Đền Núi Cấm Tuyên Quang và những câu chuyện li kì báo oán

Đền Núi Cấm Tuyên Quang và những câu chuyện li kì báo oán

Thứ 6, 17/02/2017 | 16:27
0
Du khách đền Cấm phần vì để lễ Mẫu, phần còn vì thỏa trí tò mò bởi những câu chuyện nổi tiếng về thần xà báo oán nơi này.

Là đất nước có nền nông nghiệp lúa nước, tục thờ Mẫu luôn gắn liền với tiềm thức của mọi người dân Việt. Những ngôi đền được xây cất ở nơi có địa thế cao, tĩnh mịch luôn toát lên vẻ linh thiêng, huyền bí với sự hiện diện của một số loài linh vật: hổ, rắn...

Rắn thần hay rắn báo oán là những câu chuyện được rỉ tai khá nhiều và khiến không ít người kinh hãi. Nhưng rắn vốn là loài vật linh thiêng, không chỉ là biểu tượng cho ngành y mà nó còn được nhân dân nhiều vùng tôn sùng nơi đền thờ, miếu mạo. Đền Cấm (Tuyên Quang) cũng là một trong những ngôi đền như vậy.

Đền Cấm Tuyên Quang hay Đền Núi Cấm (bởi ngôi đền nằm ngay dưới núi Cấm) tọa lạc tại xóm 16, xã Tràng Đà, Tuyên Quang. Đây là một ngôi đền độc đáo, linh thiêng, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Ngôi đền này thờ Mẫu Thượng Ngàn, và cũng là nơi nổi tiếng thờ Thần Xà.

Tin cũ - Đền Núi Cấm Tuyên Quang và những câu chuyện li kì báo oán

Đền Cấm ở Tuyên Quang.

Cách trung tâm thành phố Tuyên Quang chừng 4 km, ngôi đền này cùng với Đền Thượng (đền Núi Dùm) tạo thành một cụm di tích tâm linh linh thiêng bậc nhất nơi đây. Đền được công nhận di tích lịch sử tâm linh cấp tỉnh năm 2007.

Tương truyền vào đầu thế kỷ XX, rừng rú hoang rậm, thú rừng thường xuyên tìm về quấy phá cuộc sống người dân. Có cụ Nguyễn Hữu Chu là người ở nơi đây thường xuyên vào chân núi Cấm khai phá, trồng trọt.Thế nhưng, ruộng nương thì bị khỉ, lợn rừng phá; lợn, gà, dê, bò thì bị hổ vồ. Ông cụ Chu đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ ở chân núi Cấm để thờ thần rừng, thần núi, cốt thú rừng đỡ phá phách. Ngôi miếu rất đơn sơ, chỉ gồm 4 cây tre và mấy tấm ván gỗ làm mái. Bên trong ngôi miếu có bát hương. Điều kỳ lạ, là từ khi ngôi miếu lập nên, thú rừng không về phá phách cuộc sống người dân ở chân núi Cấm nữa.

Tin cũ - Đền Núi Cấm Tuyên Quang và những câu chuyện li kì báo oán (Hình 2).

Bức tượng Thần Xà ở hòn non bộ.

Vì ngôi miếu nhỏ quá nổi tiếng, nên người ta tìm đến cầu cúng rất đông và tổ chức hầu đồng. Tuy nhiên, cụ Chu là người ghét mê tín dị đoan, nên đã cấm tiệt những trò đồng bóng. Cụ vốn đặt tên ngôi miếu là Xâm Lĩnh Linh Từ, nhưng vì cấm trò đồng bóng, nên đổi tên ngôi miếu thành Miếu Cấm. Sau này, sau nhiều lần tu bổ ngôi miếu trở thành ngôi đền khang trang, tố hảo như hôm nay. Đền Cấm có tên từ đó.

Điều kinh ngạc, là từ khi xuất hiện ngôi miếu nhỏ, thì rắn ở khắp nơi tìm về quả núi này. Rất nhiều loài rắn, loài trăn mò về ngôi miếu trú ngụ. Chúng không chỉ phơi nắng trên các mỏm đá, mà còn thường xuyên bò vào trong đền, quấn trên xà nhà. Chúng rất hiền lành và chưa tấn công ai bao giờ. Chúng cứ ở trong đền, mặc người vào ra, cúng bái, hành lễ. Nhiều khi, chúng ở trong đền vài tiếng, rồi mới lại thong thả bò vào núi và trốn vào hang sâu.Trước đây, rắn về nhiều đến mức, người đến hành hương, thấy bát hương cứ lục đục, rồi những chiếc nón treo trên mái đền đong đưa, hóa ra rắn bò lổm ngổm ở trong.Cũng vì ngôi miếu có “xà thần”, nên khách thập phương tìm đến lễ và cúng tiến đắp tượng rắn thần rất lớn để ngoài việc thờ Mẫu Thượng Ngàn thì cũng là nơi thờ Thần Xà.

Du khách đến đây phần vì để lễ Mẫu, phần còn vì để thỏa trí tò mò bởi những câu chuyện nổi tiếng về thần xà nơi này. Leo hết bậc tam cấp để lên đền chúng ta bắt gặp ngay một vách núi. Dưới chân vách núi là mỏm đá nhô lên như hòn non bộ nhân tạo, án ngữ trước Lầu Cô Bơ. Ai cũng phải choáng ngợp, phải dựng tóc gáy bởi con rắn khổng lồ, thân to bằng cái phích, bành mang với vẩy tua tủa sau đầu, mắt mở thao láo nhìn xuống phía chân núi. Con rắn bằng bê tông ấy được đắp giống hệt rắn thật, chui từ trong hõm núi ra, thân quấn quanh mấy khối đá, rồi dựng đầu lên. Nhiều người nhìn thấy “ông rắn” ấy, thì chắp tay, khom người, cúi đầu vái lia lịa, rồi khói hương nghi ngút dưới chân rắn.

Người ta đồn rằng không chỉ “báo oán” những khách vãng lai qua đền xúc phạm “rắn thần”, mà ngay cả những người trong xóm 16, thuộc xã Tràng Đà cũng không ít lần mạo phạm bị “thần rắn” hành cho khổ sở:

Bà Tự, người dân trong xóm kể rằng, cách đây chừng chục năm, chồng bà lên núi Cấm lấy củi, thì gặp rắn lạ to bằng cái điếu cày, đầu đỏ, đuôi đỏ thẫm nằm phơi nắng trên mỏm đá. Vốn không tin có thần xà, ông liền lấy củi vụt một nhát rất mạnh vào sống lưng “ngài”. Lạ thay, con rắn không quằn quại mà mặc cho ông vụt tới tấp. Nó bình tĩnh như không, chậm chạp trườn vào trong hốc đá và mất tích. Đêm đó, chồng bà Tự không ngủ được, cứ mơ thấy rắn quấn quanh người. Sáng ra, toàn thân ông cứng đờ, không dậy nổi, cứ nằm bất động. Ông kêu lưng đau như gẫy xương, không thể cong lưng ngồi dậy. Gia đình hãi quá, thuê xe đưa ông xuống bệnh viện tỉnh nhưng không tài nào tìm ra bệnh. Nghe chồng kể chuyện hôm trước ông gặp “ngựa ngài” và dùng gậy đập cho “ngài” mấy cái, bà Tự mới hoảng hồn và tin rằng “thần xà” báo oán nên ngay lập tức bà sắm lễ lớn, đến đền Cấm xin “ngài” thứ lỗi cho ông chồng có mắt mà không nhìn thấy thánh thần. Điều kỳ lạ, là cúng xong, thì nhận ngay được điện thoại của con cái, thông báo tự dưng chồng bà ngồi dậy được, đi lại như thường, không kêu đau lưng gì nữa.

Lời đồn kinh dị nhất là cái chết của ông S, thợ bắt rắn, người xóm bên. Ông S đã tóm được con rắn lạ có đầu đỏ, đuôi đỏ ở núi Cấm, liền cho vào bao xách ra chợ bán. Khách đến mua rắn, ông S đổ con rắn ra, tất cả đều hoảng hồn khi thấy con rắn ấy chuyển màu đỏ lòm như máu từ đầu đến đuôi, đôi mắt như hòn than tóe lửa và cái mào mọc lên đỏ lòm như mào gà chọi. Mọi người đều tin con rắn đã hóa “thần xà”. Vài hôm sau đó, ông S ốm nặng, rồi qua đời... Còn rất nhiều những câu chuyện đậm chất liêu trai quanh ngôi đền này.

Nhưng dù là thật hay thêu dệt thì những ơn phước mà mẫu, thần nơi đây ban cho muôn dân cũng là điều không thể phủ nhận. Cầu mong chốn đây luôn được thanh bình, cho muôn dân mưa thuận, gió hòa, ấm no, hạnh phúc.

Hồng Thúy/NĐT