Độc đáo món ăn quê nơi phồn hoa đô thị

Độc đáo món ăn quê nơi phồn hoa đô thị

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Cơm nắm, muối vừng món ăn chân quê, chất phác giờ không chỉ có sau lũy tre làng mà nó đang tìm đường ra thành thị.

Người Hà Nội từ lâu đã rất quen thuộc với những tiếng rao cơm nắm muối vừng. Nhưng ít ai biết rằng chỉ cách Hà Nội không xa, có một nơi làm nên thứ quà quê ngon và tinh tế này. Nơi đó là xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Món quà dân dã

Cơm nắm, muối vừng món quà giản dị mang đầy ý nghĩa. Nó được làm từ những sản phẩm của nền nông nghiệp lâu đời, và dần dần trở thành món ăn quen thuộc như hơi thở, như cuộc sống của người dân đất Việt. Vậy mà có một thời gian, người ta ít quan tâm tới món ăn này bởi nhiều lý do khác nhau. Nhưng có lẽ, nguyên nhân sâu xa hơn cả là người ta choáng ngợp trước những món ăn mới lạ mà quên đi cơm nắm muối vừng.

Rồi bất ngờ, cơm nắm muối vừng trở lại, nó mang phong vị mới mà vẫn giữ được cái chất quê truyền thống. Lạ thay, không hiểu vì sự quyến rũ mạnh mẽ gì mà người ta lại tìm về với cơm nắm muối vừng?

Bà Nguyễn Thị Khuê (xóm Ngọc- xã Lạc Đạo) cho biết: "Cơm nắm giờ phải đạt được chất lượng cao. Cẩn thận từ cỡ nước, cỡ gạo, cỡ lửa, gạo vo phải thật kỹ. Nhìn chung là cần tỉ mỉ từng khâu. Nếu ẩu khâu nào thì không thể che được. Bởi lẽ, nắm cơm trắng, dẻo, thơm được bày ra trước mắt những thực khách sành ăn. Làm muối vừng để chấm với cơm nắm cũng đòi hỏi phải có sự chú tâm, quá lửa chút thôi sẽ có mùi khét. Do vậy bắc chảo lên bếp, để chảo khô rồi cho vừng vào đảo đều tay, đến khi có mùi thơm là được, rang thêm chút lạc giã lẫn vừng để có được thứ muối vừng vừa thơm, vừa bùi".

Theo chị Loan (con dâu bà Khuê) thì món ăn càng đơn giản thì càng phải làm kỹ và ngon để có được lượng khách bền. Như vậy người ta mới nhớ tới mình, giữ tiếng khó lắm, chị nói: "Có những đợt khách đặt nhiều, vợ chồng tôi không kham nổi nên phải từ chối. Vì nhận nhiều về làm vội làm vàng dẫn đến kém chất lượng thì lại mất khách".

Chị Trần Thị Hương, dân Lạc Đạo thường bán cơm nắm dạo 3 năm nay ở phố Hàng Gai vui vẻ kể: "Một ngày tôi bán được khoảng 30 nắm cơm, kèm với nem chua, bánh dày giò. Mỗi nắm giá 5.000 đồng. Một số khách du lịch nước ngoài có vẻ khoái món này. Họ khen đây là món ăn ngon mà lạ. Tuần trước, một người Anh đã hỏi tôi về cách làm cơm nắm muối vừng, tôi đã dạy bà ta và thằng bé bán đồ lưu niệm đã phiên dịch giúp. Bà ấy cám ơn tôi và nói khi nào về nước chắc chắn sẽ tự làm món này".

Nghề... lấy công làm lãi

Cái nghề làm cơm nắm muối vừng ở Lạc Đạo được nhiều người biết đến là nhờ công của những người phụ nữ đảm đang trong làng. Cái khó ló cái khôn. Cuộc sống thường nhật chỉ nhìn vào ruộng đồng thì không thể đủ sống được. Lạc Đạo chỉ cách Hà Nội khoảng 20 km, nên nhiều người đã ra Hà Nội kiếm việc làm. Rồi một vài chị đã nghĩ ra việc làm cơm nắm đi bán rong trên phố, họ cần mẫn đi rao bán trong các ngõ ngách, và qua các công sở...

"Thời gian đầu lãi ít lỗ nhiều do người ta chưa quen ăn, với lại chúng tôi nắm cơm chưa được chất lượng vì ít kinh nghiệm. Nhưng chị em cứ kiên trì một năm, hai năm..., giờ bước sang năm thứ 7 cơm nắm muối vừng của Lạc Đạo đã đáp ứng được khẩu vị của những người không dễ tính ở Hà Nội" - Chị Loan cho biết thêm.

Chị Loan là một trong những người đầu tiên ra Hà Nội với mẹt cơm nắm đi khắp phố phường. Được biết, chị Loan là người nắm cơm khéo và ngon nhất ở đất Lạc Đạo. Tính trung bình, không kể khi có khách đặt hàng, mỗi ngày chị nấu khoảng 40 kg gạo, được từ 700-800 nắm cơm. Tiếng lành đồn xa, ngay người trong làng cũng đến với chị ngày một đông. Việc nấu cơm tưởng có thể nhắm mắt cũng làm được. Vậy mà lại không đơn giản chút nào.

Chị Loan nói: "Để cơm nắm đạt được chất lượng như ngày hôm nay phải thất bại dài dài. Lúc đầu, khi thì cơm cứng quá, khi thì nát quá, khi khê, khi non chín... bắc nồi cơm ra thấy không chuẩn, tức phát khóc ấy chứ. Tưởng chừng phải bỏ nghề".

Cơm nắm chỉ bán trong ngày, đến hôm sau là hỏng. Do đó thời gian nắm đòi hỏi sự liên tục. Chị Loan cùng chồng ngày nào cũng như ngày nào ngồi cần mẫn từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Khi gần 1.000 gói cơm nắm được giao hết, lúc đó họ mới được nghỉ ngơi. Cái nghề này cũng phụ thuộc vào thời tiết khá nhiều. Nếu trời mưa là hàng ế, bỏ đi vài trăm nắm là chuyện bình thường.

Chị Loan nói: "Vất vả như vậy nhưng lãi không đáng kể đâu, có khi cái lãi chỉ là cháy cơm. Trông chờ vào mỗi đồng ruộng không thể đủ, còn các cháu học hành, chi tiêu hằng ngày nữa... Người nông dân chúng tôi ai cũng phải tìm cho mình một cái nghề để kiếm sống, dù biết đó là sự vất vả, khó nhọc".

Những nẻo đường cơm

4h sáng, con đường từ Lạc Đạo ra thị trấn Như Quỳnh đã đông già trẻ, gái trai, xe đạp, xe máy, ôtô... Những người bịt khẩu trang, xách làn, mẹt là dân bán cơm nắm ra Hà Nội. 5h sáng, tôi theo chân Thu, một "thương nhân" cơm nắm. Sau khi lấy giò chả, ruốc, bánh dày, 30 nắm cơm, muối vừng cùng mẹt, làn... chúng tôi đạp xe 4 cây số để ra bến xe buýt Như Quỳnh. Gửi xe đạp tại điểm chuyên giữ thuê cho người đi Hà Nội, Thu chìa tấm vé tháng và giúi vào tay anh soát vé 1.000đ, chị bảo: "Thành lệ rồi, vì mình mang nhiều làn túi...".

Chị kể ngày xưa, cơm nắm chỉ có bốn bà Đảo, Gấm, Quảng, Chiêm vừa nắm vừa bán cho lữ hành qua ga Lạc Đạo. Người làng theo đông dần. Họ mở thị trường đến ga Long Biên, Hàng Cỏ rồi Giáp Bát của Hà Nội.

Nay thì ngõ ngách nào của thủ đô cũng in dấu chân người bán cơm nắm. Thời bán ở ga Lạc Đạo, người ta đi bộ. Ra Hà Nội thì bà con đi ôtô. Cả xã có tới hai chục hộ bỏ tiền sắm xe tải nhỏ để đưa đón dân bán cơm nắm. Cứ sáng sớm mờ đất, hàng loạt xe đỗ ở cổng làng. Chị em kéo nhau từng đoàn với làn, túi, mẹt và xếp nhau ngồi kín thùng xe.

Xe trả khách ở hai điểm là trên phố Nguyễn Hữu Huân và Lò Sũ rồi các bác tài chạy đi tìm mối làm ăn khác. Đúng giờ hẹn, bác tài quay lại điểm cũ đón khách về quê. Đến Hà Nội, dân cơm nắm phân tán khắp nơi. Mỗi người, mỗi nhóm có những điểm, địa bàn riêng. Khách hàng chủ yếu là công nhân viên chức, du lịch, học sinh, sinh viên. Ngoài ra tháng nào Thu cũng bán vài ngàn nắm cho những cơ quan, tổ chức du lịch, dã ngoại.

Nguyễn Lê Vi Thủy