Doanh nhân y dược và ông bầu bóng đá xứ Thanh

Doanh nhân y dược và ông bầu bóng đá xứ Thanh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Trong làng bóng đá xứ Thanh, ông bầu mới lên Nguyễn Văn Đệ không phải là cái tên quen thuộc nhưng bằng sự mong mỏi đóng góp cho quê nghèo, nơi đã giúp ông thành danh trên con đường y dược, ông đã dành không ít tiền bạc cho môn thể thao vua này.

Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ sinh năm 1953 trong một gia đình nghèo, đông anh em tại xã Hải Lĩnh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Thời niên thiếu, ông hiếu động, sớm bộc lộ tư chất và nhạy bén với cái mới. Năm 18 tuổi, khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc dữ dội, ông xung phong vào dân quân, quân chủ lực của huyện đội Tĩnh Gia.

Năm 20 tuổi, ông được tuyển vào làm công an phòng cháy, chữa cháy, cảnh sát bảo vệ. 28 tuổi ông là sỹ quan phòng hậu cần Công an Thanh Hóa. Môi trường quân đội và công an đã rèn luyện ông thành một con người có bản lĩnh.

Nhịp sống - Doanh nhân y dược và ông bầu bóng đá xứ ThanhDoanh nhân Nguyễn Văn Đệ (phải), tân chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa

Thời gian ông công tác ở phòng hậu cần cũng là lúc nước ta bước vào thời kỳ đổi mới. Ngành công an cũng như các ngành khác vừa trải qua hậu quả chiến tranh và nếp sống bao cấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Ông là một trong những người được cử đi nhiều nơi để học hỏi, thực thi nhiệm vụ nhằm cải thiện đời sống cho đơn vị.

Thời gian này, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc làm kinh tế. Năm 1992, nghỉ chế độ hưu trí, ông lại dành nhiều thời gian và công sức đi đến mọi miền đất nước để học hỏi mô hình mới. Năm 1996 ông thành lập HTX Vận tải Hợp lực, được xã viên bầu làm chủ nhiệm.

Thời gian đầu, HTX hoạt động gặp nhiều khó khăn do sự o ép, cơ chế xin cho của bối cảnh xã hội lúc đó còn nặng nề, ông đã kiên định tìm cách tháo gỡ, chèo lái HTX vượt qua khó khăn. Phải đến 4 năm sau, HTX làm ăn mới có hiệu quả, có của ăn, của để.

Từ khách sạn thành bệnh viện 400 giường

Năm 2003, ông lại tiếp tục mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khách sạn, nhưng đầu năm 2004 khi khách sạn mới xây dựng được 3 tầng thô, thì cũng là thời điểm mà trong cả nước hưởng ứng chủ trương xã hội hóa công tác y tế của Đảng và Chính phủ, một số bệnh viện tư nhân nhất là ở các tỉnh phía Nam đã ra đời, là người nhạy bén, ông đã bàn với tập thể xin chuyển mục đích sử dụng đất từ dự án khách sạn thành bệnh viện.

Ông lao vào giải quyết những khó khăn mới, đặc biệt là thuyết phục lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng. Trong cuộc họp do UBND tỉnh bàn về vấn đề này hồi đầu tháng 5/2004, nhiều ý kiến đã không tán thành vấn đề này. Nhưng rồi mọi cố gắng nỗ lực của ông cũng được đền đáp. Ngày 7/5/2004, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị với Bộ Y tế và chỉ một tuần sau ngày 14/5, Bộ Y tế đã đồng ý cho Thanh Hóa xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hợp lực với quy mô 100 giường bệnh.

Đây là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông, nhưng cũng biết bao khó khăn chờ đợi, bởi với ông đây là công việc trái ngành nghề. Nhưng lại một lần nữa bản lĩnh đã giúp ông chiến thắng.

Chỉ sau 1 năm, kể từ khi dự án triển khai, đoàn cán bộ Bộ Y tế về thẩm định đánh giá Bệnh viện Đa khoa Hợp lực như là bản sao của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Từ 100 giường bệnh khi thành lập, sau 6 năm hoạt động, bệnh viện đã có quy mô 400 giường. Từ chỗ chỉ có 3.000 m2 mặt sàn nay diện tích này đã nâng lên tới 30.000m2. Buổi ban đầu có 100 nhân viên nay đã trên 500 người với các máy móc tương đối hiện đại.

Trình độ chuyên môn của y bác sỹ ngày một nâng cao, chất lượng khám chữa bệnh ngày một phát triển. Nhiều bệnh hiểm nghèo, nhiều phẫu thuật lớn đã được thực hiện thành công mỹ mãn, được người bệnh trong tỉnh, ngoài tỉnh tin cậy.

Do đó, 3 năm liền bệnh viện được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện xuất sắc toàn diện. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tỉnh đã đến gặp ông để học hỏi kinh nghiệm và bản thân ông đã nhiều lần đến một số nơi để giúp đỡ các bệnh viện đó sớm ra đời.

Không dừng lại ở việc cũng cố phát triển HTX vận tải, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô bệnh viện, ông lại đầu tư mở Trường trung cấp Y - Dược, Công ty Dược - Vật tư thiết bị y tế Hợp lực, và hơn 1 năm nay ông lại đảm nhiệm chức chủ tịch HĐQT, chủ tịch CLB Bóng đá Thanh Hóa. Trước đó, ông đã được tín nhiệm bầu vào chức danh chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa.

Có thể nói, ở lĩnh vực nào ông cũng thành công, chính vì thế ông đã vinh dự đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc, doanh nhân tiêu biểu của cả nước, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Mặc dù đảm nhiệm nhiều công việc xã hội, song ông vẫn dành thời gian, tình cảm, tiền của, thăm hỏi, tặng quà trao nhà tình nghĩa, tổ chức khám bệnh miễn phí, giảm, miễn viện phí cho những người khó khăn, gia đình chính sách.

Để kết thúc bài viết về ông, tôi xin chép lại mấy vần thơ mà bạn tôi viết tặng ông:
"Xứ Thanh xuất hiện một doanh nhân/Tuổi trẻ vươn tài cao, đẹp bội phần/Hợp Lực luôn luôn mang chữ tín/Chữa bệnh cứu người tính độ nhân/Con người vốn quý, do chăm sóc/Khoa học kho giàu, chuộng cách tân/Ai về xứ Thanh đừng lỡ dịp/Ghé thăm Hợp Lực một niềm tin".

Nguyễn Anh Phan
(Cố vấn, nguyên phó giám đốc thường trực Bệnh viện Đa khoa Hợp lực)