“Dị nhân” đãi vàng từ... rác điện tử

“Dị nhân” đãi vàng từ... rác điện tử

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Hiện nay, nhiều người biết rác điện tử có chứa một hàm lượng các kim loại quý, trong đó có vàng nhưng người dám làm trên thực tế, dám mạo hiểm để mày mò, tìm tòi cách xử lý tách vàng còn rất ít.

Trong quá trình tìm hiểu, PV đã tiếp cận với họ và phải rất khó khăn những "dị nhân" này mới chịu lên tiếng.

Tham vọng “đãi” vàng từ... rác điện tử

Anh Nguyễn Văn Kiên (Khu đô thị Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội), ông chủ của một cửa hàng sửa điện thoại di động, máy tính chuyên nghiệp có 20 năm kinh nghiệm. Với thói quen tự mày mò tìm thông tin trên mạng, anh Kiên biết được việc sản xuất các sản phẩm công nghệ điện tử luôn cần đến một tỉ lệ vàng nhất định. Anh Kiên cho rằng, đó chính là sự "vi diệu" của vàng.

Anh kể: "Cách đây 4 năm, tôi đã đọc những trang tài liệu đầu tiên đăng tải trên internet về công nghệ tách vàng từ những chiếc máy tính, điện thoại di động hỏng. Khi ấy, người ta ví rác thải điện tử là mỏ vàng hay rác điện tử có giá trị hơn cả quặng vàng. Trong quá trình nhận sửa chữa đồ điện tử cho khách, tôi đã nhiều lần nảy ra ý định tìm cách tách vàng từ các linh kiện mà tôi thu gom được, nhưng ban đầu thì chưa biết nên mày mò thế nào. Nó quá khó, nếu không nói là ngoài tầm tay. Nhưng máu mê thì không chịu... bó gối!". Tuy nhiên, người ta chỉ biết rác điện tử được coi là một "mỏ vàng", nhưng cách phân tách, tái chế, luyện vàng từ rác điện tử thì không phải dễ mà hiểu.

Tiếp xúc với chúng tôi anh Kiên bộc bạch, trong dân gian đã tồn tại câu "lửa thử vàng" nên thực tế, cách mà tôi đem vào áp dụng ban đầu cũng chỉ thuần túy là đốt cháy nhiều linh kiện điện tử theo cách rất thủ công với mục đích đầu tiên là quan sát xem sau khi cháy đống linh kiện "biến hình" ra sao. Anh Kiên nói: “Nhiệt độ đốt cháy trong điều kiện thông thường chỉ chủ yếu chỉ làm cháy phần nhựa trong các linh kiện điện tử thôi, còn các kim loại thì vẫn trơ trơ. Thế nên vẫn là công cốc”.

Tìm cách tách vàng khỏi các bo mạch của rác điện tử là một thách đố lớn với các tay săn vàng

Suốt từ cuối năm 2009, ngoài việc làm chuyên môn cứ rảnh là anh lại đến các chợ đồ điện tử cũ để thu mua máy tính, điện thoại và bo mạch chủ (mainboard). Theo như lời anh Kiên, giá thu mua khá rẻ chỉ khoảng 120-150 nghìn đồng/kg bo mạch. Khi mua đồ, anh Kiên thường để ý tem của mainboard. Nhiều khi thu mua mainboard, bằng kinh nghiệm anh Kiên chỉ cần kiểm tra sơ bộ biết hàng có khả năng "sống" hay "chết". Tiếp đó anh tập hợp các linh kiện điện tử lại, có điều kiện là lại thử nghiệm, mày mò cách "tách" vàng trong đống "rác" điện tử.

"Tôi có tốp thợ 6 người, tay nghề khá chúng tôi thường sục sạo từ nguồn máy tính bỏ đi, điện thoại cũ để mày mò tìm cách thí nghiệm. Hàng ngày, chúng tôi mất nhiều giờ đồng hồ với các bo mạch cũ. Đầu tiên, chúng tôi phân loại và tháo dỡ bằng tay từng bộ phận. Sau đó, dùng hóa chất ngâm bảng mạch điện tử để xem những gì sẽ tan chảy trong hóa chất này. Ai cũng biết a xít ăn mòn kim loại, nhưng gặp vàng thì axít cũng chào thua, nên hiểu đơn giản ban đầu là đốt còn lại là "việc"của axít". Tôi gặng hỏi: "Anh có thể bật mí "công nghệ" mà anh đang mày mò tách vàng của mình từ rác điện tử hay không?". Kiên ngập ngừng hồi lâu rồi bảo: "Tôi đã thử nghiệm trong điều kiện rất hạn chế. Chủ yếu theo phương pháp thu hồi vàng truyền thống. Tuy nhiên cũng không thể nói hết với phóng viên được. Chỉ có một điều chắc chắn là tôi sẽ tiếp tục chứ không dừng lại. Mình không có đủ điều kiện công nghệ nhưng lại có thừa đam mê tìm kiếm", anh Kiên khẳng định.

Bí quyết riêng khiến vàng lộ diện?

Tỉnh Bắc Thái cũ, nay tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn là vùng có nhiều mỏ vàng được khai thác từ nhiều năm nay. Theo đánh giá của những người có thâm niên, thì một số người ở Thái Nguyên có thể coi là những người đi tiên phong trong việc khai thác vàng ở các bãi vàng không chỉ trong phạm vi tỉnh Thái Nguyên, mà còn "kéo quân" đi khắp các tỉnh làm ăn.

Trong lần về Thái Nguyên gần đây, PV đã gặp anh Phạm Văn Ngọc trú tại Thịnh Đán TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Anh Ngọc sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm vàng, luyện vàng. Hẹn hò mãi cuối cùng PV cũng có cuộc tiếp xúc với anh Ngọc. Anh Ngọc cho biết: "Từ thời tôi còn rất bé, ông cụ thân sinh đã thiết kế hệ thống các bể hóa chất để tách vàng từ vàng sa khoáng. Nói về khâu khai thác vàng từ bãi vàng ra thì có rất nhiều quy trình. Còn khi đã có hỗn hợp tạp chất có vàng về thì quan trọng nhất là công đoạn luyện vàng từ nguồn tài nguyên".

Khi PV đề cập đến việc tìm cách khai thác vàng từ nguồn rác điện tử anh Ngọc cho biết, anh cũng có mối quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Song việc khó nhất chính là vấn đề mày mò công nghệ xử lý. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm trong chính một gia đình có nghề "luyện" vàng nó đẩy anh và một số bạn anh đến việc "thèm khát" có được thứ quý giá từ thứ thiên hạ bỏ đi. Một số người cùng anh Ngọc có quan hệ đã mày mò và tìm cách thử nghiệm.

Anh Ngọc thẳng thắn: “Đến đất mà nghi ngờ có vàng, người ta còn đóng bao vác lên ôtô mang về, huống hồ đây (linh kiện điện tử) biết chắc có vàng, chỉ là làm sao mà "móc" được nó ra. "Về tham khảo, thì chúng tôi tham khảo xem trong các linh kiện điện tử cái gì có liên quan đến vàng rồi tìm cách "xé" nó ra", anh Ngọc phân tích.

Anh Ngọc bật mí, bản thân sự mày mò và cách thực hiện sẽ trong một "hệ thống" bể hóa chất. Nói là hệ thống, còn bản chất từ xưa, trong dân gian, thậm chí trong mỗi gia đình lại có cách "luyện" vàng theo kinh nghiệm riêng và kinh nghiệm này cũng là một hệ thống bí truyền.

Gặng hỏi mãi anh Ngọc mới cho biết, sau khi tập hợp, một số mảng linh kiện điện tử được đưa vào bể hóa chất trong đó gồm các thành phần hóa học để làm tan chảy các kim loại khác. Hệ thống mà các "nhà khoa học" này mày mò gồm hệ thống bể hóa chất để sàng lọc; tiếp đó là một hệ thống "đón lõng" các lắng đọng vàng. Nếu có thể thành dạng nước, mà Ngọc gọi là "nước vàng" thì "nước vàng" này sẽ được tiếp tục đưa vào "luyện" trong "hầm lò" mà anh gọi là "hầm lò" thủy ngân với điều kiện nhiệt độ cao. Trong đó có một thành phần không thể thiếu mà anh Ngọc gọi là " tấm thủy ngân tinh lọc", cộng với việc có một hệ thống dây kẽm nhằm "hút" vàng lại trong quá trình "luyện vàng".

Theo kinh nghiệm và tìm hiểu của anh Ngọc vàng được sử dụng trong các bảng mạch điện tử có khi là vàng nguyên chất. Cũng có khi nhà sản xuất còn sử dụng vàng tạo hợp kim với nhiều kim loại khác; hợp kim với đồng thì cho màu đỏ hơn, hợp kim với sắt màu xanh lá; hợp kim với nhôm cho màu tía, với bạch kim cho màu trắng... “Thử nghiệm của chúng tôi chỉ với khao khát như bao người làm là "đãi cát tìm vàng" thôi”, anh Ngọc tâm sự.

Được biết, bố anh Ngọc xưa vốn là người có tiếng dám đi đầu, mày mò nghiên cứu hệ thống tinh lọc vàng từ xưa và đã xây dựng hệ thống bể lọc, quy trình lấy vàng nguyên chất từ "sái, mò" vàng ngay tại nhà mình.

Chia tay người có "truyền thống" gia đình với nghề làm vàng này, và cái đam mê "hiện thực hóa lý thuyết" chúng tôi vẫn mang trong mình câu hỏi: Từ các linh kiện điện tử trôi nổi, bỏ đi hiện nay, được các bà đồng nát thu gom, hay từ các nguồn phế thải đồ điện tử hiện nay, có đồng nghĩa với việc tách thành công một hàm lượng vàng nhất định đang trôi nổi? Và câu hỏi lớn hơn, là ai mới thực sự có khả năng bắt những "đống vàng" này lên tiếng?

Quang Trung