp (Hình 2).

Các trục chỉ số đo lường hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ công lý tại các địa phương.

Chỉ số công lý 2015 dựa trên kinh nghiệm thực tế của gần 14.000 người dân tại 63 tỉnh, thành phố của cả nước; phản ánh ý kiến đánh giá của người dân về hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm công lý và các quyền cơ bản của người dân.

Từ Chỉ số công lý 2015 đã cho thấy một thực tế đó là khi có tranh chấp và vướng mắc pháp lý người dân có xu hướng chọn tự giải quyết và không tìm tới các qua tư pháp hay dịch vụ pháp lý. Trong nhiều trường hợp người dân chấp nhận “chi phí không chính thức” để được việc.

Bên cạnh đó, Chỉ số công lý 2015 đã chỉ ra hiệu quả kiếu nại hành chính còn thấp, hiệu quả trợ giúp không cao.

Đáng lưu ý, kết quả khảo sát Chỉ số công lý 2012 và Chỉ số công lý 2015 đã cho thấy rất ít người có tranh chấp tìm tới tòa án để yêu cầu giải quyết. Trả lời câu hỏi vì sao “ngại tiếp xúc tòa án”, có tới 40% người dân, doanh nhân được hỏi cho rằng “thủ tục giải quyết tại tòa phức tạp, mất nhiều thời gian”. Quan ngại về sự công tâm của thẩm phán và cán bộ tòa án (34%) và chi phí luật sư cao (33%).

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lai Châu Nguyễn Cảnh Phương chỉ ra: “Có thể chỉ ra một vài nguyên nhân chính người dân khi có tranh chấp cả nguyên đơn và bị đơn ngại nhờ tòa án giải quyết.

Thứ nhất, không ít người dân còn hạn chế về mặt hiểu biết pháp luật; thứ hai là niềm tin vào sự giải quyết của tòa án khi đứng ra giải quyết những vấn đề tranh chấp như kinh tế, dân sự chưa được công bằng. Niềm tin này phụ thuộc vào năng lực thẩm phán, nhiều vụ án chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, đảm bảo sự công bằng nên quyền lợi người dân chưa được đảm bảo.

Nhiều vụ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm mà có khi kết quả của bản án sau khác với bản án trước nên tạo tâm lý chung người dân ngại nhờ tòa giải quyết; Nguyên nhân nữa là khâu tiếp nhận hồ sơ ở tòa án còn bị hành chính hóa, chưa tuân thủ theo tố tụng. Bởi vậy gây khó dễ cho cả nguyên đơn, bị đơn và người liên quan.

Ví dụ, theo tố tụng khi tòa tiếp nhận thông tin phải thông báo cho người dân biết thiếu đủ ra sao, cần bổ sung giấy tờ gì, nhưng tiếp nhận rồi xong để đấy, hỏi đi hỏi lại nhiều lần mới yêu cầu sửa đơn, bổ sung giấy tờ chứng cứ... Ngoài ra, còn những vấn đề tiêu cực ở tòa án khiến người dân mất niềm tin”.

Vũ Phương