Ngôi làng nổi giữa hồ nước của bộ tộc chạy trốn kẻ thù

Ngôi làng nổi giữa hồ nước của bộ tộc chạy trốn kẻ thù

Thứ 4, 05/06/2013 | 11:42
0
Để tránh cuộc truy đuổi săn nô lệ của bộ tộc láng giềng, bộ tộc Tofinu chạy đến một hồ nước lớn và dựng nhà ở giữa hồ và những vị trí mực nước sâu nhất. Trải qua gần năm thế kỷ, cuộc sống của bộ tộc này vẫn bồng bềnh trên sóng nước với kiến trúc và vị trí ngôi nhà trên hồ rất độc đáo ở Tây Phi.

Cuộc chạy trốn kẻ thù

Nhìn từ trên cao xuống, ngôi làng Ganvie như vừa bị ngập trong một trận lũ lụt, nhưng thực ra đây là ngôi làng nổi trên mặt hồ duy nhất và hiếm có ở châu Phi. Ngôi làng ở giữa hồ nước Nokoue, gần thành phố Cotonou, nước cộng hòa Benin nhỏ bé và nằm ven biển thuộc Tây Phi.

Nhiều người ví ngôi làng Ganvie như thành phố sông nước "Vience" tươi đẹp và lãng mạn của châu Phi. Dân số của ngôi làng khoảng trên 30 nghìn người, tính đến nay ngôi làng đã gần 500 năm tuổi. Ngôi làng được đặt tên theo tiếng địa phương là "Ganvie" và có ý nghĩa đặc biệt liên quan đến lịch sử của bộ tộc "Chúng tôi đã sống sót" hay một số tư liệu đã chỉ ra: "Chúng tôi đã thấy hòa bình".

Đến nay, nhiều khách du lịch và những người lần đầu biết đến Ganvie tự hỏi làm sao mà họ sống trên mặt hồ mênh mông nước như vậy sau bao nhiêu năm mà không thay đổi vị trí, lên trên cạn sống. Nhưng ít ai biết rằng, lịch sử của ngôi làng Ganvie được xây dựng trên hồ nước có nguyên nhân từ việc chạy trốn kẻ thù, tránh các cuộc chiến đẫm máu, săn nô lệ giữa các bộ lạc với nhau.

Vào đầu thế kỷ thứ XVII, Dahomey là một vương quốc hùng mạnh nhất Tây Phi. Vương quốc này đã bắt tay với Bồ Đào Nha trong việc săn và bán nô lệ từ các tộc người nhỏ. Thực hiện kế hoạch, vương quốc Dahomey đã cho người bắt bộ tộc Fon làm nô lệ. Đổi lại để không phải làm nô lệ và bị bán đi nước ngoài, bộ tộc Fon phải làm tay sai chuyên đi  săn các bộ tộc khác làm nô lệ cho vương quốc Dahomey.

Cuộc chiến giữa bộ tộc Fon và bộ tộc láng giềng Tofinu vô cùng khốc liệt, cuối cùng để chạy trốn kẻ thù, tộc trưởng bộ tộc Tofinu đã cho xây dựng ngôi làng của mình giữa hồ nước Nokoue. Mỗi ngôi nhà được dựng cách mặt nước khoảng 2m, hệ thống cọc dày đặc được đóng chắc chắn bằng thân cây rừng chịu được điều kiện ngập nước.

Điều lạ kỳ, sau khi bộ tộc Tofinu dựng nhà trên hồ nước, bộ tộc Fon đã không thể tấn công vì lý do chưa bao giờ xuống nước và không biết bơi. Kể từ đó bộ tộc Tofinu bắt đầu cuộc sống mới trên sông nước yên bình cho đến tận ngày nay.

Lạ & Cười - Ngôi làng nổi giữa hồ nước của bộ tộc chạy trốn kẻ thù

Một phiên họp chợ nổi tại ngôi làng Ganvie với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu

Chính vì sống lênh đênh trên sông nước mà người dân làng Ganvie có nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và thu nhập từ nuôi cá. Họ nuôi các loại cá trong những chiếc lồng lớn đặt dưới lòng hồ xung quanh nhà. Đặc biệt, con đường dẫn vào ngôi làng có rất nhiều lồng cá, họ không nuôi bằng cách thả con giống mà bẫy cá giống một cách rất tự nhiên và hiệu quả.

Xung quanh chiếc lồng được bao quanh bởi một hàng rào làm bằng thân cây cọ. Hàng rào này người dân sẽ cho rất nhiều thức ăn thối vào bên trong lồng dụ cá con chui vào. Khi cá con đã vào bên trong thì khó có thể thoát ra ngoài được bởi kết cấu đặc biệt của chiếc lồng và sự mê hoặc bởi thức ăn trong đó.

Sau khoảng 13 - 18 tháng, người dân sẽ thu hoạch cá và mang bán tại chợ nổi trong làng hoặc cung cấp cho thành phố Cotonou gần đấy.

Mối nguy cho môi trường

Cuộc sống của ngôi làng trên hồ nên thuyền và xuồng là tài sản không thể thiếu của người dân nơi đây. Vì thế, chúng được chạm khắc rất cầu kỳ từ thân những cây rừng to, lâu năm. Những chiếc xuồng nhỏ người dân dùng để di chuyển trong làng, còn thuyền lớn dùng để đi biển, bởi khoảng cách từ ngôi làng tới biển chỉ gần 4km. Mỗi gia đình ít nhất có hai cái thuyền hoặc xuồng.

Mối quan hệ và cuộc sống gia đình của người dân Ganvie được phân chia rõ ràng, người đàn ông có vai trò là trụ cột chính trong nhà. Họ kiếm tiền bằng việc nuôi và đánh bắt cá, còn người vợ sẽ giúp chồng mang cá ra chợ nổi trong làng bán và trông nom, nuôi dạy con cái.

Điểm du lịch hấp dẫn

Năm 1996, ngôi làng Ganvie đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tuy nhiên, đâu đó trong ngôi làng vẫn còn một vài xóm nghèo khó như các khu vực khác. Ngày nay, chính phủ Benin rất coi trọng Ganvie, một điểm du lịch hấp dẫn thu hút một lượng khách lớn đến đây hàng năm, đem lại nguồn thu lớn cho người dân địa phương và ngân sách Nhà nước. Cùng với đó là sự hiện diện của khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch và người dân địa phương. Đời sống của người dân ngày càng nâng cao cùng với nền văn hóa phát triển ngày một đa dạng.

Ngôi làng có một chợ nổi mọc lên để đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa và buôn bán của người dân. Hầu hết những người bán hàng là phụ nữ, ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ bé nhưng chất đầy hàng hóa, từ trái cây, rau quả, thịt, cá và thậm chí cả gỗ, đồ gốm.

Thời tiết ở vùng này khá nắng và rất nóng, bởi vậy phụ nữ ở đây thường đội những chiếc mũ cói rộng vành khi bán hàng tại chợ nổi. Trang phục của họ thường là những bộ quần áo có màu sáng và đầy màu sắc. Thời gian chợ nổi hoạt động là lúc tấp nập và náo nhiệt nhất, còn lại cuộc sống của ngôi làng này trôi đi khá yên bình và nhẹ nhàng.

Nhiều du khách đến đây tò mò về ngôi làng trên hồ nước này khi chết đi sẽ được chôn cất ở đâu. Theo thời gian, một số mô đất nhô lên, người dân lại chở đất về bồi đắp thêm vào để lấy chỗ chăn thả động vật trên cạn. Một số mô đất lớn, chính quyền địa phương dùng để xây trường học, trạm y tế và các công trình phúc lợi khác cho trẻ em và dân làng. Những mô đất to và cao hơn sẽ làm nghĩa trang để chôn cất người chết.

Bên cạnh những lợi ích và mặt tích cực từ việc kinh doanh dịch vụ du lịch và các sản phẩm từ thế giới hiện đại tràn vào đang gây ra ô nhiễm môi trường nước tại ngôi làng này. Mọi thứ đều có thể ném qua cửa sổ là xong nên các chất thải không phân hủy được ngày càng nhiều trên mặt hồ. Không những thế, nguồn nước tại đây cũng bắt đầu ô nhiễm nặng, điều này càng khiến lục bình nước phát triển dày đặc gây cản trở giao thông và mỹ quan làng du lịch. Đây cũng là vấn đề mà chính quyền địa phương đau đầu, chưa tìm ra hướng giải quyết.           

Vũ Phương

Sự thật cơ thể của những người chuyển giới

Thứ 4, 05/06/2013 | 09:07
Tưởng rằng khi chuyển giới, làn da, mái tóc sẽ thay đổi, nhưng sự thực, nhiều người vẫn còn "gờn gợn" những chi tiết nguyên bản ban đầu.

Từ dài nhất trong tiếng Đức sẽ biến mất

Thứ 4, 05/06/2013 | 08:14
Từ dài nhất trong tiếng Đức, bao gồm 63 chữ cái, bị hủy bỏ vĩnh viễn, tạp chí Der Spiegel cho biết.