“Dị nhân” xứ Nghệ “vác tù và hàng tổng”

“Dị nhân” xứ Nghệ “vác tù và hàng tổng”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Nếu có một cuộc thi hay xác lập kỷ lục nào về thời gian và những việc làm không công thì tin chắc có lẽ ông "ôm" trọn hết giải thưởng.

Gần 70 năm qua ông chuyên làm cái việc mà nhiều người cho rằng "vô công rồi nghề" đó là thổi kèn, đánh trống đám ma và chăn bò không công cho thiên hạ. Ông là Nguyễn Đình Kiên, ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.

Nghe có tiếng gọi ngoài cửa, ông Kiên nhanh miệng giọng sang sảng: "thằng Hiếu à?. Lại có người mất hả con". Bởi như thói quen thường nhật, cạnh nhà ông có thằng cu Hiếu là 'bạn tri kỉ" và là người đầu tiên báo tin mỗi khi trong xã, trong làng có người qua đời. Rồi ông cố rướn người để đứng dậy nhưng ngay lập tức phải ngồi xuống vì không may vừa rồi trong một lần đi chăn bò thuê bị ngã gãy chân.

Căn nhà nhỏ nằm chênh vênh heo hút bên sườn đồi ngay cạnh khu nghĩa địa của thôn, chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc trống và chiếc kèn do chính tay ông làm cách đây hơn 60 năm. Nhìn lên đầu giường những chiếc trống cũ đủ kích cỡ to nhỏ được xếp gọn gàng, qua thời gian những âm thanh trầm bổng vẫn còn vang vang.

Ông Kiên bảo: "Cuộc đời tui chỉ có 2 đồ vật là người bạn tri kỉ nhất theo tôi suốt hết cuộc đời là cái trống và chiếc kèn. Tui làm cái nghề đánh trống và thổi kèn đám ma đến giờ đã 66 năm rồi. Làm nghề ni khổ lắm chú à, nhưng dần cũng quen và quan trọng hơn là được giúp bà con làng xóm, những người quá cố về nơi an nghỉ dưới suối vàng được thanh thản, chứ như cha mẹ tui hồi trước chết có ai biết mô!".

Ông kể, cái kèn thì ông tự làm được bằng tấm tôn mỏng, vỏ lon bia, còn những cái trống thì ông phải mua. Để có tiền mua trống, ông Kiên phải đi nhặt nhạnh từng hạt thóc rơi vãi ngoài đồng vào vụ mua, rồi đi góp phân trâu, phân bò về bán. Dù cơm không có ăn nhưng ông Kiên cố tích cóp, tằn tiện mãi để mua được cái trống to.

Năm ất Dậu 1944 - 1945, khi chiến tranh khi ông mới lên 1 tuổi đã chịu cảnh mồ côi cha, đến năm 9 tuổi lại mất mẹ, không có họ hàng, anh em thân thích, một mình phải lang thang đi ăn xin, rồi theo các cụ trong thôn đi phục vụ tang lễ. Một thời gian sau ông lại nhận thêm một việc mới là đi chăn bò cho thiên hạ. Thế rồi hai cái việc ấy lâu dần cũng trở thành quen, khiến ông gắn mình với nó từ khi nào.

Đầu năm 1946, ông mày mò làm được chiếc kèn bằng mảnh nhôm, xin các cụ được cái trống bé, từ đó ông bắt đầu theo "nghề" đánh trống thổi kèn cho đám tang - ông dốc bầu tâm sự như tìm được bằng hữu.

Theo năm tháng, ngày nắng cũng như ngày mưa, không kể tối hôm, hễ có ai qua đời ông lại vác trống mang kèn đến nhà gia quyến để phục vụ. Xong việc, ông lại vác trống kèn quay trở về nhà một cách thầm lặng. Nhiều khi đi phục vụ ma chay về, ngồi một mình ông lại mang trống kèn ra thổi cả đêm.

Nhẹ nhàng đặt chiếc trống xuống cạnh chân trái đang bó bột, ông Kiên giọng nghẹn ngào: "Tui già rồi, giỏi thì sống được dăm ba năm nữa là cùng, không biết nay mai vùng quê nghèo nơi đây có ai còn đánh trống thổi kèn đám ma như tui nữa không".

Mới đây do tình trạng sức khỏe không được tốt, ông đã đem tặng cho Hội cựu chiến binh xóm và xã lưu giữ 3 cái, ông chỉ giữ lại 2 cái gắn bó đến hết đời. (Còn nữa)

Hà Long