Doanh nghiệp bưu chính bị nghi tiếp tay chở hàng lậu

Doanh nghiệp bưu chính bị nghi tiếp tay chở hàng lậu

Thứ 6, 11/01/2013 | 09:27
0
Vì áp lực cạnh tranh, sợ mất khách hàng, một số bưu cục chấp nhận hàng hóa dễ dàng, bỏ qua một số quy định về yêu cầu xuất trình hóa đơn, chứng từ của khách gửi. Điều này gây ra rủi ro cho chính doanh nghiệp bưu chính.

Trước tình hình xe bưu chính bị lực lượng chức năng dừng để kiểm tra hàng hóa dọc đường vận chuyển gia tăng, Nhiều ý kiến đã đặt câu hỏi có hay không chuyện các doanh nghiệp bưu chính tiếp tay chở hàng lậu? Lãnh đạo các doanh nghiệp bưu chính được hỏi đều tỏ ra ngần ngại khi trả lời câu hỏi này.

Công nghệ - Doanh nghiệp bưu chính bị nghi tiếp tay chở hàng lậu (Ảnh minh họa)

Thực tế, trong quy trình chấp nhận dịch vụ bưu chính, các doanh nghiệp đều yêu cầu bưu cục chấp nhận phải yêu cầu khách hàng kiểm tra nội dung hàng hóa, xuất trình hóa đơn, chứng từ hợp lệ đối với hàng hóa. Đồng thời, chứng từ này phải được cho vào phong bì, gửi kèm bưu phẩm, bưu kiện, ngoài phong bì ghi chú "chứng từ hàng hóa". Còn đối với chứng từ dùng để gửi nhiều gói bưu phẩm, bưu kiện cần ghi chú trên phong bì "chứng từ bưu phẩm, bưu kiện từ số xx đến số yy"...

Tuy nhiên, hiện nay do dịch vụ bưu chính đang có cạnh tranh khá mạnh, các doanh nghiệp bưu chính đều chịu áp lực lớn về doanh thu, nên có một số trường hợp họ chấp nhận hàng hóa một cách dễ dàng, bỏ qua một số công đoạn ban đầu.

Ví dụ, ngày 7/9/2012, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Hải Dương đã kiểm tra xe ô tô bưu chính 29Y-7815 của Trung tâm Khai thác Vận chuyển (Bưu điện Hà Nội) đang vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện trên tuyến Hải Phòng về Hà Nội. Công an đã thu giữ  67 kiện hàng bưu chính ủy thác do Bưu điện Hải Phòng nhận của khách hàng. Do nghi ngờ là hàng lậu, phía bưu điện lại không xuất trình được chứng từ hàng hóa của khách hàng, công an đã yêu cầu mời chủ hàng đến giải quyết trực tiếp mà không chấp nhận người của Bưu điện thay mặt xử lý. Cho đến gần 1 tháng sau, ngày 5/10/2012, Bưu điện Hải Phòng đã phải mời chủ các lô hàng này đến trực tiếp làm việc với công an thì Trung tâm Khai thác Vận chuyển mới được trả lại đăng ký xe và bằng của lái xe.

Ông Nguyễn Đức Thế - tổng giám đốc Netco chia sẻ, doanh nghiệp bưu chính chỉ làm vận chuyển nên cũng rất mong muốn khách hàng cung cấp đầy đủ chứng từ để việc vận chuyển được thuận lợi. Nhưng không phải khách hàng nào cũng đáp ứng đủ các yêu cầu về chứng từ hàng hóa, nhất là đối với hàng nhập khẩu. Mà nếu doanh nghiệp này từ chối nhận thì sẽ có doanh nghiệp khác nhận ngay và mình sẽ mất khách hàng đó. Đó là lý do khiến nhiều doanh nghiệp dù biết là hàng thiếu chứng từ vẫn nhận chở.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga – phó giám đốc Trung tâm Khai thác Vận chuyển (Bưu điện Hà Nội) cũng cho rằng, áp lực về doanh thu, sợ khách hàng chuyển qua dùng dịch vụ của doanh nghiệp khác, khiến các bưu điện tỉnh dễ dàng hơn với khách hàng. Và khi có sự cố bưu điện phải chấp nhận rủi ro.

Ông Nguyễn Đức Thế cho biết thêm, nhiều lô hàng lớn được nhập về cảng nhưng khách hàng lại muốn chuyển đi mấy tỉnh, theo các hướng khác nhau mà chỉ có 1 hóa đơn gốc. Cơ quan quản lý khi kiểm tra không chấp nhận hóa đơn sao y bản chính, vì vậy nhiều trường hợp khi bị kiểm tra đúng xe chở hàng không kèm hóa đơn lại phải đợi khách hàng mang hóa đơn gốc đến xuất trình. Mà khi doanh nghiệp mang chứng từ đến làm việc phải đợi rất lâu mới được cơ quan thu giữ giải quyết, thậm chí có vụ việc cả tháng trời còn chưa được tiếp.

Đại diện của Bưu chính Viettel (ViettelPost) cũng cho biết, hầu hết các lô hàng lớn đều có chứng từ đi kèm, có trường hợp cá biệt mà khách hàng không gửi kèm chứng từ thì khi bị kiểm tra ViettelPost sẽ báo khách hàng đến làm việc trực tiếp. Tuy nhiên rất nhiều trường hợp các kiện hàng đi trên nhiều chuyến xe khác nhau nhưng chỉ có một hóa đơn, vì thế nếu bị kiểm tra đúng xe không giữ hóa đơn thì hành trình sẽ bị chậm lại vì phải đợi khách hàng mang hóa đơn đến xuất trình.

Việc này vừa làm chậm thời gian toàn trình vừa tăng thêm chi phí, vì khi tháo dỡ hàng hóa để kiểm tra, tiền công thuê bốc xếp thường do doanh nghiệp vận chuyển tự chịu làm tăng chi phí đáng kể. Đó là chưa kể đến việc khách hàng thường kêu ca vì bị chậm thời gian.

Ông Nguyễn Đức Thế cho rằng, việc giao thương hàng hóa ngày càng tăng, vì vậy cần có quy định linh hoạt hơn trong kiểm tra hàng hóa trên đường vận chuyển. Ví dụ, chấp nhận hồ sơ hàng hóa sao y, hoặc khi khách hàng bổ xung chứng từ thì cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải phóng hàng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển phát nhanh.

Theo ICTnews

Chuyển quyền quản lý Tổng công ty Bưu chính sang Bộ TT&TT

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam sẽ được đổi tên thành Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và chuyển quyền quản lý đối với tổng công ty này sang Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bưu điện nhận tiền đền bù trụ sở gửi ngân hàng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Khi nhận tiền đền bù công sở bị giải thể làm dự án, Bưu điện huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã gửi ngân hàng để kiếm lời.