"Điện thoại không gây ung thư não"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Nhiều người từng lo lắng khi WHO cho rằng điện thoại có thể gây ung thư thì nghiên cứu mới đây nhất ở châu Âu cho hay không có mối liên kết nào giữa ĐTDĐ và ung thư não.

Cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Thụy Sĩ với gần 1.000 người tham gia trong độ tuổi từ 7-19 tuổi, nhóm tuổi được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi bức xạ của điện thoại nhất.

Kết quả của cuộc nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Journal of the National Cancer Institute cho thấy không có mối liên hệ nào giữa việc sử dụng ĐTDĐ ở giới trẻ với việc gia tăng nguy cơ xuất hiện các khối u não cả, theo WST.

Trong suốt 2 thập niên qua, tỷ lệ sử dụng ĐTDĐ trong giới trẻ đã tăng rất nhanh, nhất là ở các nước phát triển. Một cuộc thống kê cho thấy phần lớn trẻ em ở các nước này bắt đầu sử dụng ĐTDĐ từ khi mới 9, 10 tuổi. Trẻ ở độ tuổi này có hệ thần kinh đang phát triển và bức xạ điện thoại có thể đâm sâu vào não.

Nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng những mô não ngoài của trẻ từ 5-8 tuổi có thể hấp thu một nguồn năng lượng từ điện thoại nhiều gấp đôi não của một người trưởng thành.

Nghiên cứu nói trên "đã bác bỏ khả năng sử dụng ĐTDĐ có thể làm tăng nguy cơ bị u não ở trẻ", lời tiến sĩ dịch tễ học ở Thụy Sĩ và cũng là trưởng nhóm nghiên cứu, ông Martin Roosli. Ông nói có rất ít bằng chứng nói lên mối liên hệ giữa ĐTDĐ và u não trong suốt 2 thập kỷ qua. Và trong năm ngoái, một cuộc nghiên cứu diễn ra ở 13 quốc gia trên người trưởng thành cho thấy dù cho họ có sử dụng ĐTDĐ hay không thì điều đó cũng không làm tăng nguy cơ bị ung thư não. Tuy nhiên, những người "nghiện" sử dụng ĐTDĐ ở mức độ nặng thì lại có dấu hiệu tăng nguy cơ bị mắc phải một chứng ung thư não nào đó, mặc dù mức độ tăng khá ít.

Hồi tháng 5 vừa rồi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo rằng ĐTDĐ có thể là một chất gây ung thư đối với con người mặc dù không hàm ý nói việc sử dụng ĐTDĐ chắc chắn sẽ dẫn đến ung thư. Còn nghiên cứu của châu Âu tuy có kết quả trái ngược nhưng cũng có nhiều mặt hạn chế trong báo cáo đó. Cụ thể là các đối tượng tham gia nghiên cứu, trẻ em và người đang ở độ tuổi trưởng thành, chỉ mới sử dụng ĐTDĐ trong khoảng 4 năm trở lại đây. Khoảng thời gian này không dủ dài để làm tăng nguy cơ bị ung thư. Thêm vào đó, giới trẻ lại thích nhắn tin hơn là gọi điện, thời gian chúng đặt máy lên tai để đàm thoại do đó cũng rất ít. Tuy có nhiều hạn chế nhưng do tốc độ phát triển của việc dùng ĐTDĐ không ngừng gia tăng nên chúng ta vẫn luôn phải để mắt tới những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe của trẻ em, ông Roosli nói.

Theo tiến sĩ ung thư dịch tễ học của WHO, ông Kurt Straif, cuộc nghiên cứu của châu Âu là "quan trọng" bởi vì đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên đặt vấn đề nói lên mối liên hệ giữa ĐTDĐ và ung thư não ở trẻ em. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nghiên cứu này còn hơi khập khiễng vì "những đối tượng tham gia nghiên cứu bị mắc chứng ung thư não có thể không nhớ rõ tần suất sử dụng ĐTDĐ của mình" và nhóm nghiên cứu cũng không tìm được cách sử dụng các hóa đơn điện thoại để xác định chính xác thời lượng sử dụng điện thoại của các đối tượng tham gia nghiên cứu.

Nguyễn Sơn