"Dị nhân” 30 năm bán “men say của trời” độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Mỗi ngày, ông trèo đèo lội suối vào rừng già lấy loại rượu độc đáo này rồi cuốc bộ hàng chục km xuống căn chòi lá bán cho người đi đường.

Trên đường đi lên huyện miền núi Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), tình cờ chúng tôi bắt gặp một ông già râu tóc bạc phơ đang ngồi trong căn chòi dựng tạm ngay cạnh tuyến tỉnh lộ ĐT 604. Dừng chân hỏi thăm, chúng tôi mới biết ông là Bhnướch Gói (85 tuổi, người dân tộc Cơtu, trú thôn Rà Văh, xã Ating, huyện Đông Giang), người đã hơn 30 năm nay dựng chòi bán loạt rượu cây đặc biệt của núi rừng Quảng Nam. Ông được đồng bào Đông Giang gọi bằng một cái tên đặc biệt: Ông già Tà-vạt của núi rừng Trường Sơn.

Xã hội - 'Dị nhân” 30 năm bán “men say của trời” độc nhất vô nhị ở Việt Nam

“Ông già Tà-vạt Bhnướch Gói đang chia sẻ kinh nghiệm làm rượu Tà-vạt với khách

Dựng chòi bán rượu vì... sợ vợ

Dừng xe từ cánh tay vẫy chào của “ông tiên rượu”, chúng tôi tấp vào chiếc lán tạm ven đường. Ông già cười tươi chào: “Già bán rượu Tà-vạt, các chú có uống thì dừng lại chơi. Mỗi ly chỉ 2.000 đồng, không ngon không lấy tiền!”.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên với cách mời hàng, ông cụ tiếp lời, từ lâu rồi, già bán không phải vì tiền. Ai mua thì già tiếp còn không thì để uống. Cả ngày ngồi ở đây, uống miết rượu Tà-vạt phê phê như đang trên đỉnh Trường Sơn.

Nói xong, ông già Tà-vạt lại nhấc ly rượu bằng nhựa đã xỉn đục làm một ngụm cạn sạch rồi cười sảng khoái!. Uống xong, bên căn chòi tạm bợ ven đường, già Gói ngồi trầm tư suy nghĩ, ánh mắt nhìn về phía đại ngàn xa xăm. Lâu lâu, ông già lại rót một cốc rượu Tà-vạt được đựng đầy can 20lít rồi đưa tay xẻ thịt con ếch nướng bắt được ở ven đường. Được biết, vợ chồng già Bhnướch Gói có hai người con đã lớn khôn và lập gia đình.

Ngồi tâm sự, ngươi đàn ông này kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cách đây 30 năm, khi bắt đầu nghề bán rượu Tà-vạt. Già Gói bảo: “Ở nhà, mỗi lần tôi uống rượu bà ấy (tức vợ ông - PV) cứ mắng hoài. Khổ lắm! Sắp sang bên kia thế giới rồi mà chẳng được tự do. Suy đi tính lại, già thấy nơi này là địa điểm hợp lý nhất nên dựng tạm căn chòi mà ngồi bán rượu”.

Theo già Gói, phong cảnh nơi đây như chốn thần tiên, rất thoáng mát nên được nhiều người khách qua đường dừng chân uống rượu.

Rót rượu mời khách, già Gói cười tươi: “Chắc các chú chưa được uống thứ rượu đặc sản này nên già mời dùng thử, không lấy tiền đâu!”.

Ông không nhớ được mình đã bán được bao nhiêu lít rượu Tà-vạt cho khách và cũng không nhớ nỗi đã có bao nhiêu người dừng chân cùng ông nâng chén. Già Gói chỉ biết rằng, đến thời điểm này, ông đã làm quen được cả hàng nghìn con người từ đồng bằng đến miền núi, từ gái đến con trai, từ già đến trẻ. Và với ông, tất cả họ đều rất thích mùi Tà-vạt và luôn muốn nghe ông kể về cách chế biến rượu. Ông coi những người đó đều là thượng đế.

Chỉ tay lên nắm cơm được treo lơ lửng trên mấy vạt tre của căn chòi, ông nói: “Sáng nào vợ tôi cũng nắm phần cơm rất cẩn thận vì sợ già uống rượu nhiều sẽ đói. Bà tốt bụng lắm nhưng có cái tật hay nói nhiều. Hôm nào già bán được rượu vài chục ngàn cũng đều đem tiền về cho bà gom mua gạo. Tuy nhiên, thất thường lắm, có ngày được 3-4 chục ngàn, có ngày không có đồng nào”!...Nhiều khi gặp người hợp ý, già miễn phí toàn bộ, không lấy tiền”.

Xã hội - 'Dị nhân” 30 năm bán “men say của trời” độc nhất vô nhị ở Việt Nam (Hình 2).

Chân dung Già làng Tà-vạt Bh’Nướch Gói

Bí kíp chế “tiên tửu”

Già Gói hồ hởi khoe với chúng tôi về chuyện chế biến rượu Tà-vạt. Muốn chế biến được rượu ngon thì phải học từ cách đục, đánh thân cây đến “chiêu thức” bỏ men thế nào cho hợp lý. Bây giờ, ở vùng này, ít người có thể nắm được bí kíp làm rượu Tà-vạt ngon.

Già cho biết, khi chế biến loại rượu quý này, phần cổ buồng hoa cây Tà-vạt sẽ bị cắt đi, nước từ đó rỉ xuống được hứng lại để làm rượu. Phải chọn đúng thời điểm Tà-vạt kết trái, người chế rượu sẽ dùng cây gỗ mềm đập quanh thân cây 6 lần. Tuy nhiên, họ phải căn đúng thời gian, cách 6 ngày lại mang cây ra đập một lần thì Tà-vạt mới cho nhiều nước.

Muốn lấy được rượu vừa ngọt đậm vừa tinh khiết thì quan trọng nhất là bí quyết ngâm vỏ cây chuồn vào nước Tà-vạt. Được biết, rượu ngon hay kém ngon là phụ thuộc vào liều lượng cũng như chất lượng loại vỏ cây chuồn dùng ngâm rượu. Vì đó chính là thứ men quý nhất để rượu Tà-vạt trở thành đặc sản của đồng bào Cơtu.

Đến huyện miền núi Đông Giang, hỏi nghệ nhân chế rươụTà-vạt Bhnướch Gói hầu như ai cũng biết. Bởi vì ông nổi tiếng khắp vùng vì những vò rươụTà-vạt độc nhất vô nhị, vừa ngon, vừa ngọt. Chẳng thế mà đồng bào Cơtu gán riêng cho ông một biệt hiệu nghe rất tự hào: Ông già Tà-vạt.

Năm nay đã ở cái tuổi Thất thập cổ lai hy nhưng ông già Tà-vạt còn khỏe và minh mẫn lắm. Hằng ngày, già đi dậy sớm vào rừng lấy rượu rồi lại cuốc bộ hơn 10 km từ xuống tận căn chòi tạm bán rượu. Những ngày hè, mặc dù trời nắng như đổ lửa nhưng không lúc nào già Gói chịu ở yên một chỗ. Buổi sáng, nguwofi đàn ông này vẫn chăm chỉ vượt đèo lội suối tìm đến những cánh rừng Tà-vạt để làm rượu quý. Được biết, rượu Tà-vạt tràn lan ở vùng Trường Sơn nhưng không nhiều người biết cách nấu.

Bởi vì, chiết rượu Tà-vạt là một công việc rất khó làm, đòi hỏi người thợ phải có sự tinh tế và cần mẫn. Hơn 30 năm gắn bó với loại cây, loại rượu này, già Gói đã tạo dựng cho mình được thương hiệu riêng, được đồng bào và du khách biết đến. Khắp vùng này, ai cũng tìm đến mua rượu Tà-vạt của già.

Khi chúng tôi hỏi vì sao rượu chỉ được đựng trong hũ, can nhựa, già Gói cười bảo: “Rượu Tà-vạt có bọt gas như bia (thường thì 2 ngày sau mới hết) nên người dân vẫn đùa đây là bia của người Cơtu.

Nếu để rượu trong chai thủy tinh đậy kín sau chừng một ngày chai sẽ bị nổ. Vào những dịp lễ hội như cúng mùa, cúng rượu đầu năm, lễ hội ăn mừng lúa mới... rượu Tà-vạt được để trước nhà Rông cho dân làng cùng thưởng thức”.

Nói về cái nghề mà mình đang làm để kiếm sống qua ngày, già Gói ngậm ngùi: “Vùng này chẳng mấy ai làm được rượu Tà-vạt ngon cả. Điều tôi buồn nhất là đám thanh niên trai trẻ bây giờ. Chúng không say mê các chế biến cái đặc sản này nữa.

Không biết sau này, khi già đi gặp tổ tiên thì rượu Tà-vạt của người Cơtu có còn tồn tại?”. Theo già Gói, muốn làm được rượu Tà-vạt ngon thì đòi hỏi người thợ phải có cái tâm, tỉ mẫn trong công việc và đặc biệt là yêu nghề. Do công đoạn thực hiện khá rườm rà, công phu nên tạo áp lực cho người thợ rất lớn. Người nào không có ý chí sẽ chắc chắn không trụ được.

Bởi vậy, rất ít người dám theo đuổi đến cùng cái nghề này. Nhiều người bây giờ chỉ muốn làm công việc gì nhanh, gọn và dễ kiếm được tiền. Chính vì lẽ đó mà ngón nghề truyền thống này đang dần mai một. Tôi không muốn thân xác mình chôn cùng với cái bí kíp của người dân làng Cơtu”, già Gói tâm huyết.

Buổi trưa, nắng vùng cao miền núi Đông Giang khô khốc hơn với những cơn gió Lào. Sau cái bắt tay chào tiễn khách, già Gói ngồi trầm ngâm, vuốt nhẹ râu bạc phơ, nhìn lên ngọn núi Tu Đôn, nghe dòng suối Alung chảy róc rách. Cái nhìn thẫn thờ, hiện rõ nỗi niềm trăn trở cho cái nghề truyền thống của đồng bào Cơtu đang biến mất từng ngày.

Uống rượu Tà-vạt để sinh con trai?

Theo già Gói, mỗi khi trổ hoa, cây Tà-vạt thường có 4 buồng, mỗi buồng dài hơn 2m. Người Cơtu quan niệm rằng: Rượu Tà-vạt rất hiền, nhẹ nên uống loại rượu này vào không bao giờ gây gổ đánh nhau cả. Đàn ông Cơtu uống rượu Tà-vạt thì mập mạp, sinh được nhiều con trai, thanh niên uống Tà-vạt sẽ có sức khỏe để bắt thú bắn chim, được nhiều cô gái yêu. Đàn bà con gái Cơtu uống rượu Tà-vạt vì nó giúp họ có làn da trắng như trứng gà bóc, tóc đen như mun. Người già uống rượu Tà-vạt sẽ trở nên minh mẫn, khỏe mạnh.

Cây Tà Vạt giống như cây dừa nên người Kinh đặt tên là dừa núi hay còn gọi là cây đoát, có tên khoa học: Arrenga sacchariferasp.

Tà-vạt là loại cây thân to, nhiều đốt dày, lá thưa, rễ chùm và sống ở gần khe, hố, để hút nước nuôi cây. Lá cây tà vạt còn dùng để lợp nhà, lợp chuồng gia súc, trâu, bò... Tất nhiên, cái đặc sắc và hấp dẫn nhất của cây là làm rượu tà vạt.

Đăng Nguyên - Nguyên Dũng