Địch mất ăn mất ngủ với cô xã đội trưởng 15 tuổi

Địch mất ăn mất ngủ với cô xã đội trưởng 15 tuổi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Trong màn khói súng mập mờ ở những con đường trong vùng Ngã Năm, Long Mỹ, Cần Thơ những năm 1955 1959, một cô bé 8 tuổi thoắt ẩn thoắt hiện dưới những con đường, bờ ruộng chuyển liên lạc cho quân giải phóng.

Với bản tính tự lập, lanh lẹ, thông minh lại giỏi bơi xuồng, chèo ghe, tuổi thơ của Huyền Nga gắn liền với nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc. Đôi chân nhỏ bé của cô giẫm đạp mọi chông gai, hiểm nguy để phụng sự Cách mạng.

Nữ xã đội trưởng trẻ nhất nước

Tuổi thơ của cô lớn lên đã phải chứng kiến sự đau thương, tang tóc, thấm đẫm máu và nước mắt của dân làng trước họng súng kẻ thù. Từ đó, đã tôi luyện cho Đào Thị Huyền Nga một ý chí sắt thép, một lòng căm thù cháy bỏng khiến cô chiến đấu quên cả sự hy sinh.

Huyền Nga sinh ra và lớn lên ở vùng quê Cái Răng (TP.Cần Thơ) trong một gia đình có truyền thống Cách mạng. Năm 1945, cha cô là ông Đào Văn Tần được trao giữ chức Trung đội trưởng trung đội Cộng hòa vệ binh (một trong những đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang TP.Cần Thơ ngày nay).

Xã hội - Địch mất ăn mất ngủ với cô xã đội trưởng 15 tuổiBà Hồng Quân ngày còn trẻ ( thứ nhất từ trái qua) trong dịp thăm lại đồng đội.

8 tuổi, Huyền Nga dứt áo mẹ, thoát ly làm cô giao liên tuổi Nhi đồng. Nga bám trụ trên địa bàn Trung tâm TP.Cần Thơ nhiều năm, cô được tổ chức đưa về ven đô làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng thanh thiếu niên trong vùng giác ngộ cách mạng.

Ngoài ra, Nga còn có nhiệm vụ nghe ngóng tình hình địch và bảo vệ cho các đồng chí lãnh đạo đồng thời làm trinh sát dẫn đường cho đội quân tóc dài từ ven Thị xã vào nội thành trực diện.

Luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm khiến nhân dân phải đối diện với những cuộc truy sát tàn khốc và man rợ nhất trong lịch sử. Chúng lập những đội quân khát máu chuyên đi lùng sục, bắt bớ và sẵn sàng giết hại bất cứ ai mà chúng tình nghi là Việt Cộng.

Các đồng chí lãnh đạo nhận định: "Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”. Vì vậy, các cơ sở của ta được lệnh áp sát ven đô để tập trung chỉ đạo, nắm bắt tình hình. Họ phải ăn bờ, ngủ bụi suốt một thời gian dài.

Lúc này, Nga làm nhiệm vụ mới đó là tiếp tế lương thực cho bộ đội nằm vùng. Nga cùng những đứa trẻ khác đi làm ruộng, làm vườn, ai thuê gì làm nấy vận động bà con trong dân nấu cơm rồi chính Nga đem vào cho các cô chú.

Nga ý thức được vận mệnh dân tộc mình và không một suy nghĩ phải đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình. Càng đau thương, ác liệt cô càng quyết chí bền gan. Với phẩm chất thông minh, gan dạ, Nga được các đồng chí tin tưởng giao cho nhiệm vụ tổ chức đào tạo cán bộ xã đoàn rồi xã đội trưởng chỉ huy lực lượng thanh niên du kích trong địa bàn. Cô trở thành quyền xã đội trưởng trẻ nhất khi mới 15 tuổi.

Cô gái nhỏ làm địch mất ăn mất ngủ

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Mỹ đưa quân ào ạt vào Việt Nam. Lúc này, Cần Thơ là trung tâm đầu não của vùng VI chiến thuật nên địch tăng cường lực lượng phong tỏa khắp từ trong thành lẫn ven đô.

Để bám trụ được trên vùng đất không ngớt tiếng súng khi mà giặc quyết liệt muốn đẩy lùi lực lượng du kích của ta ra ngoài, Đảng đòi hỏi những con người thép, ý chí thép và tinh thần thép.

Trong số này, Nga là một hạt nhân chủ đạo. Cô ở lại, trực tiếp huấn luyện cho các du kích quân, lực lượng thanh niên. Vì là dân bản địa, nên Nga có lợi thế về địa hình địa vật vùng sông nước này. Ngoài giáo trình Nga được học, cô còn vận dụng những hiểu biết của mình kết hợp với mưu trí trong hoạt động Cách mạng đã thấm nhuần từ lâu, cô truyền lại cho các bạn trẻ những bài học bổ ích, thiết thực và hiệu quả.

Cả lý thuyết lẫn thực tiễn, xã đội trưởng 15 tuổi còn huấn luyện cho thanh niên biết gài chông, mìn, ném lựu đạn, lập hàng rào chiến đấu để cản trở giặc. Tuổi nhỏ, chí cao, Nga được các bậc đáng tuổi anh chị mình tâm phục khẩu phục và coi đó là tấm gương để họ noi theo.

Ở Nga, toát lên một sự kiên trung, dũng mãnh với kẻ thù và một sự nhẹ nhàng, thân mật với đồng chí, đồng bào. Lực lượng du kích xã Phú Thứ ngày càng bền chặt, tạo một bức tường rào bằng thép góp phần ngăn chặn nhiều cuộc càn quét, bắt bớ của giặc.

Xã hội - Địch mất ăn mất ngủ với cô xã đội trưởng 15 tuổi (Hình 2).Bà Lê Hồng Quân ngày nay.

Giặc cay cú, chúng treo giải thưởng cao cho ai bắt được hoặc chỉ điểm tên Việt Cộng nữ 15 tuổi. Ngay trong thời gian này, để củng cố tinh thần và ghi nhận công lao của người chiến sĩ Cách mạng trẻ tuổi, Nga được xét đặc cách kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.

Trong ngày trọng đại đó, tổ chức quyết định đặt tên cho cô là Lê Hồng Quân tức những con người trẻ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để trở thành những chiến sĩ Hồng Quân đúng như tên gọi.

Tháng 3/1963, do yêu cầu xây dựng lực lượng, tổ chức điều Hồng Quân về nhận nhiệm vụ Bí thư liên chi đoàn B10 và B80 với công việc mới là tiếp vận vũ khí ở Đoàn tàu không số từ Cà Mau chuyển về tiếp sức cho Vĩnh Long, Trà Vinh.

Trong thời gian Mỹ xây dựng ấp chiến lược nhằm thực hiện kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Để thực hiện kế hoạch này, giặc huy động lực lượng phong tỏa, truy lùng ráo riết các phương tiện lưu thông trên sông, rạch.

Trước sự khốc liệt của thời cuộc và vận mệnh dân tộc trên vai, đoàn B80 như con thoi, ngoan cường, mưu trí đêm nay vượt sông, đêm mai qua lộ 4 đưa vũ khí và cán bộ về nơi an toàn.

Một lần nữa, cô lại phải chia tay các anh em một thời vào sinh ra tử ở điểm tiếp vận tàu không số về tiểu đoàn Tây Đô nhận nhiệm vụ mới. Đồng đội nắm chặt tay cô rưng rưng nước mắt. Trước kẻ thù, họ chẳng hề chi dù cái chết cận kề nhưng tình đồng chí, đồng đội phải chia xa như nỗi đau xé lòng.

Hồng Quân khi ấy chưa tròn 20 tuổi đời, cả thời thanh xuân son trẻ của cô gái Tây Đô vốn nổi tiếng tài sắc phải chôn vùi trong bom đạn. Cái được duy nhất cô đang có là niềm tin vào ngày mai thắng lợi và cô không quản mọi khó khăn, gian khổ vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Ngày mai, cô lên đường làm nhiệm vụ mới khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau.

Hoa Nguyên

Kỳ tới: Nữ tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn biệt động