Ngôi đình cổ linh thiêng chìm dưới dòng Như Nguyệt

Ngôi đình cổ linh thiêng chìm dưới dòng Như Nguyệt

Thứ 2, 15/04/2013 | 15:02
0
Bước chân đến trước ngôi đình là cảm giác rùng mình ớn lạnh khắp người. Dù chỉ một ý nghĩ xấu xa khi đứng trước ngôi đình, người ta sẽ phải trả giá cho sự không lương thiện của chính mình.

Những câu chuyện liêu trai không lời giải

Tôi nghe đâu đó người ta đồn rằng có một ngôi đình cổ rất linh thiêng hiện nay đang bị chìm sâu dưới dòng sông Cầu và rất tò mò. Lần tìm địa chỉ hóa ra ngôi đình ấy ở cách làng tôi có một dòng sông. Qua con đường cấp phối nhàu nhĩ ổ gà, ổ voi, ổ chuột các loại vì đường làm lâu năm chưa được sang sửa và một chuyến đò ngang, tôi đã đặt chân lên mảnh đất thiêng Yên Dũng, Bắc Giang với rất nhiều những câu chuyện kỳ thú. Đặc biệt khi hỏi thăm đến thôn Đa Thịnh, xã Yên Lư, người dân chỉ đường cho tôi không quên vài câu nhắc nhở chất phát đúng kiểu người dân quê: "Cô đến đấy, nhớ để tâm mình tĩnh nhé, đừng có nghĩ gì phạm phải thánh trên, đình thiêng lắm đấy".

Xã hội - Ngôi đình cổ linh thiêng chìm dưới dòng Như Nguyệt

Ông Phạm Văn Khuyên, trưởng thôn Đa Thịnh trước phần hậu cung còn lại của ngôi đình cổ.

Thực ra đã đi đến nơi đình chùa là chốn thiền tâm thì ai cũng mong những điều tốt đẹp. Có lẽ người dân muốn nhắc nhở tôi nếu không duy tâm, bán tín bán nghi thì không nên đến đó chăng? Nhưng đã đi là phải đến, vì cuối mỗi hành trình bao giờ cũng sẽ có một câu trả lời mà trước khi đi mình muốn biết. Vì thế, tôi rẽ trái men đê từ bến đò Yên Tập Bắc hướng Bắc Ninh sang, đi khoảng 3km thì đến địa bàn Đa Thịnh. Ông Phạm Văn Khuyên (SN 1970), trưởng thôn rất vui khi biết tôi tìm đến ngôi đình cổ ngàn năm tuổi ở quê hương mình. Ông không ngại ngần nói luôn dự định: "Thôn chúng tôi đang muốn xin kinh phí để phục dựng lại ngôi đình vì nó chất chứa cả một kho lịch sử văn hóa đang dần bị lãng quên theo thời gian. Trong làng chẳng còn mấy ai nhớ được lịch sử ngôi đình này nữa. Mặc dù nó đúng là biểu tượng văn hóa của người dân khắp vùng".

Theo chân ông, tôi chạy xe vòng vèo qua những chiếc lò gạch đã bị ngưng sử dụng theo lệnh cấm của Nhà nước ở khu đất bồi ven dòng Như Nguyệt, ngôi đình nằm sát phía dòng sông hoang tàn như đã bị quên lãng từ lâu. Giải thích cho ánh nhìn tò mò hình dấu hỏi của tôi, ông Khuyên nhanh miệng giới thiệu: "Trước đây đình đẹp lắm. Nhưng sau những năm tiêu thổ kháng chiến, người dân có di chuyển đình làng vào khu đất trong đê. Nhưng theo lời kể lại, mấy thanh niên trai tráng trong làng làm nhiệm vụ trực tiếp tháo dỡ ngôi đình đều chết bất đắc kỳ tử? Từ đó, không ai dám đứng ra di chuyển đình nữa đợi có cơ hội sẽ trùng tu đình ngay trên nền đất cũ. Tuy nhiên vì kinh tế trong thôn chưa có điều kiện nên bao năm nay, ngôi đình vẫn nguyên hình dạng đang bị tháo dỡ dở như vậy".

Có lẽ cũng bởi vậy mà những lúc nước lên, ngập đến chân đình, người ta đã có chút phô trương khi nói ngôi đình bị chìm dưới dòng sông Cầu là vì lẽ đó. Thực ra nói là đình, nhưng chỉ còn lại một gian nhỏ với gỗ đã mục nát, bị thủng trên mái. Cái giá trị nhất của ngôi đình còn giữ lại được là những tấm bia đá cổ và những câu đối khắc trên gỗ đã hoen ố màu thời gian. Nhiều năm qua, mải mê với những chiếc lò gạch và cuộc sống mưu sinh, người ta đã lãng quên một không gian văn hóa tâm linh đã có tự ngàn đời. Bây giờ nó chỉ còn là chút phế tích, nhìn mà xót xa.

Thế nhưng sự linh thiêng từ ngôi đình cổ không vì thế mà mất đi. Ông Khuyên kể: "Nhiều người đến đây, chuyện thánh ứng và thực hư ra sao vẫn chưa có câu trả lời nào thấu đáo. Vừa cách đây ba tháng, có người phụ nữ ở đâu đến ngang qua ngôi đình, chẳng hiểu sao cứ ngồi lại trong đình khóc lóc ba ngày ba đêm không ăn uống gì. Sau đó vào làng tự xưng là thánh phán mà nói về gia đình nào là đúng không sai một câu, từ chuyện quá khứ đến hiện tại. Cô này cứ thế ngồi ở trong chùa phán đúng một tuần, người dân mang gì cho thì ăn  rồi đi đâu không ai còn tìm được tung tích nữa". Tất nhiên những thông tin trên đều chưa được ai kiểm chứng, đúng ra nó chỉ là những giai thoại qua lời kể của người dân muốn tỏ lòng thành kính với tổ tiên xưa, với ngôi đình cổ thiêng liêng đã “viết” nên những câu chuyện liêu trai như vậy...

Ông Khuyên cho biết, chỉ còn một người biết rõ về đình làng nhưng lại chuyển sang làng bên sinh sống. Có lẽ vì thấy tôi quá tò mò với những câu chuyện xung quanh ngôi đình nên ông Khuyên không ngại đường dài đưa tôi tìm đến tận nhà cụ Nguyễn Văn Cẩm, năm nay vừa tròn 85 tuổi ở thôn Cao cùng xã.

Xã hội - Ngôi đình cổ linh thiêng chìm dưới dòng Như Nguyệt (Hình 2).

Một trong những tấm bia đá còn lại sau nhiều lần nước sông dâng ngập đến chân đình.

Chỉ còn là dĩ vãng

Ở tuổi cổ lai hy nhưng ông Cẩm vẫn còn minh mẫn lắm. Ngồi đối diện với tôi trong căn nhà hai gác rộng rãi, đôi mắt và khuôn mặt ông ánh lên một quá khứ đẹp mà rất đỗi tự hào của quê hương mình. Ông nhắc đi nhắc lại mãi: "Đình xưa đẹp lắm. Tuổi thơ của tôi gắn bó với ngôi đình ấy. Những ngày thả trâu ven đê, tụi trẻ cùng lứa tuổi với tôi thời đó không ngày nào không đánh đáo, chơi bi trước sân đình và vắt vẻo thổi sáo trên cây. Ngày đó đẹp lắm"!

Cũng theo dòng hồi ức của cụ Cẩm, đình cổ xưa đã có từ lâu đời. Đình thờ Thánh Tam Giang. Chuyện xưa các cụ truyền lại có một người lạ nơi khác đến ở ngôi đình này thấy dân làng làm ăn gặp nhiều thiên tai mất mùa thì thương xót lắm, lo nghĩ ngày đêm bày cách giúp dân cải thiện đời sống. Một đêm, cụ ông nằm mơ thấy có người phán rằng cụ là người trời phái xuống giúp dân làng an cư lạc nghiệp. Nhưng muốn mang lại hạnh phúc cho trăm dân thì cụ phải hy sinh mạng sống của mình. Sau ba ngày suy nghĩ, cụ quyết định một mình trèo lên khắp các ngọn núi quanh vùng Yên Dũng kiếm củi về đốt ba ngày ba đêm đỏ lửa tại đình, miệng không ngừng lầm rầm khấn bái. Đến khi củi đốt sắp hết thì cụ cũng tự buông mình vào ngọn lửa đang ngùn ngụt cháy mà hóa thân vào với tro bụi. Người dân lúc đó biết chuyện ai cũng thương tiếc và  bốc một nắm tro mang về nhà thờ cũng vì cảm cái công cụ bày cách giúp dân làm ăn sinh sống thoát khỏi đói nghèo.

Đình xưa có cả phần tiền tế trước hậu cung còn lại như ngày nay và cả một khoảng sân rộng với hai cây đa cổ thụ to đến cả ba bốn người ôm không xuể. Mỗi năm có một ngày hội vào đúng ngày sư cụ mất, dân làng tổ chức lễ rước rất linh đình. Hơn nữa, đình lại là nơi thờ đức thánh Tam Giang mà khắp dài đất hai bên sông Cầu tôn thờ nên đình Đa Thịnh ngày ấy là một trung tâm văn hóa của một vùng dân cư rộng lớn.

Vào những năm kháng chiến chống Pháp, đình trở thành nơi che giấu cán bộ chủ chốt của tỉnh. Nhiều cán bộ ở đây đã được dân quân du kích, tự vệ và bộ đội địa phương bảo vệ chu đáo. Tuy nhiên, sau những năm có chính sách tiêu thổ kháng chiến thì đình làng Đa Thịnh đã bị tàn phá đi rất nhiều. Gỗ ở đình bị chở về làm văn phòng ủy ban xã, cây cũng bị đốn hạ, chỉ còn lại phần hậu cung một số tấm bia đá cổ. Những năm nước sông Cầu dâng cao đến cả phần chân đình, tất cả đều bị nhấn chìm. Nhưng những tấm bia đá cổ ghi lại lịch sử tồn tại của ngôi đình thì không bao giờ bị cuốn đi.

Chào tạm biệt cụ Cẩm, tôi cứ vương vấn mãi lời cụ ông đã ở tuổi gần đất xa trời dặn dò: "Tôi cũng mong sao đình làng tôi xưa sớm được khôi phục lại. Như thế con cháu bây giờ sẽ có thêm một nơi để tự hào về văn hóa truyền thống. Đừng để nó mãi thành phế tích như bây giờ, đình thiêng lắm. Nếu không có đình thì thôn Đa Thịnh không được như ngày hôm nay".    

Đình vẫn nằm trên đất bồi ven sông?

Anh Đồng Ngọc Dưỡng, ban quản lí di tích tỉnh Bắc Giang cho biết: "Căn cứ vào những tấm bia đá còn lại thì đình có từ trước thời Minh Mệnh. Những tấm bia đá còn lại đều được tạc bằng đá gan gà chạm hai mặt. Đỉnh trán của mỗi tấm bia đều chạm hình rồng chầu mặt trời, xung quanh khắc những chi tiết hình hoa lá rất tinh tế, mềm mại... Đây là một trong những di tích đình cổ đang được ban quản lý di tích tỉnh có kế hoạch trùng tu tôn tạo để khơi dậy lại một nét văn hóa tâm linh đã có từ ngàn đời của người dân nơi đây. Tuy nhiên, nếu nói có một ngôi đình cổ chìm dưới dòng sông Cầu thì là lời nói quá. Trên thực tế, đình vẫn nằm trên đất bồi ven sông và người dân thôn Đa Thịnh vẫn cắt cử nhau trông nom nhang khói trong đền". 

Dương Thu

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Chuyện liêu trai ở ngôi chùa tổ cổ nhất miền Trung (Kỳ cuối)

Thứ 2, 08/04/2013 | 09:51
Không phải ngẫu nhiên mà người đời ngợi ca đất võ Bình Định là mảnh đất kiến tạo văn hoá, nơi khởi nguồn của những câu chuyện cổ tích. Biết bao thế hệ cư dân quần tụ trên mảnh đất thiêng đầy linh khí ấy đã để lại lớp trầm tích văn hoá, kiến tạo nên một vùng địa linh nhân kiệt độc nhất đất Việt.

Những câu chuyện liêu trai trên Cổng Trời Trà Lĩnh

Thứ 7, 09/03/2013 | 09:08
Người dân nơi đây nói rằng: Đã đến Cao Bằng mà không lên Cổng Trời Trà Lĩnh thì coi như có tội với thần thánh!!!

Những bức điêu khắc "biết nói" ở ngôi đình cổ

Thứ 3, 15/01/2013 | 09:25
Nằm tại xã Đào Mỹ (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), đình Phù Lão được coi là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam. Đình có kiến trúc độc đáo, đặc trưng cho kiến trúc dân gian của thế kỷ XVII.

Bi kịch gia đình có 3 thế hệ nghiện cái chết “trắng”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Những gia đình có 1 đối tượng nghiện ma túy đã đủ khốn cùng và chịu sự dị nghị của xã hội. Nhưng khi cả bố con, anh em, vợ chồng, ông cháu cùng nghiện thì chắc chắn cũng để lại những hậu họa khôn lường cho xã hội.