Mưu sinh bằng nghề nhổ tóc bạc

Mưu sinh bằng nghề nhổ tóc bạc

Thứ 5, 06/06/2013 | 10:36
0
Mỗi nữ nhân viên tay cầm nhíp, tay bới tóc theo các hướng để nhổ những sợi tóc bạc. Tóc sau khi nhổ được thả rơi phủ trắng cả một khoảng áo phía sau gáy của khách hàng.

Tính giá như cách tính cước điện thoại!

10h sáng, có mặt tại cửa hàng "Chấy" tại số 87 đường Bưởi (Hà Nội), chúng tôi thấy trong quán có ba người đàn ông tuổi trung niên đang ngả người trên ghế cho các nhân viên nhổ tóc bạc. Người thì ngả đầu ra sau như đang lim dim ngủ, có người thì vừa thư giãn vừa chuyện trò với nhân viên. Nữ nhân viên tay cầm nhíp, tay bới tóc theo các hướng để nhổ những sợi tóc bạc. Tóc sau khi nhổ được thả rơi phủ trắng cả một khoảng áo phía sau gáy của khách hàng. Không gian của quán cùng với các đồ nghề được bày trí hết sức đơn giản, thoáng đãng, sạch sẽ. Quán có ba nữ nhân viên trẻ, trang phục thanh lịch, đặc biệt cách trò chuyện và làm việc của các nữ nhân viên này luôn gây cảm tình với khách.

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, một nữ nhân viên của quán đang thoăn thoắt dùng nhíp nhổ những sợi tóc bạc trên đầu khách, chia sẻ: "Tùy vào đầu của khách hàng nhiều hay ít tóc bạc mà có thời gian nhổ thích hợp. Có người là khách hàng quen chỉ nhổ chừng 30 phút là xong, nhưng cũng có những người phải nhổ từ một đến hai tiếng đồng hồ mới hết. Khách hàng của quán "Chấy" chủ yếu là người Việt Nam, thi thoảng mới có khách nước ngoài và đặc biệt quán có rất nhiều khách quen".

Xã hội - Mưu sinh bằng nghề nhổ tóc bạc

Nhân viên của quán "Chấy” đang nhổ tóc bạc cho khách

Người ngoài nhìn vào chỉ thấy các nhân viên thoăn thoắt nhổ thì nghĩ nghề này đơn giản, không cần học cũng làm được, nhưng thực tế không phải vậy. Chị Thảo, một nữ nhân viên làm ba năm tại quán "Chấy" chia sẻ: Quan trọng là phải biết bới tóc để khi nhổ, khách hàng không bị đau. Ở đây, các nhân viên đều được học cách rẽ tóc, bới tóc để phân biệt tóc đen, tóc bạc.

Giá của một giờ nhổ tóc bạc tại quán "Chấy" là 100.000 đồng. Theo đó, cửa hàng tính giá 30.000 đồng cho 15 phút đầu và 10.000 đồng cho năm phút tiếp theo, giống như tính cước điện thoại. "Với những vị khách ngồi từ một đến hai tiếng thì đòi hỏi nhân viên phải kiên trì nhổ sạch tóc bạc. Một yêu cầu cho các nhân viên là phải nhanh mắt, nhanh tay và kiên trì, phải tinh ý để nhận ra yêu cầu và mong muốn của từng vị khách. Có người đến nhổ tóc để tìm sự yên tĩnh, thư thái, trái lại, có vị khách lại thích tếu táo trò chuyện. Không ít người chỉ mới vào làm được một, hai ngày thì bỏ vì quá mỏi mắt, mỏi tay. Phải những người thật yêu nghề, có tính tỉ mỉ mới có thể gắn bó lâu dài với nghề. Làm lâu sẽ thấy đây là một nghề rất thú vị", chị Thảo nói.

Xen giữa câu chuyện của PV với nhân viên nhổ tóc bạc, vị khách tuổi trung niên vừa lim dim trên ghế vừa nói: "Nhổ tóc bạc không phải để làm đẹp đâu nhé! Nhổ là nhổ tóc bạc gây ngứa đầu. Nếu muốn làm đẹp thì chỉ cần đi nhuộm là xong, đâu cần tỉ mẩn từng sợi như vậy. Tôi không đi nhổ tóc là không chịu được". Khi được hỏi tại sao không nhờ vợ, con nhổ tóc bạc mà phải ra quán, ông Nguyễn Văn Hùng, khách quen của "Chấy" cười nói: "Vợ, con làm sao mà biết nhổ? Phải thợ mới có tay nghề và chuyên nghiệp mới nhổ được. Trung bình mỗi tuần, tôi ra quán cho nhân viên nhổ 20 phút là hết. Có dạo đi công tác không nhổ kịp theo tuần thì đến lúc nhổ phải mất cả tiếng đồng hồ".

Trong hai tiếng chúng tôi có mặt tại quán, hễ một vị khách ra lại có người mới vào, cô nhân viên lại đều đặn xem giờ để ghi sổ từ lúc bắt đầu cho tới khi hoàn thành. Theo lời của các nhân viên, khách nữ tới cửa hàng cũng có nhưng ít hơn cánh đàn ông. Và họ đều rất hài lòng khi ra về.

Nghề "độc" chỉ có ở Việt Nam

Tháng 5/2007 anh Nguyễn Anh Dũng (SN 1980), chủ cửa hàng  và là người đầu tiên sáng lập ra thương hiệu "Chấy: Nhổ tóc bạc" bắt đầu mở cửa hàng nhổ tóc bạc đầu tiên tại Việt Nam. Địa điểm đầu tiên mà anh Dũng mở nằm trên phố Phù Đổng Thiên Vương (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Anh bảo: "Có một thời gian thất nghiệp, ở nhà thi thoảng lại nhổ tóc bạc cho bà và mẹ, khi đó tôi liền nảy ra ý nghĩ mở tiệm nhổ tóc bạc. Cả gia đình ai cũng bảo ý kiến ấy của tôi là gàn dở, nhưng tôi vẫn quyết làm. Để được nhiều người biết đến, tôi đã cho đăng quảng cáo trên mạng, báo". Trong một số nước trên thế giới mà anh Dũng từng đặt chân đến, chưa ở đâu có dịch vụ nhổ tóc bạc. Vì vậy, có thể nói, Việt Nam là quốc gia duy nhất có nghề này.

Để nhổ tóc bạc cho khách, chủ cửa hàng đã sử dụng loại nhíp nhập từ Nhật Bản và Thái Lan. Tại Việt Nam, thương hiệu "Chấy: Nhổ tóc bạc" của anh Dũng có hai cơ sở đó là số 87 đường Bưởi (trước là 72 đường Bưởi) và ở ngõ 23 Lò Đúc (Hà Nội). Anh Dũng cho biết, ngày cao điểm quán có 20 khách. Hiện cả hai cửa hàng có tám nhân viên. Nhìn thì dễ làm nhưng tất cả nhân viên đều trải qua thời gian đào tạo chuyên nghiệp, thời gian dạy khoảng một tuần, trong đó kèm thực tập và thử việc. Sau đó, khi thấy nhân viên đáp ứng được yêu cầu thì mới nhận.

Tâm sự với PV, anh Dũng tỏ ý chưa hài lòng về thương hiệu "Chấy". Anh bảo, trong thời gian tới, anh còn muốn khách hàng đến với "Chấy" ngày một đông hơn, nên sẽ nâng cấp dịch vụ. Theo đó, "Chấy" sẽ mở rộng thêm chi nhánh trong thời gian không xa.

Để bảo vệ thương hiệu, theo anh Dũng, mỗi người có cách làm riêng. "Với quan điểm của riêng tôi, cũng không cần phải làm cái gì quá, chỉ cần nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng cho tốt vì họ là người bỏ tiền mua dịch vụ nên đương nhiên họ có quyền lựa chọn, so sánh. Điều này giống như khi ta đi ăn vậy, hàng nào ngon, lần sau ta sẽ đến tiếp, còn không ngon thì thôi. Cũng có những khách hàng đã từng đi nhổ tóc bạc ở chỗ khác rồi vẫn quay lại chỗ tôi. Khi người ta quay lại với mình, chứng tỏ dịch vụ của mình tốt hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì điều ấy", anh Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.

Từ năm 2007 đến nay, lượng khách đến với dịch vụ nhổ tóc bạc của "Chấy" ngày một tăng. Điều này cũng cho thấy tính thời thượng và sự lên ngôi của nghề nhổ tóc bạc. Càng ngày, việc quan tâm, chăm sóc tới "góc con người" được chú trọng hơn. Có thể, không chỉ nở rộ ở Việt Nam, mà qua những vị khách quốc tế, nghề nhổ tóc bạc sẽ xuất hiện cả ở nước ngoài. Quả thực, ngay từ tên gọi của dịch vụ, đến khi được mục sở thị nghề đặc biệt này là cả một điều hết sức thú vị và rất riêng. Nếu hình ảnh những người cháu nhổ tóc cho ông, bà, người con nhổ tóc cho cha mẹ đã đi vào tiềm thức của nhiều người thì khi trở thành một nghề lại có phần rất Việt Nam.           

Đua nhau mở quán nhổ tóc bạc

Gần một năm sau khi "Chấy" ra đời tại Hà Nội, ở TP.HCM cũng xuất hiện quán nhổ tóc bạc mang tên "Mộc". Ở Hà Nội, có nhiều người thấy nghề này dễ làm, không phải đầu tư nhiều nên đã nhái theo dịch vụ của "Chấy". Đến nay, đã có khoảng 4 - 5 quán nhổ tóc bạc mọc san sát nhau trên đường Bưởi.

Yến Dương

Nghề 'độc' hốt bạc triệu của giới trẻ ngày Tết

Thứ 3, 05/02/2013 | 09:31
Mùa Tết là thời gian mà sinh viên “tận dụng” tối đa để kiếm tiền tiêu hoặc mua quà cho gia đình, người yêu, bạn bè. Nhờ nhu cầu của thị trường và sự năng động của mình mà các bạn trẻ cũng đã kiếm được một khoản khá.

Nghề “độc” chốn Sài thành

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Cuộc sống tại Sài Gòn thật muôn hình muôn vẻ, nét nóng bỏng, sôi động, nét lại lắng đọng, giản đơn... những nét tưởng chừng đối lập đó lại luôn đan xen vào nhau không ngừng nghỉ, cũng từ đó sản sinh ra nhiều nghề “độc” không đâu có như: nhổ tóc bạc, viết thư tình, nhậu thuê, đánh ghen thuê...

Nghề "độc nhất vô nhị" trên dãy Tây Thiên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa trẩy hội, đến với thắng cảnh Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), hòa vào dòng người, chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh những con người tay sách, nách mang, vai gánh, vai gồng, ngược trên dưới 15km theo từng tốp du khách lên đền Thượng.

Nghệ nhân cuối cùng chế tác tranh bằng than đá

Chủ nhật, 31/03/2013 | 07:53
Chúng tôi biết đến nghề chế tác các sản phẩm tranh, mỹ nghệ bằng than đá qua sự giới thiệu của một cô bạn làm ở đài truyền hình tỉnh Quảng Ninh.