Di tích lịch sử quốc gia, chiến trường khói lửa một thời Đắk Tô - Tân Cảnh đìu hiu, xuống cấp, bị xâm phạm

HỒ NAM

Chiến trường Đắk Tô - Tân Cảnh la nơi quân dân ta đã hy sinh biết bao xương máu làm nên “kỳ tích" đánh tan đại bản doanh Trung đoàn 42 ngụy quyền Sài Gòn. Với chiến thắng lịch sử làm rạng danh dân tộc, địa danh Đắk Tô - Tân Cảnh được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Thế nhưng, năm tháng trôi đi, khu di tích lịch sử một thời huy hoàng, nay trong tình trạng đìu hiu, vắng lạnh

Đìu hiu di tích lịch sử

Khu Di tích lịch sử quốc gia Đắk Tô - Tân Cảnh thuộc xã Tân Cảnh và thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum được công nhận là Di tích quốc gia năm 1992. Đến năm 2016 được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Khu di tích này có tổng diện tích khoảng 90 ha, gồm: Căn cứ (E42) đại bản doanh của Trung đoàn 42 chính quyền ngụy quyền Sài Gòn, sân bay Phượng Hoàng (L19) và một số công trình di tích đã được tu bổ, tôn tạo như nhà bia, nhà trưng bày chuyên đề về chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, nghĩa trang liệt sĩ Đắk Tô...

Khu chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh nơi chiến trường khốc liệt của một thời khói lửa huy hoàng đã làm rạng danh tên tuổi non sông Việt Nam. Dù được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia nhưng hiện tại khu dich tích thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương. Một phần đất thuộc khu di tích bị người dân xâm lấn để trồng hoa màu, lập nghĩa trang tự phát, phần sân bay được sử dụng làm phơi nông sản. Di tích ảm đảm, xuống cấp theo giời gian.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật, Đại tá Nguyễn Việt Phát, cựu chiến binh từng tham chiếm tại chiến trường lịch sử Đắk Tô - Tân Cảnh cho biết: "Thời chiến, tôi là lính trinh sát Trung đoàn 40 pháo binh Tây Nguyên (sau này thuộc Quân đoàn 3). Thời đó, tôi tham gia cánh phía Đông, mũi chính đánh vào Đắk Tô - Tân Cảnh. Một trận đánh vô cùng ác liệt để đập tan, xóa sổ Trung đoàn 42 chính quyền ngụy quyền Sài Gòn đã có hàng trăm hàng ngàn chiến sĩ của ta phải vĩnh viễn nằm lại nơi đó".

Đoàn cựu binh Trung đoàn pháo binh 40 quay trở lại thăm chiến trường xưa sau 48 năm.

Giọng đượm buồn, ông Phát nói tiếp: "Sau 48 năm, mới đây, tôi có dịp cùng đoàn cựu chiến binh của đơn vị Trung đoàn pháo binh 40 năm xưa vào thăm lại chiến trường xưa. Nơi đây, cảnh vật, con người, kinh tế, xã hội phát triển đổi thay. Ký ức xưa cũ một thời oanh liệt lại ùa về trong trâm trí. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của tất cả mọi người trong đoàn. Những giọt nước mắt nghẹn ngào hồi ức về nơi từng vào sinh ra tử, giọt nước mắt tưởng nhớ cho những đồng đội đã mãi mãi ra đi".

"Chứng kiến quang cảnh nơi đây khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Dù nơi đây được phong là khu Di tích lịch sử quốc gia nhưng chưa phát triển đúng tầm. Tại sân bay Phượng Hoàng còn rất hoang hóa, người dân chiếm dụng trồng khoai, trồng sắn. Bênh cạnh đó, xuất hiện nhiều bia mộ người dân tự phát xung quanh khu vực nghĩa trang Đắk Tô. Toàn bộ khu di tích cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp theo năm tháng", ông Phát buồn rầu nói.

Quả thật, có mặt tại đây, theo ghi nhận của PV, không gian, cảnh quan của khu di tích đang bị xâm phạm dọc, ngang.Tại khu căn cứ (E42) mặc dù cơ quan chức năng đã tiến hành cắm biển báo cấm xâm phạm vùng bảo vệ di tích, thế nhưng người dân vẫn bất chấp trồng hoa màu. Tại khu vực sân bay (L19) cũng bị nhiều người dân chiếm dụng làm sân phơi nông sản. Bên cạnh đó, khu vực xung quanh sân bay bị người dân lấn chiếm làm nghĩa trang tự phát, nhiều bia mộ mọc lên.

Thiếu kinh phí

Trao đổi với PV, ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô cho biết, trước khi được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1992, do chưa xác định được khu vực này là di tích nên nhiều công trình trong căn cứ đã bị người dân đập phá để lấy phế liệu. Phần diện tích đất ngoài vùng đệm (chủ yếu là đất trống) được nhân dân sử dụng để sản xuất. Còn diện tích đất trong vùng lõi vẫn được giữ nguyên và được cắm biển chỉ dẫn (sau khi được công nhận là di tích) và công bố bản đồ quy hoạch khu vực đất di tích.

Tuy nhiên, hiện nay có xảy ra tình trạng các hộ dân đang sử dụng đất tại khu vực cắm biển để trồng sắn, lý do bởi khu vực này là đất trống, các hộ dân tận dụng để trồng cây ngắn ngày và trồng một số loại cây trồng khác. “Những năm trước, để phục vụ cho việc thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành có liên quan để xử lý các trường hợp sử dụng đất tại khu di tích (kể cả việc ban hành kế hoạch xử lý, cưỡng chế thu hồi đất) và các đơn vị có liên quan đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp sử dụng đất tại khu di tích chưa triệt để. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung chỉ đạo xử lý”, ông Hải nói.

Mặc dù có biển cấm báo hiệu khu di tích lịch sử quốc gia cấm xâm lấn, nhưng người dân vẫn ngang nhiên trồng sắn, hoa màu.

Nói về việc gìn giữ, bảo tồn khu du lịch này, ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Kon Tum cho hay, sau khi được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, di tích chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh đã 2 lần được tu bổ, tôn tạo vào các năm 2002 và 2012. Năm 2018, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chống xuống cấp tu bổ di tích lịch sử chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, giao Sở VHTTDL làm chủ đầu tư với kinh phí khoảng 2,7 tỷ, với những hạng mục như: Nhà bia, nhà trưng bày và các hạng mục phụ trợ khác. Công trình này hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2019.

Ông Hoàng cho biết thêm, trong năm 2017, Chính phủ đã thống nhất giao UBND tỉnh Kon Tum chủ trì lập quy hoạch tổng thể di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, trình Thủ tướng chính phủ xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên tỉnh Kon Tum đã có văn bản báo cáo bộ VHTTDL và Chính phủ xin dừng triển khai lập quy hoạch.

Nghĩa trang nhân dân mọc lên ngay trong khu dich tích lịch sử khiến khu di tích mất đi phần nào sự tôn nghiêm, linh thiêng.

“Dự kiến trong năm 2021, sở VHTTDL sẽ phối hợp với các cấp, bộ, ngành liên quan hoàn thành việc xác định vị trí, khoanh vùng bảo vệ Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh. Đồng thời, bổ sung 2 di tích điểm cao 1015 (Sạc ly) và 1049 (Dalta) của huyện Sa Thầy vào quần thể di tích chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh”, ông Hoàng nói.

Ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô cho rằng: "Đây là chứng tích chiến tranh đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư theo diện “đặc biệt” nên việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử còn rất hạn chế. Thực ra, vào năm 2012 UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định về việc phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích và phát huy giá trị di tích lịch sử chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh với tổng kinh phí hơn 42 tỷ. Tuy nhiên, sau đó dự án phải dừng cho đến nay do không có kinh phí triển khai thực hiện".

H.N