Độc đáo người tạo hình Tổ quốc kết tinh từ tình yêu đá

Độc đáo người tạo hình Tổ quốc kết tinh từ tình yêu đá

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Chúng tôi gặp ông trong buổi chiều Đà Lạt đầy sương khói. Như mọi viễn khách đã đến và để lại những dòng lưu bút cùng ông, chúng tôi ngỡ ngàng trước tâm hồn yêu đá đến tột cùng của người lặng lẽ dành 20 năm tìm đá để tạo hình Tổ quốc qua tấm bản đồ được kết bằng những viên đá từ những địa danh có ý nghĩa lịch sử ở các tỉnh thành cả nước.

Yêu đá từ thuở thiếu thời

Dù đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời, ông Nguyễn Văn Minh chưa một giây phút nào ngừng yêu đá kể từ ngày trong ông có những ghi nhận về vật vốn dĩ vô tri vô giác này. “Từ hồi còn học THCS, tôi đã nung nấu ý tưởng sưu tầm đá nhưng mãi đến ngày nghỉ hưu, sau 2 nhiệm kỳ làm giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tôi mới thực hiện được. Với tôi, đá tạo tác nguồn sống, tất cả tồn tại được đều nhờ đất đá. Đá hiện hữu trong suốt cuộc sống con người. Khi thoát thai con người sống trong hang đá, dụng cụ lao động đầu tiên cũng bằng đá. Đá cũng là đề tài của văn học và nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác”, ông tâm sự. Do vậy, sau những ngày rong ruổi khắp các tỉnh thành, đến hầu khắp các địa danh lịch sử để tìm, sưu tầm đá và hoàn thành tấm bản đồ kỳ lạ độc nhất vô nhị, ông lại sưu tầm, nghiên cứu những bài thơ về đá. Công trình trên, sau hơn 10 năm nghiên cứu, ông đã cho ra đời cuốn “Hình tượng đá trong thi ca Việt Nam”.

Xã hội - Độc đáo người tạo hình Tổ quốc kết tinh từ tình yêu đá

Ông Nguyễn Văn Minh và tấm bản đồ độc nhất vô nhị làm từ chất liệu đá.

Chính vì hiểu và yêu loại chất liệu này như hiểu về một tri kỷ, anh thanh niên Nguyễn Văn Minh cùng với sự nung nấu nghiên cứu, sưu tầm các loại đá trên lãnh thổ Việt Nam đã lấy đá làm đề án tốt nghiệp cho quãng đời sinh viên của mình. Và con đường tạo ra một lối đi cho riêng mình từ những hòn đá tưởng chừng vô tri vô giác dường như đã bắt đầu từ đó.

Tuy nhiên, ngày mà mọi người biết đến ông, biết đến một kỷ lục gia ẩn mình trong một quả đồi yên ắng ở xứ Đà Lạt mù sương này là ngày ông hoàn thành tuyệt tác có một không hai ẩn chứa nhiều ý nghĩa- Tấm bản đồ Tổ quốc bằng đá được ông dày công sưu tầm có chủ đích từ 64 tỉnh thành. Và điều đáng nói, đáng ngạc nhiên ở đây là những viên đá ấy không hề có giá trị về vật chất: “Chúng chẳng phải là cẩm thạch, thạch anh hay mã não mà đơn thuần chỉ là những viên đá xanh rất đỗi bình thường”, ông chia sẻ. Thế nhưng, đằng sau những viên đá thô kệch “rất đỗi bình thường” trên là cả một kỳ công. Cái kỳ công ấy không chỉ mang ý nghĩa thỏa mãn chính niềm đam mê về đá của bản thân ông mà còn thể hiện tấm lòng yêu nước, yêu truyền thống lịch sử dân tộc của một công dân trong thời bình khi mỗi viên đá đều được ông Nguyễn Văn Minh cất công sưu tầm từ những địa danh có ý nghĩa lịch sử với dân tộc, Tổ quốc trên khắp 64 tỉnh thành.

Ông cho biết: “Cái ý định sưu tầm đá tôi đã có từ lâu rồi. Thế nhưng việc sưu tầm đá từ những địa danh có ý nghĩa lịch sử để làm bản đồ tổ quốc thì mãi đến năm 1992 tôi mới thực hiện”.

Xã hội - Độc đáo người tạo hình Tổ quốc kết tinh từ tình yêu đá (Hình 2).

Nhật ký hành trình lấy đá và lưu bút của khách thăm quan bản đồ.

Gian nan tháng ngày tìm đá tạo hình Tổ quốc

Chia sẻ với chúng tôi về những ngày gian nan đi sưu tầm đá khắp mọi miền đất nước, ông nói: “Vì phần lớn tôi lấy đá kết hợp với việc đi công tác, đi tham quan nên để có được một viên đá ưng ý, đạt tiêu chuẩn mà không ảnh hưởng đến chuyến đi, tôi phải lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước. Mỗi khi phải đến một địa phương nào đó, trước lúc khởi hành, tôi đều nghiên cứu rất kỹ và lựa chọn ra một địa danh có ý nghĩa lịch sử tiểu nhất cho địa phương này và chấm ngay địa danh đó trên bản đồ”.

Theo đó, suốt hơn 20 năm đi tìm đá ở những nơi mà theo ông: “Ở đó đá mang hồn thiêng của sông núi, của dân tộc”, ông đã đến “xin” đá ở Phú Thọ nơi đất tổ Vua Hùng, ở Thủ đô Hà Nội ông lấy đá tại gò Đống Đa – nơi ghi chiến công oanh liệt Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, thăm Quảng Nam ông lấy đá ở Di tích Mỹ Sơn – di sản văn hóa thế giới, ở Côn Sơn nơi Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã từng hiện hữu, hay núi bài thơ, nơi vua Lê Thánh Tông đã khắc thơ mình vào núi đá với một bài thơ cũng nói về đá... Và mới đây nhất, “tôi cũng đã có đá từ hai huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong bộ sưu tập của mình”. Thế mới thấy tâm hồn yêu đá đã hòa chung vào tấm lòng yêu tha thiết với mỗi vùng đất của ông.

Được biết, khi có điều kiện, ông cũng “xin” và “nhặt” từ những nước bạn. Trong những chuyến công tác của mình, ông lấy mảnh ngói cổ ở chùa Vàng Thái Lan, lấy đá ở cửa khẩu Lào – Việt và cửa khẩu Campuchia – Việt Nam. Tuy nhiên, đá của Tổ quốc vẫn là niềm đam mê chủ đạo của ông.

Nhưng, dẫu cho “cái bệnh yêu đá, khao khát đá” của ông không phải lúc nào cũng dễ dàng. “Lắm lúc, lắm nơi phải xin, phải nhặt thậm chí phải có cách riêng. Ở những địa danh gắn với yếu tố tâm linh như: Các khu di tích lịch sử, khu tưởng niệm thuộc cấp quốc gia, tôi phải làm lễ, dâng hương để “xin” đá không thể tùy tiện mà nhặt, mà xin được”, ông kể.

Tuy nhiên, không phải bất cứ một địa danh nào ông cũng có thể xin và nhặt đá một cách dễ dàng. Thế nên mới có chuyện ông từng bị các cơ quan chức năng giữ lại lập biên bản, tịch thu đồ đạc và hiện vật. Ông còn nói vui: “Đôi lúc muốn có đá theo ý muốn thì phải có cách riêng”. Ông cho biết, để có được một viên đá ở động Phong Nha – Kẻ Bàng ông đã bị phạt đến 2 triệu đồng vì ở đây người ta nghiêm cấm việc du khách đem hiện vật, khoáng vật từ khu du lịch ra ngoài. Để thỏa niềm mong ước, ông đã phải thuê cô lái đò làm việc tại đây “bí mật” lấy giúp mình một viên đá nhỏ.

Và như để lưu lại những kỷ niệm về những tháng ngày lặn lội tìm đá, ông Nguyễn Văn Minh cẩn thận ghi hình chụp ảnh lại những khoảnh khắc ông có được niềm vui cùng đá. Cuối cùng, như để kết lại hai khối tình lớn của cuộc đời mình: Yêu đá và yêu quê hương đất nước bằng việc dành hơn 5 tháng trời ròng rã chấm tọa độ, gò đá xếp thành tấm bản đồ Tổ quốc. Trên biểu tượng của hình hài Tổ quốc ấy, ông cho lắp hai bóng đèn đỏ ở vị trí Thủ đô Hà Nội và thành phố mang tên Bác. Khu vực biển đảo, ông sơn màu xanh, còn các nước xung quanh ông để nguyên màu gỗ và đặt viên đá của nước đó lên. Tấm bản đồ được đóng khung, lắp bánh xe có thể di chuyển dễ dàng và đặt ngay ngắn trước gian nhà ấm cúng như một niềm tự hào.

Ngọc Lài