Dở khóc dở cười chuyện mix giọng ở gameshow thực tế

Dở khóc dở cười chuyện mix giọng ở gameshow thực tế

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
“Mô đi – phê” kịch bản, chỉnh sửa âm thanh, hình ảnh khi lên sóng, nhiều chương trình truyền hình đang tự đánh mất tính thực tế đáng ra phải được tuân thủ.

Gameshow thực tế luôn là con dao hai lưỡi đối với các nhà tổ chức. Hoặc nó sẽ mang lại những hiệu ứng tuyệt vời nếu bạn thành công với việc tạo ra sự tương tác với khán giả. Còn ngược lại thì kết quả sẽ là những khiên cưỡng, càng sửa lại càng sai.

Một thực tế đáng buồn cho các game show thực tế ở Việt Nam hiện nay, đó là sự dàn dựng kịch bản đang được lạm dụng thái quá. Thí sinh hát bài gì, nói câu gì để giao lưu với khán giả đều được các đạo diễn căn chỉnh từ trước. Ngoài ra, để hiệu ứng truyền hình đạt được hiệu quả tốt nhất, đạo diễn còn mix nhạc để giọng hát của thí sinh cao hơn hoặc thấp hơn cho phù hợp với bài hát. Tiếng vỗ tay lẹt đẹt của khán giả sẽ được thay bằng những tràng pháo tay giòn giã. Thêm một chút chỉnh sửa để cho vừa mắt và vừa tai là một chiến thuật tốt hay thực chất đó chỉ là một chiêu trò để đánh lừa khán giả?. Câu hỏi này cho đến nay vẫn là một tranh cãi lớn.

Xã hội - Dở khóc dở cười chuyện mix giọng ở gameshow thực tế

The Voice đang để lộ sự dàn dựng và chỉnh sửa thái quá

Khi công nghệ can thiệp sâu

Trong một lần trò chuyện cùng người viết, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh từng thốt lên: “The Voice lên sóng hay quá, hiệu ứng được đẩy lên gấp đôi so với thực tế”. Tò mò cộng với bệnh nghề nghiệp, tôi làm cuộc phỏng vấn với vị nhạc sĩ trẻ tuổi và vỡ lẽ ra những bài học đầu tiên về cái tạm gọi là thủ thuật lên sóng của các gameshow thực tế. Không ai có thể phủ nhận sức nóng của The Voice trong tập đầu phát sóng. Âm thanh tối tân, ánh sáng hoành tráng của game show The Voice phiên bản Việt đã mang lại cho khán giả những cảm giác “đã” nhất.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của Hồ Hoài Anh, hầu hết, giọng hát của các thí sinh đều đã có sự chỉnh sửa “để âm thanh vang hơn”. “Tất nhiên, The Voice đã tìm ra những chất giọng tốt, nhưng từ thực tế đến lúc lên hình, tất cả là một quá trình được “công nghệ hóa”.

Nụ cười hay nháy mắt cũng phải tập

Một lãnh đạo của bộ VHTT&DL tiết lộ: “Tôi đi duyệt chương trình thường gặp những chuyện dở khóc dở cười với các ca sĩ hát nhép và ông bầu. Với những giọng ca không bao giờ biết hát live là gì?. Công thức của họ luôn là thu đĩa sẵn. Ông bầu sẽ căn cho họ, hát đến đâu thì được khán giả vỗ tay. Chỗ nào thì nên dừng lại để giao lưu. Lên sẵn kịch bản như thế cho nên đến cả nụ cười hay cái nháy mắt của ca sĩ cũng đều là những thứ được tập dượt kĩ càng từ trước”.

Còn nhớ, khi Cuộc thi thần tượng Việt Nam (Vietnam Idol) phát sóng những tập đầu tiên, công chúng Việt Nam đã trở nên điên đảo như thế nào. Có lẽ, trước đó, gần như chưa có một game show nào có hiệu ứng mạnh mẽ đến thế về âm thanh, ánh sáng. Dù Idol được ghi hình chỉ trong một không gian rất nhỏ hẹp với lượng khán giả mấy chục người.

Theo phân tích của một chuyên gia về đạo diễn hình ảnh trên sân khấu, sở dĩ Idol đạt được hiệu ứng mạnh mẽ là do cách phối hợp ánh sáng, âm thanh khi phát sóng. “Idol không có những buổi phát sóng trực tiếp như Sao Mai Điểm Hẹn. Vì phát sóng trực tiếp, cả ekíp phải chuẩn bị rất nhiều thứ, để thành công không hề dễ. Tuy nhiên, với những buổi phát sóng gián tiếp, chương trình này vẫn tạo được những hiệu ứng mạng mẽ nhờ cách “mix”, hợp lý về âm thanh, hình ảnh, ánh sáng”, một chuyên gia sân khấu nhìn nhận.

Đối với gameshow tính giải trí là hàng đầu. Vì vậy số đông khán giả cho rằng “việc ban tổ chức chỉnh sửa để chương trình hay hơn” là điều nên làm. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra cầu kì hơn khi cho rằng game show hay bất cứ chương trình nào, tính chân thực vẫn phải được đảm bảo.

Một thí sinh tham gia vòng thi giấu mặt của game show The Voice chia sẻ, cô đã rất bất ngờ về giọng hát của mình khi lên sóng lại hay vậy. “Tất nhiên, giọng của mình thì bản thân mình không thể nhầm được. Không ít bạn bè gọi điện chúc mừng nhưng cũng không quên đặt nghi vấn về chất giọng của mình trên tivi”, thí sinh này cho biết.

Ca sĩ Hoài Nam, người có mặt trong nhiều chương trình truyền hình cho biết, trong một số chương trình, giọng hát của các ca sĩ đã được mô-đi-phê khi lên sóng. Nam ca sĩ này bày tỏ: “Tất nhiên, sự hài lòng của khán giả là niềm hạnh phúc của mỗi nghệ sĩ. Tuy nhiên, không phải ai cũng vui khi giọng của mình được mix thái quá trên truyền hình. Đối với mình, hát như thế là ổn, là vừa vặn với bản thân, nhưng đôi khi, sự tùy ý thay đổi của nhà đài đã làm cánh ca sĩ chúng tôi hụt hẫng. Ai có thể khẳng định rằng cách mix của họ sẽ khiến giọng hát chúng tôi hay hơn?”.

Thủ thuật dàn dựng không chỉ được áp dụng với thí sinh, đạo diễn game show còn bị “tố” ép người nhà nói theo kịch bản của mình. Câu chuyện này đã từng khiến ban tổ chức Vietnam’s got talent dở khóc dở cười với trường hợp của cô bé Quỳnh Anh, 15 tuổi, đến từ TPHCM. Nếu không có những lời tố cáo của mẹ thí sinh Quỳnh Anh, thì câu chuyện dàn dựng kịch bản đến từng milimét của game show này khó có thể bị “vạch mặt” rõ ràng đến vậy.

Có quá nhiều áp lực?

Nguyễn Mạnh Cường, nhà thiết kế nổi tiếng, một trong ba vị giám khảo nổi tiếng của Vietnam’s Next top Model 2012 nhận định: “Làm truyền hình thực tế ở Việt Nam là con dao hai lưỡi. Ở đây, mọi sự thật sẽ được phơi bày. Chẳng hạn như trong Vietnam’s next top Model, khán giả chưa quen với việc thí sinh ở chung nhà, đố kị nhau, mít ướt … nên bị sốc với những phát ngôn và phản ứng gay gắt với những tính xấu của họ. Nhưng thật ra, đó là những lát cắt phổ biến trong cuộc sống mỗi chúng ta, không thể đòi họ phải thân thiện, phải hoàn hảo vì bản thân chúng ta cũng có ai hoàn hảo đâu.

Thói quen của khán giả Việt Nam là khi xem chương trình văn hóa nghệ thuật chỉ muốn nhìn thấy những gì long lanh nhất, hiền hòa nhất. Tôi nghĩ mọi người nên đón nhận truyền hình thực tế với một tâm lý thoải mái và nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những tranh cãi trái chiều lại là một yếu tố sống còn tạo nên tính hấp dẫn cho một show thực tế. Làm truyền hình thực tế khó hơn truyền hình truyền thông thường rất nhiều. Trước khi lên sóng, Ban tổ chức sẽ phải chịu rất nhiều áp lực, từ áp lực chạy chương trình, lên sóng rồi dư luận.

Chương trình không hay, hiệu quả về âm thanh, ánh sáng không tốt thì khán giả sẽ chê ngay và tẩy chay sau đó. Vì vậy, việc chỉnh sửa để làm vừa lòng thượng đế là điều nên làm. Tất nhiên, hệ quả của việc chỉnh sửa sẽ là những bàn tán không bao giờ đi đến hồi kết. Aáp lực là điều không thể tránh khỏi đối với ban tổ chức mỗi một game show. Nhưng cũng nhờ áp lực đó mà một thí sinh đăng quang từ những chương trình truyền hình thực tế luôn có một sự đổi đời rất ngoạn mục”.

Có thể nói, sự xuất hiện ồ ạt của những Idol, The Voice, Vietnam’s got talent, Vietnam’s next top model… trong những năm gần đây đã báo hiệu trước về một thời đại game show đang sắp sửa bùng nổ. Dư luận luôn mong chờ và đón nhận những sự mới mẻ, sáng tạo, độc đáo nhưng không vì thế mà mất đi sự chân thực. Hơn bao giờ hết, những khán giả thông minh luôn muốn đồng hành cùng các nghệ sĩ để đi đến tận cùng mọi cảm xúc thú vị do chương trình mang lại. Điều đó chỉ có thể làm được khi nhà tổ chức luôn tuân thủ giá trị chân thật.

Bích Đào - Lạc Thành

"Bí ẩn y khoa" và "khoảnh khắc bàng hoàng" của chính bạn

Bạn muốn biết những chuyện gì đang xảy ra với sức khỏe của chính bạn? Có những căn bệnh nào mà y khoa thế giới chưa từng ghi nhận và "bó tay"? Có những khoảnh khắc mà sau đó, số phận bạn rẽ sang một hướng hoàn toàn khác?

Nếu là thuê bao di động của Viettel, hãy nhắn tin theo cú pháp: DK YK gửi 9222 hoặc DK KK gửi 9222 để được trải nghiệm hàng ngày.


Tag: Viettel