Độ xe cổ - mê rồi khó tỉnh

Độ xe cổ - mê rồi khó tỉnh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Ngay khi mới du nhập vào miền Nam nước ta từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, chiếc Benly 50cm3 với tên goi dân dã là Honda 67 lập tức chiếm được cảm tình của những "tay chơi" đất Sài thành và các vùng lân cận.

Thuở hoàng kim ở miền Nam, Honda 67 được tôn vinh với những tên gọi mỹ miều như: Cánh én trong thành phố, Thiên thần đen…

Ngày ấy, nói đến Honda 67, người ta thường liên tưởng ngay đến những giai thoại oai hùng của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn (trước 1975), hay chiến sĩ trong đội SBC (sau 1975).

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, bây giờ tỉnh thoảng những người ưa hoài niệm vẫn có thể nhìn thấy những chiếc xe "vang bóng một thời" này với "chiếc áo mới" lạ lẫm sánh cùng xe tay ga Piaggio, SH bóng lộn có giá hàng trăm triệu đồng ngay trên đường phố Thủ đô...

Honda Little Cub14

Hồi sinh dòng xe cổ

Vẫn là chiếc Honda 67 nhưng trông lạ và sang quá khi được khoác lớp áo sơn ngoài màu kem sữa. Chiếc Cub cánh én tay vểnh, màu xanh truyền thống đã thay bằng màu cam sáng bóng, tay lái dài hơn. Trên sườn, pô xe lại nổi lên một "kỳ" inox sáng loáng, lởm chởm như kỳ của khủng long bạo chúa trong phim "Công viên Kỷ Jura". Đằng sau chiếc yên xe có chữ Lamour to, nhỏ khác nhau được làm khá công phu.

Anh Tùng, chủ nhân của chiếc xe cổ quái trên tự hào: "Mất hai tháng để tìm tòi tra cứu, tham khảo, rồi làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần mới thiết kế ra chiếc xe này đấy". Anh Tùng còn có một chiếc FX màu đỏ chói với khung xe độ từ những ống nước và được đặt tên là "anh hùng xa lộ".

Những người không rành về xe, mới nhìn chiếc xe của anh Hảo dễ lầm tưởng đó là một chiếc mô tô loại xịn. Anh Hảo mua chiếc xe Honda 67 chỉ 1,1 triệu, nhưng bỏ thêm đến 20 triệu để "độ" lại toàn bộ. Chỉ giữ lại lốc máy, bộ phuộc, còn lại anh thuê thợ "gò", "độ" theo kiểu dáng của xe mô tô.

Hỏi giống "phiên bản" của loại nào, BMW hay Harley Davidson thì anh Hảo lắc đầu: "Thật tình, tôi cũng không biết nó thuộc cái giống gì nữa vì tự biên tự diễn mà, đâu có đụng hàng với ai. Tháng trước, khi đi ngoài đường, có người theo hỏi, tôi nói ào 25 triệu. Tưởng đùa, ai ngờ anh này cứ bám theo đòi mua bằng được".

Honda 67, Dame, Cub 79, 81 kim vàng giọt lệ đã từng là biểu tượng của sự giàu có thời những năm 70, 80 của thế kỷ trước nhưng rồi những Dream Thái, Wave, các dòng xe tay ga hiện đại trị giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng đã dần thay thế.

Nhưng, cũng giống như Vespa, dòng xe này đang được "hồi sinh". Anh Hùng, người đang sở hữu một chiếc Honda 67 cũ, phân tích: "Nói là xe cổ như Vespa thì không đúng, nên tạm gọi nó là xe độ vậy. Hầu hết là những dòng Honda 67, FX, Dame, rồi Cub cánh én, Cub đời 78, 80, 81. Tuy cũ nhưng máy móc cũng còn tạm ổn, lại lợi xăng, dễ sửa chữa, chứ không đỏng đảnh, khó chiều như cô nàng Vespa".

CLB Honda 67 Hà Nội được thành lập vào tháng 12/2006, ban đầu chỉ vỏn vẹn 6 thành viên. Nhưng đến nay số người tham gia CLB đã lên đến hơn 30 người, cả nam lẫn nữ và đa số họ còn rất trẻ. Điểm chung nhất của những con người này đó là niềm đam mê xe máy cổ và yêu thích những câu chuyện lịch sử xung quanh chiếc xe này.

Vào những ngày cuối tuần, tại quán cafe có cái tên khá lạ "NoK" trên phố Lạc Long Quân, Hà Nội luôn tấp nập, bởi đây chính là nơi tụ họp của các thành viên CLB Honda 67 Hà Nội và những người bạn của họ. Không gian quán cũng được trang trí theo phong cách Honda 67, với những hình ảnh, phụ tùng của chiếc xe được treo khắp quán ở bất cứ vị trí nào.

Trót mê thì khó "tỉnh"

Nếu như dòng Dame, Cub 79, 80, 81 hoặc cánh én chỉ có độ theo một mô tuýp: Kéo dài bửng, kéo dài tay lái, đồng thời đưa gáo đèn dài ra, thay đổi màu sơn xe cho bắt mắt thì dòng Honda 67, Honda CD hoặc FX lại có thể độ ra nhiều kiểu độc, không đụng hàng.

Trước đây, loại xe này được bán rất rẻ, chỉ từ 1-1,2 triệu đồng/chiếc. Song kể từ ngày phong trào chơi xe rộ lên thì giá tăng thêm 500 ngàn- 1 triệu đồng/chiếc. Tuy vậy, tiền mua xe chỉ tốn một thì tiền "độ" xe phải gấp từ 5 đến 8 lần, thậm chí cả chục lần.

Tâm lý của người chơi đều muốn xe mình thuộc diện độc nhất vô nhị nên rất chịu khó tìm tòi, tham khảo trên mạng hoặc tham khảo nhiều ý kiến của thợ. Đặt thợ làm, không ưng ý thì bỏ, làm lại. Dân chơi xe Hà Nội vẫn tự hào: "Nói về tay nghề thì Sài Gòn là đỉnh cao, nhưng về kiểu cách độ thì có lẽ Hà Nội là số một vì chịu khó tìm tòi, suy nghĩ "đì- zai" ra những kiểu khác lạ".

Chẳng hạn như chiếc Honda 67 của anh Hảo, từ một xác xe chuẩn bị vào hàng phế liệu, nhưng với kiểu "chịu chơi", "chịu chi" của anh và qua bàn tay "biến hóa" của rất nhiều thợ mới "nên vóc nên hình".

Anh cho biết: Mất bốn tháng để lên "bộ khung", hai tháng nữa để qua tay các thợ máy, thợ nhựa, thợ sơn, thợ xi... và trang trí dàn ngoài mới hoàn chỉnh nên chiếc xe 67 độ đẹp nhất nhì Hà Nội hiện nay - như lời giới chơi xe nhận xét.

Anh Cảnh - một thợ "độ" xe cho biết: "Làm dàn đồng xe độ, khó nhất là làm phải ra được kiểu xe phù hợp với sở thích của người chơi. Có người, xe lên rồi, không ưng ý lại dỡ ra làm lại từ đầu. Hoặc chỉ một chi tiết nào đó cũng phải làm đi làm lại đến ba bốn lần". Rồi anh chặc lưỡi, chỉ tay vào ba chiếc xe 67, FX và Citi đang chờ lên dàn đồng, thở ra: "Đã trót mê xe rồi thì khó tỉnh lắm, làm thợ như tôi cũng phải say theo".

Anh Dũng - một thợ sửa xe máy chuyên nghiệp, cho biết thêm: Khách yêu cầu nhiều sửa những loại xe kiểu này rất nhiều nhưng anh không dám nhận, vì thời gian làm xe phải từ 1 đến 3 tháng mới xong. "Đã chơi xe độ thì phải lai, nhưng chỉ khoảng 30% ở một số chi tiết nhỏ, để khi nhìn vào người ta nhận diện được chiếc xe thuộc dòng nào" - anh Dũng bày tỏ ý kiến.

Phần đông người chơi Honda 67 vẫn thích giữ nguyên phiên bản hơn. Thế nhưng để kiếm được chiếc xe zin (chất lượng còn 80-90%, nước sơn, máy móc chưa bị thay thế) hầu như không có. Phần đông, đều là xe đã nát (đã qua sửa chữa, thay thế phụ tùng nhiều). Thường thì chỉ những vùng sâu, vùng xa thì may ra mới còn những chiếc nòi rin như thế, nhưng hầu hết đều dính dáng đến tai nạn. Người nhà để lại thờ luôn với người đã mất, trả giá cao mấy họ cũng không bán.

Dân chơi xe vẫn kháo nhau về trường hợp khá ly kỳ về chiếc 67 ở Hà Tây. Người cha mua cho con chiếc xe 67 nhưng trong lần thử xe đầu tiên chạy từ trong nhà ra ngõ, người con trai bị tai nạn, chết luôn tại chỗ. Từ đó, người cha đắp chiếu chiếc xe để ngay cạnh bàn thờ của con.

Vừa chơi vừa ru

Honda 67 là "con đẻ" của ông Soichiro Honda (1906 - 1992), một kỹ sư nổi tiếng người Nhật Bản. Sau khi nước Nhật khủng hoảng kinh tế do thua trận sau chiến tranh thế giới thứ 2, người ta đi lại bằng xe máy thay cho ôtô.

Cũng chính do khủng hoảng năng lượng, giá xăng dầu tăng cao nên Honda đã cho sản xuất hàng loạt 2 loại xe 50cm3 là Super Cup 50cm3 dành cho nữ giới và Honda 67 dành cho nam giới.

Tên chính xác của Honda 67 là Benly 50cm3. Honda 67 có mặt tại Việt Nam từ thời trươc 1975, Hai dòng xe 67 chủ yếu thời đó là SS 50 (sản xuất năm 1967) và SS 50E (sản xuất năm 1971).

Không biết khi nào thì bị lực lượng cảnh sát giao thông "hỏi thăm" - là tâm trạng phập phồng của những người trót đam mê dòng xe độ. Bởi xe độ theo tùy hứng của chủ nhân nên không còn giống khuôn mẫu của xe cũ. Ngoài ra, xe Honda 67 từ 49CC khi độ lại đều được xoáy nòng, đôn dên lên từ 72 CC đến trên 100CC. Bao nhiêu đó cũng đủ để bị phạt ớn rồi, thậm chí còn bị tịch thu xe nữa.

"Tuy nhiên, nếu xe vẫn giữ theo như phiên bản cũ, chỉ sửa sang một chút bên ngoài thì không hề hấn gì" - anh Phú nói chắc. Dịp Tết Nguyên đán Tân Mão vừa qua, anh Phú đã chạy chiếc Honda CD mới độ chế của mình từ Hà Nội lên Thái Nguyên để tham dự buổi gặp những người cùng chung sở thích.

Dọc đường, cảnh sát giao thông hỏi thăm. Sau khi kiểm tra thử còi, đèn... kỹ lưỡng, thấy không có gì khác biệt nhiều so với xe chính thống, cảnh sát đã cho qua. Trước khi đi, họ còn khen: "Xe lên đẹp đó chứ" khiến anh... phổng mũi. Chiếc Honda CD đời 81 của anh Phú, đuôi sau kéo dài thêm 8cm, đèn trước kéo dài thêm 4cm, tay đông từ 65cm kéo dài thành 75. Mua xe 3 triệu, anh Phú "gia cố" thêm 10 triệu nữa.

Mới hôm trước, ghé qua "NoK" nghe anh em trong CLB lo lắng khi phong phanh: Sắp tới có chủ trương thu hồi những chiếc xe độ không đúng quy cách(?). Thế nhưng một số thành viên khác lại tự tin: "Mình đi xe đúng luật, chậm rãi đàng hoàng thì ai mà nỡ hỏi. Có chăng là bọn thanh niên trẻ tuổi, vịn vào cớ đó để tụ tập kéo bè kéo cánh quậy phá phố phường. Bởi thế, dẫu có nhiều người xin vào hội, nhưng bọn tôi cũng rất cân nhắc, xem tính cách người ta như thế nào".

Nguyễn Ngọc Gia Bảo