Đi tìm danh xưng bí ẩn của loại đào tiến vua

Đi tìm danh xưng bí ẩn của loại đào tiến vua

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Nhìn những cây đào xù xì, như cành cây chết khô, không ai ngờ được đó là danh đào quý Thất Thốn. Giống đào này được người ta biết đến từ xa xưa là lễ vật tiến vua. Đã nổi tiếng từ lâu nhưng điều kỳ lạ là đến nay, cái tên Thất Thốn vẫn là một điều bí ẩn.

Bỏ 50 triệu thuê... 3 nụ đào chơi tết mà không được

Chúng tôi đến làng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) đúng vào thời điểm giáp Tết. Có lẽ thời gian này, khi miền Bắc đang chìm trong cái lạnh dưới 10 độ C thì làng đào Nhật Tân là "nóng" hơn cả. Thời tiết càng lạnh, hoa đào càng thắm. Những cây đào đang được chuyển từ đất lên chậu để đem đi bán. Dòng người, xe hối hả chạy suốt đêm ngày đưa những dáng đào truyền lửa Tết đi khắp nơi. Từ xưa đến nay, thương hiệu đào Nhật Tân đã trở nên nổi tiếng.

Theo lời giới thiệu của một người quen, chúng tôi tìm đến vườn đào của ông Lê Hàm, 49 tuổi, một người khá nổi tiếng ở làng đào Nhật Tân. Ông nổi tiếng không chỉ là một nghệ nhân "sáng tác" ra những dáng đào đẹp mà còn là người duy nhất nắm giữ được "bí kíp" ép đào Thất Thốn ra hoa đúng mùa. Lúc chúng tôi đến, ông Hàm cùng với vài lao động nữa đang đưa đào lên ô tô chuyển đến các tỉnh có nhu cầu thuê đào. Khi biết chúng tôi là phóng viên, ông Hàm vui vẻ xắn tay áo, mời chúng tôi vào nhà tiếp chuyện.

Ông Hàm cho biết: "Cứ đến thời điểm giáp Tết, người dân làng đào Nhật Tân lại vất vả hơn mọi người. Từ 15 tháng chạp âm lịch, chúng tôi đã "bở hơi tai" chuyển đào đi các tỉnh theo đơn đặt hàng. Có nhiều khi khách gọi, đến 30 Tết vẫn phải đánh xe đi giao hàng. Bận đến nỗi không có thời gian gói bánh chưng, sắm sửa đồ cho ngày Tết. Tuy nhiên, đổi lại, chúng tôi có được những niềm vui, được ăn Tết sớm với những vườn đào".

Sự kiện - Đi tìm danh xưng bí ẩn của loại đào tiến vua

Ông Lê Hàm bên gốc cây đào Thất Thốn được nhiều người đặt thuê với giá 80 triệu đồng.

Khi hỏi đến danh đào Thất Thốn, ông Hàm dẫn chúng tôi ra sau nhà. Chỉ tay vào những gốc cây đen xù xì, khẳng khiu, trơ trụi, không có một chiếc lá, ông cho biết, đó là giống đào quý Thất Thốn. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi mạnh dạn hỏi lại ông một lần nữa, chẳng lẽ loại cây khô khốc như sắp chết này lại là giống đào tiến vua? Ông Hàm cười lớn: "Nó quý là quý ở cái điểm đó các chú à".

Trước khi đến đây, hình ảnh về danh đào Thất Thốn mà chúng tôi tưởng tượng khác xa so với những gì mà bây giờ được "mục sở thị". Chúng tôi cứ ngỡ một giống đào tiến vua hoa lá phải xum xuê, long lanh và bề thế...

Chỉ tay vào gốc một cây Thất Thốn trên 30 năm tuổi, ông Hàm bảo: "Nhìn gốc đào nhiều chỗ mục nát như thế này nhiều người bảo cây đã chết. Không lá, không hoa, không chồi lộc, nụ hoa màu đen sì sì như đã bị thối... Tuy nhiên, 2 năm nay những nụ hoa này nó vẫn như vậy, không thay đổi một chút nào cả. Và theo tính toán của tôi, khoảng 27 - 29 Tết, những nụ hoa này sẽ bung nở. Nó đã "ủ" nụ 2 năm rồi, một khi đã nở thì hoa rất to và đỏ thắm. Đây chính là cái đặc biệt của đào Thất Thốn".

Đến bây giờ, nhiều người vẫn nhắc về sự kiện cây đào Thất Thốn ra 3 chiếc nụ vào dịp Tết Nguyên đán năm ngoái của nghệ nhân Lê Hàm như một điển tích. Một cây đào chỉ với 3 chiếc nụ nhưng được cho thuê 3 ngày Tết với giá 30 triệu đồng. Tính như vậy có nghĩa là một chiếc nụ có giá 10 triệu đồng. Thậm chí, sau sự kiện đó, nhiều nhà báo nước ngoài đã tìm đến để "mục sở thị" giống đào quý này.

Được biết năm nay, ông Hàm có khoảng hơn 60 gốc Thất Thốn, có giá thuê từ 10 - 40 triệu đồng. Trong đó có cây hơn 30 năm tuổi, mặc dù chưa ra hoa nhưng có người đã đến hỏi thuê chơi 3 ngày Tết với giá 80 triệu đồng. Tuy nhiên ông Hàm vẫn chưa đồng ý. Theo quan sát của chúng tôi, gốc đào "khủng" này mang dáng rồng, thân cây mọc rêu như đào rừng. Cây chỉ có 4 chồi lộc, nhưng nụ mọc chi chít từ gốc đến ngọn. Nhìn vào cây đào này, nếu không tìm tận nơi này để “mục sở thị”, có lẽ chẳng bao giờ tôi tin được nó lại có giá cao đến như vậy.

Bí ẩn danh đào tiến vua

Có lẽ từ trước đến nay, việc chọn dáng đào, thế đào hoàn toàn dựa vào người chơi. Họ chọn những cây phù hợp với ngôi nhà, thậm chí là phong thủy... Tuy nhiên, với danh đào Thất Thốn thì khác, không phải ai cũng chơi được giống đào quý này. Ngược lại, đào Thất Thốn lại được cái "quyền" chọn người chơi.

Sự kiện - Đi tìm danh xưng bí ẩn của loại đào tiến vua (Hình 2).

Đào Thất Thốn

Ông Hàm tâm sự: "Người đến đây thuê đào Thất Thốn về chơi, tôi cũng phải phân vân rất lâu mới quyết định cho thuê hay không. Thứ nhất, việc chăm sóc đào Thất Thốn đòi hỏi người phải am hiểu sâu sắc về các loại đào. Thứ hai, những người ưa hình thức, nhìn đào chỉ để đẹp mắt thì chơi đào Thất Thốn cũng như không. Có những hành động ép đào ra hoa một cách "thô thiển" như dùng đèn sưởi thì đào sẽ hỏng ngay lập tức. Vì người trồng đào được ví là một nghệ nhân thì người chơi đào cũng phải là một nghệ sĩ".

Chính vì thế, Tết Nguyên đán năm ngoái, với cây đào Thất Thốn trổ 3 chiếc nụ, có một vị khách từ xa đến ra giá thuê 50 triệu đồng, gần gấp đôi so với giá mà ông Hàm đã cho thuê nhưng ông nhất quyết không đồng ý. Ông Hàm bảo: "Nhìn phong thái, cách nói chuyện của người này chỉ chứng tỏ một điều là ông ta có tiền chứ không hợp để chơi đào Thất Thốn".

Lúc chúng tôi đến Nhật Tân vô tình gặp cụ Chu Thành, 82 tuổi, một người có kinh nghiệm lâu năm chơi đào Thất Thốn. Trao đổi với chúng tôi, cụ Thành kể: "Giống đào Thất Thốn này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngày xưa, chỉ có vua quan trong triều đình mới được chơi. Nếu người dân thường nào bị phát hiện dám trồng loại đào này, lập tức bị xử tội. Chính vì thế, giống đào quý này luôn được người ta ca tụng. Sau đó, đào Thất Thốn được đem sang Việt Nam, ban đầu cũng chỉ được trưng bày trong triều đình".

Khi chúng tôi hỏi về cái tên đào "Thất Thốn", cụ Thành trầm ngâm: "Đến bây giờ những người chơi đào lâu năm, sành sỏi, thậm chí là các bậc tiền nhân vẫn chưa thống nhất về cái tên Thất Thốn. Có người cho rằng loại đào này rất ít khi có lá, nhưng khi đã ra lá rồi thì lá rất dài, có khi đến 7 thốn (một thốn bằng 1 đốt ngón tay).

Tuy nhiên, có người lại nói, một cây đào giống bình thường một thốn chỉ ra 1 đến 2 nụ nhưng danh đào Thất Thốn ra đến 7 nụ. Cũng có ý kiến cho rằng, mỗi năm cây đào này chỉ lớn được thêm 7 thốn. Nhiều năm trồng đào tôi cũng kiểm nghiệm và thấy cách lý giải nào cũng có điểm hợp lý. Ngày trước, khi cha tôi còn sống tôi cũng hỏi về cái tên này, tuy nhiên, chính cha tôi cũng không thể lý giải được".

Ông Hàm tự hào nhìn những chậu đào Thất Thốn cho biết, một điều độc đáo của giống đào tiến vua đó là 2 năm đào mới kết hoa một lần. Và điều đặc biệt, mỗi chiếc hoa sẽ đậu thành quả. Hoa đào Thất Thốn màu đỏ thắm, nụ thường to hơn các loại đào khác. Hơn nữa, nụ của nó có một đặc điểm là chỉ hướng lên trời. Trong khi đối với những giống đào bình thường, chơi khoảng 4-5 năm là chất lượng và số lượng hoa sẽ giảm đi, danh đào Thất Thốn thì khác. Càng chơi cây càng cho hoa đẹp, nụ và hoa to hơn.

Các giống đào khác có thể trồng bằng hạt, đào Thất Thốn chỉ có cơ hội sống khi ghép cành và ghép rễ. Tuy nhiên, để một "ca phẫu thuật" thành công không phải chuyện đơn giản. Có khi một ngày may mắn và ngẫu hứng nào đó mới có thể ghép thành công một cây. Nhưng có người nhiều năm cặm cụi ghép trồng vẫn thất bại như thường.

Được biết, hiện nay ở Nhật Tân có rất nhiều người trồng danh đào Thất Thốn, nhưng duy nhất chỉ có ông Lê Hàm là người nắm giữ được bí kíp "ép" đào Thất Thốn ra hoa đúng độ. Có lẽ, đây là thành quả của hơn 20 năm, người đàn ông này tâm huyết nghiên cứu, gắn bó với giống đào quý. Khi chúng tôi hỏi, ông định giá bao nhiêu về gốc đào Thất Thốn 30 năm tuổi, ông Hàm cười bảo: "Nó đã gắn bó với tôi nửa đời người, hơn nữa, đây là gốc đào mà cha tôi để lại. Ai có tâm, biết chơi đào, tôi sẽ cho thuê, cho mượn nhưng tuyệt đối không bán".

Văn Chương