Đi tìm công nghệ xử lý rác thải tối ưu

Đi tìm công nghệ xử lý rác thải tối ưu

Thứ 6, 14/06/2013 | 14:39
0
Công nghệ xử lý rác thải hiện nay đang ở tình trạng "trăm hoa đua nở", nội có mà ngoại cũng có. Trên thực tế, việc áp dụng đại trà công nghệ xử lý rác đang là bài toán khó đặt ra cho các nhà quản lý.
Nhiều nhưng khó chọn

Theo số liệu nghiên cứu, đến năm 2015 tổng lượng chất thải phát sinh ở nước ta sẽ lên đến 35 triệu tấn, đòi hỏi một hệ thống thu gom và xử lý triệt để nhằm bảo vệ môi trường sống. Khi xử lý chất thải rắn, cả loại nguy hại lẫn không nguy hại, cơ sở xử lý phải có đầy đủ các giải pháp kỹ thuật cần thiết để đối phó với những tình huống bất trắc có thể xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, tác hại đối với sức khỏe con người.
  Việt Nam Xanh - Đi tìm công nghệ xử lý rác thải tối ưu
Ảnh minh họa
 
Thực tế cho thấy, tại hầu hết các địa phương, biện pháp xử lý rác thải phổ biến hiện nay là chôn lấp. Theo thống kê của Bộ KH&CN, trung bình một đô thị có một bãi chôn lấp rác và hiện có tới 85-90% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Các chuyên gia cho rằng, công nghệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp có giá thành rẻ nhưng đòi hỏi diện tích đất lớn, trong lúc quỹ đất hiện nay rất hạn chế. Mặt khác, phương pháp này không có khả năng thu hồi, tái chế nguồn nguyên liệu từ rác thải, đồng thời nảy sinh yêu cầu xử lý nước rỉ rác. Đây là công việc khó khăn, phức tạp không kém việc xử lý rác. 

Chúng ta hiện có một số công nghệ trong nước với nhiều ưu điểm như khả năng phân loại rác thải tốt hơn, đặc biệt là có thể tái chế, tái sử dụng phần lớn lượng chất thải, đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường. Trong số này, có thể kể đến công nghệ SERAPHIN, ANSINH - ASC, MBT-CD.08 với sản phẩm là phân hữu cơ, các sản phẩm nhựa tái chế và viên nhiên liệu. Các công nghệ này đã được triển khai áp dụng tại các nhà máy xử lý rác ở TP Vinh, TP Huế, huyện Đồng Văn (Hà Nam)… bước đầu cho kết quả nhất định. Tuy nhiên, mỗi công nghệ này lại chỉ có khả năng ứng dụng tốt trong một phạm vi nhất định, khó áp dụng đại trà. 

Cần công nghệ phù hợp với từng địa phương

Các chuyên gia đều khẳng định, sử dụng công nghệ trong xử lý rác thải là cần thiết, tuy nhiên để hiệu quả thì cần có sự lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng địa phương. Ví dụ, đối với đặc thù kinh tế - xã hội tại Quảng Ninh, việc xử lý rác nên tập trung vào việc biến rác thải thành sản phẩm công nghệ sinh học có tác dụng cải tạo đất mỏ sau khai thác. Đây cũng là hướng phát triển công nghệ mà TS Bùi Cách Tuyến, thứ trưởng Bộ TN&MT đã khuyến cáo với Quảng Ninh sau chuyến khảo sát liên ngành về công nghệ xử lý rác tại Nhà máy xử lý rác thải ở phường Bắc Sơn (TP Uông Bí, Quảng Ninh) do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long làm chủ đầu tư. 

Công nghệ xử lý, tái chế rác thải thành nhiên liệu và không chôn lấp của Công ty TNHH Thủy lực máy (Hà Nam) được đánh giá cao bởi có thể hạn chế tối đa việc công nhân tiếp xúc với rác thải nhờ dây chuyền tự động hóa ở mức cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Gia Long, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thủy lực máy vẫn trăn trở: "Công nghệ hiện đại không chỉ dừng ở việc xử lý rác mà phải biến rác thành sản phẩm hữu ích, từ đó mới có khả năng "nuôi" được công nghệ. Thực tế cho thấy, khá nhiều công nghệ xử lý rác đã được nghiên cứu thành công, nhưng chỉ sau khi chuyển giao một thời gian đã chết yểu bởi bài toán "lấy thu bù chi" bị lãng quên".

Mới đây, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Xây dựng gấp rút xây dựng Chương trình tổng thể xử lý chất thải rắn sinh hoạt, áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2020 sẽ áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp, xử lý được đa số lượng rác phát sinh. Bộ KH&CN được giao làm đầu mối xem xét và đề xuất công nghệ xử lý rác thải phù hợp để áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Sắp tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng nhằm lựa chọn công nghệ lò đốt rác tối ưu để đưa vào áp dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ có hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, nghiên cứu KHCN và đặc biệt là khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Cùng với việc các địa phương chủ động huy động nguồn lực xã hội đầu tư nhằm xây dựng giải pháp xử lý chất thải phù hợp, hy vọng các giải pháp vĩ mô trên sẽ giúp giải bài toán khó về xử lý rác thải trong tương lai gần.
 
Theo Hà Nội mới 
 

Người dân Thủ đô vật lộn với 'cuộc chiến' rác thải

Thứ 5, 13/06/2013 | 14:45
Hiện nay, trên khắp các con đường ngõ ngách thuộc thành phố Hà Nội đã và đang ngập chìm trong bể rác. Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng nhanh trong những năm gần đây đang làm cho thành phố Hà Nội chồng chéo ô nhiễm.

Hầm bộ hành thành ‘nhà trọ’, bể chứa rác thải

Thứ 2, 10/06/2013 | 09:14
Một số hầm bộ hành trên đường Khuất Duy Tiến và đường Phạm Hùng, Hà Nội đang tràn ngập rác thải, nước bẩn… Có hầm đang trở thành “nhà trọ” lý tưởng của nhiều người.

Đường Hải Phòng đang ngập ngụa rác thải

Thứ 5, 23/05/2013 | 08:51
Đã và đang tiến tới một thành phố nổi tiếng trong khu vực đồng bằng sông Hồng với các điểm du lịch, nhưng Hải Phòng lại "quên" xử lý rác thải sinh hoạt, để đến nỗi rác ngang nhiên tràn xuống lòng đường khu vực nội thành.

Rác thải thành điện thắp sáng nông thôn

Thứ 2, 15/04/2013 | 09:36
Lần đầu tiên tại TT-Huế, khí Biogas làm từ rác thải ô nhiễm được dùng làm năng lượng chiếu sáng tại nhiều tuyến đường thuộc thành phố Huế, mở ra triển vọng ứng dụng thắp sáng công cộng cho các vùng nông thôn trong cả tỉnh.

Lò đốt rác thải y tế ở Hải Phòng đang quá tải

Thứ 5, 11/04/2013 | 15:33
Với số lượng rác thải y tế nguy hại ngày càng tăng khoảng 600kg/1 ngày, hiện lò đốt tại Hải Phòng đang phải vận hành quá công xuất.