Đi tìm

Đi tìm "thần thuốc phiện" nơi rừng cấm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Chẳng biết vì mấy chén rượu ngô hay vì lòng nhiệt tình vô điều kiện vốn có của các chàng trai miền sơn cước mà Giàng A Kiên, một anh bạn người Mèo đã vui vẻ đi cùng tôi lên đỉnh Hoàng Su Phì (Hà Giang) tìm kiếm ngôi đền thờ "thần thuốc phiện".

Gian nan đường lên rừng cấm

Mùa này, đường lên Hà Giang đông nườm nượp bởi khách phương xa rủ nhau đi "săn" hoa tam giác mạch và chiêm ngưỡng ruộng bậc thang đang mùa lúa chín. Bỏ lại đằng sau những con đường vòng đổ bê tông, tôi và Kiên quyết định chạy theo con đường mòn lầy lội bùn đất cắt ngang những quả núi trùng điệp, cao sừng sững. Đường đi không một bóng người và cũng không có dấu hiệu gì cho thấy trước đó đã từng có người đi qua. Con đường này chỉ thấy bốn bề toàn là đá.

Chiếc xe Win của Kiên gầm rú như một con thú bị sập bẫy nhưng vẫn vọt qua những con dốc hẹp dựng đứng, lô nhô đá tảng như một phép màu. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) khi trời đã nhá nhem tối.

Xã hội - Đi tìm 'thần thuốc phiện' nơi rừng cấm

Ngôi đền thờ thần thuốc phiện

Tôi và Kiên chạy xe lòng vòng quanh thị trấn vừa tìm quán ăn, vừa hỏi đường đến ngôi đền thờ "thần thuốc phiện". Nhưng hầu hết câu trả lời chúng tôi nhận được là những cái lắc đầu ngơ ngác. Đúng lúc quyết định sẽ ngủ lại thị trấn chờ sáng mai đi hỏi tiếp thì chúng tôi gặp được một người biết được câu trả lời. Đó là một thầy cúng người Tày đang trên đường trở về Na Hang (Tuyên Quang) sau chuyến đi Hoàng Su Phì dự đám cưới của người cháu ruột. Ông cho biết, chính mình đã thân chinh đến thăm ngôi đền thiêng liêng đó cách đây vài ngày.

Theo lời kể của người đàn ông này, để có thể "diện kiến" vị "thần thuốc phiện", chúng tôi còn phải trải qua một chặng đường vô cùng khó khăn ở phía trước. Với sự chu đáo của một người chỉ đường tốt bụng và lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra, ông khuyên chúng tôi không nên đi khi trời tối. Nhưng tôi với Kiên, chẳng ai bảo ai, cả hai đều chủ động lên đường như không thể ngồi yên thêm một phút giây nào nữa.

Đường lên bản Luốc quả thật khó đi đúng như lời ông thầy cúng người Tày nhắc nhở. Con đường đất nhỏ, dốc lên, dốc xuống như gấp khúc. Chúng tôi đi lúc trời mưa trơn như đổ mỡ. Chiếc Win hầm hố của Kiên lúc thì ì ra bất động nằm "ăn vạ", lúc quay ngang quay ngửa trên đỉnh dốc, lúc lại bốc đầu như làm xiếc.

Chúng tôi phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ đánh vật với con đường nhầy nhụa mới lên đến bản. Nhằm hướng ánh sáng đèn le lói, chúng tôi tiến đến gõ cửa một ngôi nhà xin nghỉ nhờ. Chủ nhà hiếu khách đon đả chào mời. Sau mấy bát rượu ngô nóng cháy cổ xua tan cái lạnh giá của vùng cao, chủ khách đã kịp chuyện trò như bạn bè thân lâu ngày gặp lại.

Biết chủ nhà là ông Vương Đào Tóng, chủ tịch xã Bản Luốc, chúng tôi mừng ra mặt. Tôi vội mang câu chuyện kỳ bí về ngôi đền thờ vị thần thuốc phiện ra hỏi và nhận được lời hứa giúp đỡ của ông.

Sáng hôm sau, thêm ông Tóng là bạn đường, chúng tôi đi thêm 10km đường xấu nữa mới lên đến thôn Suối Thầu 2, chạm bìa rừng cấm. Từ đoạn này, chúng tôi phải bỏ xe lại, cuốc bộ thêm 10km đường rừng để được mục sở thị ngôi đền kỳ lạ thờ vị thần có một không hai này.

Xã hội - Đi tìm 'thần thuốc phiện' nơi rừng cấm (Hình 2).

Vị thần thuốc phiện với quả anh túc trên tay

Kỳ lạ vị thần với quả anh túc trên tay

Ẩn dưới bóng rừng cấm Hoàng Su Phì, ngôi đền chỉ rộng chừng 25m2 như một chiếc lồng chim khiêm tốn treo mình bên dãy Chiu Lầu Thi hùng vĩ. Trái với hình dung của tôi về tầm cỡ của một ngôi đền được hầu hết người dân nơi đây coi là chốn linh thiêng quy tụ tất cả các vị thần tối cao đầy quyền lực, hiện ra trước mắt chúng tôi là một ngôi đền đơn sơ, in đậm dấu vết thời gian.

Không cổng trước cổng sau, tường rào đạo mạo, chỉ có mấy bậc đá rêu phong dẫn lối trước đền. Nói đúng hơn thì ngôi đền nổi tiếng thiêng liêng này chẳng khác gì một ngôi nhà nhỏ được đắp bằng đất. Trong đó, cửa và cột đều làm bằng gỗ pơmu.

Trông coi ngôi đền là ông Đặng Kim Khoẳn, một thầy cúng người Dao đã 60 tuổi. Biết ý định của chúng tôi muốn được diện kiến vị "thần thuốc phiện", ông Khoẳn vội vã xua tay vẻ sợ hãi. Ông thanh minh rằng, mỗi năm ông chỉ mở cửa đền đúng một lần vào ngày mùng 1 tháng Giêng (Âm lịch) để bà con vào làm lễ cúng rừng, lễ cầu mùa. Ngoài ngày ấy ra, ông không dám tự tiện mở cửa đền vì sợ kinh động đến các vị thần và chắc chắn sẽ bị trừng phạt.

Nhưng thấy chúng tôi cứ loanh quanh ở đấy, tha thiết xin vào, không chịu rời chân đi, cuối cùng ông cũng xiêu lòng. Trước khi làm cái việc kinh động đến thần linh ấy, ông Khoẳn trịnh trọng thực hiện hết nghi lễ này đến nghi lễ khác. Miệng ông không ngừng lẩm nhẩm những lời thần chú đầy bí ẩn để xin phép người trời.

Trong khói hương trầm mặc lan tỏa khắp không gian tĩnh mịch, ông Khoẳn thủ thỉ bằng một giọng nói đầy ma mị: "Ngôi đền này đã có từ hơn 200 năm nay. Theo tục lệ, người dân phải làm lễ mổ trâu để dâng thần trước khi mở cửa đền vào cúng lễ". Vẫn bằng giọng nói đầy bí hiểm ấy, người đàn ông này nhớ lại câu chuyện được lưu truyền qua nhiều đời người giữ đền. Những năm đầu thế kỷ XX, bọn thổ phỉ rất lộng hành ở nơi đây.

Một đêm, người gác đền thấy trằn trọc khó ngủ, rồi mãi tới gần sáng mới thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn, người gác đền mơ thấy một vị thần to lớn, tay cầm gậy, tay nắm quả anh túc đứng cạnh giường gọi dậy, nhắc đi nhắc lại một câu: "Dậy mà chạy đi, nguy đến nơi rồi!". Giật mình tỉnh dậy, khi đó trời mới tờ mờ sáng, ông liền vội vã đi báo với mọi người trong thôn. Nhận được tin, ai cũng nghĩ thần báo điềm dữ nên bàn nhau thu gom đồ đạc cất giấu, sau đó kéo nhau vào trong ngôi đền lánh nạn.

Quả nhiên, trời vừa tối, bọn phỉ tràn về. Chúng lục lọi tìm kiếm nhưng không thấy của cải gì nên chia nhau đi tìm. Phát hiện trong ngôi đền có người, nhưng lạ thay, không kẻ nào dám tiến vào. Tuy nhiên, theo ông Khoẳn, đây chỉ là truyền thuyết của người xưa để lại.

Đền thờ 13 vị thần tương ứng với 13 pho tượng. Trong đó có một pho tượng trên tay cầm một quả thuốc phiện, mặt quay sang hướng khác (hướng Nam) so với những pho tượng còn lại. Theo người dân địa phương, trước đây có rất nhiều sách cổ viết về lịch sử ngôi đền. Tuy nhiên, theo thời gian, những quyển sách này bị thất lạc, hiện chỉ còn một vài quyển. Theo những gì còn lưu giữ, ngôi đền được lập để thờ 12 gia đình từ phương Bắc di cư đến đây lập nghiệp. Họ là những người đầu tiên có công khai phá vùng đất này.

Ban đầu, đền chỉ có 12 pho tượng, được dân bản tôn thờ. Sau có thêm một pho tượng nữa. Đó là vị thần cầm trên tay quả thuốc phiện. Người dân gọi là "thần thuốc phiện".

Theo sử sách còn lưu giữ tại ngôi đền, pho tượng cầm trên tay quả thuốc phiện là ông Đặng Minh Đông, một vị quan người Dao nổi tiếng khắp vùng Hoàng Su Phì. Ông là người đã có công đầu trong việc khai khẩn đất hoang, lập nên bản làng, khai khẩn núi rừng và chống giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, ông cũng là người trồng, cung cấp thuốc phiện cho người dân khắp vùng. Trở thành ông vua thuốc phiện, vị quan này trở nên độc ác. Dưới trướng ông, có biết bao quân hầu cận. Chỉ với mục đích duy nhất là mở rộng thế lực, vị quan này đã biến thuốc phiện trở thành món hàng độc tôn, mê hoặc người dân.

Vì vậy, ngày càng có nhiều người chôn vùi cuộc đời bên bàn đèn. Và chính bản thân ông, sau này cũng trở thành một con nghiện, suốt ngày nằm còng queo bên bàn đèn.

Lập tượng để khuyên bảo con cháu bài trừ thuốc phiện

Vì những gì mà vị quan này đã gây ra cho dân chúng, số người oán hận ông ngày càng chồng chất. Có lẽ đó là lý do khiến pho tượng thờ vị "thần thuốc phiện" Đặng Minh Đông là pho tượng duy nhất quay mặt sang hướng khác. Nhưng cũng có giả thuyết cho rằng, vị thần cầm trên tay quả anh túc nhìn về hướng Nam là do bà con nơi đây kiên quyết loại trừ cây thuốc phiện nên vị thần đó phải bỏ chạy. Là vị quan đầy thế lực và giàu có, Đặng Minh Đông vừa có công, nhưng cũng vừa có tội. Khi ông mất, người dân nơi đây đã dựng tượng thờ ông với ý nghĩa là một vị thần có công lao khai khẩn lập làng. Nhưng đặt tượng ông quay mặt về hướng khác là để nhắc nhở khuyên bảo con cháu không nên trồng, buôn bán, sử dụng thuốc phiện.

Dương Dung